Công văn 6712/TCHQ-GSQL năm 2020 về đảm bảo điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan tại cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, cảng cạn (ICD), ga đường sắt liên vận quốc tế
Số hiệu: 6712/TCHQ-GSQL Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan Người ký: Mai Xuân Thành
Ngày ban hành: 16/10/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6712/TCHQ-GSQL
V/v đảm bảo điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan tại cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng HK quốc tế, cảng cạn (ICD), ga đường sắt liên vận quốc tế

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2020

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Qua công tác kiểm tra, rà soát hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng tại cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, cảng cạn (ICD), ga đường sắt liên vận quốc tế và theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, hiện nay một số doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng thực hiện lưu giữ chung giữa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa, không đáp ứng yêu cầu về quản lý, kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật dẫn đến xảy ra tình trạng lợi dụng để gian lận, thẩm lậu hàng hóa vào nội địa, vi phạm pháp luật.

Căn cứ Điều 41 Luật Hải quan quy định trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi trong hoạt động giám sát hải quan; căn cứ khoản 3 Điều 4 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan; căn cứ Điều 34 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ; căn cứ điểm a khoản 1 Điều 52đ Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng trong việc quản lý, giám sát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện các nội dung như sau:

1. Giao Cục Hải quan các tỉnh, thành phố rà soát các cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, cảng cạn (ICD), ga đường sắt liên vận quốc tế có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh trên địa bàn quản lý, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng để thông báo quy định của pháp luật nêu trên và yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng thực hiện xây dựng hệ thống kho, bãi, cảng đảm bảo như sau:

- Không cho phép lưu giữ chung giữa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa. Trường hợp kho, bãi, cảng có lưu giữ hàng hóa nội địa thì doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng phải bố trí lối đi riêng, cổng ra/vào riêng để sử dụng riêng biệt giữa khu vực lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa;

- Giữa các khu vực lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa phải được ngăn cách riêng biệt (có thể sử dụng hàng rào cứng hoặc hàng rào sắt /lưới B40 có thể di động được). Đối với cảng cạn (ICD), sau khi ngăn cách riêng biệt phải đảm bảo diện tích theo đúng quy định tại Điều 31 Nghị định số 68/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 của Chính phủ.

- Khu vực lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh phải đảm bảo đủ điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cho phép hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh xếp, dỡ, tập kết hàng hóa để làm thủ tục hải quan.

2. Về việc cung cấp sơ đồ tổng thể khu vực lưu giữ hàng hóa:

Tại điểm b khoản 1 Điều 52đ Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định trước khi đưa hàng hóa vào khu vực lưu giữ, doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng cung cấp cho cơ quan hải quan thông tin sơ đồ tổng thể khu vực lưu giữ hàng hóa. Tuy nhiên, qua rà soát trên Hệ thống VASSCM việc thực hiện cung cấp sơ đồ mặt bằng của các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng chưa thực hiện đầy đủ.

Vì vậy, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố rà soát thông qua Hệ thống VASSCM, yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng cung cấp đầy đủ sơ đồ mặt bằng theo đúng quy định nêu trên. Trong đó, sơ đồ mặt bằng phải làm rõ: Mặt bằng toàn bộ kho, bãi, cảng; Chi tiết khu vực lưu giữ riêng biệt giữa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa; Biện pháp ngăn cách riêng biệt giữa các khu vực. Thời hạn đ các doanh nghiệp kinh doanh cảng hoàn thành thực hiện trước ngày 31/12/2020.

Sau thời hạn 31/12/2020, trường hợp doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng không thực hiện cung cấp sơ đồ mặt bằng theo quy định nêu trên thì Cục Hải quan các tỉnh, thành phố lập danh sách tên doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng báo cáo về Tổng cục Hải quan để có cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Thời gian hoàn thiện khu vực lưu giữ hàng hóa tại kho, bãi, cảng theo quy định tại Luật Hải quan, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ và yêu cầu quản lý, kiểm tra, giám sát về hải quan tại điểm 1 nêu trên như sau:

- Đối với các kho, bãi, cảng đã được Tổng cục Hải quan công nhận đủ điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan trước thời điểm Nghị định số 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực; các kho, bãi, cảng đã thành lập, đang hoạt động, chưa được Tổng cục Hải quan công nhận trước thời điểm Nghị định số 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực; các kho, bãi, cảng đã được Tổng cục Hải quan công nhận sau thời điểm Nghị định số 59/2018/NĐ-CP có hiệu lực: Hoàn thiện việc xây dựng bổ sung hệ thống kho, bãi, cảng để có khu vực lưu giữ riêng giữa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa trước ngày 30/6/2021.

- Đối với các kho, bãi, cảng thành lập mới chưa được Tổng cục Hải quan công nhận hoặc đang thực hiện các thủ tục để Tổng cục Hải quan công nhận đủ điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan phải hoàn thiện các khu vực lưu giữ hàng hóa tại kho, bãi, cảng theo quy định tại Luật Hải quan, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngay 21/01/2015, Nghị định s 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ và yêu cầu quản lý, kiểm tra, giám sát về hải quan tại điểm 1 nêu trên trước khi triển khai hoạt động.

4. Cục Hải quan các tỉnh, thành phố quản lý các kho, bãi, cảng chịu trách nhiệm đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng nghiêm túc thực hiện yêu cầu trên theo quy định của pháp luật. Sau thời hạn ngày 31/12/2020, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố báo cáo các nội dung sau gửi về Tổng cục Hải quan:

- Danh sách các kho, bãi, cảng trên địa bàn quản lý (tên kho, bãi, cảng, mã số (nếu có), Chi cục Hải quan quản lý).

- Sơ đồ mặt bằng toàn bộ kho, bãi, cảng; Sơ đồ khu vực lưu giữ riêng biệt giữa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa; Biện pháp ngăn cách riêng biệt giữa các khu vực.

- Sơ đồ dự kiến lối đi riêng và cổng ra/vào riêng để sử dụng riêng biệt giữa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa;

- Kế hoạch, thời gian xây dựng, hoàn thiện khu vực lưu giữ riêng biệt, lối đi riêng và cổng ra/vào riêng để sử dụng riêng biệt giữa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa.

5. Căn cứ quy định tại Điều 38a Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 21 Điều 1 Nghị định số 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục công nhận kho, bãi, địa điểm trong khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, cảng cạn (ICD), ga đường sắt liên vận quốc tế đủ điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan, yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố sau khi thực hiện kiểm tra, khảo sát báo cáo Tổng cục Hải quan công nhận đủ điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan phải xác nhận rõ khu vực lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.

6. Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát về điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan tại các kho, bãi, cảng thuộc cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, cảng cạn (ICD), ga đường sắt liên vận quốc tế trên toàn quốc. Trường hợp kho, bãi, cảng tại cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, cảng cạn (ICD), ga đường sắt liên vận quốc tế không đáp ứng về điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định thì cơ quan Hải quan không bố trí lực lượng làm thủ tục, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh tại kho, bãi, cảng theo quy định của pháp luật.

Giao Cục Giám sát quản lý về hải quan chủ trì, phối hợp với các Cục Hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo điều kiện về kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan; Tổ chức rà soát, kiểm tra về điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan các các kho, bãi, cảng, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục đối với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng không đáp ứng điều kiện về kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan.

Tổng cục Hải quan thông báo nội dung trên để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Bộ Tài chính;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Cục Hàng hải Việt Nam;
- Cục Hàng không Việt Nam;
- TCT Nguyễn Văn Cẩn;
- Các Phó Tổng cục trưởng;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Mai Xuân Thành

 

Điều 41. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi trong hoạt động giám sát hải quan

1. Bố trí địa điểm để lắp đặt phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ giám sát hải quan theo yêu cầu của cơ quan hải quan.

2. Kết nối hệ thống thông tin quản lý hàng hóa của doanh nghiệp với hệ thống thông quan điện tử của cơ quan hải quan để quản lý hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan đưa vào lưu giữ, đưa ra khỏi khu vực cảng, kho, bãi.

3. Thực hiện đầy đủ chế độ quản lý, thống kê, lưu giữ chứng từ, sổ sách, số liệu hàng hóa đưa vào lưu giữ, đưa ra khỏi khu vực cảng, kho, bãi theo quy định của pháp luật và xuất trình, cung cấp cho cơ quan hải quan khi có yêu cầu.

4. Cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan hải quan trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hàng hóa ra, vào, lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi.

5. Bảo quản, sắp xếp, lưu giữ nguyên trạng hàng hóa trong khu vực cảng, kho, bãi theo yêu cầu giám sát, quản lý của cơ quan hải quan.

6. Chỉ cho phép vận chuyển hàng hóa ra, vào khu vực cảng, kho, bãi khi có chứng từ của cơ quan hải quan.

7. Thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền về xử lý hàng hóa vi phạm.

Xem nội dung VB
Điều 4. Địa điểm làm thủ tục hải quan
...

3. Căn cứ vào quy hoạch và công bố hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, mạng bưu chính công cộng cung ứng dịch vụ quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc tổ chức bộ máy và bố trí lực lượng làm thủ tục hải quan.

Căn cứ vào quy hoạch và công bố hệ thống cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa; quy hoạch cảng hàng không quốc tế và kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, khối lượng công việc tại các khu vực có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định điều kiện, thủ tục thành lập, chấm dứt hoạt động địa điểm làm thủ tục hải quan, kho hàng không kéo dài.

*Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 3 Điều 4 như sau:
...
3. Căn cứ vào quy hoạch và công bố hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, cảng cạn (ICD), ga đường sắt liên vận quốc tế, mạng bưu chính công cộng cung ứng dịch vụ quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc tổ chức bộ máy, bố trí lực lượng làm thủ tục hải quan; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan công nhận kho, bãi, địa điểm trong khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế đủ điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cho phép hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập kết để làm thủ tục hải quan. Điều kiện, trình tự thủ tục công nhận, mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng, chấm dứt hoạt động địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung như quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan”.*

Xem nội dung VB
Điều 34. Gỉám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh

1. Giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh thực hiện theo quy định tại các Điều 38, 39, 40, 41 Luật Hải quan.

2. Để thực hiện các quy định về giám sát hải quan tại Luật Hải quan, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi có trách nhiệm:

a) Bố trí khu vực lưu giữ riêng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận;

b) Sử dụng hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định để quản lý, giám sát hàng hóa xuất khẩu; nhập khẩu đang chịu sự giám sát hải quan đưa vào lưu giữ, đưa ra khỏi khu vực cảng, kho, bãi và thực hiện kết nối với cơ quan quản lý nhà nước tại cửa khẩu;

c) Kiểm tra các chứng từ đã được cơ quan hải quan xác nhận hàng hóa đã thông quan, giải phóng hàng, được đưa hàng về bảo quản, đưa về địa điểm kiểm tra trước khi cho phép hàng hóa được xếp lên phương tiện vận tải để xuất khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu được đưa ra khỏi khu vực cảng, kho, bãi;

d) Bảo mật thông tin trên hệ thống theo quy định của pháp luật;

đ) Thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền về xử lý hàng hóa vi phạm thời gian lưu giữ, hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Điều 58 Luật Hải quan.

3. Để thực hiện các quy định tại Khoản 2, Khoản 6 Điều 41 Luật Hải quan, cơ quan hải quan có trách nhiệm:

a) Kiểm tra việc thực hiện các trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi quy định tại Điều 41 Luật Hải quan và Khoản 2 Điều này. Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi vi phạm các quy định về giám sát hải quan thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và cơ quan hải quan tăng cường các biện pháp thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hóa đưa vào, ra khu vực kho, bãi cảng;

b) Chia sẻ thông tin tờ khai hải quan đã được thông quan, giải phóng hàng, đưa hàng về bảo quản, đưa hàng về địa điểm kiểm tra để doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi thực hiện các quy định tại Khoản 2, Khoản 6 Điều 41 Luật Hải quan để phục vụ cho việc kết nối trên cơ sở bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống;

c) Bố trí cán bộ phối hợp cùng doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi kiểm tra việc hàng hóa đưa vào khu vực cảng khi có sự cố hệ thống;

d) Kiểm tra tình trạng hàng hóa, niêm phong hải quan đối với các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải niêm phong hải quan theo quy định của Bộ Tài chính;

đ) Thực hiện việc tuần tra, kiểm soát trong khu vực cảng, kho, bãi theo quy định.

4. Trong quá trình thực hiện hoạt động giám sát hải quan, tuần tra tại địa bàn hoạt động hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan có quyền:

a) Quyết định tạm hoãn việc khởi hành, dừng phương tiện vận tải đang vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan.

Trong trường hợp khẩn cấp, công chức hải quan đang thi hành nhiệm vụ được quyền tạm dừng phương tiện vận tải và báo cáo ngay với Chi cục trưởng Chi cục Hải quan;

b) Quyết định việc kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan;

c) Quyết định việc truy đuổi phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan.

5. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể về giám sát hải quan.

Xem nội dung VB
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
...

32. Bổ sung Điều 52a, Điều 52b, Điều 52c, Điều 52d và Điều 52đ như sau:
...

Điều 52đ. Quy định về phối hợp, trao đổi thông tin và khi Hệ thống gặp sự cố

1. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi

a) Tại khu vực cảng, kho, bãi có lưu giữ hàng hóa vận chuyển nội địa (hàng hóa mua bán trong nước), doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi có trách nhiệm bố trí khu vực lưu giữ riêng giữa hàng hóa vận chuyển nội địa với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh để đảm bảo công tác quản lý, giám sát hải quan theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP;

Xem nội dung VB
Điều 31. Điều kiện công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn

1. Phải có diện tích tối thiểu từ 50.000 m2 trở lên.

2. Có phần mềm đáp ứng các tiêu chí sau:

a) Quản lý hàng hóa nhập, xuất, lưu giữ, tồn trong địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn theo từng mặt hàng, đối tượng mua hàng, tờ khai hải quan;

b) Đáp ứng yêu cầu sao lưu, kết xuất dữ liệu để phục vụ công tác báo cáo, thống kê, lưu trữ và được nối mạng trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.

3. Có hệ thống ca-mê-ra đáp ứng các tiêu chí sau:

a) Quan sát được các vị trí trong địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn. Hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ);

b) Dữ liệu về hình ảnh ca-mê-ra được lưu giữ tối thiểu 12 tháng;

c) Hệ thống ca-mê-ra được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành chuẩn trao đổi dữ liệu giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp kinh doanh địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn về phần mềm quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra, hệ thống ca-mê-ra giám sát.

*Điều này được sửa đổi bởi Khoản 15 Điều 1 Nghị định 67/2020/NĐ-CP

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan
...
15. Điều 31 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 31. Điều kiện công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa

“1. Địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa phải có diện tích khu đất tối thiểu 50.000 m2. Địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa nằm trong khu công nghiệp phải có diện tích khu đất tối thiểu 20.000 m2.

2. Có phần mềm đáp ứng yêu cầu quản lý lưu giữ, kết xuất dữ liệu trực tuyến cho cơ quan hải quan về tên hàng, số lượng, tình trạng của hàng hóa, thời điểm hàng hóa đưa vào, đưa ra, lưu giữ trong địa điểm chi tiết theo vận đơn và/hoặc tờ khai hải quan để quản lý theo Hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa tự động.

3. Có hệ thống camera đáp ứng kết nối trực tuyến với cơ quan hải quan quản lý. Hình ảnh quan sát được mọi vị trí của địa điểm làm thủ tục hải quan vào tất cả thời điểm trong ngày (24/24 giờ), dữ liệu về hình ảnh lưu giữ tối thiểu 06 tháng.”.*

Xem nội dung VB
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
...

