Chỉ thị 35/2006/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý tần số và máy phát vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Số hiệu: 35/2006/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Nguyễn Đức Hải
Ngày ban hành: 27/11/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/2006/CT-UBND

Tam Kỳ, ngày 27 tháng 11 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TẦN SỐ VÀ MÁY PHÁT VÔ TUYẾN ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Phổ tần số vô tuyến điện là tài nguyên quý hiếm của quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 336/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, nhằm phát triển mạng thông tin vô tuyến điện theo hướng hiện đại, đồng bộ và ổn định lâu dài, phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế, đáp ứng các nhu cầu về thông tin phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh, góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc quản lý tần số và máy phát vô tuyến điện là nhiệm vụ quan trọng.

Trong những năm qua, các đơn vị, địa phương đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm đưa công tác quản lý máy phát và tần số vô tuyến điện vào nề nếp, góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh, đảm bảo an toàn thông tin và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh việc mua bán thiết bị phát sóng vô tuyến điện chưa được quản lý chặt chẽ, công tác tuyên truyền các quy định của Nhà nước về tần số vô tuyến điện đến với mọi tầng lớp nhân dân chưa được kịp thời, sâu rộng, vẫn còn tình trạng sử dụng điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao) không đúng với băng tần cho phép và các yêu cầu kỹ thuật liên quan; sử dụng máy phát không đúng quy định trong giấy phép, giấy phép hết hạn hoạt động nhưng không làm thủ tục đăng ký gia hạn; đại bộ phận ngư dân chưa nắm rõ quy định về sử dụng máy phát và tần số; việc đóng phí tần số vô tuyến điện chưa đầy đủ; người sử dụng chưa hiểu hết về những quy định trong việc khai thác sử dụng thông tin vô tuyến điện. Tình trạng trên làm giảm đáng kể chất lượng dịch vụ, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến an toàn thông tin, an ninh quốc phòng...

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm tăng cường công tác quản lý tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp hoạt động viễn thông và các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Sở Bưu chính, Viễn thông:

- Chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan, địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, các doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức kinh tế, xã hội những quy định về quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện theo Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông; Nghị định số 24/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về tần số vô tuyến điện và các quy định liên quan khác.

- Trực tiếp hướng dẫn thủ tục đăng ký cấp phép và gia hạn giấy phép sử dụng máy phát vô tuyến điện cho các tổ chức, cá nhân, các chủ phương tiện nghề cá thuộc phạm vi địa bàn tỉnh quản lý.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thủy sản và các địa phương ven biển phổ biến đến ngư dân về kiến thức sử dụng thông tin liên lạc trên biển và các quy định của Nhà nước về tần số vô tuyến điện trên các phương tiện nghề cá, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng thông tin liên lạc, hạn chế tối đa tai nạn xảy ra trên biển và góp phần tăng năng suất nghề cá của ngư dân.

- Thống kê danh sách các doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức, chủ phương tiện nghề cá trên biển sử dụng tần số vô tuyến điện. Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát tần số vô tuyến điện khu vực III, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Thủy sản và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện không có giấy phép, không đúng quy định trong giấy phép và các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các hành vi sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến gây nhiễu có hại đối với các mạng thông tin vô tuyến khác; tần số gọi, trực canh, cứu nạn, cứu hộ, thông báo an toàn, tín hiệu chuẩn quốc gia và quốc tế.

2. Các doanh nghiệp viễn thông, tổ chức, cá nhân có sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh phải đăng ký sử dụng, nộp lệ phí, quản lý sử dụng và gia hạn (Giấy phép) theo đúng quy định của pháp luật.

- Nghiêm cấm việc nhập lậu, cất giữ, kinh doanh và sử dụng các thiết bị điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao) không thuộc danh mục thiết bị đã được chứng nhận hợp chuẩn của Bộ Bưu chính, Viễn thông và có tần số nằm ngoài băng tần quy định. Các tổ chức, cá nhân chỉ được phép sử dụng thiết bị điện thoại không dây đã được cấp giấy phép ở các băng tần quy định là: (43-44) MHz; (46-50) MHz; (72-73,5) MHz; (261,5-262,5) MHz; (263,5-264,5) MHz; (387,5-388,5) MHz; (389,5-390,5) MHz.

- Việc sử dụng máy phát vô tuyến điện trên các phương tiện nghề cá phải được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Trường hợp chủ phương tiện nghề cá có trang bị thiết bị phát sóng vô tuyến điện hoạt động ở băng tần C: 26,96 MHz đến 27,41 MHz phải tuân thủ các điều kiện kỹ thuật theo Quyết định số 09/2006/QĐ-BBCVT ngày 10/4/2006 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông; ngoài băng tần nêu trên, kể cả thiết bị phát sóng vô tuyến điện đặt trên bờ (đài bờ) để liên lạc với các phương tiện nghề cá trên biển, chủ phương tiện phải làm thủ tục đăng ký để được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.

3. Sở Thương mại, Công an Tỉnh, Cục thuế, Cục Hải quan phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông xây dựng kế hoạch kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc lưu thông trên địa bàn tỉnh các thiết bị viễn thông không hợp pháp, đặc biệt là điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao) không thuộc danh mục thiết bị đã được chứng nhận hợp chuẩn của Bộ Bưu chính, Viễn thông và có tần số nằm ngoài băng tần quy định.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, phát hiện vi phạm trong việc sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện, chú trọng các máy điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao) tại địa phương mình quản lý, báo cáo gửi về Sở Bưu chính, Viễn thông để có kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý kịp thời.

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị 15/2003/CT-UB ngày 18/6/2003 của UBND tỉnh Quảng Nam. Yêu cầu Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp viễn thông, các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số vô tuyến điện nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Bưu chính, Viễn thông;
- TVTU, TT.HDND, UBND tỉnh;
- CPVP;
- Trung tâm KSTS VTĐ khu vực III;
- Các Sở, ban ngành, Hội, đoàn thể;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Quảng Nam, Đài PT-TH Quảng Nam (đưa tin);
- Các doanh nghiệp hoạt động viễn thông trên địa bàn tỉnh;
- Lưu VT, TH, VX, KTTH, KTN.
 \\Files-servers\KT_Nganh\KTN\Thanh\Cong Dien\Chi thi quan lý tan so.doc)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Hải