Chỉ thị 24/CT-UBND năm 2014 ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh Phú Yên
Số hiệu: 24/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên Người ký: Lê Văn Trúc
Ngày ban hành: 18/09/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/CT-UBND

Phú Yên, ngày 18 tháng 9 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NGĂN CHẶN HÀNH VI ĐƯA TẠP CHẤT VÀO TÔM NGUYÊN LIỆU VÀ SẢN XUẤT, KINH DOANH TÔM CÓ CHỨA TẠP CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN

Thời gian qua, các ngành chức năng của Tỉnh và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng cố ý đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất (kể cả việc dùng hóa chất không rõ nguồn gốc để tẩy rửa, xử lý tôm hùm chết trước khi bán ra thị trường). Tuy nhiên kết quả chưa triệt để, tình hình vi phạm vẫn tiếp diễn hết sức phức tạp, đặc biệt vào các thời điểm khan hiếm tôm nguyên liệu. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt, công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật còn hạn chế.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 01/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất trên địa bàn Tỉnh; Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố ven biển nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật về kiểm soát tạp chất và tác hại nghiêm trọng của hành vi đưa tạp chất vào tôm (kể cả hành vi bơm chích agar; dùng hóa chất tẩy rửa, xử lý tôm hùm chết để bán ra thị trường). Vận động, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng, khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP…

- Tăng cường việc thanh tra, kiểm tra giám sát theo quy định đối với các cơ sở nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thủy sản, nhằm ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và pháp luật hiện hành. Thông báo công khai các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Vận động các doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thủy sản tự nguyện cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, không sản xuất kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất; thông báo công khai danh sách các cơ sở, doanh nghiệp cam kết.

- Xây dựng kế hoạch, kinh phí hàng năm về thực hiện công tác tuyên truyền tại cộng đồng về phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản; kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm để phát hiện hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp.

2. Sở Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật, kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; hướng dẫn cho người tiêu dùng nhận biết được biểu hiện tôm có chứa tạp chất, tôm bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, nhà hàng…; khuyến cáo tác dụng độc hại của thực phẩm được chế biến từ tôm có chứa tạp chất và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

3. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện kiểm tra, thanh tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh thủy sản thực phẩm (đặc biệt chú ý đến hoạt động kinh doanh tôm) tại các chợ, siêu thị và lưu thông trên thị trường.

4. Sở Tài chính: Hàng năm căn cứ khả năng ngân sách, tham mưu UBND Tỉnh bố trí kinh phí để các cơ quan chức năng thực hiện công tác tuyên truyền tại cộng đồng về phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản; kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm để phát hiện hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất.

5. Công an Tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện việc kiểm tra, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất và các hành vi tiếp tay, bao che cho tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.

6. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng thuộc ngành phối hợp kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất.

7. UBND các huyện, thị xã và thành phố ven biển:

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn phát động quần chúng nhân dân lên án, tố giác các hành vi gian lận, đưa tạp chất vào tôm và sử dụng tôm chứa tạp chất để chế biến thực phẩm qua đường dây nóng của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Phú Yên; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất theo Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ;

- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan chỉ đạo và có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP…

8. Tổ chức thực hiện:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực hiện; tổng hợp, báo cáo tình hình và kết quả triển khai thực hiện về UBND Tỉnh.

- Các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tập trung tập trung chỉ đạo các tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi, địa bàn quản lý triển khai thực hiện Chỉ thị này và định kỳ 03 tháng một lần báo cáo tình hình và kết quả triển khai thực hiện về UBND Tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Trúc