Quyết định 775/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp đến năm 2020
Số hiệu: | 775/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Thiện Nhân |
Ngày ban hành: | 02/06/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 12/06/2010 | Số công báo: | Từ số 275 đến số 276 |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, Khoa học, công nghệ, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 775/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT PHÁT TRIỂN, ỨNG DỤNG BỨC XẠ TRONG NÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp đến năm 2020 (gọi tắt là Quy hoạch) với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM
1. Phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; phát huy các đặc tính ưu việt của kỹ thuật bức xạ để nhanh chóng tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao.
2. Phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp phải có sự lựa chọn, đầu tư đồng bộ tăng cường cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho các cơ sở nghiên cứu và và ứng dụng; huy động được sự tham gia phối hợp của các ngành, sự liên kết của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ.
3. Kết hợp chặt chẽ giữa kỹ thuật bức xạ và công nghệ sinh học hiện đại để rút ngắn quá trình nghiên cứu tạo ra các sản phẩm trong lĩnh vực ứng dụng bức xạ phục vụ phát triển nông nghiệp.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Đẩy mạnh ứng dụng bức xạ góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững; có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trước mắt cũng như lâu dài.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Tạo và phát triển các giống cây trồng, vi sinh vật có giá trị kinh tế cao, các quy trình, các chế phẩm từ kỹ thuật bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ nông nghiệp.
- Tạo ra và đưa vào sản xuất 3-4 giống đột biến cho mỗi loại cây trồng nông nghiệp hàng năm; 1-2 giống đột biến đối với cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm và cây lâm nghiệp, 3-4 chủng vi sinh vật mới cho mỗi loại, đưa tỷ lệ các giống đột biến chiếm ít nhất 40% tổng số giống cây trồng và vi sinh vật mới;
- Xây dựng và phát triển quy trình nhân nuôi côn trùng quy mô công nghiệp và kỹ thuật tiệt sinh (SIT) cho một số loài côn trùng chính gây hại, đến năm 2020 góp phần quản lý 50% các côn trùng gây hại chính trên cây trồng bằng kỹ thuật tiệt sinh côn trùng.
- Xây dựng và ứng dụng được quy trình xử lý chiếu xạ sau thu hoạch đối với một số loại rau, quả chủ lực, một số loại thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm thủy sản tươi sống hoặc đông lạnh; đến năm 2015 góp phần xử lý ít nhất 35% và đến năm 2020 xử lý ít nhất 70% hàng nông sản xuất khẩu bằng kỹ thuật chiếu xạ.
b) Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp. Đến năm 2020, xây dựng 2 Trung tâm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong chọn tạo giống cây trồng; xây dựng được 10 phòng thí nghiệm ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ nghiên cứu; xây dựng 2-3 nhà máy sản xuất côn trùng tiệt sinh; xây dựng 9-12 cơ sở chiếu xạ nguồn gamma Co-60 quy mô công nghiệp hoàn chỉnh phục vụ chiếu xạ bảo quản, kiểm dịch và vệ sinh an toàn nông sản, thực phẩm.
III. NỘI DUNG CHỦ YẾU
1. Nhiệm vụ phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp
a) Lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng, vi sinh vật
Ứng dụng phương pháp đột biến phóng xạ kết hợp với các phương pháp truyền thống và công nghệ sinh học để chọn tạo ra các giống cây trồng mới (cây lúa, ngô, đậu đỗ, cây có củ, cây rau, cây hoa, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp) có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh hại chính và các điều kiện khó khăn, thích hợp với các vùng sinh thái; chọn tạo các giống vi sinh vật mới phục vụ cho sản xuất phân bón, chế phẩm xử lý môi trường và bảo vệ cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
b) Lĩnh vực bảo vệ thực vật.
Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ để gây bất dục côn trùng đực, xác định sự di chuyển của các loài côn trùng và nghiên cứu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm.
c) Lĩnh vực nông hóa, thổ nhưỡng
Sử dụng các chất đồng vị phóng xạ trong nghiên cứu quản lý dinh dưỡng đất cho một số cây trồng (rau, chè, cà phê, hồ tiêu …), nghiên cứu sói mòn đất và sản xuất vật liệu sinh học cải tạo đất, phân bón.
d) Lĩnh vực chăn nuôi, thú y
sử dụng kỹ thuật bức xạ để tạo ra các chủng vi sinh vật dùng trong sản xuất văc xin phòng bệnh, để diệt ấu trùng ký sinh trùng.
đ) Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản
Sử dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ để đánh giá tồn dư kim loại nặng trong nuôi trồng thủy sản, xử lý ô nhiễm môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
e) Lĩnh vực bảo quản và chế biến
Nghiên cứu phát triển, ứng dụng bức xạ để xử lý và bảo quản một số sản phẩm rau, quả chủ yếu, thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm ở dạng tươi sống hoặc đông lạnh, sản phẩm thủy sản tươi sống phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
2. Các phòng thí nghiệm và cơ sở chiếu xạ phục vụ công tác nghiên cứu và ứng dụng
a) Trung tâm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong chọn tạo giống cây trồng, vi sinh vật
Đến năm 2020, trên cơ sở 2 phòng thí nghiệm đã có nâng cấp thành Trung tâm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong chọn tạo giống cây trồng, vi sinh vật tại Viện Di truyền Nông nghiệp và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, có khả năng ứng dụng kỹ thuật bức xạ và đồng vị phóng xạ vào giải quyết các vấn đề của nông nghiệp.
b) Các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu
- Xây dựng 2 phòng thí nghiệm nghiên cứu kỹ thuật tiệt sinh côn trùng bằng chiếu xạ (SIT) tại Viện Bảo vệ thực vật và Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long;
- Xây dựng 2 phòng thí nghiệm phân tích đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực nông hóa, thổ nhưỡng tại Viện Thổ nhưỡng Nông hóa và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam;
- Xây dựng 2 phòng thí nghiệm phân tích đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y tại Viện Thú y và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam;
- Xây dựng 2 phòng thí nghiệm phân tích đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực thủy sản tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III;
- Xây dựng 2 phòng thí nghiệm kiểm tra nông sản và thực phẩm đã xử lý chiếu xạ tại Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch và Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch;
- Trong giai đoạn từ 2010 đến 2015, trang bị 15-17 buồng gamma để nâng cấp các phòng thí nghiệm về chọn tạo giống cây trồng, vi sinh vật cho các Viện, Trường Đại học, mỗi cơ sở trang bị 1 buồng gamma.
c) Cơ sở chiếu xạ phục vụ sản xuất
- Đến năm 2020, xây dựng 2-3 nhà máy sản xuất các loài côn trùng tiệt sinh gây hại có ý nghĩa kinh tế ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và/hoặc miền Trung để sản xuất hàng loạt côn trùng tiệt sinh phóng thích vào thiên nhiên khống chế được 2-3 loại côn trùng gây hại có ý nghĩa kinh tế, khống chế ở ngưỡng an toàn các loại dịch sâu hại nguy hiểm nhất, phục vụ Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp và an toàn nông nghiệp;
- Đến 2015, hỗ trợ xây dựng 2-3 cơ sở chiếu xạ bảo quản nông sản thực phẩm quy mô công nghiệp ở mỗi vùng: phía Bắc, miền Trung và phía Nam; đến năm 2020, hỗ trợ xây dựng được 3-4 cơ sở chiếu xạ ở mỗi vùng, phục vụ chiếu xạ bảo quản, kiểm dịch và vệ sinh an toàn nông sản, thực phẩm. Công suất các cơ sở chiếu xạ phải phù hợp với từng loại nông sản và khối lượng nông sản cần chiếu xạ của vùng.
IV. CÁC GIẢI PHÁP
1. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị
Nhà nước ưu tiên ngân sách đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp thông qua các dự án đầu tư theo Quy hoạch chi tiết tại mục III Điều 1 của Quyết định này.
2. Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan tổ chức xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cụ thể theo các nhiệm vụ phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp của Quyết định này.
3. Đào tạo nguồn nhân lực
a) Đào tạo nước ngoài: trong giai đoạn 2010 – 2020 cử đào tạo 150 – 200 thạc sỹ, tiến sỹ; đào tạo ngắn hạn 200-250 cán bộ kỹ thuật và quản lý trong lĩnh vực phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp;
b) Đào tạo trong nước: mỗi năm đào tạo 150 – 200 kỹ thuật viên tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và một số tổ chức khoa học công nghệ chuyên ngành khác về kỹ thuật ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp và đảm bảo an toàn trong bức xạ.
c) Đào tạo theo đề tài, dự án: mỗi đề tài, dự án khoa học và công nghệ về ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước dành kinh phí cho đào tạo ở nước ngoài 2-3 người, thời gian tối đa 6 tháng phù hợp với mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ được phê duyệt.
4. Hợp tác quốc tế
Mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực về ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp, đặc biệt là với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến thông qua nghị định thư và dự án hợp tác quốc tế.
5. Nguồn vốn
Đa dạng hóa nguồn vốn cho phát triển và ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp, bao gồm:
a) Nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Nguồn kinh phí sự nghiệp đào tạo chi cho đào tạo nguồn nhân lực ở nước ngoài và trong nước;
c) Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản chi cho đầu tư và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp;
d) Các nguồn vốn khác; vốn từ nguồn hợp tác quốc tế, vốn từ nguồn đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân.
6. Cơ chế, chính sách
a) Chính sách hỗ trợ phát triển nghiên cứu, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp
- Tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp được nhà nước ưu đãi, hỗ trợ cao nhất cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thử nghiệm và chuyển giao công nghệ theo các quy định của pháp luật;
- Xem xét hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mức cao nhất chi phí đối với tổ chức khoa học công nghệ công lập và các tổ chức khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho phòng thí nghiệm và cơ sở sản xuất ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp theo các dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Chính sách hỗ trợ đào tạo, sử dụng nhân lực
Thực hiện chính sách ưu tiên, hỗ trợ đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực về nghiên cứu, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp theo các quy định của pháp luật.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp đến năm 2020, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ; trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp thuộc các lĩnh vực do Bộ quản lý.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện Quy hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo và triển khai thực hiện các nội dung Quy hoạch có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Quy hoạch này, xây dựng và tổ chức thực hiện các nội dung Quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2020 tại địa phương.
5. Các tổ chức và cá nhân có nhu cầu tham gia thực hiện các nội dung, nhiệm vụ và dự án thuộc Quy hoạch tiến hành đăng ký với các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao chủ trì nhiệm vụ nêu trên để được xem xét, giải quyết.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |