Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐND về Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Số hiệu: 01/2014/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ Người ký: Hoàng Dân Mạc
Ngày ban hành: 16/07/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2014/NQ-HĐND

Phú Thọ, ngày 16 tháng 7 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ TÁM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính Trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Chính Phủ về việc ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 99/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 39/2011/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ về việc thông qua Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020 định hướng đến năm 2030;

Sau khi xem xét Tờ trình số 2582/TTr-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về việc đề nghị thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm

- Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh phải quán triệt đầy đủ, nghiêm túc Luật Khoáng sản và các văn bản quy định của các cấp, các ngành có liên quan; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, các quy hoạch chuyên ngành có liên quan và chiến lược, quy hoạch khoáng sản của cả nước gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội.

- Thăm dò khoáng sản phải đánh giá đầy đủ trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản có trong khu vực thăm dò.

- Khai thác, sử dụng khoáng sản bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; đồng thời lấy hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô đặc điểm từng mỏ, từng loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản; gắn khai thác với chế biến sâu.

- Tạo điều kiện để các tổ chức kinh tế đủ điều kiện, đặc biệt là năng lực kỹ thuật, tài chính tham gia đầu tư khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản theo hướng đầu tư phát triển bền vững. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân ở vùng có khoáng sản.

2. Mục tiêu Quy hoạch

a. Mục tiêu tổng quát

- Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là cơ sở pháp lý để thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản đúng mục đích.

- Tạo tiền đề cho các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị lập các quy hoạch chuyên ngành một cách thống nhất và hiệu quả, tránh chồng chéo, phá vỡ các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Xác định tiến độ thăm dò, khai thác các mỏ trong từng giai đoạn, các mỏ hoặc khu vực dự trữ tài nguyên nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh. Sử dụng lợi thế nguồn tài nguyên sẵn có của tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trên địa bàn các huyện còn nhiều khó khăn.

b. Mục tiêu cụ thể

- Xác định đầy đủ, chính xác vị trí tài nguyên khoáng sản ở các mỏ, điểm mỏ, các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

- Xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm khai thác, sử dụng hợp lý và có hiệu quả tiềm năng tài nguyên khoáng sản, đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh và giải quyết việc làm cho người lao động

- Đề ra các biện pháp tích cực để tăng cường công tác quản lý về tài nguyên khoáng sản và tổ chức lại các hoạt động khai thác khoáng sản theo quy hoạch.

- Tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng trong giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp đến năm 2020 chiếm tỷ trọng từ 3-4% và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm, đến năm 2030 là 17%/năm.

- Đối với loại khoáng sản có tiềm năng lợi thế như kaolin - felspat, quặng sắt cần tập trung đầu tư khai thác gắn với chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước. Mục tiêu đến năm 2020 đạt 520 nghìn tấn quặng caolanh - felspat, 80 nghìn tấn quặng talc.

3. Phạm vi Quy hoạch

Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng 2030, bao gồm các loại khoáng sản sau đây:

- Khoáng sản ở khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ;

- Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn.

Không quy hoạch các mỏ thuộc quy hoạch mỏ quốc gia, quy hoạch mỏ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các mỏ thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

4. Nội dung quy hoạch

a. Quy hoạch thăm dò Giai đoạn đến năm 2020:

- Quy hoạch thăm dò nâng cấp các mỏ đã được tỉnh cấp phép khai thác theo Luật Khoáng sản năm 2005 nhưng chưa tiến hành thăm dò và đang còn hiệu lực. - Khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định, công bố đợt 1 năm 2013, gồm 8 mỏ.

- Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường gồm: Đá xây dựng 7 mỏ mới; Sét gạch ngói 04 mỏ; Cát sỏi 19 diện tích; Than bùn 02 mỏ.

Giai đoạn 2021 - 2030: Quy hoạch thăm dò các mỏ mới gồm: Sét gạch ngói 2 mỏ; Than bùn 01 mỏ; tiếp tục thăm dò các mỏ còn lại chưa thăm dò ở giai đoạn trước nếu có nhu cầu.

b. Quy hoạch khai thác khoáng sản

Giai đoạn đến năm 2020:

- Quy hoạch khai thác 8 mỏ mới đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố là khoáng sản ở khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ.

- Đối với các mỏ đã được tỉnh cấp phép khai thác theo Luật Khoáng sản năm 2005: Tiến hành khai thác theo giấy phép hiện hành; sau khi có kết quả thăm dò, căn cứ trữ lượng còn lại, sẽ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét công bố là khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ để quản lý hoạt động khai thác theo quy định.

- Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, tiếp tục khai thác 38 mỏ đá xây dựng, 34 mỏ sét gạch ngói, 23 mỏ cát sỏi đã được tỉnh cấp phép và đang còn hiệu lực, cũng như các mỏ mới đã được cấp phép thăm dò.

Giai đoạn 2021 - 2030: Đối với than nâu, quặng sắt và khoáng chất công nghiệp, không quy hoạch thêm, chỉ tổ chức khai thác ở các mỏ khoáng sản còn trữ lượng và thời hạn khai thác. Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác ở các mỏ khoáng sản còn trữ lượng và thời hạn khai thác; đồng thời khai thác các mỏ mới mà giai đoạn đến 2020 chưa cấp phép.

c. Quy hoạch sử dụng khoáng sản

Quy hoạch sử dụng khoáng sản đến năm 2030 được dựa trên cơ sở khối lượng khoáng sản cần khai thác, cung ứng cho nhu cầu sản xuất trong từng giai đoạn của các doanh nghiệp; chất lượng, trữ lượng khoáng sản phải bảo đảm cho các cơ sở sản xuất hoạt động ổn định theo dự án đã phê duyệt; tiêu chuẩn kỹ thuật đối với nguyên liệu sản xuất các sản phẩm của các cơ sở sản xuất; sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên khoáng sản.

5. Các giải pháp chủ yếu

a. Tăng cường công tác quản lý nhà nước

- Quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đã được phê duyệt.

- Tuân thủ quy định của Luật Khoáng sản và các quy định có liên quan trong quản lý hoạt động khoáng sản.

- Từng bước triển khai, hoàn thiện các văn bản quy phạm trong quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010.

- Tăng cường vai trò của người đứng đầu các cơ quan, các cấp quản lý hoạt động khoáng sản, cũng như công tác phối hợp giữa sở, ngành với UBND huyện, UBND xã trong công tác thanh tra, kiểm tra, công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật. Chấn chỉnh lại công tác cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản.

- Rà soát tình hình hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân để phân loại, xử lý theo đúng quy định. Những dự án chậm tiến độ, khai thác không có hiệu quả, làm ảnh hưởng đến môi trường, trật tự an toàn xã hội thì không cấp gia hạn giấy phép hoặc thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản.

- Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản từ tỉnh đến huyện đủ năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

- UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản; thực hiện việc chỉ đạo của sở, ngành và UBND huyện trong việc bảo vệ và khai thác khoáng sản, tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng dân cư trong công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản.

b. Giải pháp về vốn

- Đối với công tác điều tra cơ bản về địa chất - khoáng sản: Thực hiện theo quy hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường và nguồn vốn do Nhà nước đầu tư.

- Vốn dùng cho công tác thăm dò: kết hợp huy động bằng vốn của các doanh nghiệp được cấp phép thăm dò và Nhà nước hỗ trợ một phần bằng vốn vay ưu đãi.

c. Giải pháp về cơ chế chính sách

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có đủ kinh nghiệm, năng lực để đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến sâu theo đúng quy hoạch được duyệt và theo quy định của pháp luật.

- Ưu tiên các dự án đầu tư thăm dò, khai thác gắn với chế biến sâu các mỏ khoáng sản.

d. Giải pháp về nguồn nhân lực và công nghệ

- Có chính sách đãi ngộ để thu hút đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật có trình độ cao để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thăm dò, khai thác tuyển khoáng sản tại địa phương; đào tạo đội ngũ nhân lực làm công tác an toàn mỏ và bảo vệ môi trường nhằm tăng cường khả năng xử lý các sự cố phát sinh tại nguồn.

- Thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo trong hoạt động khoáng sản.

- Định hướng phát triển công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản theo từng giai đoạn và từng loại hình khoáng sản. Quản lý hoạt động triển khai công nghệ, chuyển giao công nghệ.

e. Giải pháp về bảo vệ môi trường

- Trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản phải tuân thủ triệt để Luật Bảo vệ môi trường và các quy định trong thiết kế khai thác, chế biến khoáng sản.

- Xây dựng Quy chế ký quỹ môi trường bắt buộc đối với các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn. Có những chế tài mạnh để bắt buộc các doanh nghiệp phải nộp quỹ đúng theo quy định.

- Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát môi trường. Thành lập bộ phận chuyên trách, có đầy đủ điều kiện trang thiết bị và nhân lực để theo dõi và quản lý bảo vệ môi trường.

- Có chế tài đủ mạnh để xử lý những vấn đề về môi trường.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

- Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết;

- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XVII, kỳ họp thứ Tám thông qua ngày 10 tháng 7 năm 2014./.

 

 

Nơi nhận:
- UBTVQH, Chính phủ;
- VPQH, VPCP;
- Các Bộ: Công Thương, TNMT;
- Bộ Tư lệnh Quân khu 2;
- Cục Kiểm tra Văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- TTTU, TTHĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- TAND, VKSND tỉnh;
- Các đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, các đoàn thể của tỉnh;
- TTHĐND, UBND các huyện, thành, thị;
- CVP, các PCVP;
- TPP, CV;
- Lưu VT;

CHỦ TỊCH




Hoàng Dân Mạc

 

 

 

- Nghị quyết này được bổ sung bởi Điều 1 Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐND

Điều 1. Bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 như sau:

1. Hai (02) điểm mỏ kaolin-felspat đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ (Có phụ biểu số 01 kèm theo).

2. Năm (05) điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (Có phụ biểu số 02 kèm theo).

Các nội dung khác giữ nguyên như Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
...
Phụ biểu số 01 DANH MỤC 02 ĐIỂM MỎ ĐÃ ĐƯỢC BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG PHÊ DUYỆT KẾT QUẢ KHOANH ĐỊNH KHU VỰC CÓ KHOÁNG SẢN PHÂN TÁN, NHỎ LẺ VÀO QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
...
Phụ biểu số 02 DANH MỤC 05 ĐIỂM MỎ KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG VÀO QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
- Nghị quyết này được bổ sung bởi Điều 1 Nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND

Điều 1. Bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

1. Ba (03) điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (biểu số 01 kèm theo).

2. Một (01) điểm mỏ Talc đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ (biểu số 02 kèm theo).

Các nội dung khác giữ nguyên như Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Xem nội dung VB
- Nghị quyết này được bổ sung bởi Điều 1 Nghị quyết 18/2020/NQ-HĐND

Điều 1. Bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

1. Ba (03) điểm mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường (Biểu số 01 kèm theo).

2. Một (01) điểm mỏ Caolin-Fenspat đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ (Biểu số 02 kèm theo).

Các nội dung khác giữ nguyên như Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
...
Biểu số 01 Danh mục ba (03) điểm mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
...
Biểu số 02 Danh mục một (01) điểm mỏ Caolin-Fenspat đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
- Khoản này được sửa đổi bởi Điều 1 Quyết định 08/2018/QĐ-UBND

Điều 1. Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 bao gồm 25 điểm mỏ cát, sỏi và 07 điểm mỏ sét gạch ngói, cụ thể:

1. Mỏ cát, sỏi lòng sông Lô thuộc các xã Chí Đám, Hữu Đô, huyện Đoan Hùng;

2. Mỏ cát, sỏi lòng sông Lô thuộc thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng;

3. Mỏ cát, sỏi lòng sông Lô thuộc thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng;

4. Mỏ cát, sỏi lòng sông Lô thuộc xã Sóc Đăng, Hùng Long, huyện Đoan Hùng;

5. Mỏ cát, sỏi lòng sông Lô thuộc Đại Nghĩa, Phú Thứ, Hùng Long, huyện Đoan Hùng;

6. Mỏ cát, sỏi lòng sông Lô thuộc xã Phú Thứ, Hùng Long, huyện Đoan Hùng;

7. Mỏ cát, sỏi lòng sông Lô thuộc xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng;

8. Mỏ cát, sỏi lòng sông Lô thuộc xã Vụ Quang, huyện Đoan Hùng;

9. Mỏ cát, sỏi lòng sông Lô thuộc phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì

10. Mỏ cát, sỏi lòng sông Lô thuộc xã Phú Mỹ và Trị Quận, huyện Phù Ninh

11. Mỏ cát, sỏi lòng sông Lô thuộc xã Tiên Du, xã An Đạo và Xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh

12. Mỏ cát lòng sông Hồng thuộc các xã Liên Phương, Minh Côi, huyện Hạ Hòa;

13. Mỏ cát lòng sông Hồng thuộc xã Minh Nông, thành phố Việt Trì;

14. Mỏ cát lòng sông Hồng thuộc xã Tân Đức, thành phố Việt Trì;

15. Mỏ cát, sét lòng sông Hồng thuộc xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao;

16. Mỏ cát, sét lòng sông Hồng thuộc xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao;

17. Mỏ cát lòng sông Hồng thuộc các xã Thanh Uyên, Tam Cường, huyện Tam Nông

18. Mỏ cát lòng sông Hồng thuộc các xã Hoàng Cương, Chí Tiên, huyện Thanh Ba;

19. Mỏ cát lòng sông Hồng thuộc các xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba và thị trấn Sông Thao, xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê;

20. Mỏ cát lòng sông Hồng thuộc phường Bến Gót, thành phố Việt Trì;

21. Mỏ cát lòng sông Hồng, thuộc xã Tân Đức, thành phố Việt Trì;

22. Mỏ cát sông Hồng thuộc các xã Tam Cường, Cổ Tiết, huyện Tam Nông và xã Hợp Hải, huyện Lâm Thao;

23. Mỏ cát sông Hồng thuộc xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao 10ha;

24. Mỏ cát sông Hồng thuộc các xã Cát Trù, Đồng Lương, Điêu Lương, huyện Cẩm Khê và xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba;

25. Mỏ cát sông Hồng thuộc các xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê và xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba;

26. Điều chỉnh tọa độ, diện tích khu vực mỏ sét xã Tiên Lương từ địa giới hành chính khu 6, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê sang khu 7, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê;

27. Mỏ sét gạch ngói thuộc khu Đồi Chùa, thôn 9, xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng;

28. Mỏ sét gạch ngói tại xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê;

29. Mỏ sét gạch ngói xóm Dặt, xã Thạch Kiệt và xóm Trò, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn;

30. Mỏ sét gạch ngói Khu Tam Giao, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ;

31. Mỏ sét gạch ngói Khu đồi Cột Cờ, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ;

32. Mỏ sét gạch ngói Khu xóm Cánh 3 (gò thờ), xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê.

Xem nội dung VB




Nghị định 15/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật khoáng sản Ban hành: 09/03/2012 | Cập nhật: 13/03/2012