Chỉ thị 31/CT-TTg năm 2017 về tăng cường biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại
Số hiệu: 31/CT-TTg Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Trịnh Đình Dũng
Ngày ban hành: 06/07/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 17/07/2017 Số công báo: Từ số 495 đến số 496
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/CT-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 07 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI

Những năm qua bệnh dại ở nước ta đã làm chết nhiều người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực đến xã hội, gây thiệt hại khá lớn về kinh tế. Giai đoạn 2011 - 2016, trung bình mỗi năm có 92 ca tử vong và khoảng 400.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, thiệt hại trực tiếp hàng năm trên 800 tỷ đồng. Năm 2016, bệnh dại đã xảy ra tại 28 tỉnh, thành phố (tập trung tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc) làm 91 người chết và 411.937 người phải đi điều trị dự phòng; riêng trong 05 tháng đầu năm 2017 đã có 23 người tử vong do bệnh dại tại 12 tỉnh, thành phố. Nguyên nhân chính là do: (i) công tác quản lý đàn chó nuôi của nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nhất là việc thống kê, lập sổ quản lý đàn chó nuôi, tổ chức nuôi nhốt, xích chó nên hiện tượng chó thả rông cắn người còn phổ biến, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; (ii) bệnh dại đã lưu hành ở nước ta trong nhiều năm qua, nhưng vẫn còn khoảng 80% chó nuôi không được tiêm phòng dại; công tác tiêm phòng phần lớn không dựa trên tổng đàn chó nuôi thực tế mà chỉ dựa vào chỉ tiêu kế hoạch tiêm phòng; (iii) việc sử dụng thuốc đông y để điều trị bệnh dại vẫn còn dẫn đến nhiều người bị tử vong do lên cơn dại; (iv) công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống bệnh dại và việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, về tiêm phòng vắc xin dại cho chó chưa được thực hiện nghiêm túc; (v) việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin dại trong nước chưa được quan tâm đúng mức, nên chưa chủ động được nguồn cung và giá thành còn cao; còn phải nhập ngoại vắc xin gây tốn kém cho công tác phòng chống bệnh dại.

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại, đặc biệt tập trung quản lý chặt chẽ đàn chó và nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó nuôi, hạn chế tối đa lây truyền bệnh dại cho người, giảm thiểu số người bị chó cắn và số người tử vong do bệnh dại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo khắc phục những hạn chế trên; đồng thời, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021” (sau đây gọi chung là Chương trình quốc gia) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2017, trong đó, chú trọng thực hiện một số biện pháp chính sau đây:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Trực tiếp chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh dại ở người và động vật. Người đứng đầu Ủy ban nhân dân các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chng bệnh dại; xử lý cán bộ công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

b) Căn cứ mục tiêu và nội dung của Chương trình quốc gia, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp và các sở, ngành liên quan triển khai các hoạt động cụ thể, phù hợp với thực tế của địa phương, nhằm đạt kết quả cao nht trong công tác phòng, chng bệnh dại trên địa bàn; đưa kết quả công tác phòng, chống bệnh dại làm tiêu chí xét thi đua, khen thưởng của địa phương, như: công nhận gia đình văn hóa, bình xét cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ công tác của năm.

c) Hàng năm, tổ chức xây dựng, bổ sung và phê duyệt kế hoạch phòng, chống bệnh dại của địa phương, ưu tiên btrí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, tiêm phòng bệnh dại, như: Hỗ trợ vắc xin dại tiêm phòng cho động vật trên địa bàn nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm phòng; hỗ trợ tiêm vắc xin điều trị sau phơi nhiễm cho người dân thuộc các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, người tham gia phòng chống bệnh dại khi bị chó, mèo cắn hoặc bị phơi nhiễm bệnh dại; giám sát lưu hành mầm bệnh dại để cảnh báo cộng đng; tổ chức thực hiện công tác truyền thông; tổ chức thống kê, lập s theo dõi hộ đăng ký nuôi chó, cam kết tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo...

d) Tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vc xin dại triệt đtrên đàn chó; yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc xích, nhốt và tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi theo đúng quy định. Chính quyền cấp cơ sở có trách nhiệm công khai các hộ nuôi chó nhưng không chấp hành quy định về tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi.

đ) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp chủ động phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, mạng lưới thú y cơ sở tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổ chức tháng cao điểm tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót đối tượng phải tiêm phòng.

e) Tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại. Nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý.

Công khai địa chỉ các cơ sở y tế trên địa bàn và hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc (bao gồm cả thuốc đông y, bài thuốc cổ truyền, gia truyền) chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn.

g) Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin dại được quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 và Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ. Kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn. Mọi trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh dại cn được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

h) Chỉ đạo, rà soát và tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại, đặc biệt tại những khu du lịch, khu vực thành phố, thị xã, khu đông dân cư.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế:

a) Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các địa phương trong xây dựng kế hoạch để chủ động phòng, chống bệnh dại; tổ chức thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm nhanh chóng kiểm soát và tiến tới loại trừ bệnh dại tại Việt Nam theo mục tiêu đã đề ra trong Chương trình quốc gia.

b) Chủ động triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia công tác phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng. Xây dựng và cung cấp tài liệu truyền thông trong phòng, chống bệnh dại trên người và động vật cho các địa phương để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

c) Chủ đng tnh lập các đoàn kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phong, chống bệnh dại tại các địa phương.

d) Tăng cường giám sát phát hiện các ca bệnh dại với sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng dân cư; theo hướng tiếp cận Một sức khỏe, có sự phối hợp chặt chẽ của ngành thú y và y tế, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

đ) Tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ thú y, y tế dự phòng để nâng cao kỹ năng giám sát, điều tra ổ dịch, thu thập thông tin dịch tễ về bệnh dại ở người và động vật.

e) Chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành tăng cường nghiên cứu, phối hợp với các doanh nghiệp để sản xuất vắc xin dại, chủ động nguồn cung ứng vắc xin trong nước và giảm giá thành sản phẩm vắc xin.

g) Đề xuất với Chính phủ bổ sung chính sách hỗ trợ vắc xin dại cho các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; hỗ trợ vắc xin dại và huyết thanh kháng dại điều trị dự phòng cho người nghèo vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; bổ sung chính sách bảo hiểm y tế đối với người bị chó cắn.

h) Định kỳ hàng quý tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác phòng, chống bệnh dại trên người và động vật; kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện.

3. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, cân đối phần ngân sách cho hoạt động phòng, chống bệnh dại nhằm khống chế bệnh dại trên người và động vật, tiến tới loại trừ bệnh dại tại Việt Nam.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế xây dựng các nội dung truyền thông và chỉ đạo thực hiện truyền thông học đường về bệnh dại.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức biểu dương các điển hình tiên tiến; kịp thời phát hiện, phê bình các địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân có thái độ chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bệnh dại.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư;
- Th
tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương, các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân h
àng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ
Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (3b).Dh
205

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng