Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2016 về tăng cường thực hiện giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom, mìn vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh
Số hiệu: 19/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình Người ký: Trần Tiến Dũng
Ngày ban hành: 31/08/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/CT-UBND

Quảng Bình, ngày 31 tháng 8 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH NHẰM NGĂN CHẶN VÀ GIẢM THIỂU TAI NẠN BOM, MÌN VẬT LIỆU NỔ CÒN SÓT LẠI SAU CHIẾN TRANH

Công tác khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh luôn là vấn đề cấp bách, lâu dài mà được Đảng và Nhà nước quan tâm. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai các hoạt động của Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; trong đó hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân đã và đang đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra các vụ nổ bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, làm thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản của nhà nước, gây tâm lý hoang mang lo lắng cho người dân. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người dân chưa nhận thức được về tác hại, mức độ nguy hiểm, sức công phá của bom mìn, vật nổ; công tác quản lý Nhà nước, tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn; kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong việc thu mua, vận chuyển, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ chưa được tiến hành kịp thời và đồng bộ.

Để thực hiện tốt Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; đồng thời để ngăn chặn, tiến tới nhanh chóng giảm thiểu tới mức tối đa các vụ tai nạn thương tâm do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

- Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.

- Chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân; trong tiếp nhận, thu gom, quản lý, tiêu hủy bom mìn, vật nổ theo quy định.

2. Công an tỉnh:

Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với chính quyền cấp cơ sở và cơ quan Quân sự trong việc huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện để tiếp nhận, thu gom, quản lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định; đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm liên quan đến việc thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có nguy cơ gây tai nạn, vi phạm các quy định của pháp luật liên quan.

3. Bộ đội Biên phòng tỉnh:

Chỉ đạo các đồn Biên phòng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, điều tra làm rõ các vụ mua bán, tàng trữ, sử dụng, vận chuyển, thu gom trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho nhân dân nâng cao ý thức phong tránh tai nạn bom mìn. Tiếp nhận, bảo vệ hiện trường, thông báo bàn giao cho cơ quan Quân sự huyện, xã xử lý theo quy định.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Tăng cường phối hợp với các địa phương, các cơ quan quản lý lao động để kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn lao động; chế độ chính sách đối với các đối tượng thuộc diện nghèo, cận nghèo và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống ở tại các khu vực ô nhiễm bom mìn nặng; công tác giáo dục, hướng nghiệp cho các đối tượng chưa có việc làm.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình:

Theo chức năng được giao, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật và các hình thức xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.

6. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh:

- Thực hiện đúng quy trình phân cấp thẩm định; trước khi lập dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh phải phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để cung cấp mật độ ô nhim bom mìn, các khu vực đã được rà phá làm sạch bom mìn tránh sự trùng lặp khối lượng diện tích, giảm chi phí ngân sách Nhà nước và nhà đầu tư.

- Khi triển khai dự án có hạng mục dò tìm làm sạch bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cơ quan Quân sự các cấp để có sự quản lý, giám sát việc dò tìm và xử lý bom mìn, vật nổ sau dò tìm tránh làm dối, để sót, vương vãi bom mìn, vật nổ gây thiệt hại không đáng có đến người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến việc người dân thu gom, tàng trữ, mua bán, cắt cưa, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có nguy cơ gây tai nạn.

- Chỉ đạo cơ quan Quân sự địa phương, Công an, đồn Biên phòng, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân; tổ chức các lớp giới thiệu về hiểu biết các loại bom mìn, vật nổ cho nhân dân và các cuộc vận động toàn dân phát hiện, trình báo bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho các cơ quan chức năng.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Kiên quyết đình chỉ các hoạt động nếu vi phạm các quy định, có nguy cơ mất an toàn.

- Có hình thức xử lý nghiêm đối với các cơ sở buông lỏng quản lý để người dân vi phạm các quy định và có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời với các cá nhân phát hiện, trình báo cơ quan chức năng về việc thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công chịu trách nhiệm quán triệt sâu rộng và nghiêm túc tổ chức thực hiện Chỉ thị này, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị về UBND tỉnh để tổng hợp báo cáo Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Đài PT-TH; Báo Quảng Bình;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH, VX.

TM ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Tiến Dũng