Công văn 5920/BGDĐT-KHTC năm 2018 về triển khai Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu: 5920/BGDĐT-KHTC Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo Người ký: Nguyễn Hữu Độ
Ngày ban hành: 28/12/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Dân tộc, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5920/BGDĐT-KHTC
V/v triển khai Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2018

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn

Thực hiện Quyết định số 775/QĐ-TTg ngày 27/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Chương trình); căn cứ Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ và đã được phê duyệt tại Quyết định số 775/QĐ-TTg ngày 27/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh phối hợp để chỉ đạo triển khai tốt một số nội dung sau:

1. Về kinh phí thực hiện Chương trình

Trên cơ sở số vốn từ ngân sách trung ương giao, đề nghị các địa phương cân đối bố trí thêm nguồn kinh phí của địa phương để đối ứng. Khuyến khích các tỉnh bố trí tăng thêm nguồn kinh phí của địa phương để thực hiện các nhiệm vụ thiết yếu, phù hợp thực tế tại địa phương như: cải tạo để mở rộng công trình nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh... Đề nghị dùng nguồn kinh phí đối ứng của địa phương để thực hiện các chi phí tư vấn, quản lý dự án, quản lý công trình, kiểm tra giám sát Chương trình (chi tiết vốn NSTƯ và địa phương năm 2018 và dự kiến các năm gửi kèm).

2. Về lập kế hoạch và phương án phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình

Trên cơ sở số vốn (gồm cả vốn đối ứng) và nhiệm vụ được giao của cả giai đoạn 2016-2020, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập kế hoạch và dự toán kinh phí theo năm và cả giai đoạn một cách phù hợp để triển khai Chương trình, gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 25/01/2019 để tổng hợp theo quy định.

Hằng năm, căn cứ dự toán ngân sách được Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện xây dựng, phê duyệt phương án phân bổ và gửi kết quả phân bổ dự toán kinh phí của Chương trình (chi tiết từng nhiệm vụ) về Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp theo quy định tại khoản 4, điều 4 Thông tư số 86/2018/BTC ngày 18/9/2018 Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020.

3. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại khoản 8 Điều 1 Quyết định số 775/QĐ-TTg ngày 27/6/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình của các tỉnh và sẽ thu hồi vốn hoặc giảm vốn đối với các tỉnh không thực hiện đúng mục tiêu, nhiệm vụ, đúng quy định về quản lý, sử dụng kinh phí Chương trình, không thực hiện đủ vốn đối ứng, không thực hiện đúng tiến độ và báo cáo đúng theo quy định của Chương trình.

Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Sở GDĐT các tỉnh (để thực hiện);
- Lưu: VT, KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Độ

 

DỰ KIẾN VỐN SỰ NGHIỆP NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG VÀ ĐỊA PHƯƠNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIÁO DỤC VÙNG NÚI, VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, VÙNG KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2016-2020

(Kèm theo Công văn số 5920/BGDĐT-KHTC ngày 28 tháng 12 năm 2018)

TỈNH LẠNG SƠN:

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Năm

Tổng số

Chia ra

Vốn NSTW

Vốn NSĐP và khác

 

Tng số dự kiến

173,386

126,518

46,868

1

Năm 2016 (đã giao vốn)

24,036

18,018

6,018

2

Năm 2018 (đã giao vốn)

46,800

35,100

11,700

3

Năm 2016 và 2017 (dự kiến bổ sung)

60,000

45,000

15,000

4

Năm 2019 (dự kiến)

33,700

25,300

8,400

5

Năm 2020 (dự kiến)

8,850

3,100

5,750

 

Điều 4. Lập, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí thực hiện CTMT Giáo dục
...
4. Căn cứ dự toán ngân sách được Thủ tướng Chính phủ giao về kinh phí CTMT Giáo dục; Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng phương án phân bổ dự toán kinh phí thực hiện CTMT Giáo dục từ nguồn ngân sách Trung ương và bố trí nguồn ngân sách địa phương, huy động các nguồn kinh phí khác để thực hiện CTMT Giáo dục ở địa phương. Mức kinh phí phân bổ đảm bảo không thấp hơn dự toán kinh phí CTMT Giáo dục được Thủ tướng Chính phủ giao.

Sau khi phương án phân bổ kinh phí CTMT Giáo dục được phê duyệt, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm gửi kết quả phân bổ dự toán kinh phí CTMT Giáo dục (chi tiết từng nhiệm vụ) về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.

Xem nội dung VB
Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020, bao gồm các nội dung chính sau:
...
8. Tổ chức thực hiện Chương trình

a) Bộ Giáo dục và Đào tạo:

- Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương thực hiện Chương trình.

- Tổng hợp và xây dựng kế hoạch trung hạn và hằng năm đối với các đối tượng, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan.

- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.

- Chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách, bảo đảm cho việc thực hiện các mục tiêu đề ra của Chương trình.

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trong việc phân bổ nguồn lực, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án thuộc Chương trình.

- Chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, thanh quyết toán phần kinh phí trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình theo quy định đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, không thất thoát, lãng phí.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, giao vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn và hằng năm để thực hiện Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định nguồn vốn đầu tư phát triển và khả năng cân đối vốn đầu tư phát triển các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương thuộc Chương trình.

- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình.

c) Bộ Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giáo dục và Đào tạo cân đối, bố trí vốn sự nghiệp của trung ương thực hiện Chương trình.

- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình.

- Chủ trì hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình.

d) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình ở địa phương, trong đó giao Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị đầu mối chủ trì tổng hợp, tham mưu đề xuất phương án đầu tư, triển khai thực hiện, kiểm tra giám sát đánh giá, lưu trữ dữ liệu và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan theo quy định.

- Rà soát, đề xuất xây dựng và triển khai các dự án để thực hiện Chương trình.

- Xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch trung hạn và hằng năm của bộ, ngành và địa phương; gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan.

- Quản lý, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương trình do địa phương quản lý; định kỳ báo cáo chủ Chương trình tiến độ thực hiện Chương trình tại địa phương; tổ chức sơ kết và tổng kết Chương trình ở địa phương theo quy định.

- Chỉ đạo việc huy động đủ nguồn kinh phí đối ứng cho Chương trình; phối hợp với các bộ ngành trung ương điều hành, quản lý đảm bảo thực hiện hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình.

- Chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, thanh quyết toán phần kinh phí trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình theo quy định bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, không thất thoát, lãng phí.

Xem nội dung VB