Công văn 9076/BTC-KBNN năm 2017 xây dựng quy định phân chia nguồn thu tiền chậm nộp ngân sách địa phương được hưởng theo quy định cho ngân sách các cấp chính quyền địa phương
Số hiệu: 9076/BTC-KBNN Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Huỳnh Quang Hải
Ngày ban hành: 07/07/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9076/BTC-KBNN
V/v xây dựng quy định phân chia nguồn thu tiền chậm nộp NSĐP được hưởng theo quy định cho ngân sách các cấp chính quyền địa phương

Hà Nội, ngày 07 tháng 7 năm 2017

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố

1. Ngày 15/11/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 300/2016/TT- BTC quy định sửa đổi, bổ sung hệ thống mục lục ngân sách nhà nước. Theo đó đã bổ sung 28 tiểu mục chậm nộp (không kể tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt VPHC) để theo dõi, phân chia cho các cấp ngân sách tiền chậm nộp được quy định tại Thông tư số 326/2016/TT-BTC ngày 23/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 326/2016/TT-BTC quy định: Các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%, ngân sách địa phương hưởng 100% và khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, bao gồm cả khoản tiền thuế chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Tuy nhiên, do nghị quyết của Hội đồng nhân cấp tỉnh của các địa phương về phân chia nguồn thu ngân sách được thông qua vào giữa tháng 12 năm 2016, trước khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 326/2016/TT-BTC nêu trên, nên chưa đề cập đến việc phân chia đối với khoản thu tiền chậm nộp theo quy định nêu trên, đặc biệt chưa quy định phân chia cho từng cấp ngân sách trong nội bộ địa phương (ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã). Vì vậy, chưa có cơ sở pháp lý để phân chia khoản thu tiền chậm nộp cho các cấp ngân sách tại từng địa phương.

2. Để giải quyết vướng mắc nêu trên, đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc phân chia nguồn thu quy định tại Thông tư số 188/2010/TT-BTC ngày 22/11/2010 của Bộ Tài chính quy định tiêu thức phân cấp nguồn thu và phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương và Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước:

Nguyên tắc phân chia nguồn thu quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Thông tư số 188/2010/TT-BTC ngày 22/11/2010 của Bộ Tài chính: “...hạn chế phân chia các nguồn thu có quy mô nhỏ cho nhiều cấp; hạn chế sử dụng nhiều tỷ lệ phân chia khác nhau đối với từng khoản thu cũng như giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn.”

Nguyên tắc phân chia nguồn thu quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính: “Nguồn thu gắn với vai trò quản lý của cấp chính quyền nào thì phân cấp cho ngân sách cấp chính quyền đó”.

Đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân quy định việc phân chia nguồn thu tiền chậm nộp cho ngân sách các cấp chính quyền địa phương theo hướng:

- Đối với khoản thu tiền chậm nộp ngân sách địa phương được hưởng và được hạch toán riêng theo từng tiểu mục quy định tại Thông tư số 300/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính: Thực hiện phân chia theo khoản thu phát sinh tiền chậm nộp.

- Đối với khoản thu tiền chậm nộp ngân sách địa phương được hưởng nhưng không được hạch toán riêng theo từng khoản thu, thực hiện phân chia theo nguyên tắc: Số thu tiền chậm nộp từ người nộp gắn với cấp nào quản lý thì phân chia cho ngân sách cấp đó, không phân chia cho nhiều cấp ngân sách. Ví dụ: tiền chậm nộp các khoản thuế môn bài, thuế sử dụng đất nông nghiệp, lệ phí trước bạ nhà đất, thu khác v.v... , nếu cấp huyện quản lý thì phân chia cho ngân sách cấp huyện (các khoản thu tiền chậm nộp này được hạch toán tại tiểu mục: 4944 - Tiền chậm nộp các khoản khác còn lại theo quy định của pháp luật do ngành thuế quản lý và Tiểu mục 4947- Tiền chậm nộp các khoản khác còn lại theo quy định của pháp luật do ngành khác quản lý); hoặc tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng hàng hóa sản xuất kinh doanh trong nước còn lại do tổ chức thuộc cấp tỉnh quản lý nộp ngân sách (được hạch toán ở tiểu mục 4931) thì phân chia cho ngân sách cấp tỉnh v.v.... Trong đó, khoản thu tiền chậm nộp do đơn vị thuộc cấp trung ương quản lý nộp ngân sách nhưng địa phương được hưởng thì phân chia cho ngân sách cấp tỉnh.

Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, tổ chức thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Sở Tài chính các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan;
- Vụ Pháp chế: Vụ NSNN;
- Lưu VT, KBNN (140 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Huỳnh Quang Hải

 

 

Điều 2. Nguyên tắc phân cấp nguồn thu và phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương

1. Gắn nguồn thu với nhiệm vụ chi và khả năng quản lý của từng cấp chính quyền địa phương, đảm bảo nguồn lực để các cấp chủ động thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trong phạm vi quản lý; khuyến khích các cấp tăng cường quản lý thu, chống thất thu; hạn chế phân chia các nguồn thu có quy mô nhỏ cho nhiều cấp; hạn chế sử dụng nhiều tỷ lệ phân chia khác nhau đối với từng khoản thu cũng như giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn.

Xem nội dung VB
Điều 7. Nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương

1. Việc phân cấp nguồn thu giữa ngân sách các cấp ở địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 39 Luật ngân sách nhà nước, Điều 17 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ và các yêu cầu sau:

a) Gắn với nhiệm vụ và khả năng quản lý của từng cấp, hạn chế việc bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới; khuyến khích các cấp tăng cường quản lý thu, chống thất thu. Nguồn thu gắn liền với vai trò quản lý của cấp chính quyền nào thì phân cấp cho ngân sách cấp chính quyền đó;

b) Hạn chế phân cấp cho nhiều cấp ngân sách đối với các nguồn thu có quy mô nhỏ;

c) Bảo đảm tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu cho ngân sách cấp mình và ngân sách các cấp dưới không được vượt quá tỷ lệ phần trăm (%) phân chia theo quy định của cấp trên đối với từng khoản thu được phân chia.

Xem nội dung VB