Hướng dẫn 684/HD-BLĐTBXH-MTTW thực hiện Chương trình Tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm (2014-2015) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành
Số hiệu: 684/HD-BLĐTBXH-MTTW Loại văn bản: Hướng dẫn
Nơi ban hành: Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Người ký: Hà Thị Liên, Bùi Hồng Lĩnh
Ngày ban hành: 12/03/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI, BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 684/HD-BLĐTBXH-MTTW

Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 2014

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TỔNG RÀ SOÁT CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG TRONG 2 NĂM (2014-2015)

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; căn cứ nội dung Chương trình số 4836/CTr-BLĐTBXH-MTTW ngày 05/12/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm (2014 - 2015); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Tổng rà soát như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI

1. Đối tượng

a) Liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ;

b) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

c) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (sau đây gọi chung là thương binh);

d) Bệnh binh;

e) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

g) Người có công giúp đỡ cách mạng;

h) Cựu thanh niên xung phong.

* Các đối tượng trên phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Người có tên trong danh sách người có công với cách mạng do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh quản lý (đã được cấp có thẩm quyền công nhận là người có công với cách mạng) tại thời điểm trước ngày 31/3/2014.

- Người tham gia hoạt động kháng chiến nhưng chưa được xem xét xác nhận người có công do khu dân cư trong quá trình rà soát, phát hiện đề xuất.

- Trường hợp người có công đã chết nhưng thân nhân đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì vẫn thuộc diện lập danh sách rà soát.

- Trường hợp một liệt sĩ có nhiều thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi thì lập danh sách tất cả các thân nhân của liệt sĩ.

- Trường hợp một thân nhân người có công đang hưởng từ 02 chế độ trợ cấp tiền tuất hàng tháng của hai người có công trở lên thì thống kê riêng theo từng phiếu rà soát.

- Trường hợp một người đang hưởng 02 chế độ trợ cấp ưu đãi người có công thì lập 02 phiếu thống kê rà soát.

- Trường hợp người có công có hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng ở nơi khác, có ủy quyền cho thân nhân hưởng trợ cấp ưu đãi thì người được ủy quyền kê khai rà soát.

Thân nhân người có công là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi. Thân nhân liệt sĩ còn là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.

2. Phạm vi: Tổng rà soát trên phạm vi toàn quốc; toàn bộ các thôn, làng, ấp, bản, khu phố, tổ dân phố (gọi chung là khu dân cư).

II. NHIỆM VỤ, QUY TRÌNH RÀ SOÁT

1. Tại cấp xã

1.1. Nội dung triển khai

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ra quyết định thành lập Ban rà soát do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã làm Trưởng ban, đồng chí đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xã làm Phó ban và các thành viên gồm: đại diện Ban Chỉ huy quân sự, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu thanh niên xung phong. Tùy theo đặc điểm của địa phương có thể mời đại diện của các tổ chức xã hội khác có liên quan tham gia.

- Trưởng ban rà soát tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ra quyết định thành lập Tổ rà soát ở khu dân cư.

1.2.Nhiệm vụ cụ thể của Ban rà soát:

+ Ban rà soát thực hiện nội dung chỉ đạo của các cấp, xây dựng kế hoạch triển khai tại địa phương. Tổ chức phân công cho từng thành viên theo hướng dẫn, tập huấn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn việc rà soát; thông báo công khai số điện thoại liên hệ để tiếp nhận ý kiến phản hồi của nhân dân.

+ Phổ biến, tuyên truyền mục đích, yêu cầu của việc rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công trên các tiện thông tin, nhất là việc thông tin qua đài truyền thanh xã, qua các cuộc họp.

+ Cung cấp danh sách đối tượng người có công đang hưởng chính sách ưu đãi và thân nhân của người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng của mỗi khu dân cư cho Tổ rà soát;

+ Cung cấp các mẫu phiếu rà soát, phiếu tổng hợp rà soát, phiếu cung cấp thông tin về nơi đã chôn cất liệt sĩ trong chiến tranh và tài liệu hướng dẫn việc rà soát đến từng khu dân cư.

+ Thông báo công khai danh sách các đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi và thân nhân của người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng tại địa phương trong cuộc họp tại khu dân cư.

1.3. Nhiệm vụ cụ thể của cấp xã

Sau khi các khu dân cư bàn giao phiếu rà soát, phiếu tổng hợp rà soát, Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo đối chiếu giữa danh sách tổng hợp rà soát và danh sách thực tế đang thực hiện chi trả.

a. Tổng hợp kết quả rà soát từ các mẫu 02-b; mẫu 03-b; mẫu 04-b; mẫu 05-b; mẫu 06-b; mẫu 07-b do các khu dân cư gửi đến. Lập danh sách tổng hợp về tình hình thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công như sau:

- Danh sách người có công đang hưởng đúng chế độ ưu đãi (mẫu 10)

- Danh sách người có công đang hưởng chế độ ưu đãi nhưng nhận chưa đầy đủ (mẫu 11).

- Danh sách người có công đang hưởng chế độ ưu đãi sai (mẫu 12).

- Danh sách người tham gia hoạt động kháng chiến nhưng đến nay chưa được xem xét xác nhận người có công (mẫu 13).

b. Tổng hợp kết quả rà soát từ mẫu 01-b; mẫu 08-b do khu dân cư gửi đến. Lập danh sách tổng hợp về tình hình thực hiện chế độ ưu đãi đối với thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng như sau:

- Danh sách thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp đúng (mẫu 14).

- Danh sách thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp nhưng chưa đầy đủ (mẫu 15).

- Danh sách thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp sai (mẫu 16).

c. Thông báo công khai các danh sách về khu dân cư và thông tin trên phương tiện loa phát thanh (nếu có). Họp đánh giá việc Tổng rà soát, lập biên bản kết luận (Mẫu 17); gửi báo cáo đến Ủy ban nhân dân cấp huyện kèm toàn bộ tổng hợp phiếu rà soát và danh sách theo mẫu. Lưu phiếu rà soát tại cấp xã.

1.4. Các bước triển khai ở khu dân cư

Bước 1: Thành lập tổ rà soát

Tổ rà soát do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ra quyết định thành lập. Tổ trưởng là đồng chí Trưởng Ban công tác Mặt trận, Tổ phó do đồng chí Trưởng thôn/Tổ trưởng tổ dân phố; các thành viên gồm: đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong. Tùy theo đặc điểm của địa phương có thể mời đại diện của các tổ chức xã hội có liên quan tham gia.

Bước 2: Tuyên truyền, phổ biến chính sách qua các cuộc họp ở khu dân cư và các đoàn thể, cung cấp tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn.

Bước 3: Phân công nhiệm vụ và tiến hành rà soát

- Hội Liên hiệp phụ nữ:

+ Rà soát đối tượng liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ (mẫu 01-a) (Phối hợp cùng với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ - nếu có)

+ Rà soát đối tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng (mẫu 02-a).

- Hội Cựu chiến binh:

+ Rà soát đối tượng thương binh (mẫu 03-a), bệnh binh (mẫu 04-a); đối tượng là thân nhân của thương binh, bệnh binh đang hưởng trợ cấp hàng tháng (mẫu 08-a).

+ Rà soát đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (mẫu 05-a); đối tượng là thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (mẫu 08-a). (Phối hợp cùng với Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin - nếu có)

- Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh:

+ Rà soát đối tượng người có công giúp đỡ cách mạng (mẫu 06-a).

+ Rà soát đối tượng cựu thanh niên xung phong (mẫu 07-a) (Phối hợp cùng với Hội cựu thanh niên xung phong - nếu có).

* Riêng đối với Phiếu cung cấp thông tin về nơi đã chôn cất liệt sĩ trong chiến tranh (mẫu 09) được thực hiện như sau:

- Hội cựu chiến binh cấp xã chuyển phiếu cho Chi hội cựu chiến binh (thôn, ấp, tổ dân phố) để phát phiếu đến người biết thông tin về nơi đã chôn cất liệt sĩ trong chiến tranh nhưng chưa được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ điền các thông tin vào phiếu.

- Hội cựu chiến binh cấp xã tiếp nhận phiếu từ các Chi hội cựu chiến binh, tổng hợp số lượng, đóng gói, niêm phong phiếu nộp về Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện (trước tháng 7/2014); Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện chuyển phiếu về Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh.

 Các bước tiếp theo của Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh thực hiện theo hướng dẫn của Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng (Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ).

Bước 4: Thống kê tổng hợp kết quả

- Hội Liên hiệp phụ nữ:

+ Tổng hợp phiếu rà soát liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ (mẫu 01-b).

+ Tổng hợp phiếu rà soát đối tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng (mẫu 02-b).

- Hội Cựu chiến binh:

+ Tổng hợp phiếu rà soát đối tượng thương binh (mẫu 03-b), bệnh binh (mẫu 04-b); đối tượng là thân nhân của thương binh, bệnh binh đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (mẫu 08-b).

+ Tổng hợp phiếu rà soát đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (mẫu 05-b); đối tượng là thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (mẫu 08-b).

- Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh:

+ Tổng hợp phiếu rà soát đối tượng người có công giúp đỡ cách mạng (mẫu 06-b).

+ Cùng với Hội cựu thanh niên xung phong (nếu có): Tổng hợp phiếu rà soát đối tượng cựu thanh niên xung phong (mẫu 07-b).

Bước 5: Tổ rà soát thống nhất với Ban rà soát cấp xã, tiến hành niêm yết danh sách công khai về tình hình thực hiện chế độ ưu đãi của 7 đối tượng tại nhà sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư hoặc địa điểm thuận lợi để nhân dân theo dõi.

Sau 10 ngày niêm yết công khai, tiến hành họp (lập biên bản theo mẫu 17), bàn giao toàn bộ phiếu rà soát, danh sách tổng hợp, biên bản họp đến Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trong khi tiến hành rà soát tại khu dân cư, nếu có ý kiến đề nghị hoặc tổ rà soát phát hiện người dân đã tham gia kháng chiến nhưng chưa được xem xét xác nhận người có công thì ghi đầy đủ thông tin theo mẫu 13.

2. Tại cấp huyện

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện ra quyết định thành lập Ban rà soát do 01 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện làm Trưởng ban, đồng chí đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, đại diện lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội làm Phó ban và các thành viên gồm: đại diện lãnh đạo Ban chỉ huy quân sự, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tùy theo đặc điểm của địa phương có thể mời đại diện của các tổ chức xã hội có liên quan tham gia.

- Phổ biến, tuyên truyền mục đích, yêu cầu của việc rà soát trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Cung cấp danh sách đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi đến cấp xã; số điện thoại của bộ phận thường trực và tiếp nhận các ý kiến phản ánh từ nhân dân.

- Tổ chức tập huấn hướng dẫn cấp xã, những người trực tiếp tham gia rà soát về nghiệp vụ, quy trình theo các biểu mẫu rà soát.

- Tổng hợp, kiểm tra số liệu kết quả rà soát của cấp xã gửi lên theo từng nhóm đối tượng. Lập danh sách theo các mẫu 10 đến mẫu 16.

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt kết quả rà soát trên địa bàn, gửi báo cáo theo mẫu biểu hướng dẫn về cấp tỉnh.

Trên cơ sở báo cáo tổng hợp kết quả rà soát (có đánh giá tỷ lệ đúng, chưa đầy đủ, sai) và tham mưu, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết chính sách, xử lý những trường hợp thực hiện sai theo quy định hiện hành,

3. Tại cấp tỉnh

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập Ban rà soát do 01 đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí lãnh đạo Sở Lao động -Thương binh và Xã hội làm Phó ban thường trực, đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó ban và các thành viên gồm: đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ. Tùy theo đặc điểm của địa phương có thể mời đại diện của các tổ chức xã hội có liên quan tham gia.

- Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc cấp tỉnh xây dựng kế hoạch rà soát tại địa phương, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện. Phổ biến, tuyên truyền mục đích, yêu cầu của việc rà soát trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Ban rà soát họp, kiểm tra, thống nhất kết quả Tổng rà soát trên địa bàn tỉnh (có biên bản và chữ ký của Trưởng ban và các Phó ban), trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh gửi về Trung ương.

4. Tại Trung ương

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đúng nội dung Chương trình phối hợp số 4836/CTr-BLĐTBXH-MTTW ngày 05/12/2013 về Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm (2014 - 2015).

Giao Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Ban Phong trào (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, tổ chức thực hiện việc Tổng rà soát.

III. KINH PHÍ ĐẢM BẢO

Kinh phí đảm bảo cho việc Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm (2014-2015) sẽ được hướng dẫn trước 30/3/2014.

IV. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

- Tháng 01-02/2014: Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn Tổng rà soát.

- Tháng 3/2014: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tập huấn hướng dẫn việc Tổng rà soát.

- Tháng 4/2014-5/2014: Mỗi quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh chọn một xã, phường, thị trấn để thực hiện rà soát thí điểm, rút kinh nghiệm để tổ chức Tổng rà soát trên toàn tỉnh, thành phố.

- Tháng 5/2014-7/2014: Tổng rà soát các xã, phường, thị trấn còn lại trong tỉnh, thành phố.

- Từ ngày 27/7/2014 đến trước ngày 02/9/2014: Ủy ban nhân dân cấp huyện, tỉnh công bố kết quả rà soát.

- Từ tháng 10/2014 - 7/2015: Trên cơ sở báo cáo của cấp huyện, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết những vấn đề phát sinh.

- Tháng 8/2015: Ủy ban nhân dân tỉnh gửi báo cáo kết quả Tổng rà soát (tổng hợp phiếu rà soát và danh sách theo mẫu) đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Cục Người có công) và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (qua Ban Phong trào). Số lượng: 01 bản (kèm bản điện tử qua địa chỉ: info.nguoicocong.gov.vn và phongtraomttq2013@.gmail.com).

- Tài liệu hướng dẫn Tổng rà soát được đăng tải trên website theo địa chỉ: www.nguoicocong.gov.vn.

- Bộ Quốc phòng và Bộ Công an: Căn cứ vào tài liệu hướng dẫn Tổng rà soát để thực hiện việc rà soát đối với người có công đang tại ngũ và gửi báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Cục Người có công) và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (qua Ban Phong trào) trước ngày 02/9/2014.

- Tháng 10/2015: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo Chính phủ và Quốc hội kết quả của việc Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công trong cả nước; tổ chức tổng kết việc thực hiện Tổng rà soát.

Trong quá trình triển khai rà soát, các địa phương có vướng mắc cần thông tin kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Cục Người có công) và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (qua Ban Phong trào) để hướng dẫn, giải đáp.

Thông tin chi tiết liên hệ:

1. Đ/c Dương Minh Đỗ, Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. ĐT: 0437342407 - 0904408380;

2. Đ/c Hoàng Văn Chương, Phó trưởng Ban Phong trào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. ĐT: 04.9297.402 - 0913.539.789;

3. Đ/c Nguyễn Ngọc Quang, Cục Chính sách - Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. ĐT: 0462512554 - 0904601380./.

 

TM. BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MTTQ VIỆT NAM
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Thị Liên

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG



Bùi Hồng Lĩnh

 

Nơi nhận:
- Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam;
- Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Cơ quan Trung ương: Hội Cựu chiến binh VN, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN, Hội Cựu Thanh niên xung phong, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ.
- UBND, UBMTTQVN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để t/hiện);
- Các cơ quan, đơn vị, ban thuộc Trung ương MTTQVN;
- Bộ LĐTBXH: Lãnh đạo Bộ, Cục NCC, Vụ KHTC, Văn phòng Bộ;
- Lưu: VT cơ quan Trung ương MTTQ VN và Bộ LĐTBXH.