Chỉ thị 725/CT-TTg về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và Kế hoạch 05 năm (2011-2015) theo nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng
Số hiệu: 725/CT-TTg Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 17/05/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 23/05/2011 Số công báo: Từ số 335 đến số 336
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Thi đua, khen thưởng, các danh hiệu vinh dự nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 725/CT-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 05 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2011 VÀ KẾ HOẠCH 05 NĂM (2011-2015) THEO NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XI CỦA ĐẢNG

Thực hiện Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21 tháng 5 năm 2004 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng tổng kết và nhân điển hình tiên tiến và Chỉ thị số 17/2006/CT-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 và kế hoạch 05 năm (2006 - 2010) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước đã có bước chuyển biến tích cực. Kết quả của các phong trào thi đua và công tác khen thưởng đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2006 - 2010) của đất nước; đã ứng phó có kết quả trước những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và trong nước; cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, các ngành đều có bước phát triển, quy mô nền kinh tế tăng lên. Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, vị thế, uy tín quốc tế của nước ta được nâng cao; phát huy dân chủ có tiến bộ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được tăng cường; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt một số kết quả tích cực. Những thành tựu nêu trên đã tạo ra tiền đề quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Phát huy kết quả đã đạt được, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2011 - 2015) đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng làm cho phong trào thi đua thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị, cá nhân; tạo thành cao trào hành động cách mạng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng.

2. Cùng với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua, phải thường xuyên quan tâm, phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Việc tuyên truyền, học tập và làm theo tấm gương người tốt, việc tốt không những có tác dụng tạo khí thế thi đua sôi nổi, cổ vũ mọi người phát huy mọi khả năng và phẩm chất tốt đẹp để hoàn thành các nhiệm vụ, mà còn góp phần tích cực bồi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, xây dựng nếp sống mới và xã hội văn minh, đẩy lùi những tư tưởng, việc làm tiêu cực, những thói hư, tật xấu.

3. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo bước chuyển biến mạnh về chất trong các phong trào thi đua. Thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở, trong từng thời gian; tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn, phức tạp của từng Bộ, ngành, địa phương. Cùng với việc tổ chức phát động, tổng kết phong trào thi đua chung hàng năm, cần phải quan tâm phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề với nội dung và hình thức phù hợp, bảo đảm thiết thực và hiệu quả. Đánh giá kết quả thi đua và công nhận danh hiệu thi đua phải theo các tiêu chí phù hợp với nhiệm vụ công tác của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và mỗi cá nhân.

4. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Khen thưởng phải trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm dân chủ, công khai, được dư luận xã hội đồng tình, tránh khen thưởng tràn lan, làm suy giảm ý nghĩa của việc khen thưởng. Chú trọng phát hiện các nhân tố mới để khen thưởng, quan tâm khen thưởng người lao động, người trực tiếp sản xuất, công tác. Thực hiện tốt Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp; bảo đảm tính tiêu biểu, nêu gương, giáo dục và tạo được tác động tích cực, lan tỏa trong toàn xã hội.

5. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đề cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi pháp luật về thi đua, khen thưởng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng, trong đó khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật này cho phù hợp với tình hình mới. Tổ chức bộ máy về thi đua, khen thưởng phải được tập trung kiện toàn. Chú trọng bồi dưỡng phẩm chất, nâng cao trách nhiệm và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách thi đua, khen thưởng nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác thi đua, khen thưởng trong những năm tới.

Năm 2011, năm đầu của kế hoạch 05 năm (2011 - 2015), các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng Bộ, cơ quan, địa phương để phát động phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng của Bộ, ngành, địa phương mình. Gắn phong trào thi đua yêu nước với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong đó phát động sâu rộng phong trào “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phát động phong trào thi đua trong cả nước với chủ đề: “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015”; trước hết, tập trung thực hiện có hiệu quả 06 nhóm giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức thực hiện thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phát triển nguồn nhân lực; quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng nông thôn mới.

6. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Tập đoàn kinh tế và Tổng Công ty Nhà nước, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và ở các cấp, các ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ vận động đoàn viên, hội viên tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch 05 năm (2011 - 2015).

7. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc và thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ban Thi đua - Khen thưởng TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, TCCV (5b)

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng