Nghị định 109/2014/NĐ-CP Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải
Số hiệu: 109/2014/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 20/11/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 30/11/2014 Số công báo: Từ số 1021 đến số 1022
Lĩnh vực: An ninh quốc gia, Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 109/2014/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2014

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ QUY CHẾ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH CẢNG BIỂN VÀ LUỒNG HÀNG HẢI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

Chính phủ ban hành Nghị định về Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải.

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2015.

2. Bãi bỏ các quy định về bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải tại Mục 5 Chương II của Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).KN

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

QUY CHẾ

BẢO VỆ CÔNG TRÌNH CẢNG BIỂN VÀ LUỒNG HÀNG HẢI
(Ban hành kèm theo Nghị định số 109/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải trong vùng nước cảng biển và vùng biển của Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải trong vùng nước cảng biển và vùng biển của Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình cảng biển và luồng hàng hải bao gồm bến cảng, cầu cảng, cảng dầu khí ngoài khơi, bến phao, luồng hàng hải, báo hiệu hàng hải, hệ thống hỗ trợ hàng hải, đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng, kè bảo vệ bờ được đầu tư xây dựng hoặc thiết lập trong vùng nước cảng biển và vùng biển của Việt Nam, sau đây gọi chung là công trình hàng hải.

2. Bảo vệ công trình hàng hải bao gồm hoạt động bảo đảm an toàn, chất lượng của công trình hàng hải; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm công trình gây nguy hiểm đến tính mạng, gây thiệt hại tài sản của nhà nước và của nhân dân.

3. Phạm vi bảo vệ công trình hàng hải bao gồm công trình, hành lang bảo vệ công trình, phần trên không, phần dưới mặt nước, phần dưới mặt đất có liên quan đến an toàn công trình và bảo đảm an toàn cho hoạt động hàng hải.

Điều 4. Các hành vi bị cấm trong bảo vệ công trình hàng hải

1. Phá hủy, tháo gỡ, trộm cắp cấu kiện, phụ kiện, vật tư, vật liệu xây dựng và các thiết bị của công trình hàng hải.

2. Làm hư hỏng, tự ý di chuyển hoặc làm giảm hiệu lực của các thiết bị báo hiệu hàng hải.

3. Nổ mìn và các vật liệu nổ khác trong phạm vi cảng biển, vùng nước cảng biển, luồng hàng hải khi chưa được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất nguy hại trái quy định có khả năng gây ăn mòn hoặc hư hỏng công trình hàng hải khi chưa được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Thải các chất thải làm hư hại, ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của công trình hàng hải.

6. Nạo vét trái phép trên luồng hàng hải, phạm vi bảo vệ luồng hàng hải, vùng nước cảng biển hoặc nạo vét không đúng yêu cầu kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; thực hiện giám sát nạo vét và đổ bùn đất nạo vét không đúng quy định.

7. Xây dựng và khai thác trái phép các công trình cảng biển, công trình khác trong phạm vi quy hoạch cảng biển đã được phê duyệt, trong luồng hàng hải và phạm vi bảo vệ công trình hàng hải; xây dựng công trình làm giảm hoặc mất tác dụng của công trình hàng hải.

8. Thực hiện hoạt động khai thác đánh bắt thủy hải sản trong luồng hàng hải và phạm vi bảo vệ công trình hàng hải.

9. Lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình hàng hải.

10. Thực hiện các hành vi gây cản trở việc quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ công trình hàng hải.

11. Điều khiển tàu thuyền và phương tiện khác sai quy định gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình hàng hải.

12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định trong việc bảo vệ công trình hàng hải; dung túng, bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình hàng hải.

13. Các hành vi khác làm ảnh hưởng đến an toàn trong quản lý, khai thác công trình hàng hải.

14. Các hành vi khác bị cấm theo quy định của pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ PHẠM VI BẢO VỆ CÔNG TRÌNH HÀNG HẢI

Điều 5. Phạm vi bảo vệ công trình hàng hải

1. Phạm vi bảo vệ công trình bến cảng, cầu cảng được tính từ rìa ngoài cùng của công trình đến hết giới hạn phía ngoài của vùng nước trước bến cảng, cầu cảng.

2. Phạm vi bảo vệ công trình cảng dầu khí ngoài khơi được giới hạn bởi vành đai an toàn có chiều rộng 500 m tính từ điểm nhô ra xa nhất của công trình cảng dầu khí ngoài khơi và vùng cấm hành hải, thả neo có chiều rộng 02 hải lý tính từ vị trí tọa độ của công trình cảng dầu khí ngoài khơi.

