Chỉ thị 32/CT-TTg năm 2017 thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
Số hiệu: | 32/CT-TTg | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 19/07/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 29/07/2017 | Số công báo: | Từ số 525 đến số 526 |
Lĩnh vực: | Ngân hàng, tiền tệ, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 2017 |
CHỈ THỊ
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI VỀ THÍ ĐIỂM XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (sau đây gọi là Nghị quyết), trong đó quy định một số biện pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng), tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu bảo đảm các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện một số công việc sau đây:
I. MỤC TIÊU
Triển khai kịp thời, hiệu quả các quy định tại Nghị quyết để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này, đồng thời chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng; phát huy vai trò Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong xử lý nợ xấu; phấn đấu đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém được Chính phủ phê duyệt xử lý theo phương án riêng).
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ
1. Chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện
a) Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức quán triệt nội dung của Nghị quyết đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, VAMC.
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt nội dung Nghị quyết đến các cơ quan, đơn vị, các cán bộ, công chức thực hiện các công việc liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng, VAMC.
- Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị quyết.
Việc phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết phải hoàn thành trước ngày 15 tháng 8 năm 2017.
b) Xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Nghị quyết:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Nghị quyết.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn hoạt động mua bán nợ xấu của VAMC theo quy định tại Nghị quyết.
Các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết phải ban hành trước ngày 15 tháng 8 năm 2017.
c) Chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thực hiện:
- Bộ Tư pháp chỉ đạo cơ quan thi hành án các cấp thực hiện các quy định về thi hành án dân sự liên quan đến khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, VAMC theo quy định tại Nghị quyết; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhanh chóng, đúng pháp luật các bản án liên quan đến tín dụng, ngân hàng đã có hiệu lực pháp luật.
- Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế quán triệt, hướng dẫn chính sách liên quan đến thuế quy định tại Nghị quyết.
- Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự khi tổ chức tín dụng, VAMC thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được xử lý theo quy định tại Nghị quyết.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định tại Nghị quyết.
- Chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết tại địa phương; đặc biệt là trách nhiệm hỗ trợ tổ chức tín dụng, VAMC trong quá trình thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản chỉ đạo thực hiện các nội dung nêu trên trong phạm vi toàn ngành, lĩnh vực và địa phương mình trước ngày 15 tháng 8 năm 2017.
d) Về xử lý nợ xấu liên quan đến ngân sách nhà nước:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập phương án phân bổ nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản liên quan đến nợ xấu thuộc trách nhiệm chi của ngân sách trung ương và nợ xấu của chương trình cho vay theo chỉ định của Chính phủ.
- Chính quyền địa phương có trách nhiệm lập phương án phân bổ nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản liên quan đến nợ xấu thuộc trách nhiệm chi của ngân sách địa phương.
2. Về thanh tra, giám sát, kiểm tra
a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm giám sát, thanh tra, kiểm tra tổ chức tín dụng, VAMC trong việc thực hiện Nghị quyết này;
b) Các bộ, cơ quan liên quan có trách nhiệm giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được giao nêu tại khoản 1 Phần II Chỉ thị này đối với các đơn vị trực thuộc.
3. Về hoàn thiện pháp luật
a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát và báo cáo Chính phủ về đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm trên cơ sở thực tiễn áp dụng các quy định tại Nghị quyết trước ngày 15 tháng 8 năm 2021;
b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản trị điều hành của tổ chức tín dụng, đặc biệt là quản trị rủi ro; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về cấp tín dụng của tổ chức tín dụng để hạn chế nợ xấu phát sinh; tăng cường năng lực thanh tra, giám sát của hệ thống cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng;
c) Bộ Tư pháp có trách nhiệm hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về giao dịch bảo đảm.
4. Tổ chức thực hiện
a) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết, các văn bản hướng dẫn và nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này. Định kỳ hằng năm (trước ngày 15 tháng 9) gửi báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp báo cáo Chính phủ;
b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội về kết quả xử lý nợ xấu hằng năm (trước ngày 01 tháng 10) và báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết (trước ngày 31 tháng 12 năm 2021), đồng thời gửi các bộ, ngành có liên quan để theo dõi, phối hợp thực hiện.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, trường hợp phát sinh vướng mắc kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo./.
|
THỦ TƯỚNG |