Công văn 1101/BKHĐT-TH năm 2015 hướng dẫn phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
Số hiệu: | 1101/BKHĐT-TH | Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Người ký: | Bùi Quang Vinh |
Ngày ban hành: | 02/03/2015 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
Số: 1101/BKHĐT-TH |
Hà Nội, ngày 02 tháng 03 năm 2015 |
Kính gửi: |
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương; |
Để phục vụ cho việc triển khai lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức được giao kế hoạch đầu tư công (dưới đây gọi tắt là các bộ, ngành và địa phương) một số nội dung cụ thể sau đây:
I. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN KHÔNG PHẢI PHÊ DUYỆT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ THEO QUY ĐỊNH TẠI LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG
1. Về chương trình mục tiêu
Các chương trình không phải phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, gồm:
a) Các chương trình đã được cấp có thẩm quyền quyết định có thời gian thực hiện đến hết năm 2020, đang triển khai trong giai đoạn 2011-2015, tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2016-2020, không thay đổi mục tiêu, nội dung, phạm vi và tổng mức đầu tư.
b) Các chương trình mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư trước ngày 01 tháng 01 năm 2015, trong đó quy định cụ thể mục tiêu, nội dung, phạm vi, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện và mức vốn bố trí cụ thể trong giai đoạn 2016-2020.
c) Các chương trình mục tiêu sử dụng toàn bộ vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương và các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư trước ngày 01 tháng 01 năm 2015, trong đó quy định cụ thể mục tiêu, nội dung, phạm vi, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện và mức vốn bố trí cụ thể trong giai đoạn 2016-2020.
2. Về dự án đầu tư công
Các dự án không phải phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, gồm:
a) Các dự án dở dang đã được bố trí vốn đầu tư công từ kế hoạch năm 2015 trở về trước, tiếp tục triển khai theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
b) Các dự án khởi công mới được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2015, tiếp tục triển khai theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
c) Các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào danh mục theo quy định tại Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 9 tháng 11 năm 2010.
d) Các dự án đã phê duyệt quyết định đầu tư trước ngày 01 tháng 01 năm 2015, chưa được bố trí vốn kế hoạch, nhưng trước thời điểm Luật Đầu tư công có hiệu lực, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể mức vốn ngân sách trung ương, trái phiếu Chính phủ bố trí trong giai đoạn 2016-2020.
Riêng đối với các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương, nhưng chưa quyết định mức vốn đầu tư cụ thể hoặc chưa phê duyệt quyết định đầu tư, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thiện các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và hướng dẫn tại Mục II dưới đây.
đ) Các dự án sử dụng toàn bộ vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư, đã phê duyệt quyết định đầu tư, tổng mức đầu tư từ các nguồn vốn trên trước ngày 01 tháng 01 năm 2015, chưa được bố trí vốn kế hoạch, nhưng trước thời điểm Luật Đầu tư công có hiệu lực, đã được Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định mức vốn ngân sách cấp mình triển khai trong giai đoạn 2016-2020.
Riêng đối với các dự án đã được Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân đồng ý về mặt chủ trương, nhưng chưa quyết định mức vốn bố trí cụ thể trong giai đoạn 2016-2020 hoặc chưa phê duyệt quyết định đầu tư, các địa phương phải hoàn thiện các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và hướng dẫn tại Mục II dưới đây.
e) Các dự án sử dụng toàn bộ vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công, nên không yêu cầu thực hiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định này1.
II. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN THỰC HIỆN VIỆC LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG
Các chương trình, dự án đầu tư công (trừ các chương trình, dự án quy định tại Mục I nêu trên) đều phải lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, theo quy định tại Mục 1, Chương II của Luật Đầu tư công. Trong đó lưu ý một số điểm như sau:
1. Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công: thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Luật Đầu tư công. Riêng về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân thực hiện như sau:
a) Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA theo quy định tại các điểm d và đ, Khoản 3; Điểm b, Khoản 4; Điểm b, Khoản 5 và Khoản 6, Điều 17 của Luật Đầu tư công thực hiện theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 cho đến khi ban hành Nghị định mới. Cụ thể như sau:
a.1) Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với:
- Các chương trình, dự án có sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi; viện trợ phi dự án có sử dụng vốn vay ODA;
- Các chương trình, dự án ô; các chương trình, dự án kèm theo khung chính sách; các chương trình, dự án trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn giáo;
- Các khoản ODA viện trợ không hoàn lại có quy mô vốn tài trợ tương đương từ 1 triệu đô la Mỹ trở lên;
- Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị chương trình, dự án vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi;
- Viện trợ mua sắm hàng hóa thuộc diện quản lý của Nhà nước.
a.2) Các bộ, ngành và địa phương quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án không thuộc đối tượng quy định tại Điểm a.1 nêu trên và theo phân cấp thẩm quyền tại Điểm b, Khoản 4; Điểm b, Khoản 5 và Khoản 6, Điều 17 của Luật Đầu tư công.
Sau khi Nghị định về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ thay thế Nghị định Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại Nghị định mới này.
b) Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân
Tại Khoản 5, Điều 7, Luật Đầu tư công quy định Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương đầu tư đối với một số chương trình, dự án. Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ xây dựng kế hoạch đầu tư công đúng thời gian quy định, Hội đồng nhân dân có thể ủy quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án này theo đề xuất của Ủy ban nhân dân cùng cấp và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại Kỳ họp gần nhất.
2. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu, các dự án đầu tư công (dưới đây gọi tắt là các chương trình, dự án)
Các bộ, ngành và địa phương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công theo đúng quy định tại Mục 1, Chương II, Luật Đầu tư công. Cụ thể như sau:
a) Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia
(1) Cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư chương trình có trách nhiệm:
- Giao đơn vị trực thuộc lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo các nội dung quy định tại Điều 34 của Luật Đầu tư công;
- Giao đơn vị có chức năng thẩm định hoặc thành lập Hội đồng để thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư;
- Hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 3 năm 2015.
(2) Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch để thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia.
(3) Cơ quan được giao chủ chương trình tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 4 năm 2015, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thừa ủy quyền Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
(4) Đồng thời với quá trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư, các bộ chủ chương trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại Điều 47 của Luật Đầu tư công và trình Thủ tướng Chính phủ ngay sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu.
b) Đối với các chương trình mục tiêu thuộc thẩm quyền Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư
(1) Chủ chương trình có trách nhiệm:
- Giao đơn vị trực thuộc lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo các nội dung quy định tại Điều 34 của Luật Đầu tư công;
- Giao đơn vị có chức năng thẩm định hoặc thành lập Hội đồng để thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư;
- Hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 3 năm 2015.
(2) Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng liên ngành hoặc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Trường hợp thành lập Hội đồng liên ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
(3) Chủ chương trình hoàn chỉnh Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo ý kiến thẩm định quy định tại Tiết (2) nêu trên trình Chính phủ.
(4) Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình trước ngày 30 tháng 4 năm 2015, bao gồm mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng vốn đầu tư, thời gian, tiến độ, cơ chế và giải pháp, chính sách thực hiện.
c) Đối với các chương trình đầu tư sử dụng toàn bộ vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương và các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư: trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật Đầu tư công.
d) Đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Luật Đầu tư công.
