Công văn 10/TCHQ-TXNK năm 2015 về thủ tục nhập khẩu sừng hươu
Số hiệu: 10/TCHQ-TXNK Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan Người ký: Lưu Mạnh Tưởng
Ngày ban hành: 05/01/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 10/TCHQ-TXNK
V/v thủ tục nhập khẩu sừng hươu

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2015

 

Kính gửi: Công ty TNHH Phú An Phát R&B.
(Địa chỉ: 142A Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội)

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 21/2014/R&B/HQ ngày 10/12/2014 của Công ty TNHH Phú An Phát R&B. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về chính sách quản lý:

Do mặt hàng Công ty dự kiến nhập khẩu là mặt hàng sừng hươu nhưng không nêu cụ thể loại sừng hươu cũng như tên khoa học của chúng, vì vậy, đề nghị Công ty trên cơ sở tên khoa học của loài hươu và căn cứ Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT ngày 05/9/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc quản lý của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) để biết loại sừng hươu mà Công ty dự kiến nhập khẩu có thuộc các Phụ lục của Công ước CITES hay không. Trường hợp hàng hóa mà Công ty dự kiến nhập khẩu thuộc Phụ lục I thì thuộc đối tượng hàng hóa cấm nhập khẩu, thuộc Phụ lục II, III thì thuộc đối tượng hàng hóa phải có Giấy phép CITES nhập khẩu do Cơ quan quản lý CITES Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp.

2. Về hồ sơ và thủ tục hải quan: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 128/2013/TT-BNNPTNT ngày 10/9/2013 (thủ tục thủ công) hoặc Thông tư số 22/2014/TT-BTC ngày 14/2/2014 (thủ tục hải quan điện tử) của Bộ Tài chính.

Mặt hàng sừng hươu khi nhập khẩu thuộc đối tượng hàng hóa phải kiểm dịch động vật trước khi thông quan theo Quyết định 45/2005/QĐ-BNN ngày 25/7/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Về mã HS: Căn cứ quy định tại Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12/4/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Căn cứ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 156/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính, nhóm 05.07 gồm ngà, mai động vật họ rùa, lược cá voi (phiến sừng hàm trên) và hàm răng lược cá voi, sừng, gạc, móng guốc, móng, vuốt và mỏ, chưa xử lý hoặc đã sơ chế nhưng chưa cắt thành hình; bột và phế liệu từ các sản phẩm trên; mã số 0507.90.10 gồm sừng, gạc, móng guốc, móng, vuốt và mỏ. Để xác định mã số cụ thể của mặt hàng phải căn cứ vào thực tế hàng hóa, bộ hồ sơ hải quan.

4. Về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi: Theo quy định tại Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính, mã số 0507.90.10 có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 3%.

5. Về thuế giá trị gia tăng:

- Theo Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, thì:

+ Khoản 1 Điều 4 quy định: Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

+ Điều 11 quy định: Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26/6/2014 của Bộ Tài chính, thì: “Trường hợp hàng hóa được quy định cụ thể thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% hoặc 10% theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định tại các văn bản đó; trừ hàng hóa là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản; thiết bị, dụng cụ y tế thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 4 Thông tư này”.

6. Công ty có thể nghiên cứu các văn bản trên và các thông tin liên quan tại website của Bộ Tài chính: www.mof.gov.vn hoặc website của Tổng cục Hải quan: www.customs.gov.vn để thực hiện theo đúng quy định.

Đồng thời, Công ty có thể liên hệ với Chi cục Hải quan nơi dự kiến làm thủ tục nhập khẩu để được hướng dẫn cụ thể.

Tổng cục Hải quan trả lời để Công ty TNHH Phú An Phát R&B biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- PTCT Nguyễn Dương Thái (để b/c);
- Cục GSQL;
- Lưu: VT, TXNK-PL-Thảo (3b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ XNK
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Lưu Mạnh Tưởng

 

Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT

1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.

Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác.

Ví dụ 2: Công ty A ký hợp đồng nuôi heo với Công ty B theo hình thức nhận tiền công từ Công ty B hoặc bán lại sản phẩm cho Công ty B thì tiền công nuôi heo nhận từ Công ty B và sản phẩm heo bán cho Công ty B thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Trường hợp Công ty B bán ra hoặc đưa vào chế biến để bán ra thì sản phẩm bán ra thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định.

Xem nội dung VB
Điều 11. Thuế suất 10%

Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.

Các mức thuế suất thuế GTGT nêu tại Điều 10, Điều 11 được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại.

Ví dụ 50: Hàng may mặc áp dụng thuế suất là 10% thì mặt hàng này ở khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại đều áp dụng thuế suất 10%.

Phế liệu, phế phẩm được thu hồi để tái chế, sử dụng lại khi bán ra áp dụng mức thuế suất thuế GTGT theo thuế suất của mặt hàng phế liệu, phế phẩm bán ra.

Cơ sở kinh doanh nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất GTGT khác nhau phải khai thuế GTGT theo từng mức thuế suất quy định đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ; nếu cơ sở kinh doanh không xác định theo từng mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Trong quá trình thực hiện, nếu có trường hợp mức thuế giá trị gia tăng tại Biểu thuế suất thuế GTGT theo Danh mục Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi không phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư này thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này. Trường hợp mức thuế GTGT áp dụng không thống nhất đối với cùng một loại hàng hóa nhập khẩu và sản xuất trong nước thì cơ quan thuế địa phương và cơ quan hải quan địa phương báo cáo về Bộ Tài chính để được kịp thời hướng dẫn thực hiện thống nhất.

Xem nội dung VB
Điều 4. Hướng dẫn chung về áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng theo danh mục Biểu thuế giá trị gia tăng

1. Trường hợp hàng hoá được quy định cụ thể thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% hoặc 10% theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định tại các văn bản đó. Riêng hàng hoá là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản; thiết bị, dụng cụ y tế chuyên dùng thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 4 Thông tư này.

Ví dụ: Trong Biểu thuế giá trị gia tăng có ghi mức thuế suất thuế giá trị gia tăng của nhóm 87.05 “Xe chuyên dùng có động cơ, trừ các loại được thiết kế chủ yếu dùng để chở người hay hàng hóa (ví dụ, xe cứu hộ, xe cần cẩu, xe cứu hỏa, xe trộn bê tông, xe quét đường, xe phun tưới, xe sửa chữa lưu động, xe chiếu chụp X-quang)” là 10% thì toàn bộ các mặt hàng nhập khẩu thuộc nhóm 87.05 áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10% nhưng trong trường hợp có các mặt hàng xe thuộc nhóm 87.05 được xác định là khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định tại khoản 18 Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng thì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Xem nội dung VB