Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐND sửa đổi Điều 1 Nghị quyết 01/2015/NQ-HĐND thông qua Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015-2020
Số hiệu: 02/2018/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi Người ký: Bùi Thị Quỳnh Vân
Ngày ban hành: 13/07/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2018/NQ-HĐND

Quảng Ngãi, ngày 13 tháng 7 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG TẠI ĐIỀU 1 NGHỊ QUYẾT SỐ 01/2015/NQ-HĐND NGÀY 22 THÁNG 4 NĂM 2015 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2015-2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Xét Tờ trình số 59/TTr-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 1 Nghị quyết số 01/2015/NQ-HĐND ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015-2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 1 Nghị quyết số 01/2015/NQ-HĐND ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015-2020 như sau:

1. Điểm b khoản 1, Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 4%/năm;

Phấn đấu đạt giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha canh tác cây ngắn ngày đến năm 2020 đạt trên 85 triệu đồng. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đến năm 2020 chiếm 45%.

Phát triển lâm nghiệp: tăng độ che phủ rừng lên 50% vào năm 2015 và 52% giai đoạn 2016-2020; bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường; khắc phục và giảm thiểu thiệt hại do phá rừng tự nhiên và tác động xấu của biến đổi khí hậu.

Giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản ở mức 206.000 tấn/năm; cơ cấu tàu thuyền khai thác theo hướng giảm dần tàu có công suất nhỏ dưới 90CV khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng, tăng dần số tàu có công suất 400CV trở lên có khả năng khai thác xa bờ.

Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ dân cư nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 95%; có trên 50% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch.”

2. Điểm c khoản 1 Điều 1 được bổ sung như sau:

“- Cơ cấu lại theo lĩnh vực sản phẩm:

+ Nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia: Thịt heo, thịt gia cầm.

+ Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh: tập trung vào nhóm sản phẩm có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn như: mì, mía, lạc, ngô, cây lúa, chú trọng phát triển lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, rau an toàn, bò thịt, tôm nuôi, gỗ nguyên liệu chế biến sâu.

+ Nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương: tỏi Lý Sơn, quế Trà Bồng, Chè Minh Long, heo Ki, gà H’re… và các sản phẩm đặc sản khác của từng địa phương.

- Cơ cấu lại nông nghiệp theo vùng:

+ Khu vực miền núi: Bảo vệ tốt rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn. Chú trọng phát triển mạnh trồng rừng cây gỗ lớn; phát triển cây mía, cây mì nguyên liệu, các loại lâm sản ngoài gỗ có giá trị, cây dược liệu dưới tán rừng; phát triển trâu thịt, các loại vật nuôi đặc sản bản địa; phát triển nuôi thủy sản trên các hồ, đập thủy lợi gắn với tái tạo và bảo tồn đa dạng sinh học.

+ Khu vực đồng bằng: Phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ; rau an toàn, cây lạc, cây ăn quả. Phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc sản theo lợi thế của địa phương. Phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng sản xuất chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

+ Vùng ven biển: Phát triển nuôi thủy sản nước lợ ở khu vực cửa sông, cửa biển; nuôi thủy sản thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học vùng ven biển gắn với bảo vệ tốt môi trường nuôi thủy sản.

+ Vùng hải đảo: Phát triển cây tỏi Lý Sơn gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đầu tư phát triển nuôi thâm canh các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học để bảo vệ các loài thủy sản ven biển, hải đảo; chú trọng tái tạo nguồn lợi thủy sản Khu Bảo tồn biển Lý Sơn với các đối tượng như: Hải sâm, bào ngư, trai tai tượng khổng lồ, cầu gai, cua Huỳnh đế…”

3. Điểm a khoản 2 Điều 1 được sửa đổi như sau:

“- Nhóm cây lương thực:

+ Cây lúa: Mục tiêu đến năm 2020, diện tích gieo trồng lúa 71.800 ha (diện tích đất chuyên trồng lúa 35.500 ha), năng suất bình quân đạt 59-60 tạ/ha, sản lượng đạt từ 420.000 - 430.000 tấn. Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích 5.000 ha tập trung ở 7 huyện, thành phố ở đồng bằng, gồm: Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, thành phố Quảng Ngãi. Xây dựng vùng sản xuất lúa giống: đảm bảo đáp ứng khoảng 90% nhu cầu lúa giống/năm phục vụ sản xuất trong tỉnh và đảm bảo nguồn giống dự phòng khi có thiên tai. Xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao ở các vùng có điều kiện thuận lợi.

