Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng chống oan sai và nâng cao hiệu quả công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án trên địa bàn tỉnh Hà Nam
Số hiệu: 13/2020/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam Người ký: Phạm Sỹ Lợi
Ngày ban hành: 14/07/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2020/NQ-HĐND

Hà Nam, ngày 14 tháng 7 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM VÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT; PHÒNG CHỐNG OAN SAI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN, TÒA ÁN NHÂN DÂN VÀ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ MƯỜI SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án;

Xét Tờ trình số 2052/TTr-UBND ngày 10/7/2020 của UBND tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết “tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng chống oan sai và nâng cao hiệu quả công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án trên địa bàn tỉnh”; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận, thống nhất của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá chung về kết quả công tác tư pháp

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Cục thi hành án dân sự tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tổ chức triển khai nhiều biện pháp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và vi phạm pháp luật, kịp thời giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu của các nghị quyết Quốc hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và xử lý vi phạm hành chính cơ bản tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, chất lượng ngày càng được nâng cao, hạn chế oan, sai, tạo chuyển biến tích cực theo tinh thần của Hiến pháp về thực hiện quyền tư pháp, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đại bộ phận cán bộ làm công tác tư pháp tận tụy với công việc, có tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, hiệu quả công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án còn có tồn tại, hạn chế. Chất lượng công tác điều tra, khám phá các vụ án hình sự vẫn còn một số tồn tại. Số lượng, chất lượng kiến nghị, kháng nghị còn hạn chế; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa cao. Công tác xét xử vẫn còn tình trạng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ không đúng quy định, vẫn còn một số bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan. Một số việc thi hành án có giá trị lớn chưa được thi hành dứt điểm, đúng tiến độ và cũng chưa có giải pháp quyết liệt để khắc phục. Công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam còn một số tồn tại, công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đảm bảo tính răn đe, giáo dục. Năng lực, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ tư pháp còn hạn chế.

Điều 2. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp

1. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Tăng cường chỉ đạo các ngành, địa phương chấp hành nghiêm và tổ chức thực hiện đúng các chính sách, pháp luật, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và thực hiện chính sách xã hội. Đổi mới các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, gắn với tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trên các lĩnh vực; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ.

b) Chỉ đạo Công an tỉnh chủ động rà soát, phát hiện, xử lý giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm từ cơ sở, những việc liên quan đến tình hình an ninh nông thôn, các vụ việc liên quan đến an ninh tôn giáo, hoạt động của các tổ chức phản động, các đối tượng chống đối chính trị. Tập trung công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường; tấn công trấn áp mạnh với tội phạm có hoạt động gây phức tạp, nhất là tội phạm hoạt động theo ổ nhóm, sử dụng vũ khí nóng; tín dụng đen...phát hiện, xử lý kịp thời tệ nạn xã hội; làm tốt công tác vận động, truy bắt đối tượng truy nã, trốn thi hành án ngoài xã hội, công tác lập hồ sơ đề nghị đưa người đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc; công tác tái hòa nhập cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho người sau cai nghiện và người chấp hành xong án phạt tù. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm. Kiềm chế, giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí, giảm các vụ cháy, nổ.

Nâng cao chất lượng công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, công tác điều tra, đẩy nhanh tiến độ điều tra các loại án. Bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt 92%; 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm đều phải được khởi tố vụ án để điều tra theo đúng quy định của pháp luật; điều tra, khám phá các loại vụ án đạt trên 75%; án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 92% trên tổng số án khởi tố. Phấn đấu tỷ lệ thi hành án hình sự đối với người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án đạt trên 96%.

c) Chỉ đạo Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án, Cơ quan thanh tra phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt trên 60%. Bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét việc khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh:

Tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, chống oan sai và bỏ lọt tội phạm, đảm bảo cho các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng các kháng nghị và chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Chú trọng phát hiện vi phạm, thiếu sót của cơ quan tư pháp để yêu cầu sửa chữa, khắc phục kịp thời. Phối hợp với Cơ quan điều tra rà soát những vụ án đang tạm đình chỉ điều tra để sớm phục hồi điều tra, nhất là đối với những trường hợp sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tránh bỏ lọt tội phạm.

Kiểm sát 100% trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khi tố; kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; kiểm sát chặt chẽ việc bắt, tạm giữ, tạm giam, đảm bảo tỷ lệ số người bị bắt, tạm giữ về hình sự chuyển khi tố đạt 97% trở lên; ra quyết định truy tố đúng thời hạn đạt tỷ lệ 100% trên số án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố; tỷ lệ truy tố bị can đúng tội trên 98%; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm các loại án được Tòa án xét xử chấp nhận đạt trên 70%; tỷ lệ kiến nghị được các cơ quan, đơn vị hữu quan chấp nhận đạt tỷ lệ 90% trở lên.

