Công văn 3278/BNN-TCTS năm 2017 về quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong mô hình nuôi quảng canh cải tiến tại Đồng bằng sông Cửu Long
Số hiệu: | 3278/BNN-TCTS | Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Người ký: | Vũ Văn Tám |
Ngày ban hành: | 19/04/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3278/BNN-TCTS |
Hà Nội, ngày 19 tháng 04 năm 2017 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển ĐBSCL
Tôm thẻ chân trắng được đưa vào Việt Nam năm 2001, đến đầu năm 2008, nhận thấy thị trường thế giới đang có xu hướng tiêu thụ mạnh mặt hàng tôm thẻ chân trắng của Thái Lan, Trung Quốc... và sản phẩm tôm sú nuôi của Việt Nam bị cạnh tranh mạnh, hiệu quả sản xuất thấp do dịch bệnh, ngày 25/01/2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành chỉ thị số 228/CT-BNN-NTTS về việc phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) tại các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên chỉ cho phép nuôi trong mô hình thâm canh và bán thâm canh nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến đối tượng bản địa và nguy cơ gây dịch bệnh cho ngành tôm nói chung.
Năm 2016, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 694.645 ha, đạt tổng sản lượng 657.282 tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Riêng vùng ĐBSCL diện tích nuôi tôm 661.738 ha chiếm 95,2% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước (trong đó, diện tích nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh là 32.713 ha, quảng canh, quảng canh cải tiến (QC-QCCT) 557.602 ha; tôm thẻ chân trắng là 71.423 ha); sản lượng tôm đạt 542.711 tấn, chiếm 82,5% tổng sản lượng tôm của cả nước. Một vài năm trở lại đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự xâm nhập mặn và tình hình nuôi tôm sú khó khăn nên nhiều hộ nuôi QC-QCCT đã thả tôm TCT vào nuôi trong ao nuôi tôm sú theo mô hình QC-QCCT nối vụ hoặc ghép với tôm sú.
Trước tình hình một số địa phương khu vực phía Nam người dân tự ý đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi trong vùng quảng canh cải tiến. Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Trung tâm Chính sách và chiến lược nông nghiệp nông thôn phía Nam (Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp nông thôn), TT Hợp tác Quốc tế NT&KT Thủy sản bền vững (ICAFIS - Hội nghề cá Việt Nam), Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF), Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và các cơ sở/vùng nuôi tôm và tổ chức Hội thảo "Nghiên cứu tác động về môi trường, dịch bệnh và hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm thẻ chân trắng Quảng canh cải tiến tại Đồng bằng sông Cửu Long".
Căn cứ các kết quả nghiên cứu trong nước, ngoài nước, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và người dân đã cho thấy những mặt ưu điểm và hạn chế khi đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi trong mô hình quảng canh cải tiến, cụ thể như sau:
- Ưu điểm:
+ Chưa có phát hiện nào về việc bắt gặp tôm thẻ chân trắng hình thành quần đàn tôm bố mẹ ngoài biển sau gần 20 năm du nhập vào Việt Nam.
+ Tôm thẻ chân trắng có lợi thế như chịu đựng được phổ độ mặn và khoảng nhiệt độ rộng hơn tôm sú do đó có khả năng thích nghi với khu vực ĐBSCL nơi dễ bị xâm nhập mặn và nắng nóng ngày càng kéo dài.
+ Các loại bệnh bắt gặp trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng cơ bản tương đồng, đặc biệt là chưa xuất hiện bệnh Taura.
- Hạn chế:
Chưa đánh giá đầy đủ về hiệu quả kinh tế và tác động về đa dạng sinh học của tôm thẻ chân trắng trong mô hình quảng canh cải tiến làm căn cứ khoa học.
Để đảm bảo nuôi tôm theo quy hoạch, hiệu quả và bền vững đảm bảo an toàn sinh học và lợi thế phát triển tôm sú, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh ven biển ĐBSCL chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban Nhân dân các cấp tại địa phương thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ sau:
1. Chưa có chủ trương khuyến khích nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng quảng canh, quảng canh cải tiến tại Đồng bằng sông Cửu Long và thực hiện đúng theo Quy hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt và quy hoạch hoặc quy định của địa phương;
2. Trước mắt, đồng ý chủ trương nuôi thí điểm tôm thẻ chân trắng trong mô hình quảng canh cải tiến ở phạm vi hẹp do Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn và giám sát ở những vùng sinh thái phù hợp, có tổng kết đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế, xã hội để có cơ sở đề xuất các biện pháp quản lý cho các năm tiếp theo. Trong thời gian thí điểm, yêu cầu chủ cơ sở nuôi cam kết thực hiện các biện pháp kỹ thuật để tôm không thất thoát, phát tán ra môi trường xung quanh.
3. Rà soát, đánh giá những vùng đã nuôi tôm thẻ chân trắng QC-QCCT không hiệu quả, năng suất thấp để tuyên truyền người dân ưu tiên thả nuôi tôm sú.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm sớm chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành của địa phương thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp, xử lý kịp thời./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Chỉ thị 228/CT-BNN-NTTS về phát triển nuôi tôm chân trắng Ban hành: 25/01/2008 | Cập nhật: 01/02/2008