+ Cây ngô: Mục tiêu đến năm 2020 diện tích gieo trồng tăng lên 12.000 ha, năng suất bình quân đạt từ 58 - 60 tạ/ha; sản lượng đạt trên 70.000 tấn. Vùng trồng ngô tập trung ở bãi đất nà, đất thổ ven sông suối thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, thành phố Quảng Ngãi...

- Nhóm cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến:

+ Cây mì: Phát triển cây mì trở thành cây hàng hóa chủ lực của tỉnh. Mục tiêu đến 2020, diện tích mì khoảng 18.000 ha, năng suất bình quân đạt từ 240 - 250 tạ/ha. Vùng sản xuất được bố trí tập trung chủ yếu ở các huyện Sơn Hà, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng.

+ Cây mía: Mục tiêu đến năm 2020, diện tích ổn định ở khoảng 5.200 ha, năng suất bình quân đạt 650 tạ/ha, chữ đường đạt 10 CCS. Vùng trồng mía chủ yếu phân bố ở các huyện gần nhà máy chế biến như: Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Ba Tơ, Sơn Hà.

+ Cây lạc: Định hướng đến năm 2020, diện tích gieo trồng đạt 6.800 ha, năng suất 22 tạ/ha, sản lượng khoảng trên 15.000 tấn. Vùng sản xuất tập trung ở các huyện: Bình Sơn, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Ba Tơ, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Sơn Hà, Trà Bồng và thành phố Quảng Ngãi.

- Nhóm cây thực phẩm: Định hướng đến năm 2020, diện tích sản xuất cây rau, đậu thực phẩm khoảng 18.000 ha (rau 14.000 ha, đậu 4.000ha), sản lượng đạt khoảng 260 ngàn tấn, trong đó có trên 100 ha rau được chứng nhận VietGAP. Vùng sản xuất rau an toàn tập trung ở vùng bãi bồi ven các sông lớn của tỉnh tại thành phố Quảng Ngãi và các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ...

- Nhóm cây ăn quả: Định hướng đến năm 2020 mở rộng diện tích 3.500 ha. Phát triển trên đất gò đồi ở miền núi, chú trọng phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao ở các huyện: Nghĩa Hành, Bình Sơn, Đức Phổ, cây mít ở các huyện miền núi; xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả an toàn gắn với xây dựng VietGAP huyện Nghĩa Hành và những vùng có điều kiện thuận lợi.

- Nhóm cây đặc sản:

+ Cây tỏi Lý Sơn: Mục tiêu đến 2020 ổn định ở mức 300 ha, năng suất tỏi tươi 109 tạ/ha; phát triển thương hiệu tỏi Lý Sơn trên thị trường, lấy năng suất và chất lượng là yếu tố trọng tâm để thâm canh. Tập trung nghiên cứu sản xuất tỏi theo hướng bền vững về môi trường (tiết kiệm nước, không thay đất và cát)

+ Cây quế: Mục tiêu đến 2020 diện tích là 5.255 ha. Vùng sản xuất chủ yếu trên đất rừng sản xuất và đất vườn, đất trồng cây lâu năm, thuộc huyện Trà Bồng, Tây Trà. Chú trọng phục hồi và phát triển vùng chè sạch Minh Long; phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, các loại cây đặc sản ở miền núi như: Ớt sim, rau dớn, khổ qua rừng… thành những vùng sản xuất tập trung có khối lượng hàng hóa lớn.