3. Phạm vi bảo vệ luồng hàng hải được tính từ vị trí của tâm rùa neo phao báo hiệu luồng hàng hải ra hai bên luồng được xác định theo quy chuẩn kỹ thuật luồng hàng hải, cụ thể như sau:

a) Tối thiểu 60 m đối với luồng hàng hải có bề rộng luồng lớn hơn 210 m và chiều sâu chạy tàu lớn hơn 20 m ở cửa biển, trên biển, cửa vịnh hở; luồng trong sông, trong vịnh kín hoặc kênh đào bề rộng luồng lớn hơn 230 m, chiều sâu chạy tàu lớn hơn 17 m;

b) Tối thiểu 50 m đối với luồng hàng hải có bề rộng luồng từ 190 m đến 210 m và chiều sâu chạy tàu từ 16 m đến 20 m ở cửa biển, trên biển, cửa vịnh hở; luồng trong sông, trong vịnh kín hoặc kênh đào có bề rộng luồng từ 210 m đến 230 m, chiều sâu chạy tàu từ 14 m đến 17 m;

c) Tối thiểu 40 m đối với luồng hàng hải có bề rộng luồng từ 140 m đến 190 m và chiều sâu chạy tàu từ 14 m đến 16 m ở cửa biển, trên biển, cửa vịnh hở; luồng trong sông, trong vịnh kín hoặc kênh đào có bề rộng luồng từ 150 m đến 210 m và chiều sâu chạy tàu từ 12 m đến 14 m;

d) Tối thiểu 30 m đối với luồng hàng hải có bề rộng luồng từ 80 m đến 140 m và chiều sâu chạy tàu từ 8 m đến 14 m ở cửa biển, trên biển, cửa vịnh hở; luồng trong sông, trong vịnh kín hoặc kênh đào có bề rộng luồng từ 90 m đến 150 m và chiều sâu chạy tàu từ 7 m đến 12 m;

đ) Tối thiểu 20 m đối với luồng hàng hải có bề rộng luồng nhỏ hơn 80 m và chiều sâu chạy tàu nhỏ hơn 8 m ở cửa biển, trên biển, cửa vịnh hở; luồng trong sông, trong vịnh kín hoặc kênh đào có bề rộng luồng nhỏ hơn 90 m và chiều sâu chạy tàu nhỏ hơn 7 m.

4. Phạm vi bảo vệ công trình chỉnh trị được xác định cụ thể như sau:

a) Đối với công trình đê chắn sóng, đê chắn cát được tính từ chân đê về phía luồng tối thiểu là 20 m; về phía biển tối thiểu là 200 m; về phía bờ tối thiểu là 25 m;

b) Đối với công trình kè bảo vệ bờ được tính từ đầu kè về hai phía tối thiểu là 50 m; từ chân kè trở ra luồng tối thiểu là 20 m; từ chân kè về phía bờ tối thiểu là 5 m đối với khu dân cư, khu đô thị, khu du lịch và 25 m đối với khu vực khác;

c) Đối với công trình kè chỉnh trị khác được tính từ chân kè ra phía ngoài tối thiểu là 50 m.

5. Phạm vi bảo vệ công trình báo hiệu hàng hải được tính từ tâm của báo hiệu hàng hải (tâm của đèn biển, tâm của rùa neo phao báo hiệu nổi) ra phía ngoài được xác định theo quy chuẩn kỹ thuật báo hiệu hàng hải, cụ thể như sau:

a) Tối thiểu 50 m đối với đèn biển có tầm hiệu lực ánh sáng lớn hơn 20 hải lý;

b) Tối thiểu 40 m đối với đèn biển có tầm hiệu lực ánh sáng từ 15 hải lý đến 20 hải lý;

c) Tối thiểu 30 m đối với đèn biển có tầm hiệu lực ánh sáng từ 10 hải lý đến 15 hải lý;

d) Tối thiểu 20 m đối với báo hiệu hàng hải khác.

6. Phạm vi bảo vệ công trình hàng hải phần trên không (chiều cao tĩnh không), phần dưới mặt đất được xác định cụ thể đối với từng công trình trên cơ sở quy hoạch phát triển cảng biển và luồng hàng hải, quy chuẩn kỹ thuật và quy định có liên quan của pháp luật.

7. Cơ quan có thẩm quyền khi công bố đưa công trình hàng hải vào sử dụng theo quy định tại Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 về quản lý cảng biển và luồng hàng hải phải bao gồm cả nội dung về phạm vi bảo vệ công trình hàng hải.

8. Đối với công trình hàng hải đã đưa vào sử dụng trước ngày Nghị định này có hiệu lực và chưa có nội dung về phạm vi bảo vệ thì tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình hàng hải phải hoàn thành việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình hàng hải trước ngày 31 tháng 12 năm 2015 theo quy định của Quy chế này; nội dung về phạm vi bảo vệ công trình hàng hải theo quy định tại Điều này và quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ công trình hàng hải.

Điều 6. Xác định phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trong một số trường hợp đặc biệt

1. Trường hợp phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trùng với phạm vi bảo vệ các công trình phòng, chống lụt, bão, bảo vệ đê thì thực hiện theo quy định có liên quan của pháp luật về phòng, chống lụt, bão, pháp luật về đê điều.

2. Trường hợp phạm vi bảo vệ luồng hàng hải trùng với hành lang an toàn đường bộ, đường sắt hoặc vượt qua mép bờ tự nhiên về phía bờ thì phạm vi bảo vệ luồng hàng hải được xác định đến mép bờ tự nhiên.

3. Trường hợp phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trùng với hành lang an toàn đường thủy nội địa thì phạm vi bảo vệ luồng hàng hải được xác định đến phạm vi hành lang an toàn đường thủy nội địa.

4. Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ công trình hàng hải trùng với hành lang an toàn cầu đường bộ, cầu đường sắt, đường dây điện, cáp treo thì thực hiện theo quy định có liên quan về bảo vệ hành lang an toàn cầu, đường dây điện, cáp treo.

5. Trường hợp phạm vi bảo vệ luồng hàng hải trùng với phạm vi bảo vệ công trình bến cảng, cầu cảng thì phạm vi bảo vệ luồng hàng hải được xác định đến phạm vi bảo vệ công trình bến cảng, cầu cảng.

6. Đối với công trình cảng biển xếp dỡ hàng chuyên dùng, công trình chỉnh trị thì hành lang an toàn tối thiểu phải được thực hiện theo quy định tại Quy chế này, đồng thời khoảng cách an toàn vẫn phải tuân thủ theo các quy định có liên quan đối với công trình cầu cảng xếp dỡ hàng chuyên dùng hoặc công trình chỉnh trị có liên quan.

Điều 7. Nguyên tắc bảo vệ công trình hàng hải

1. Việc đầu tư xây dựng, quản lý khai thác, sửa chữa và bảo vệ công trình hàng hải phải tuân theo quy định có liên quan của pháp luật và các quy chuẩn kỹ thuật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, công bố.

2. Các Bộ, ngành, địa phương khi lập quy hoạch có ảnh hưởng đến công trình hàng hải phải gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Giao thông vận tải. Chậm nhất 05 ngày làm việc, Bộ Giao thông vận tải phải có văn bản trả lời, trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do. Trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế, thi công và tổ chức, cá nhân liên quan tuân thủ các quy định về bảo vệ công trình hàng hải theo quy định của Quy chế này và quy định khác có liên quan của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình hàng hải phải có phương án bảo vệ công trình gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Xác định phạm vi bảo vệ công trình hàng hải theo quy định của Quy chế này;

b) Thiết lập báo hiệu hàng hải đối với công trình hàng hải;

c) Nhân lực và địa chỉ, số điện thoại liên hệ trong thực hiện bảo vệ công trình hàng hải;

d) Phương tiện, công cụ phục vụ việc bảo vệ công trình hàng hải;

đ) Kế hoạch thực hiện bảo vệ công trình hàng hải và biện pháp kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư hoặc người quản lý khai thác công trình;

e) Biện pháp xử lý khi xảy ra hư hỏng, tai nạn hàng hải, sự cố hoặc hành vi vi phạm ảnh hưởng đến an toàn trong khai thác công trình hàng hải;

g) Đề xuất nguyên tắc, cơ chế, cách thức phối hợp giữa chủ đầu tư hoặc người quản lý khai thác công trình với Cảng vụ hàng hải và cơ quan có thẩm quyền tại khu vực có công trình hàng hải.

