Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2014 tăng cường việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
Số hiệu: 21/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long Người ký: Trần Văn Rón
Ngày ban hành: 14/11/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/CT-UBND

Vĩnh Long, ngày 14 tháng 11 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG VIỆC ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC THAY THẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Ở nước ta, tình hình sử dụng các chất dạng thuốc phiện (CDTP) đang có chiều hướng gia tăng và xuất hiện ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối tháng 5/2014, số người sử dụng ma tuý có hồ sơ quản lý là 182.799 người, trong đó chủ yếu là sử dụng héroin (chiếm trên 72%). Tuy nhiên, việc giúp người sử dụng ma tuý được cai nghiện ở các cơ sở bắt buộc còn một số hạn chế và tỷ lệ tái nghiện cao sau khi trở về cộng đồng. Ngoài ra, việc tiêm chích ma tuý đang là hình thức lây truyền HIV chủ yếu hiện nay trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Méthadone được chính thức triển khai thí điểm tại một số tỉnh, thành phố từ năm 2008, đã mang lại một số kết quả đáng phấn khởi, như: Làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma tuý trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị; có sự cải thiện sức khoẻ đối với bệnh nhân tham gia chương trình Méthadone (thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống); giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị; tình hình an ninh và trật tự xã hội được cải thiện ngày một tốt hơn, trong đó, tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40,8% xuống chỉ còn 1,34% sau 24 tháng tham gia vào chương trình điều trị; mâu thuẫn trong gia đình, xã hội cũng giảm mạnh; tỷ lệ bệnh nhân có các hành vi bán và cầm cố đồ đạc, nói dối hoặc thậm chí cưỡng ép người thân để có tiền sử dụng ma tuý giảm nhanh chóng từ 90% trước điều trị xuống còn 1,4% sau 12 tháng điều trị.

Như vậy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS, làm giảm tỷ lệ người sử dụng ma tuý trái phép, giảm những vụ vi phạm pháp luật liên quan đến ma tuý, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg , ngày 31 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 1625/QĐ-UBND, ngày 30/10/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Méthadone trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Công an tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, cập nhật số lượng người nghiện chất dạng thuốc phiện thực tế trên địa bàn tỉnh để bổ sung kế hoạch; lồng ghép triệt để cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và kinh phí để triển khai thực hiện theo quy định. Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Méthadone thuộc thẩm quyền quản lý. Báo cáo kết quả triển khai thực hiện theo quy định về Bộ Y tế, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh.

2. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với ngành y tế và các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ đạo các cơ quan truyền thông trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các cấp về ý nghĩa, tầm quan trọng của điều trị thay thế; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về điều trị thay thế đến mọi tầng lớp nhân dân, ưu tiên nhóm đối tượng là người nghiện ma tuý để tham gia chương trình điều trị.

3. Giám đốc Công an tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ cho ngành y tế trong việc rà soát đối tượng và vận động đối tượng tham gia chương trình điều trị nghiện bằng thuốc thay thế. Đảm bảo tình hình an ninh, trật tự cho cơ sở điều trị. Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở điều trị bắt buộc đối với người đang tham gia điều trị thay thế trong trường hợp người đó không vi phạm các quy định. Chỉ đạo các lực lượng liên quan phát hiện các trường hợp vi phạm để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các ngành chức năng có liên quan đẩy mạnh việc chuyển đổi hoặc lồng ghép hoạt động điều trị thay thế tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở xã hội thuộc thẩm quyền quản lý; thực hiện đồng bộ các hoạt động tư vấn tâm lý; quản lý đối tượng tham gia điều trị tại cộng đồng; hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm phù hợp, để giúp họ tái hoà nhập cộng đồng.

5. Giám đốc Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Giám đốc Sở Y tế tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí hằng năm để thực hiện kế hoạch; hướng dẫn các đơn vị sử dụng và thanh quyết toán kinh phí đúng quy định.

6. Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh về mức lương, phụ cấp, định biên và chế độ chính sách cho cán bộ viên chức làm việc tại Cơ sở điều trị Méthadone.

7. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn quản lý, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Kế hoạch triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Méthadone trên địa bàn tỉnh; quản lý đối tượng cai nghiện tại cộng đồng; hỗ trợ ngành y tế, đặc biệt là Cơ sở điều trị Méthadone trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

- Chỉ đạo và hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức quản lý, giám sát, hỗ trợ người bệnh tham gia Chương trình; chú trọng việc đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn cơ sở điều trị Méthadone; đơn giản hoá các thủ tục hành chính, nhanh chóng xác nhận đơn đề nghị tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho người có nhu cầu; báo cáo kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc về Sở Y tế.

8. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long và các đơn vị thành viên phối hợp với ngành y tế vận động đoàn viên, hội viên tích cực tuyên truyền, nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội về việc triển khai Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Méthadone. Cùng các ngành chức năng hỗ trợ đối tượng sau cai nghiện về học nghề và việc làm phù hợp.

Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Văn Rón