Nghị quyết 06/2010/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học dành cho học sinh, sinh viên, học viên tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010-2015
Số hiệu: 06/2010/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh Người ký: Nguyễn Thị Thu Thủy
Ngày ban hành: 23/03/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2010/NQ-HĐND

Tây Ninh, ngày 23 tháng 3 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC, SAU ĐẠI HỌC DÀNH CHO HỌC SINH, SINH VIÊN, HỌC VIÊN TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2010-2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 19

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002 và Nghị định số 60/2003/NĐ-CP , ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Sau khi xem xét Tờ trình số 560/TTr-UBND, ngày 18 tháng 3 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, về việc thông qua “Đề án đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trình độ sau đại học tại các cơ sở nước ngoài” và “Đề án hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học dành cho học sinh, sinh viên, học viên tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010-2015”; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa – Xã hội và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học dành cho học sinh, sinh viên, học viên tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010-2015, với những nội dung chính như sau:

I. Mục tiêu

- Hỗ trợ đào tạo đội ngũ học sinh, sinh viên, học viên khá, giỏi có hộ khẩu trong tỉnh, hình thành đội ngũ trí thức trẻ có trình độ cao, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh trong thời kỳ mới;

- Thu hút nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy việc ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương;

- Đẩy mạnh quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ để tỉnh sớm có đủ năng lực tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến của các nước phát triển.

II. Đối tượng đào tạo

Diện 1. Gồm những học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông; những sinh viên đang học từ năm thứ 2 đến năm cuối ở các trường đại học, học viện trong và ngoài nước; những sinh viên trúng tuyển đầu vào hoặc đang học cao học ở các trường đại học, học viện trong và ngoài nước; những sinh viên có bằng thạc sĩ và trúng tuyển đầu vào hoặc đang học làm nghiên cứu sinh ở các trường đại học, học viện trong và ngoài nước của những chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu.

Diện 2. Gồm những học sinh, sinh viên thuộc diện 1 nhưng thuộc đối tượng chính sách, cụ thể như sau:

- Bản thân là thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh;

- Con của liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và con của những người được hưởng chính sách như thương binh, có tỉ lệ thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên;

- Có cha hoặc mẹ tham gia cách mạng thời kỳ chống Pháp hoặc chống Mỹ liên tục ở chiến trường B, C, K được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hoặc Huy chương kháng chiến;

- Là dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại địa phương ít nhất 36 tháng trở lên;

- Thuộc gia đình nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia.

III. Số lượng đào tạo

- Đào tạo 150 sinh viên có trình độ đại học;

- Đào tạo 90 thạc sĩ và 10 tiến sĩ.

IV. Điều kiện, tiêu chuẩn xét tuyển

1. Điều kiện và tiêu chuẩn chung

a) Có sức khoẻ tốt;

b) Lý lịch gia đình rõ ràng; gia đình và bản thân học sinh chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước; có phẩm chất đạo đức tốt.

c) Tích cực tham gia hoạt động xã hội, đoàn thể, văn nghệ, thể thao; có uy tín đối với tập thể.

d) Có khả năng ngoại ngữ theo quy định của cơ sở đào tạo học sinh được cử đi học (nếu đào tạo ở nước ngoài).

đ) Độ tuổi không quá 30 tuổi đối với đào tạo sau đại học, không quá 25 tuổi đối với đào tạo đại học.

e) Có hộ khẩu tại tỉnh Tây Ninh.

2. Điều kiện cụ thể

a) Đào tạo đại học

* Đối với học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông

- Học ở trong nước:

Đối với diện 1: Đạt một trong những tiêu chuẩn sau :

+ Đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi liên tục từ lớp 10 đến lớp 12 hệ phổ thông, tốt nghiệp trung học phổ thông đạt từ loại khá trở lên; trúng tuyển vào đại học trong nước với số điểm từ 21 trở lên ở những chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu;

+ Đạt từ giải III cấp tỉnh trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi trung học phổ thông (môn đạt giải phải nằm trong các môn thi của khối thi đại học); trúng tuyển vào đại học trong nước với số điểm từ 21 trở lên ở những chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu;

+ Được tuyển thẳng vào đại học theo quy định hiện hành.

Đối với diện 2: Yêu cầu học sinh có kết quả tốt nghiệp từ trung bình và kết quả thi đại học đạt từ 19 điểm trở lên.