đ) Đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C: trình tự, thủ tục đối với từng nguồn vốn khác nhau thực hiện tương ứng theo quy định tại các điều 19, 23, 25, 26, 27, 29, 30, 31, 32 và 33 của Luật Đầu tư công.
e) Trong việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án, cần lưu ý một số điểm sau:
(1) Trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các bộ, ngành và địa phương phải giao đơn vị trực thuộc lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 34 và Điều 36 của Luật Đầu tư công, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định tại Điều 35 của Luật Đầu tư công và phải thành lập Hội đồng hoặc giao đơn vị có chức năng thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Riêng đối với dự án đã được phê duyệt quyết định đầu tư trước ngày 01 tháng 01 năm 2015, chưa được bố trí vốn kế hoạch (chưa được Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền đồng ý bố trí vốn đầu tư công trong giai đoạn 2016-2020), thì các bộ, ngành và địa phương có thể sử dụng các thông tin, số liệu đã trình phê duyệt quyết định đầu tư và cập nhật các thông tin, số liệu cần thiết để chuẩn bị Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình phê duyệt chủ trương đầu tư. Không nhất thiết phải chuẩn bị lại từ đầu để tiết giảm các chi phí không cần thiết.
(2) Tất cả các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công của các bộ, ngành và địa phương trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư, phải thực hiện việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công và phân cấp thẩm định theo quy định tại Điều 38 của Luật Đầu tư công.
(3) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải xin ý kiến Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho ý kiến trước khi:
- Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư tất cả các dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công; các dự án nhóm B và các dự án trọng điểm nhóm C2 sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài do địa phương quản lý thuộc đối tượng quy định tại Tiết a.1, Điểm a, Mục 1 nêu trên.
- Gửi hồ sơ về Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án nhóm B và các dự án trọng điểm nhóm C2 sử dụng vốn ngân sách trung ương, công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ.
3. Vốn chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công
Việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công là bước đầu tiên chuẩn bị dự án đầu tư của các bộ, ngành và địa phương. Các bộ, ngành và địa phương bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công. Riêng đối với các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, phải bố trí vốn chuẩn bị đầu tư ngay từ kế hoạch năm 2015; không được yêu cầu tư vấn bỏ vốn chuẩn bị đầu tư khi chưa bố trí vốn kế hoạch.
4. Hồ sơ, nội dung và thời gian thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công
a) Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công bao gồm:
- Tờ trình đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án.
- Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định của Luật Đầu tư công3, bao gồm cả báo cáo thẩm định trong nội bộ của các bộ, ngành, địa phương chủ chương trình, dự án.
- Các báo cáo thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở các cấp theo quy định của Luật Đầu tư công, cần lưu ý, đối với các dự án khởi công mới của địa phương, chưa được bố trí vốn ngân sách trung ương kế hoạch năm 2015, nhưng trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, chấp nhận mức vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, không cần thẩm định lại nguồn vốn và cân đối vốn.
- Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan thẩm định.
- Các tài liệu liên quan khác theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định hoặc của cơ quan được giao thẩm định, các bộ, ngành và địa phương hoàn chỉnh Tờ trình và Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo đúng ý kiến về thẩm định chương trình, dự án và thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
b) Nội dung thẩm định
Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan được giao chủ trì thẩm định căn cứ Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt tổ chức thẩm định các nội dung trong Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn phải bảo đảm tính hiệu quả và cân đối được nguồn vốn thực hiện chương trình, dự án.
c) Thời gian thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi
- Các bộ, ngành và địa phương quy định thời gian thẩm định các chương trình, dự án trong phạm vi được phân cấp quản lý cho phù hợp với đặc điểm của bộ, ngành và địa phương.
- Hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định tại Điều 38 của Luật Đầu tư công, làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư và trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, thực hiện theo thời gian như sau:
+ Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu do Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, dự án quan trọng quốc gia, phải gửi Hồ sơ trước ngày 15 tháng 3 năm 2015.
+ Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương phải gửi Hồ sơ trước ngày 31 tháng 8 năm 2015.
5. Thời hạn phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020
Đối với các dự án khởi công mới, dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trước ngày 31 tháng 10 năm 2015. (chưa bao gồm các dự án khẩn cấp được bổ sung trong điều chỉnh kế hoạch hoặc bổ sung dự án cấp bách sử dụng nguồn dự phòng 15% trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn).
Các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn từ nguồn thu để lại của các bộ, ngành và địa phương phải gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ký quyết định.
III. LẬP, THẨM ĐỊNH, QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG
1. Thẩm quyền quyết định đầu tư và điều chỉnh quyết định đầu tư chương trình, dự án: thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật Đầu tư công.
2. Trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án thực hiện theo quy định tại Mục 2, Chương II của Luật Đầu tư công, trong đó cần lưu ý:
a) Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia: thực hiện theo quy định tại Điều 41 của Luật Đầu tư công. Trong đó, đề nghị các chủ chương trình chủ động lập Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại Khoản 1, Điều 47, Luật Đầu tư công và trình Thủ tướng Chính phủ sau khi Quốc hội thông qua chủ trương để tổ chức thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư.
- Đối với các chương trình mục tiêu do Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư: thực hiện theo quy định tại Điều 42, Luật Đầu tư công. Trong đó, đề nghị các chủ chương trình ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép báo cáo Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại Khoản 1, Điều 47, Luật Đầu tư công và tổ chức thẩm định theo quy định trình Thủ tướng Chính phủ.
- Đối với các chương trình đầu tư công do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và các dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng do cấp tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư và các dự án khác theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi phê duyệt quyết định đầu tư.
- Đối với các dự án đầu tư công có cấu phần xây dựng do cấp tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư, Sở Xây dựng thẩm định phần kỹ thuật Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án hoặc Báo cáo Kinh tế kỹ thuật đối với dự án quy mô nhỏ; Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định chủ yếu về đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư công, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để thực hiện, làm cơ sở để xem xét bố trí trong kế hoạch đầu tư công.
3. Điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư công
a) Các bộ, ngành và địa phương thực hiện việc điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư công theo quy định tại Điều 46 của Luật Đầu tư công sau khi đã thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện chương trình, dự án.
b) Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư điều chỉnh chương trình, dự án thực hiện theo quy trình lập, thẩm định, quyết định chương trình, dự án quy định tại Luật Đầu tư công.
Trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với quyết định đầu tư ban đầu, các bộ, ngành và địa phương, đồng thời với việc thực hiện các quy định về lập, thẩm định quyết định điều chỉnh dự án; phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định tại Điều 38 của Luật Đầu tư công.
4. Vốn chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư công
Các bộ, ngành và địa phương bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư công. Riêng đối với các dự án dự kiến triển khai trong năm 2016, phải bố trí vốn chuẩn bị đầu tư ngay từ kế hoạch năm 2015. Không yêu cầu tư vấn bỏ vốn chuẩn bị đầu tư khi chưa bố trí vốn kế hoạch.
5. Hồ sơ, nội dung, thời gian thẩm định quyết định và điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư công
a) Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công, gồm:
- Tờ trình đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định chương trình, dự án.
- Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 17, Luật Đầu tư công.
- Báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, dự án, bao gồm cả báo cáo thẩm định trong nội bộ của các bộ, ngành và địa phương chủ chương trình, dự án.
- Các báo cáo thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở các cấp theo quy định của Luật Đầu tư công khi thẩm định phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư.
- Các tài liệu khác theo yêu cầu của cơ quan thẩm định.
Sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định hoặc của cơ quan được giao thẩm định chương trình, dự án, các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo hoàn chỉnh Tờ trình và Báo cáo nghiên cứu khả thi theo đúng các ý kiến thẩm định chương trình, dự án và ý kiến thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn với tổng mức đầu tư không được vượt quá mức vốn trong Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án.
b) Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư điều chỉnh các chương trình, dự án đầu tư công, gồm:
Tờ trình đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chương trình, dự án, trong đó làm rõ sự cần thiết và tính hiệu quả của việc điều chỉnh chương trình, dự án, phù hợp với các quy định tại Điều 46 của Luật Đầu tư công.
- Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 17, Luật Đầu tư công.
- Quyết định đầu tư ban đầu.
