Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐND về nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Số hiệu: | 04/2016/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Thành phố Hải Phòng | Người ký: | Nguyễn Đình Bích |
Ngày ban hành: | 29/03/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2016/NQ-HĐND |
Hải Phòng, ngày 29 tháng 3 năm 2016 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 14
(Từ ngày 23 đến ngày 24 tháng 3 năm 2016)
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Xét Tờ trình số 44/TTr-UBND ngày 07/3/2016 của UBND thành phố Hải Phòng về Đề án Nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án “Nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được nêu tại Tờ trình 44/TTr-UBND ngày 07/3/2016 của UBND thành phố Hải Phòng (kèm theo báo cáo Đề án, phụ lục bảng, biểu, bản đồ) với những nội dung chính như sau:
- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp cả nước và phù hợp với tái cơ cấu kinh tế của thành phố Hải Phòng, phù hợp với quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên, tiềm năng địa phương; gắn với liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Duyên hải Bắc bộ và hội nhập quốc tế.
- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; nông nghiệp đô thị sinh thái, sản phẩm chất lượng cao, an toàn, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng lợi nhuận cho người sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo, bảo đảm phát triển bền vững. Tập trung, ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, có lợi thế cạnh tranh; tổ chức sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, chế tạo, dịch vụ nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ xanh và an toàn thân thiện môi trường.
- Tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là kêu gọi và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông phẩm và hình thành các mô hình hợp tác liên kết các hộ nông dân. Phát triển hình thức đối tác công tư và cơ chế đồng quản lý, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng. Khuyến khích nông dân và doanh nghiệp đổi mới giống, qui trình sản xuất, công nghệ, thiết bị để nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững.
- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là đòi hỏi khách quan trong quá công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; là quá trình lâu dài, phức tạp, nhiều khó khăn; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cần phải kiên trì, tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo; thường xuyên đánh giá, tổng kết thực tiễn; điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn.
2.1. Mục tiêu tổng quát
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng vào phát huy cao lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản phẩm đặc sản địa phương; phát triển nền sản xuất nông nghiệp thành phố ngày càng tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, bảo vệ nguồn lợi tự nhiên, giảm thiểu chất thải, khí thải; gắn với phát triển chế biến, chế tạo, thương mại dịch vụ nông nghiệp; hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng, nâng giá trị gia tăng chất lượng, năng suất, độ sạch, an toàn sản phẩm; hình thành các sản phẩm chủ lực có thương hiệu, có sức cạnh tranh tốt tại thị trường trong và ngoài nước. Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của dân cư nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới; góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại.
2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
2.2.1. Về kinh tế
Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 2,7%/năm. Tỷ trọng GDP nhóm ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 5,3%/năm.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 2,92%/năm, trong đó: Nông nghiệp 1,55%/năm (trồng trọt 0,45%/năm, chăn nuôi 2,0%/năm, dịch vụ 8,85%/năm); thủy sản 6,05%/năm (nuôi trồng và dịch vụ 5,15%/năm, khai thác 7,15%/năm); lâm nghiệp 2,51%/năm.
Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản là 57,75% - 0,25% - 42%. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp: trồng trọt 46%, chăn nuôi 46,85%, dịch vụ 7,15%; thủy sản: nuôi trồng và dịch vụ 59%, khai thác 41%.
Giá trị gia tăng trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp tăng gấp 1,4 lần so với năm 2014, ước đạt 106,2 triệu đồng/ha (giá so sánh năm 2010).
Xác định các ngành hàng chủ lực:
- Sản xuất trồng trọt: lúa chất lượng đặc sản; rau, củ, quả thực phẩm chất lượng; hoa - cây cảnh; thuốc lào. Đến năm 2020, sản lượng lúa chất lượng đạt 164.050 tấn; rau củ quả đạt 375.000 tấn; hoa 98.163 nghìn bông, cây cảnh 675,5 nghìn cây; thuốc lào 4.823 tấn.
- Sản xuất chăn nuôi: Lợn thịt và gia cầm. Đến năm 2020, sản lượng thịt hơi: Thịt lợn trên 75.000 tấn; thịt gia cầm 49.500 tấn; trứng gia cầm 285 triệu quả.
- Sản xuất thủy sản: khai thác thủy sản gồm nhóm nhuyễn thể (mực), nhóm cá đáy (cá đồng, cá dưa, cá phèn...); nuôi thủy sản tôm nước lợ, cá rô phi; chế biến thủy sản gồm tôm đông lạnh, mực khô, nước mắm. Đến năm 2020, sản lượng thủy sản: Mực trên 5.400 tấn; nhóm cá đáy trên 12.000 tấn; tôm thẻ chân trắng 7.200 tấn; tôm sú 1.738 tấn; cá rô phi 12.750 tấn; tôm đông lạnh chế biến 2.270 tấn; mực khô chế biến 910 tấn; nước mắm 5,6 triệu lít.
2.2.2. Về xã hội
- Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,5 - 2,0 lần so với năm 2014, ước đạt 40,5 - 54,0 triệu đồng/người.
- Chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn; tỷ lệ lao động nông, lâm nghiệp, ngư nghiệp dưới 25%. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 30.000 lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực nông thôn chiếm 40-50%.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn dưới 2% (Tiêu chí nghèo đa chiều).
- 100% xã đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về sản xuất nông nghiệp; cụ thể:
+ Tiêu chí số 2 (phần 2.4.) (Tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện);
+ Tiêu chí số 3 (Thủy lợi);
+ Tiêu chí số 10 (Thu nhập);
+ Tiêu chí số 12 (Cơ cấu lao động);
+ Tiêu chí số 13 (Hình thức tổ chức sản xuất).
2.2.3. Về môi trường nông thôn
Quản lý tốt đất nông nghiệp, các nguồn lợi thiên nhiên, bảo vệ môi trường nông thôn bền vững: bảo đảm độ che phủ rừng và cây xanh đạt 24% (trong đó độ che phủ rừng 15,6%); bảo vệ và phát triển nguồn lợi tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; xử lý căn bản ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp khu vực nông thôn, trong sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn; tối thiểu 85% lượng nước thải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải; chất thải được xử lý bảo đảm hợp vệ sinh tại các cơ sở chăn nuôi tập trung trang trại công nghiệp, giết mổ, chế biến đạt 50-60%; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, dịch bệnh, quản lý rủi ro trong sản xuất, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
2.3. Định hướng mục tiêu đến năm 2030
Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng đô thị sinh thái hiện đại, sản xuất xanh, bảo vệ môi trường gắn với du lịch cộng đồng và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Một số chỉ tiêu chủ yếu:
2.3.1. Kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030 bình quân đạt 2%.
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021-2030 khoảng 2,15%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản là 51,6% - 0,25% - 48,15%.
- Giá trị gia tăng trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp tăng gấp 2 lần so với năm 2014, ước đạt 160 triệu đồng/ha (giá so sánh năm 2010).
2.3.2. Xã hội
- Tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm khoảng 10 - 15% tổng số lao động của thành phố. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 35.000 lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực nông thôn chiếm 70-80%.
- Thu nhập bình quân người khu vực nông thôn tăng 3,0 - 3,5 lần so với 2014, ước đạt 80 - 95 triệu đồng/người.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn dưới 1,5% (Tiêu chí nghèo đa chiều)
- 100% xã đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về sản xuất nông nghiệp (duy trì và nâng cao); cụ thể:
+ Tiêu chí số 2 (phần 2.4.) (Tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện);
+ Tiêu chí số 3 (Thủy lợi);
+ Tiêu chí số 10 (Thu nhập);
+ Tiêu chí số 12 (Cơ cấu lao động);
+ Tiêu chí số 13 (Hình thức tổ chức sản xuất).
2.3.3. Môi trường
- 100% chất thải rắn của sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp được thu gom xử lý hợp vệ sinh.
