Công văn 58894/CT-TTHT năm 2017 về giải đáp chính sách thuế
Số hiệu: 58894/CT-TTHT Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Cục thuế thành phố Hà Nội Người ký: Mai Sơn
Ngày ban hành: 29/08/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thuế, phí, lệ phí, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 58894/CT-TTHT
V/v giải đáp chính sách thuế.

Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2017

 

Kính gửi: Công ty TNHH thương mại Trần Hồng Quân
(Đ/c: Số 36 Lê Đức Thọ, P. Mỹ Đình, Q. Nam Từ Liêm, TP Hà Nội - MST0101058817)

Trả lời công văn số 114/2017/CV-THQ/HH ngày 02/8/2017 của Công ty TNHH thương mại Trần Hồng Quân hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 28/4/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:

+ Tại Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh.

+ Tại Khoản 3 Điều 4 quy định về giao dịch liên kết như sau:

“Điều 4. Giải thích từ ngữ

3. “Giao dịch liên kết” là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết”

+ Tại Điều 5 quy định về các bên có quan hệ liên kết như sau:

“Điều 5. Các bên có quan hệ liên kết

1. Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:

a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;

b) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

2. Các bên liên kết tại khoản 1 Điều này được quy định cụ thể như sau:

a) Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;

b) Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;

c) Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia;

d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;

đ) Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai;

e) Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba;

g) Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, ông nội, bà nội, cháu nội, ông ngoại, bà ngoại, cháu ngoại, cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột;

h) Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài;

i) Một hoặc nhiều doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp;

k) Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia.”

+ Tại Khoản 3 Điều 8 quy định về xác định chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN như sau:

“Điều 8. Xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù

3. Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.

Quy định này không áp dụng với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm.

Người nộp thuế kê khai tỷ lệ chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.”

- Căn cứ Chuẩn mực kế toán số 16 “Chi phí đi vay ban hành Ban hành và công bố theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định như sau:

“…

07. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó (được vốn hóa) khi có đủ các điều kiện quy định trong chuẩn mực này.

08. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó. Các chi phí đi vay được vốn hóa khi doanh nghiệp chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do sử dụng tài sản đó và chi phí đi vay có thể xác định được một cách đáng tin cậy.

13. Vốn hóa chi phí đi vay vào giá trị tài sản dở dang được bắt đầu khi thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

(a) Các chi phí cho việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang bắt đầu phát sinh;

(b) Các chi phí đi vay phát sinh;

(c) Các hoạt động cần thiết trong việc chuẩn bị đưa tài sản dở dang vào sử dụng hoặc bán đang được tiến hành.

…”

- Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) quy định về điều kiện xác định chi phí được trừ như sau:

“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.17. Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.

2.18. Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh. Chi trả lãi tiền vay trong quá trình đầu tư đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư.

(Lãi vay thực hiện theo quy định tại điểm 2.17 Điều này)”

Căn cứ các quy định trên, do nội dung trình bày tại công văn hỏi của đơn vị chưa đầy đủ. Đề nghị Công ty TNHH thương mại Trần Hồng Quân (sau đây gọi tắt là Công ty thương mại Trần Hồng Quân) và Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân (sau đây gọi là Công ty luyện kim Trần Hồng Quân) căn cứ vào tình hình thực tế tại đơn vị, đối chiếu với quy định tại Điều 5 Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 28/4/2017 của Chính phủ để tự xác định các bên có mối quan hệ liên kết hay không.

Trường hợp Công ty thương mại Trần Hồng Quân và Công ty luyện kim Trần Hồng Quân là các bên có mối quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 5 Nghị định 20/2017/NĐ-CP nêu trên thì:

- Các dịch vụ khách sạn mà Công ty thương mại Trần Hồng Quân cung cấp cho Công ty luyện kim Trần Hồng Quân được xác định là giao dịch liên kết quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 20/2017/NĐ-CP và chịu sự điều chỉnh của Nghị định này.

- Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của Công ty được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 28/4/2017 của Chính phủ.

- Chi phí lãi vay phát sinh của Công ty được vốn hóa nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC và Chuẩn mực kế toán số 16 nêu trên.

Đề nghị Công ty thương mại Trần Hồng Quân căn cứ tình hình thực tế tại Công ty, đối chiếu với các quy định có liên quan để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, Công ty liên hệ với Phòng Kiểm tra thuế số 4 - Cục Thuế TP Hà Nội để được hướng dẫn cụ thể.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty TNHH thương mại Trần Hồng Quân được biết và thực hiện.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng KT 4;
- Phòng Thanh tra GCN;
- Phòng Pháp Chế;
- Lưu: VT, TTHT(2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Mai Sơn