Điều 8. Giám sát thực hiện xây dựng công trình ảnh hưởng đến bảo vệ công trình hàng hải

1. Việc xây dựng các công trình phải phù hợp với quy hoạch phát triển cảng biển và các quy hoạch khác có liên quan đã được phê duyệt, đáp ứng các quy định về bảo vệ công trình hàng hải và bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của Quy chế này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

2. Trong quá trình xây dựng công trình có ảnh hưởng đến bảo vệ công trình hàng hải, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình phải thực hiện quy định về giám sát thực hiện xây dựng công trình trong vùng nước cảng biển, phương án bảo đảm an toàn hàng hải và các quy định khác theo quy định của Quy chế này, Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải, Nghị định số 146/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

3. Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện quản lý, giám sát việc xây dựng công trình giao cắt hoặc ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ công trình hàng hải.

4. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình hàng hải có trách nhiệm tuân thủ các quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, khai thác, bảo trì công trình để luôn bảo đảm chất lượng và an toàn trong khai thác, vận hành công trình.

Điều 9. Giải quyết sự cố trong bảo vệ công trình hàng hải

1. Khi phát hiện công trình hàng hải bị xâm phạm hoặc có nguy cơ mất an toàn, chủ đầu tư, người quản lý khai thác công trình hàng hải hoặc người phát hiện có trách nhiệm báo ngay cho Cảng vụ hàng hải tại khu vực để có biện pháp xử lý kịp thời.

2. Khi nhận được thông tin, Giám đốc Cảng vụ hàng hải phải chỉ đạo chủ đầu tư người quản lý khai thác công trình áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để bảo vệ công trình hàng hải, giảm thiểu tổn hại xảy ra đối với công trình; đồng thời, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương tại khu vực có công trình hàng hải để hỗ trợ, áp dụng biện pháp cần thiết ứng cứu, khắc phục sự cố, xử lý vi phạm, bảo đảm an toàn công trình.

3. Chủ đầu tư hoặc người quản lý khai thác công trình hàng hải có trách nhiệm thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Cảng vụ hàng hải, cơ quan có thẩm quyền; áp dụng các biện pháp ứng cứu, khắc phục sự cố, ngăn chặn hành vi vi phạm theo phương án bảo vệ công trình; thiết lập các cảnh báo cần thiết để bảo đảm an toàn xung quanh công trình; kịp thời khắc phục hậu quả để sớm đưa công trình vào khai thác an toàn.

4. Cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương tại khu vực có công trình hàng hải khi phát hiện hành vi vi phạm hoặc nhận được thông tin về công trình hàng hải bị xâm phạm hoặc có nguy cơ mất an toàn phải khẩn trương phối hợp với Cảng vụ hàng hải tại khu vực, chủ đầu tư hoặc người quản lý khai thác công trình hàng hải để xử lý vi phạm, ứng cứu, khắc phục sự cố theo quy định của pháp luật.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH HÀNG HẢI

Điều 10. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ công trình hàng hải

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ công trình hàng hải.

2. Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ công trình hàng hải.

3. Các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về công trình hàng hải.

Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

1. Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến bảo vệ công trình hàng hải.

2. Tổ chức chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý hành vi vi phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình hàng hải theo quy định.

3. Tổ chức hướng dẫn việc xác định phạm vi bảo vệ công trình hàng hải theo đề nghị của chủ đầu tư hoặc người quản lý khai thác công trình hàng hải.

4. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động hàng hải tại cảng biển trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình hàng hải.

5. Triển khai thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi và hiệu quả cho hoạt động bảo vệ công trình hàng hải.

Điều 12. Trách nhiệm của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng

1. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ công trình hàng hải.

2. Chỉ đạo hướng dẫn lực lượng trong ngành kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm về bảo vệ công trình hàng hải theo thẩm quyền.

Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường

1. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ công trình hàng hải.

2. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc quy hoạch và sử dụng đất, quy hoạch sử dụng biển và giao khu vực biển để ưu tiên xây dựng cảng biển và luồng hàng hải phù hợp quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển đã được phê duyệt.

Điều 14. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ công trình hàng hải.

Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ công trình hàng hải.

2. Tổ chức, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ công trình hàng hải tại địa phương.

3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với Cảng vụ hàng hải thực hiện bảo vệ và xử lý kịp thời hành vi vi phạm công trình hàng hải theo quy định.

Điều 16. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình hàng hải

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình hàng hải theo quy định tại Quy chế này.

2. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ, bảo trì công trình hàng hải để luôn bảo đảm chất lượng công trình ở tình trạng khai thác an toàn, bình thường.

3. Phối hợp với Cảng vụ hàng hải và các cơ quan chức năng trong việc điều tra tai nạn hàng hải có liên quan đến công trình hàng hải do mình đầu tư xây dựng hoặc quản lý khai thác theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Phối hợp quản lý trong công tác bảo vệ công trình hàng hải

1. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển thực hiện nhiệm vụ phải tuân theo các quy định của pháp luật, không gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường khai thác công trình hàng hải; Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển trong bảo vệ công trình hàng hải.

2. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau khi xử lý kịp thời các vi phạm hoặc sự cố, tai nạn hàng hải xảy ra đối với công trình hàng hải.

3. Các vướng mắc phát sinh liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác đều phải được trao đổi thống nhất để giải quyết kịp thời; trường hợp có sự không thống nhất, phải kịp thời thông báo cho Cảng vụ hàng hải biết để giải quyết theo quy định của pháp luật. Trường hợp có vướng mắc phát sinh vượt quá thẩm quyền giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nào thì cơ quan đó phải kịp thời báo cáo cơ quan quản lý cấp trên của mình để giải quyết ngay; khi cần thiết, các Bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để giải quyết nhưng chậm nhất là sau 04 giờ, kể từ khi nhận được báo cáo phải thông báo quyết định xử lý của mình cho cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan biết.

Điều 18. Xử lý vi phạm trong bảo vệ công trình hàng hải

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình hàng hải sẽ bị xử lý, nếu gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật./.

- Xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 68/2015/TT-BGTVT (VB hết hiệu lực: 15/02/2020)

Căn cứ Nghị định 109/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải ban hành kèm theo Nghị định số 109/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định số 109/2014/NĐ-CP).
...
Điều 4. Xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải

1. Công trình thiết yếu bao gồm:

a) Công trình phục vụ quốc phòng, an ninh;

b) Công trình phục vụ quản lý, khai thác công trình hàng hải;

c) Công trình đường bộ (cầu vượt trên cao, hầm ngầm vượt sông), đường dây điện, viễn thông, cáp treo, đường ống cấp, thoát nước, xăng, dầu, khí, các công trình ngầm, giàn khoan, phong điện, thủy điện, nhiệt điện và các công trình tương tự khác.

2. Việc xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải được thực hiện trong trường hợp không thể xây dựng ngoài phạm vi bảo vệ của công trình hàng hải, được chủ công trình hàng hải thống nhất và Bộ Giao thông vận tải chấp thuận theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

3. Trước khi lập đề xuất dự án, lập báo cáo đầu tư xây dựng công trình thiết yếu, chủ đầu tư gửi trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác 01 bộ hồ sơ đề nghị được chấp thuận việc xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải đến Cục Hàng hải Việt Nam. Thành phần hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải (bản chính) theo Mẫu số 1 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản vẽ mặt bằng tổng thể công trình;

c) Thuyết minh sự cần thiết xây dựng công trình và thời gian khai thác, sử dụng công trình; đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình thiết yếu đến điều kiện an toàn, điều kiện khai thác công trình hàng hải hiện hữu;

d) Biên bản thống nhất với chủ công trình hàng hải nơi công trình thiết yếu sẽ xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải.

4. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam phải có hướng dẫn chủ đầu tư công trình thiết yếu hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Chậm nhất 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của chủ đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định, báo cáo Bộ Giao thông vận tải.

5. Chậm nhất 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải có văn bản chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải theo Mẫu số 2 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này gửi chủ đầu tư và Cục Hàng hải Việt Nam; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

6. Trước khi tiến hành xây dựng công trình thiết yếu, chủ đầu tư có trách nhiệm:

a) Gửi Cảng vụ hàng hải khu vực bản sao chụp quyết định đầu tư xây dựng công trình kèm theo bình đồ bố trí mặt bằng tổng thể, bản sao chụp quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng công trình;

b) Lập, trình phê duyệt phương án bảo đảm an toàn hàng hải theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải.

7. Cảng vụ hàng hải khu vực tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng công trình thiết yếu phù hợp với quy hoạch, phương án bảo vệ công trình đã được phê duyệt, bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

8. Đối với các công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải do Bộ Giao thông vận tải hoặc Cục Hàng hải Việt Nam là người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư thì không phải thực hiện thủ tục đề nghị được chấp thuận việc xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải theo quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này nhưng trước khi tiến hành thi công, đại diện chủ đầu tư vẫn phải thực hiện các quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều này.

Xem nội dung VB