- Cây cỏ làm thức ăn cho trâu, bò: Mục tiêu đến năm 2020, diện tích trồng cỏ đạt 2.500 - 3.000 ha, năng suất bình quân 180 - 200 tấn/ha/năm. Vùng sản xuất bố trí trên đất gò đồi, đất màu kém hiệu quả, các vùng đất thấp ở ven triền núi đang trồng keo chuyển sang trồng cỏ; đồng thời tận dụng đất vườn, bờ vùng, bờ thửa, đất ven sông suối.

Ngoài các loại cây trồng trên, cần trồng thử nghiệm một số cây trồng mới có giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất tập trung.”

4. Điểm b khoản 2 Điều 1 được sửa đổi như sau:

“- Chăn nuôi bò thịt: Định hướng đến năm 2020 tổng đàn bò ổn định khoảng 320.000 con, có khoảng 65% bò lai. Chăn nuôi bò được phân bổ tập trung ở các huyện đồng bằng: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Đức Phổ và một số huyện miền núi: Sơn Hà, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long.

- Chăn nuôi trâu: Định hướng đến năm 2020 tổng đàn trâu có khoảng 65.000 con. Tập trung phát triển đàn trâu thịt ở các huyện miền núi: Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long và một số huyện đồng bằng: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ và Sơn Tịnh.

- Chăn nuôi heo: Định hướng đến năm 2020 ổn định ở mức 450.000-500.000 con; phát triển đàn heo theo hướng nạc; giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông hộ, ưu tiên phát triển chăn nuôi heo trang trại, gia trại. Chăn nuôi heo tập trung ở các huyện: Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Sơn Hà, Sơn Tịnh và một số vùng có điều kiện.

- Chăn nuôi gia cầm: Định hướng đến năm 2020 tổng đàn có 4,5 - 5,0 triệu con. Vùng chăn nuôi tập trung ở các huyện: Bình Sơn, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Đức Phổ, Sơn Hà, Ba Tơ, thành phố Quảng Ngãi và một số vùng có điều kiện.

- Phát triển các sản phẩm chăn nuôi đặc sản như: heo Ki, gà H’re… và các sản phẩm đặc sản khác của từng địa phương.”

5. Điểm c khoản 2 Điều 1 được sửa đổi như sau:

“- Đối với rừng phòng hộ: định hướng đến năm 2020 có 126.175 ha. Bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ hiện có; phấn đấu mỗi năm trồng mới khoảng 200 ha.

- Đối với rừng sản xuất: định hướng đến năm 2020 có 161.284 ha rừng sản xuất. Sản phẩm chính là cây gỗ lớn để cung cấp nguyên liệu cho dân dụng và xuất khẩu. Mỗi năm khai thác và trồng lại khoảng 9.500 ha với trữ lượng gỗ lớn 150m3/ha, chu kỳ bình quân 12 năm và gỗ nhỏ 70 m3/ha, chu kỳ bình quân 7 năm. Đến năm 2020, tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp được kiểm soát về chất lượng đưa vào trồng rừng đạt 60-70%, năng suất rừng trồng tăng lên 20%.”

6. Điểm d khoản 2 Điều 1 được sửa đổi như sau:

“- Khai thác thủy sản: Đến năm 2020, sản lượng khai thác đạt trên 206.000 tấn/năm. Tổng số tàu thuyền khai thác đến năm 2020 giảm còn khoảng 5.300 chiếc với tổng công suất tàu đạt 1.600.000 CV; giảm dần tàu có công suất nhỏ dưới 90 CV đang khai thác ven bờ, tăng dần tàu có công suất 400CV trở lên có khả năng đánh bắt xa bờ. Giảm tỷ lệ nghề lưới kéo tầng đáy xuống 25%, tăng nghề rê khơi lên 30%; tăng nghề câu lên 18%; tăng nghề lưới vây lên 13%.