- Báo cáo điều chỉnh chương trình, dự án, bao gồm cả báo cáo thẩm định trong nội bộ của các bộ, ngành và địa phương về việc điều chỉnh chương trình, dự án.
- Các tài liệu khác theo yêu cầu của cơ quan thẩm định.
Sau khi có ý kiến thẩm định, các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo hoàn chỉnh Tờ trình, Báo cáo điều chỉnh chương trình, dự án theo đúng ý kiến thẩm định (bao gồm ý kiến thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn trong trường hợp có điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư).
c) Nội dung thẩm định
Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan được giao chủ trì thẩm định căn cứ Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thẩm định các nội dung trong Báo cáo nghiên cứu khả thi (đối với các chương trình, dự án phê duyệt lần đầu), Báo cáo điều chỉnh chương trình, dự án và thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn thực hiện chương trình, dự án (đối với chương trình, dự án có tăng tổng mức đầu tư) bảo đảm tính hiệu quả và cân đối được nguồn vốn để thực hiện chương trình, dự án.
c) Thời gian thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi và Báo cáo điều chỉnh chương trình, dự án
Các bộ, ngành và địa phương quy định thời gian thẩm định các chương trình, dự án trong phạm vi phân cấp quản lý, bảo đảm phù hợp với đặc điểm của bộ, ngành và địa phương.
6. Thời hạn phê duyệt quyết định đầu tư đối với các dự án khởi công mới bố trí trong kế hoạch hằng năm
Đối với các dự án khởi công mới dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư hằng năm phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 31 tháng 10 năm trước năm kế hoạch.
Các quyết định đầu tư và các quyết định đầu tư điều chỉnh của các chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn từ nguồn thu để lại của các bộ, ngành và địa phương phải gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ký quyết định.
Trên đây là hướng dẫn cụ thể một số nội dung liên quan đến phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công. Trong quá trình triển khai, thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các bộ, ngành và địa phương phản ánh về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời giải quyết./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
1 Các dự án sử dụng một phần vốn đầu tư công, một phần vốn sự nghiệp phải thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
2 Tiêu chí dự án trọng điểm nhóm C của địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương.
3 Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A; Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công và dự án nhóm B, nhóm C.
Nghị định 38/2013/NĐ-CP quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ Ban hành: 23/04/2013 | Cập nhật: 26/04/2013
Quyết định 71/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư Ban hành: 09/11/2010 | Cập nhật: 11/11/2010
Quyết định 807-TTg năm 1996 bổ sung thành viên Ban chỉ đạo về phát triển thuỷ lợi và xây dựng nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long Ban hành: 31/10/1996 | Cập nhật: 16/12/2009
Quyết định 59-CT về việc thực hiện kế hoạch hợp tác lao động với các nước xã hội chủ nghĩa năm 1988 Ban hành: 07/03/1988 | Cập nhật: 15/12/2009
Thông tư 1 năm 1974 quy định phạm vi, giờ gửi, nhận và chuyển, phát bưu phẩm, khu vực phát bưu phẩm ở các cơ sở Bưu điện Ban hành: 02/01/1974 | Cập nhật: 04/07/2007
Thông tư 2 năm 1974 quy định cách thức gói bọc riêng, cách xử lý riêng đối với những bưu phẩm đựng vật phẩm đặc biệt Ban hành: 02/01/1974 | Cập nhật: 04/07/2007
Thông tư 3 năm 1974 quy định việc mở nghiệp vụ bưu kiện, mở công vụ đặc biệt về bưu điện, điều kiện và giới hạn trao đổi bưu kiện; nơi gửi, nơi nhận, giờ gửi, nhận, kích thước, khối lượng… Ban hành: 02/01/1974 | Cập nhật: 04/07/2007
Sắc lệnh số 3 về việc Thiết quân luật tại Hà Nội do Chủ tịch nứoc ban hành Ban hành: 01/09/1945 | Cập nhật: 09/10/2012