- Độ che phủ rừng và cây xanh đạt 26%.
- Tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải, chất thải, duy trì, bảo tồn nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên.
3. Định hướng và nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp
3.1. Định hướng chung
- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, áp dụng công nghệ sinh học, bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
- Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng gắn kết với thị trường; lấy liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản làm trung tâm của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp; tập trung phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực của thành phố, phát huy tiềm năng của các sản phẩm đặc sản địa phương, xây dựng thương hiệu sản phẩm; ưu tiên các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như gia súc, gia cầm chăn nuôi chất lượng cao; lúa chất lượng, rau củ quả, thuốc lào, cây hoa cây cảnh; thủy hải sản. Tăng nhanh sản phẩm nông sản tiêu thụ trong siêu thị, chú trọng cung ứng thực phẩm cho hệ thống tàu biển, tàu khai thác thủy sản.
- Xác định khoa học công nghệ và đổi mới tổ chức sản xuất là động lực cho tăng trưởng, nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với du lịch cộng đồng, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng nhanh tỷ trọng giá trị thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm; phát triển ngành hàng chủ lực theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ nông sản.
- Chú trọng khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ nông nghiệp: đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản, đặc biệt là chế biến các sản phẩm từ gạo; phát triển ngành nghề nông thôn phục vụ trang bị, cung ứng vật tư cho nông nghiệp, sản xuất bao bì, bao gói nông sản gắn với dịch vụ tiêu thụ nông sản trong siêu thị và phục vụ khách du lịch.
- Tái cơ cấu gắn với chuyển đổi tổ chức quản lý sản xuất nông nghiệp; tập trung phát triển kinh tế hợp tác và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
3.2. Tái cơ cấu trong các lĩnh vực cụ thể
3.2.1. Trồng trọt
Tái cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, địa phương. Tăng diện tích cây trồng hàng hóa giá trị kinh tế cao, đặc sản, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất 2 lúa, nhất là trên đất canh tác lúa kém hiệu quả, khoảng 5.500 ha, chiếm 14,5% tổng diện tích đất trồng lúa.
3.2.2. Chăn nuôi
Tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi thông qua nâng cao chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ tập trung và tiêu thụ, chế biến gắn với thị trường.
3.2.3. Thủy sản
Tái cơ cấu ngành thủy sản để Hải Phòng thực sự trở thành địa phương mạnh về biển, trung tâm thủy sản về giống, thức ăn, khoa học công nghệ, chế biến, xuất khẩu của vùng duyên hải Bắc bộ và là trung tâm nghề cá lớn khu vực phía Bắc.
3.2.4. Lâm nghiệp
Thực hiện tốt các chương trình bảo vệ và phát triển rừng Chính phủ và thành phố đã phê duyệt; bảo vệ 95.308,7 lượt ha; trồng mới 5.249,8 ha; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 7.816,5 lượt ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung 1.000 ha; nâng cấp rừng trồng 2702,9 ha.
3.2.5. Chế biến và ngành nghề nông thôn
Ưu tiên phát triển chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với hoạt động dịch vụ, du lịch và bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống; đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải, chất thải, khí thải, bảo vệ môi trường.
4.1. Xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các lĩnh vực ngành nông nghiệp, quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất hàng hóa, đảm bảo phát triển bền vững
- Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các quy hoạch trong từng lĩnh vực cụ thể: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp.
- Quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa cây trồng chủ lực, chăn nuôi tập trung, gắn với dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy mô trang trại lớn, coi đây là điều kiện tạo đột phá cho tái cơ cấu nông nghiệp. Căn cứ quy hoạch, xây dựng các đề án phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm: lúa chất lượng đặc sản, rau củ quả giá trị (đậu đỗ, bí đỏ, bí xanh, cà chua, dưa chuột, ...), thuốc lào, hoa-cây cảnh, lợn thịt, gia cầm, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, hàu, mực.
4.2. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến nông sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới
Rà soát, xây dựng mới, phân loại các dự án đầu tư, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các chương trình dự án cấp thiết, quan trọng, có tính đột phá đối với tái cơ cấu nông nghiệp. Quản lý chặt chẽ việc đầu tư theo quy hoạch. Phát triển hình thức liên kết công - tư, khuyến khích xã hội hóa tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách và các thành phần kinh tế để tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giống công nghệ, trang thiết bị sản xuất, chế biến nông sản.
4.3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất vật tư, chế biến nông sản, thủy sản; tăng cường ứng dụng quy trình dịch hại tổng hợp (IPM) đảm bảo sản phẩm an toàn
Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; nâng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp; bảo hộ tốt sở hữu trí tuệ trong phát triển sản phẩm, nhất là đặc sản, sản phẩm truyền thống. Áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ tế bào trong sản xuất giống. Tăng cường ứng dụng quy trình thực hành tốt trong nông nghiệp, thủy sản GAHP, VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất lúa, rau màu; tăng cường công tác quản lý nhà nước đảm bảo sản xuất sạch, an toàn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng giải pháp công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản chế biến nông sản, xử lý môi trường.
4.4. Đổi mới chính sách, quản lý trong nông nghiệp, nhất là quản lý đất đai, thủy lợi, cải tạo đất
Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích liên doanh, liên kết trong sản xuất; dồn điền, đổi thửa và tích tụ ruộng đất bằng hình thức nông dân góp vốn bằng đất, thỏa thuận cho tổ chức và doanh nghiệp thuê đất sản xuất. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuê diện tích đất nhất định để tổ chức thực hiện một số mô hình sản xuất trình diễn sản xuất cây con giống phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp, xây dựng khu chế biến và bảo quản nông sản. Xây dựng cơ chế người nông dân tham gia với doanh nghiệp trong tái cơ cấu chuỗi mô hình trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng, đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất nông, lâm, thủy sản; chính sách bảo hiểm phù hợp với thực tế sản xuất một số ngành hàng chủ lực, sản phẩm có có lợi thế cao của thành phố. Điều chỉnh quy hoạch thủy lợi theo hướng phục vụ vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đề xuất chính sách đền bù giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất; cải tạo đất đai sau thu hồi đất.
4.5. Kêu gọi và đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp
Thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp. Thành phố có cơ chế hỗ trợ cấp vốn để thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp thuê đất thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuê lại đất của nông dân thực hiện đầu tư sản xuất và tiêu thụ nông sản hoặc doanh nghiệp cùng với nông dân tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn và thu mua, tiêu thụ sản phẩm để tạo ra các sản phẩm có chất lượng. Ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư đầu tư vào kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp (giết mổ tập trung gia súc, gia cầm; chế biến, thương mại nông sản). Tăng quy mô và sử dụng hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn.
4.6. Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản Hải Phòng theo hướng tiêu thụ trong siêu thị, xuất khẩu với chất lượng cao
Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh thành trong cả nước, với các địa phương khác ở qui mô vùng; với doanh nghiệp nắm mạng lưới siêu thị để hợp tác tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện trao đổi, phân phối lưu thông hàng hóa theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển thị trường truyền thống và tiềm năng của nông sản thành phố, đặc biệt là hệ thống siêu thị thương mại. Xây dựng trang thông tin điện tử về sản phẩm nông nghiệp thành phố, hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong ngoài nước. Bám sát các nội dung cam kết trong các hiệp định như WTO, TPP, FTA… để có những chính sách, giải pháp hỗ trợ tái cơ cấu phù hợp.
4.7. Đổi mới tổ chức sản xuất, đưa các mô hình tổ chức sản xuất thích hợp với từng loại cây trồng, con vật nuôi, mô hình hợp tác, liên kết sản xuất có hiệu quả
Đối với kinh tế hộ: Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo liên kết sản xuất giữa các hộ gia đình; liên kết giữa hộ sản xuất và các khâu bảo quản, chế biến, thu mua và tiêu thụ sản phẩm.
Đối với kinh tế hợp tác: Tăng cường công tác quản lý nhà nước với loại hình hợp tác xã trong nông nghiệp; định hướng chỉ đạo, hướng dẫn chuyển đổi hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012, xây dựng hợp tác xã phù hợp với thực tiễn phát triển ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới, đặc biệt là hợp tác xã đa ngành nghề; liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đối với doanh nghiệp: Tăng cường thu hút đầu tư cả doanh nghiệp, nhất là tập đoàn nông nghiệp, thủy sản lớn có nhiều uy tín. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, đổi mới hoạt động của các doanh nghiệp trong nông nghiệp, thực hiện cổ phần hóa, giải thể các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định; chuyển các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trong lĩnh vực thủy nông sang hạch toán kinh doanh.
4.8. Tăng cường công tác khuyến nông, đào tạo nguồn nhân lực, cơ cấu lại lực lượng lao động nông thôn
Tăng cường các hoạt động khuyến nông, thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn... Ưu tiên tập trung hỗ trợ đào tạo nông dân và chủ cơ sở sản xuất nông nghiệp, nhất là đối tượng trực tiếp sản xuất hàng chủ lực, lợi thế so sánh. Hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm để chuyển lao động nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp.
4.9. Bảo vệ môi trường sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu
Hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, áp dụng các chế tài đủ mạnh bảo đảm chất lượng vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản, chất cấm trong sản xuất,...). Hướng dẫn người dân nâng cao kiến thức ứng dụng các phương pháp sản xuất hữu cơ, IPM, GAP, các phương pháp xử lý làm sạch nước, nâng cao chất lượng nước dùng trong nông nghiệp, ứng phó với thiên tai bão lụt, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
4.10. Coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị các cấp.
5. Nhu cầu vốn và nguồn vốn thực hiện
- Tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án là 40.913 tỷ đồng (không bao gồm nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, xây dựng hạ tầng nông thôn và các chương trình khác), phân theo giai đoạn như sau:
+ Giai đoạn 2016-2020: 10.551,9 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn Trung ương 601,5 tỷ đồng; địa phương 420,2 tỷ đồng; vốn tín dụng 2.701,3 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, tư nhân và tổ chức khác 6.828,9 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2020 - 2030: 30.361,1 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn Trung ương 910,8 tỷ đồng; địa phương 1.515,6 tỷ đồng; vốn tín dụng 6.070,2 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, tư nhân và tổ chức khác 21.862,5 tỷ đồng.
- Cơ cấu nguồn vốn theo từng lĩnh vực cụ thể:
Vốn đầu tư cho lĩnh vực trồng trọt 11.707,4 tỷ đồng, chiếm 28,62%; chăn nuôi 11.594,3 tỷ đồng chiếm 28,34%; thủy sản 17.182,4 tỷ đồng, chiếm 42%; lâm nghiệp 428,9 tỷ đồng, chiếm 1,05%.
Giao Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án và tổ chức triển khai thực hiện.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng khóa XIV, kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 24 tháng 3 năm 2016 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 Ban hành: 20/06/2017 | Cập nhật: 21/06/2017
Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến 2030 Ban hành: 27/05/2016 | Cập nhật: 01/06/2016
Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” Ban hành: 10/06/2013 | Cập nhật: 11/06/2013
Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường đến năm 2020 Ban hành: 10/06/2011 | Cập nhật: 11/06/2011
Quyết địnhố 899/QĐ-TTg năm 2009 bổ nhiệm và miễn nhiệm Ủy viên Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2009 – 2014 Ban hành: 24/06/2009 | Cập nhật: 29/06/2009
Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2008 về việc tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Ban hành: 14/07/2008 | Cập nhật: 23/07/2008
Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2000 về việc thay đổi chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh Ban hành: 20/09/2000 | Cập nhật: 11/04/2007