Nghị định 16/2007/NĐ-CP Quy định về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, quản lý mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ
Số hiệu: 16/2007/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 26/01/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 10/02/2007 Số công báo: Từ số 75 đến số 76
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2007 

 

NGHỊ ĐỊNH

SỐ 16/2007/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ TÌM KIẾM, QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ, QUẢN LÝ MỘ, NGHĨA TRANG, ĐÀI TƯỞNG NIỆM, BIA GHI TÊN LIỆT SĨ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11  ngày 29 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định về việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và thăm viếng mộ liệt sĩ; xây dựng, nâng cấp, quản lý mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ (gọi chung là công trình ghi công liệt sĩ).

Cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm quản lý, chăm sóc, giữ gìn các công trình ghi công liệt sĩ.

Điều 2. Kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Chương 2:

TÌM KIẾM, QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ; QUẢN LÝ, CHĂM SÓC,  GIỮ GÌN VÀ THĂM VIẾNG MỘ LIỆT SĨ

Điều 3.

1. Trách nhiệm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ:

a) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo việc tìm kiếm, phát hiện, quy tập hài cốt liệt sĩ ở vùng hải đảo, biên giới, miền núi; hài cốt liệt sĩ là quân tình nguyện Việt Nam;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) chỉ đạo các cấp, các ngành tìm kiếm, phát hiện, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn; đồng thời phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm tìm kiếm, phát hiện, quy tập hài cốt liệt sĩ quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này;

c) Tổ chức, cơ quan có trách nhiệm rà soát lại danh sách liệt sĩ, sơ đồ nơi có hài cốt liệt sĩ chưa quy tập và các thông tin có liên quan để bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tìm kiếm, phát hiện và cung cấp thông tin về mộ, hài cốt liệt sĩ.

Điều 4. Quy tập, an táng hài cốt liệt sĩ:

1. Đối với hài cốt xác định được tên, quê quán liệt sĩ: đơn vị quy tập có trách nhiệm bàn giao về địa phương theo nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ; trường hợp hài cốt liệt sĩ không còn thân nhân thì bàn giao về địa phương quê quán của liệt sĩ.

2. Đối với những hài cốt chưa xác định được tên, quê quán liệt sĩ: đơn vị quy tập bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi quy tập hài cốt liệt sĩ.

3. Đối với hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam chưa xác định được tên, quê quán: đơn vị quy tập bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất.

4. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp nhận hài cốt liệt sĩ, tổ chức trọng thể lễ truy điệu và an táng hài cốt.

Điều 5.

1. Ủy ban nhân dân các cấp tạo điều kiện và giúp đỡ thân nhân liệt sĩ thăm viếng mộ liệt sĩ.

2. Thân nhân liệt sĩ có nguyện vọng di chuyển hài cốt liệt sĩ đã an táng trong các nghĩa trang liệt sĩ thì được xem xét, giải quyết. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định cụ thể điều kiện và thủ tục di chuyển hài cốt liệt sĩ.

3. Thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ kinh phí khi đi thăm viếng mộ liệt sĩ và hỗ trợ kinh phí khi di chuyển hài cốt liệt sĩ. Mức hỗ trợ theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.

Điều 6. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn việc tìm kiếm, phát hiện, quy tập hài cốt liệt sĩ, tiếp nhận và an táng hài cốt liệt sĩ vào các nghĩa trang liệt sĩ.

2. Hướng dẫn việc thu thập thông tin, lập danh sách mộ liệt sĩ, báo tin đến thân nhân liệt sĩ.

3. Hướng dẫn quản lý các công trình ghi công liệt sĩ.

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quy định thủ tục và mức hỗ trợ thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng mộ và di chuyển hài cốt liệt sĩ.

Chương 3:

XÂY DỰNG, SỬA CHỮA, QUẢN LÝ CÁC CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ

Điều 7.

1. Các công trình ghi công liệt sĩ được xây dựng đảm bảo mỹ quan, bền vững, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương.

Nghĩa trang liệt sĩ là nơi an táng các liệt sĩ, được xây dựng trang nghiêm thể hiện lòng tôn kính đối với các liệt sĩ.

Đài tưởng niệm liệt sĩ được xây dựng ở trung tâm chính trị, văn hoá của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ở Trung tâm của huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh không có nghĩa trang liệt sĩ hoặc ở những nơi có chiến tích lịch sử tiêu biểu.

Bia ghi tên liệt sĩ thể hiện sự tôn vinh đối với liệt sĩ, được xây dựng tại các xã, phường, thị trấn, quận huyện không có nghĩa trang liệt sĩ.

2. Công trình ghi công liệt sĩ được xây dựng phù hợp với quy hoạch trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu tôn vinh, thăm viếng liệt sĩ của nhân dân, giáo dục truyền thống cách mạng.

3. Công trình ghi công liệt sĩ phải được thường xuyên chăm sóc, quản lý và kịp thời sửa chữa, tu bổ khi bị hư hỏng, xuống cấp.

Điều 8. Xây dựng mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ:

1. Mộ liệt sĩ trong cùng một nghĩa trang liệt sĩ phải được xây dựng thống nhất về kích thước, quy cách. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp mộ và quy định khoảng cách giữa các mộ cho phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương.

2. Nội dung trên bia mộ liệt sĩ được ghi thống nhất theo quy định.

3. Mộ liệt sĩ trong nghĩa trang phải được lập danh sách, sơ đồ và quản lý theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Mộ liệt sĩ phải được thường xuyên chăm sóc, quản lý, khi hư hỏng, xuống cấp phải được tu sửa kịp thời.

Điều 9. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý các công trình ghi công liệt sĩ theo phân cấp trên địa bàn.

Chương 4:

KINH PHÍ BẢO ĐẢM CÔNG TÁC MỘ VÀ CÁC CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ

Điều 10. Ngân sách trung ương chi các nội dung sau:

1. Khảo sát, tìm kiếm, thu thập, xử lý thông tin về mộ liệt sĩ; quy tập, xây mộ liệt sĩ; lập danh sách từng phần mộ liệt sĩ; thăm viếng mộ liệt sĩ; di chuyển hài cốt liệt sĩ.

2. Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ nơi có chiến tích lịch sử tiêu biểu, khu căn cứ địa cách mạng, nghĩa trang quân tình nguyện Việt Nam .

3. Hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, hải đảo và các tỉnh ngân sách còn khó khăn.

4. Hỗ trợ xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ ở những huyện không có nghĩa trang liệt sĩ.

5. Hỗ trợ xây dựng bia ghi tên liệt sĩ ở các xã biên giới, hải đảo, căn cứ địa cách mạng hoặc những huyện không có nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ.

Điều 11. Ngân sách địa phương chi các nội dung sau:

1. Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nghĩa trang, công trình ghi công liệt sĩ ngoài danh mục nêu tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này.

2. Tổ chức lễ bàn giao đón nhận hài cốt liệt sĩ.

3. Quản lý, giữ gìn, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn.

Điều 12. Đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được sử dụng để hỗ trợ, tu sửa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 14. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, rà soát, thực hiện việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên từng địa bàn; tổ chức thực hiện việc báo tin về mộ liệt sĩ đến thân nhân liệt sĩ; xây dựng, tu bổ, quản lý các công trình ghi công liệt sĩ; ban hành Quy chế quản lý các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn.

Điều 15. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Nghị định này thay thế các Điều 12, 15, 16, 17 và Điều 18 Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ được thay thế toàn bộ bằng Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định này.

Điều 16. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
  cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng,
   chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
  thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ban Quản lý KKTCKQT Bờ Y;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm,
  Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
  Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, VX (10b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
 

 


Nguyễn Tấn Dũng