3. Tòa án nhân dân tỉnh:

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các loại án; bảo đảm việc giải quyết, xét xử và ra bản án, quyết định có căn cứ, khách quan, đúng pháp luật; không để xảy ra việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Tỷ lệ xét xử các vụ án hình sự đạt 90% trở lên; tỷ lệ giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đạt từ 85% trở lên; tỷ lệ xét xử các vụ án hành chính từ 65% trở lên. Nâng cao tỷ lệ hòa giải thành đối với các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và đối thoại thành các vụ án hành chính, không để án quá hạn luật định; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân trong thời hạn luật định đạt 100%; kiểm tra công tác giải quyết, xét xử đối với Tòa án nhân dân cấp huyện đạt 100%; kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đạt 100%. Bảo đảm tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không quá 1,4% trong tổng số các loại án. Ra quyết định thi hành án hình sự đối với 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; thực hiện công tác xét đặc xá trường hợp đặc biệt đảm bảo quy định. 100% các bản án, quyết định của Tòa án được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

4. Cơ quan thi hành án dân sự:

Đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự; đảm bảo chính xác, đúng pháp luật trong xác minh, phân loại các việc có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành.

Phấn đấu tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên 82% về việc và 39% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành; nâng tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước; ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Đinh kỳ hằng năm, trong báo cáo công tác trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp cuối năm, lồng ghép báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

3. Nghị quyết số 44/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh Hà Nam về tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm; phòng chống oan, sai và nâng cao hiệu quả công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Thi hành án trên địa bàn tỉnh năm 2017 và các năm tiếp theo hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam khóa XVIII, Kỳ họp thứ mười sáu thông qua ngày 14 tháng 7 năm 2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 7 năm 2020./.

 


Nơi nhận:

- UBTV Quốc hội;
- Chính phủ;
- Các Bộ, ngành: Tài chính; Công an; TAND tối cao; VKSND tối cao;
- Cục KTVBQPPL-BTP;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh; Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các sở, ngành: TC, TP; Công an tỉnh, VKSND tỉnh; TAND tỉnh;
- Các Ban, các Tổ, ĐB HĐND tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Phạm Sỹ Lợi

 

BẢNG PHỤ LỤC CHỈ TIÊU NGHỊ QUYẾT HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

(Kèm theo Nghị quyết số: 13/2020/NQ-HĐND ngày 14/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

STT

Chỉ tiêu

Nghị quyết số 96/2019/QH14

Nghị quyết HĐND tỉnh

 

Công an tỉnh

1

Tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

100%

100%

2

Giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

>90%

92%

3

Điều tra, khám phá các vụ án trên tổng số án khởi tố

>75%

>75%

4

Án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên tổng số án khởi tố

>90%

92%

5

Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm được khởi tố vụ án để điều tra theo đúng quy định của pháp luật

100%

100%

6

Tỷ lệ thi hành án hình sự đối với người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án

 

> 96%

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh

7

Kiểm sát thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

100%

100%

8

Kiểm sát số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố

100%

100%

9

Tỷ lệ ra quyết định truy tố đúng thời hạn trên số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố

>90%

100%

10

Tỷ lệ truy tố bị can đúng tội

>95%

>98%

11

Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm các loại án được Tòa án xét xử chấp nhận

>70%

>70%

12

Tỷ lệ kiến nghị được các cơ quan, đơn vị hữu quan chấp nhận

>80%

≥90%

13

Tỷ lệ số người bị bắt, tạm giữ về hình sự chuyển khởi tố

 

≥97%

Tòa án nhân dân tỉnh

14

Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan

≤1,5%

≤1,4%

15

Tỷ lệ xét xử các vụ án hình sự

>88%

≥90%

16

Tỷ lệ giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động

>78%

≥85%

17

Tỷ lệ xét xử các vụ án hành chính

>60%

≥65%

18

Xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân trong thời hạn luật định

 

100%

19

Kiểm tra công tác giải quyết, xét xử đối với Tòa án nhân dân cấp huyện

 

100%

20

Kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

100%

100%

21

Ra quyết định thi hành án hình sự đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật

100%

100%

Cục thi hành án dân sự tỉnh

22

Tỷ lệ Thi hành án dân sự về việc và về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành

 

>82% về việc và 39% về tiền

23

Ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật

100%

100%

Cơ quan Thanh tra

24

Bảo đảm các vụ việc khi thanh tra có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét việc khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

100%

100%

 





Nghị quyết 44/2016/NQ-HĐND bãi bỏ Nghị quyết 86/2014/NQ-HĐND Ban hành: 01/08/2016 | Cập nhật: 16/11/2016