- Học ở nước ngoài:

Đối với diện 1: Đạt một trong những tiêu chuẩn sau:

+ Đạt danh hiệu học sinh giỏi liên tục từ lớp 10 đến lớp 12 hệ phổ thông, tốt nghiệp trung học phổ thông đạt loại giỏi; trúng tuyển vào đại học trong nước với số điểm từ 24 trở lên ở những chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu.

+ Đạt giải II cấp tỉnh trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi trung học phổ thông và trúng tuyển đại học với số điểm từ 24 trở lên hoặc giải III cấp quốc gia trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi trung học phổ thông được tuyển thẳng vào đại học trong nước của những chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu.

Đối với diện 2: Yêu cầu học sinh có kết quả tốt nghiệp từ loại khá và kết quả thi đại học đạt từ 22 điểm trở lên.

* Đối với sinh viên đang học đại học:

Đối với diện 1: Là những sinh viên có kết quả của năm trước liền kề (so với năm nộp hồ sơ dự xét tuyển) đạt loại khá trở lên của những chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu.

Đối với diện 2: Yêu cầu sinh viên có kết quả của năm trước liền kề đạt loại trung bình khá trở lên.

b) Đào tạo cao học

* Đối với người tốt nghiệp đại học:

- Học ở trong nước:

+ Đối với diện 1: Là những người tốt nghiệp đại học từ loại khá trở lên và trúng tuyển cao học của những chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu.

+ Đối với diện 2: Là những người có kết quả tốt nghiệp đại học đạt loại trung bình khá trở lên.

- Học ở nước ngoài:

+ Đối với diện 1: Là những người tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên và trúng tuyển cao học của những chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu.

+ Đối với diện 2: Là những người tốt nghiệp đại học đạt loại khá trở lên.

* Đối với học viên đang học cao học trong và ngoài nước:

- Đối với diện 1: Là những người tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi và đang học cao học ở những chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu.

- Đối với diện 2: Là những người tốt nghiệp đại học đạt loại trung bình khá trở lên.

c) Xét tuyển nghiên cứu sinh

* Đối với người tốt nghiệp Thạc sĩ:

- Xét tuyển nghiên cứu sinh trong nước:

+ Đối với diện 1: Là những người tốt nghiệp thạc sĩ có điểm trung bình cộng từ loại khá trở lên những chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu.

+ Đối với diện 2: Là những người tốt nghiệp thạc sĩ có điểm trung bình cộng từ loại trung bình khá trở lên.

- Xét tuyển nghiên cứu sinh ở nước ngoài:

+ Đối với diện 1: Là những người tốt nghiệp thạc sĩ có điểm trung bình cộng từ loại giỏi ở những chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu.

+ Đối với diện 2: Là những người tốt nghiệp thạc sĩ có điểm trung bình cộng từ loại khá trở lên.

* Đối với người đang là nghiên cứu sinh trong và ngoài nước: Là những người tốt nghiệp thạc sĩ và đang làm nghiên cứu sinh ở những chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu.

V. Chỉ tiêu, ngành nghề

Tùy theo nhu cầu đào tạo của tỉnh, hàng năm cơ quan có thẩm quyền sẽ quy định danh mục ngành đào tạo và chỉ tiêu đào tạo cho từng chuyên ngành cụ thể.

VI. Cơ sở đào tạo

Liên kết với các cơ sở đào tạo công lập trong nước (Viện nghiên cứu khoa học, Trung tâm nghiên cứu khoa học, Trường đại học….), các trường đại học ở nước ngoài để cử học sinh, sinh viên đi học theo những chuyên ngành và chỉ tiêu mà tỉnh có nhu cầu.

Danh mục các quốc gia và cơ sở giáo dục mà tỉnh gửi học sinh đi đào tạo sẽ được cơ quan có thẩm quyền công bố hàng năm.

VII. Kinh phí thực hiện

Các đối tượng đáp ứng đầy đủ điều kiện và tiêu chuẩn xét tuyển sẽ được tỉnh chi trả kinh phí đi học, mức hỗ trợ do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Tổng kinh phí thực hiện khoảng 73 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí được bố trí từ ngân sách tỉnh và các nguồn kinh phí khác.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này đảm bảo đúng quy định, hàng năm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình triển khai và kết quả thực hiện.

Điều 4. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Khóa VII, kỳ họp thứ 19 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thu Thủy

 





Nghị định 60/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước Ban hành: 06/06/2003 | Cập nhật: 06/12/2012