- Nuôi thủy sản: Phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi thủy sản đạt 2.350 ha, trong đó nuôi nước lợ khoảng 850 ha, nuôi biển 150 bè (khoảng 2.000 lồng), nuôi nước ngọt khoảng 1.500 ha. Sản lượng nuôi thủy sản đạt khoảng 10.000 tấn, trong đó nuôi tôm nước lợ 6.300 tấn, cá nước ngọt khoảng 2.000 tấn, nuôi biển 100 tấn, thủy sản khác 900 tấn... Đối tượng nuôi nước lợ chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, cua, tôm sú… nuôi trên biển chủ yếu là tôm hùm, cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng…, nuôi nước ngọt chủ yếu là cá rô phi đơn tính, cá trắm cỏ, cá lóc.”

7. Điểm đ khoản 2 Điều 1 được sửa đổi như sau:

“Đến năm 2020, phấn đấu sản lượng muối đạt 11.000 tấn, trong đó, sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp đạt sản lượng 6.000 tấn. Xem xét chuyển đổi diện tích sản xuất muối thủ công, chất lượng và hiệu quả thấp sang sử dụng vào mục đích khác.”

8. Điểm e khoản 2 Điều 1 được bổ sung như sau:

“Xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” để nâng cao thu nhập cho người dân.”

9. Điểm c khoản 3 Điều 1 được bổ sung như sau:

“Chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao; xây dựng cánh đồng lớn, tích tụ ruộng đất để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư và lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.”

10. Gạch đầu dòng thứ 2 của điểm d khoản 3 Điều 1 được sửa đổi như sau:

“Cơ sở hạ tầng thủy sản: Ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách và huy động các nguồn lực khác tập trung đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh hệ thống các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, các cảng cá, các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại các vùng cửa biển với tổng công suất 3.300 tàu, bình quân 400 CV/tàu. Chú trọng việc thông luồng các cảng cá, khu neo đậu tàu cá nhằm đảm bảo an toàn tàu thuyền trong mùa mưa bão. Khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở đóng, sửa tàu cá với quy mô vừa và công nghệ hiện đại, tiến tới đóng, sửa tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, sản xuất ngư lưới cụ, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ tại các vùng nghề cá trọng điểm. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển thủy sản.”

11. Điểm e khoản 3 Điều 1 được bổ sung như sau:

“Cải tiến quy trình sản xuất chế biến để nâng cao năng suất, tăng tỷ lệ muối sạch, chất lượng cao nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho diêm dân.”

12. Điểm h khoản 3 Điều 1 được bổ sung như sau:

“Xây dựng thương hiệu mới cho các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: hành tím ở huyện Lý Sơn, xã Bình Hải thuộc huyện Bình Sơn; cây ăn quả an toàn ở huyện Nghĩa Hành, Trâu Ba Tơ, bò Quảng Ngãi, heo ki, heo Kiềng Sắt, gà H’re... và các sản phẩm khác có điều kiện. Các sản phẩm này có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.”

13. Điểm k khoản 3 Điều 1 được bổ sung như sau:

“Xây dựng chính sách: Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp từ khai thác thủy sản ven bờ, nghề lưới kéo, nghề lặn sang ngành nghề, dịch vụ khác.”

14. Điểm l khoản 3 Điều 1 được sửa đổi như sau:

“Nhu cầu vốn bổ sung để thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp khoảng 3.164 tỷ đồng.”

Điều 2. Điểm k khoản 3 Điều 1:

Bãi bỏ cụm từ: “khung hưởng lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp”.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Khóa XII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 23 tháng 7 năm 2018. Những nội dung khác của Nghị quyết số 01/2015/NQ-HĐND ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh không sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết này vẫn giữ nguyên hiệu lực thi hành./.

 


Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội, Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu của UBTVQH;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL- Bộ Tư pháp;
- TTTU, TTHĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Các cơ quan tham mưu, giúp việc cho Tỉnh ủy;
- Đại biểu Quốc hội bầu ở tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, Hội, đoàn thể tỉnh;
- Các cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- VP HĐND tỉnh: C-PVP, các Phòng, CV;
- Trung tâm Công báo và Tin học tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Quảng Ngãi;
- Lưu: VT, KTNS (01).H180.

CHỦ TỊCH




Bùi Thị Quỳnh Vân

 





Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản Ban hành: 07/07/2014 | Cập nhật: 10/07/2014