32. Bổ sung Điều 52a, Điều 52b, Điều 52c, Điều 52d và Điều 52đ như sau:
...

Điều 52đ. Quy định về phối hợp, trao đổi thông tin và khi Hệ thống gặp sự cố

1. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi
...

b) Trước khi đưa hàng hóa vào khu vực lưu giữ, cung cấp cho cơ quan hải quan thông tin sơ đồ tổng thể khu vực lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận và hàng hóa trung chuyển (nếu có) theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 13 Phụ lục X ban hành kèm Thông tư này (chỉ cung cấp lần đầu, khi có thay đổi thì cập nhật và gửi lại cho cơ quan hải quan);

Xem nội dung VB
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan
...

21. Bổ sung Điều 38a như sau:

“Điều 38a. Công nhận kho, bãi, địa điểm trong khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế đủ điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan

1. Đối với các kho, bãi, địa điểm nằm trong khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch và công bố thì doanh nghiệp kinh doanh địa điểm tập kết, lưu giữ hàng hóa xuất, nhập khẩu đề nghị Tổng cục Hải quan thực hiện thủ tục công nhận địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đủ điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan và chịu sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan (sau đây gọi là kho, bãi, địa điểm tập kết, lưu giữ hàng hóa).

Đối với các kho, bãi, địa điểm trong khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế được Bộ Giao thông vận tải công bố trước khi Nghị định này có hiệu lực không phải thực hiện công nhận theo quy định tại Điều này.

2. Kho, bãi, địa điểm tập kết, lưu giữ hàng hóa phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định này.

3. Diện tích

a) Kho, bãi, địa điểm tập kết, lưu giữ hàng hóa trong khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa thuộc quyết định công bố mở, thành lập cảng biển, cảng thủy nội địa, diện tích công nhận được xác định theo đề nghị công nhận của doanh nghiệp;

b) Kho, bãi, địa điểm tập kết, lưu giữ hàng hóa nằm trong quy hoạch cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất phải có diện tích khu đất tối thiểu 1.000 m2. Đối với các cảng hàng không quốc tế còn lại và cảng hàng không nội địa được phép khai thác chuyến bay quốc tế, kho, bãi, địa điểm tập kết, lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan phải có diện tích khu đất tối thiểu 500 m2;

c) Kho, bãi, địa điểm tập kết, lưu giữ hàng hóa nằm trong khu vực ga đường sắt liên vận quốc tế phải có diện tích khu đất tối thiểu 1.000 m2.

4. Hồ sơ công nhận

a) Văn bản đề nghị công nhận theo Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính;

b) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc chứng từ khác quy định tại khoản 4 Điều 81 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp: 01 bản chụp;

c) Quyết định công bố mở, thành lập cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế của cơ quan có thẩm quyền: 01 bản chụp;

d) Sơ đồ thiết kế khu vực đề nghị công nhận địa điểm tập kết, lưu giữ hàng hóa thể hiện rõ đường ranh giới ngăn cách với bên ngoài, vị trí lắp đặt hệ thống camera, hệ thống đường vận chuyển nội bộ, bảo vệ và nơi làm việc của hải quan: 01 bản chụp.

5. Trình tự công nhận đối với các kho, bãi, địa điểm nằm trong khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch và công bố

Doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, địa điểm tập kết, lưu giữ hàng hóa tại cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế thực hiện thủ tục công nhận kho, bãi, địa điểm tập kết, lưu giữ hàng hóa theo trình tự quy định tại Điều 12 Nghị định này trước khi đưa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vào tập kết để làm thủ tục hải quan.

6. Doanh nghiệp thực hiện mở rộng, thu hẹp, đổi tên, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng, chấm dứt hoạt động địa điểm tập kết, lưu giữ hàng hóa tại khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế theo trình tự quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 15 Nghị định này.”.

Xem nội dung VB