Chỉ thị 31/2005/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa
Số hiệu: | 31/2005/CT-TTg | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 29/09/2005 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 08/10/2005 | Số công báo: | Từ số 7 đến số 8 |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/2005/CT-TTG |
Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Trong những năm qua, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người tham gia giao thông, vận tải đường thủy nội địa; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Nhờ đó, nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân quản lý, tham gia giao thông đường thủy nội địa có sự chuyển biến tích cực; hoạt động giao thông đường thủy nội địa từng bước đi vào nề nếp.
Tuy vậy, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa còn diễn biến phức tạp. Tình hình phương tiện chở quá tải trọng cho phép còn khá phổ biến; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, thuyền viên, người lái phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn, bến bãi mở ra tùy tiện, không đủ điều kiện an toàn còn chiếm tỷ lệ cao; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn thấp. Từ đầu năm 2005 đến nay, tuy tai nạn giao thông đường thủy nội địa có giảm, nhưng số vụ, số người tử vong và bị thương còn nhiều; không ít tại nạn nghiêm trọng vẫn xảy ra, đặc biệt là trên các tuyến sông, kênh chưa được tổ chức quản lý.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa chưa được quan tâm đúng mức. Các cơ quan quản lý chuyên ngành, lực lượng cảnh sát nhân dân và chính quyền địa phương chưa có biện pháp thiết thực trong quản lý hoạt động giao thông, vận tải đường thủy nội địa, chưa kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật của chủ phương tiện, thuyền viên và người lái phương tiện; đặc biệt, phương tiện chở người loại nhỏ chưa được địa phương quản lý chặt chẽ theo quy định pháp luật.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, nhằm tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, kiềm chế và giảm đến mức thấp nhất vi phạm và tai nạn giao thông đường thủy, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Bộ Giao thông vận tải:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc tổng điều tra phương tiện thủy nội địa và đội ngũ thuyền viên, người lái phương tiện để đẩy nhanh việc đăng ký, quản lý, kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện và đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
b) Chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ phương tiện, thuyền viên và người lái phương tiện tại cảng, bến; xử lý triệt để phương tiện chở quá tải, phương tiện không đủ điều kiện an toàn rời cảng, bến; yêu cầu Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa, thanh tra viên giao thông đường thủy nội địa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.
c) Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt là đối với bến khách và phương tiện vận tải hành khách ngang sông; kiên quyết xử lý những bến thủy nội địa không có giấy phép hoạt động, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa;
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể nhân dân đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và hướng dẫn thực hiện pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.
2. Bộ Công an:
a) Chỉ đão tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thủy nội địa; tập trung xử lý kiên quyết những hành vi vi phạm, đặc biệt là phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn, phương tiện chở quá tải trọng cho phép, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định;
b) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và lực lượng tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường thủy nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên phạm vi cả nước.
3. Bộ Văn hóa – Thông tin:
Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức triển khai thực hiện các chuyên mục thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân việc thực hiện quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm soát việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường trong vận tải, xếp, dỡ hàng hóa tại cảng, bến thủy nội địa, thi công công trình, khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trên đường thủy nội địa;
b) Tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, các lực lượng liên quan kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản trên đường thủy nội địa.
5. Bộ Thủy sản:
Ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thủy sản, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản, khẩn trương thực hiện những việc sau đây:
a) Tổ chức kiểm tra công tác đăng ký tàu cá và thuyền viên, đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá;
b) Hoàn thiện chương trình, nội dung huấn luyện, thi và cấp chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện khai thác thủy sản nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy định về phòng ngừa va chạm tàu thuyền với nhau, va chạm tàu thuyền với công trình giao thông khi phương tiện hoạt động trong vùng nước thủy nội địa;
c) Xử lý nghiêm chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật, bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên tàu cá.
6. Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải xăng dầu thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và quy định về bảo vệ an toàn công trình xăng dầu có liên quan đến hoạt động giao thông đường thủy nội địa.
7. Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu sửa đổi mức thu và hướng dẫn cụ thể việc thu lệ phí trước bạ đối với phương tiện nhỏ và phương tiện lắp máy đã qua sử dụng cho phù hợp với thực tế.
8. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vị nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tăng cường thực hiện quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường thủy nội địa.
9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển giao thông, vận tải đường thủy nội địa của địa phương;
b) Trên cơ sở quy hoạch phát triển giao thông, vận tải đường thủy nội địa, quy định cụ thể việc họp chợ, làng chài, làng nghề và các hoạt động khác trên hành lang bảo vệ luồng, bảo đảm giao thông đường thủy nội địa thông suốt, trật tự, an toàn và bảo vệ môi trường;
c) Chỉ đạo chặt chẽ việc kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện; quy định điều kiện an toàn đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè;
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải trong việc dỡ bỏ, giải tỏa các công trình, đăng đáy cá, phương tiện nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, vị trí khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trái phép trong phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng;
đ) Ở các khu vực trọng điểm về an toàn giao thông đường thủy nội địa, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng phương án hạ tải đối với phương tiện kinh doanh vận tải, khai thác khoáng sản trên đường thủy nội địa mà không có đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo điều kiện kinh doanh, điều kiện hành nghề;
e) Tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp chặt chẽ nhằm bảo vệ tốt các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa;
g) Ban hành chính cụ thể khuyến khích đầu tư xây dựng bến khách, trang bị phương tiện bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân;
h) Đẩy mạnh việc tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ lái phương tiện, giấy chứng nhận học tập pháp luật về giao thông đường thủy nội địa cho người lái phương tiện;
i) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa đối với các tầng lớp nhân dân của địa phương mình, bằng các hình thức sát thực, phù hợp với từng đối tượng.
10. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này.
11. Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia có trách nhiệm phối hợp hoạt động, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả và những vướng mắc trong quá trình thực hiện, kiến nghị biện pháp xử lý cụ thể.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
Chỉ thị 31/2005/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa Ban hành: 29/09/2005 | Cập nhật: 20/05/2006
Nghị định 66/2005/NĐ-CP về bảo đảm an toàn cho người và tàu đánh cá hoạt động thuỷ sản Ban hành: 19/05/2005 | Cập nhật: 20/05/2006