Chỉ thị 228/CT-BNN-NTTS về phát triển nuôi tôm chân trắng
Số hiệu: | 228/CT-BNN-NTTS | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Người ký: | Nguyễn Việt Thắng |
Ngày ban hành: | 25/01/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 228/CT-BNN-NTTS |
Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2008 |
VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN NUÔI TÔM CHÂN TRẮNG
Tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei hoặc Penaeus vannamei) hiện nay đang nuôi ở nước ta là đối tượng nhập nội, có nguồn gốc từ Châu Mỹ; tôm phát triển tốt cho năng suất cao, giá thành thấp, góp phần đa dạng hoá đối tượng nuôi và sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, tôm chân trắng có những nhược điểm cơ bản như thường mắc những bệnh của tôm sú, mang hội chứng Taura gây nên dịch bệnh lớn ở Nam Mỹ và các bệnh khác có thể nhiễm sang các đối tượng tôm bản địa, làm mất an ninh sinh thái và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất thủy sản và môi trường tự nhiên.
Để định hướng phát triển và quản lý tôm chân trắng, Bộ Thủy sản trước đây đã ban hành Chỉ thị số 01/2004/CT-BTS , ngày 16/1/2004 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc tăng cường quản lý tôm chân trắng ở Việt Nam, trong đó nói rõ: “Không tiến hành sản xuất tôm chân trắng tại các trại sản xuất tôm sú va giống tôm khác; chỉ được phép nuôi tôm chân trắng tại các khu vực ao, đầm nuôi có sự tách biệt nhằm đảm bảo không lây lan dịch bệnh cho các đối tương nuôi khác…”; Thông báo ý kiến kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng ngày `15/3/2005 về hội thảo tôm chân trắng ở Việt Nam ngày 4 và 5 tháng 4 năm 2005 nêu rõ: “…phát triển tôm chân trắng phải theo quy hoạch, phải có biện pháp dảm bảo an toan sinh học”; Công văn số 475/TS-NTTS ngày 6/3/2006 của Bộ Thủy sản về việc phát triển nuôi tôm chân trắng: “Bộ chủ trương trước mắt các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; thành phố Hồ Chí Minh không được sản xuất giống và nuôi tôm chân trắng”; Công văn số 2446/.BTS-CL, ATVSTS ngày 23 tháng 10 năm 2006 “Về việc tăng cường quản lý tôm chân trắng ở Việt Nam”. Đi đôi với định hướng phát triển và chỉ đạo quản lý sản xuất, Bộ Thủy sản đã ban hành Quyết định số 176/QĐ-BTS ngày 1/3/2006 “Về việc ban hành một số quy định tạm thời đối với tôm chân trắng”.
Qua 4 năm chỉ đạo thực hiện việc nuôi tôm chân trắng ở nước ta và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III đã nghiên cứu sản xuất giống và nuôi khảo nghiệm, nhìn chung quản lý và phát triển đúng hướng; cơ bản đảm bảo an toàn sinh học, trình độ kỹ thuật nhiều nơi được cải thiện. Đảm bảo vùng nuôi tôm sú trọng điểm của cả nước ở đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển tương đối ổn định, đảm bảo được mục tiêu chương trình phát triển thủy sản đặt ra. Tôm chân trắng đã và đang nuôi phát triển theo chiều hướng tốt trên vùng đất thịt, đất cát từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, sản lượng tôm chân trắng chiếm 5-7% sản lượng tôm nuôi trên phạm vi cả nước, nhiều cơ sở nuôi đạt năng suất cao từ 12-24 tấn/ha, hiệu quả kinh tế khá, thị trường thế giới có nhu cầu lớn, góp phần an sinh xã hội và ngày càng có nhiều nhà đầu tư muốn nuôi tôm chân trắng. Tuy nhiên, ở một số địa phương nhiều hộ nuôi tôm chân trắng vẫn bị thua lỗ là do việc phát triển nuôi không theo quy hoạch, việc chấp hành quy định tạm thời về nuôi tôm chân trắng ở nhiều hộ nuôi không nghiêm chỉnh, đặc biệt khâu sử dụng giống tuỳ tiện chất lượng kém, thiếu nước ngọt, nước ngầm dẫn đến nuôi tôm không hiệu quả, đồng thời một số địa phương quản lý không chặt chẽ.
Định hướng phát triển nuôi tôm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong những năm tới tôm sú vẫn là đối tượng nuôi chủ lực tại đồng bằng Nam Bộ. Tuy nhiên, để đa dạng hoá đối tượng nuôi và sản phẩm xuất khẩu trong thời kỳ hội nhập, tận dụng tiềm năng diện tích đủ điều kiện phát triển tôm chân trắng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chỉ thị:
1. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển (gọi chung là các tỉnh): Đối với các tỉnh Nam Bộ (đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long) được nuôi tôm chân trắng theo hình thức thâm canh tại các cơ sở đủ điều kiện theo tiêu chuẩn: “28 TCN 191: 2004 Vùng nuôi tôm - Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” (gọi tắt 28 TCN 191: 2004), ban hành kèm theo Quyết định số 02/2004/QĐ-BTS , ngày 14/1/2004 của Bộ Thủy sản. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận được nuôi tôm chân trắng theo nhu cầu của các nhà đầu tư và nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm của địa phương.
- Vụ Nuôi trồng thủy sản (đồng thời là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản) chỉ đạo các Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản hướng dẫn thực hiện chủ trương của Bộ về phát triển tôm chân trắng; kiểm tra, giám sát việc nuôi tôm chân trắng tại các tỉnh ven biển, đặc biệt là các tỉnh Nam bộ; tổng hợp tình hình báo cáo về lãnh đạo Bộ.
- Vụ Nuôi trồng thủy sản chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục Thú y, Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản, các Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, II, III xây dựng Tiêu chuẩn chất lượng giống, Tiêu chuẩn trại sản xuất giống, Tiêu chuẩn chất lượng tôm bố mẹ, Tiêu chuẩn nuôi tôm chân trắng thâm canh.
- Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn phối hợp với Vụ Nuôi trồng thủy sản chỉ đạo địa phương nghiên cứu tổ chức sản xuất, để các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tham gia nuôi tôm chân trắng, xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, cộng đồng; khuyến khích đầu tư, tạo mối liên kết bốn nhà (nhà khoa học, nhà sản xuất, nha đầu tư và nhà doanh nghiệp) để phát triển tôm chân trắng tạo nguồn nguyên liệu an toàn trên cả nước.
- Vụ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, II, III tổng kết tình hình nuôi tôm chân trắng trên thế giới và trong nước để xây dựng cơ sở khoa học cho sự phát triển cũng như hạn chế nguy cơ có thể phát sinh trong nuôi tôm chân trắng tại Việt Nam; đồng thời cải tiến công nghệ nuôi thương phẩm, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm.
- Cục Thú y có trách nhiệm chỉ đạo việc kiểm dịch và kiểm soát dịch bệnh tôm chân trắng.
- Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất giống và nuôi tôm chân trắng không được để tôm chân trắng phát tán trong môi trường tự nhiên nhằm bảo vệ đa dạng sinh học.
- Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia phối hợp với Trung tâm Tin học, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương tuyên truyền làm rõ chủ trương phát triển nuôi tôm chân trắng để đa dạng hoá đối tượng nuôi, tránh tình trạng nuôi ồ ạt không đủ điều kiện dẫn đến rủi ro đáng tiếc; xây dựng mô hình, hướng dẫn người nuôi tôm chân trắng.
- Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính phối hợp với Vụ Nuôi trồng thủy sản xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm và dự phòng đột xuất cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các Cục, Vụ, Viện, Thanh tra, Văn phòng; Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thủy sản và các nhà sản xuất tôm chân trắng thực hiện nghiêm Chỉ thị này và yêu cầu thường xuyên gửi báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị về Bộ.
Chỉ thị có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Công văn số 475/TS-NTTS của Bộ Thủy sản về việc phát triển nuôi tôm chân trắng Ban hành: 06/03/2006 | Cập nhật: 24/06/2006
Quyết định 176/QĐ-BTS năm 2006 ban hành một số quy định tạm thời đối với tôm chân trắng Ban hành: 01/03/2006 | Cập nhật: 19/11/2008
Quyết định 02/2004/QĐ-BTS Ban hành tiêu chuẩn cấp ngành về Cơ sở nuôi tôm-28 TCN 190:2004, Vùng nuôi cá bè-28 TCN 192:2004 Ban hành: 14/01/2004 | Cập nhật: 20/05/2006
Chỉ thị 01/2004/CT-BTS về việc tăng cường quản lý tôm chân trắng ở Việt Nam Ban hành: 16/01/2004 | Cập nhật: 20/05/2006