Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2005 đẩy mạnh thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Số hiệu: 19/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk Người ký: Nguyễn Văn Lạng
Ngày ban hành: 17/10/2005 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/CT-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 17 tháng 10 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Trong năm 2003 và 2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch 17/KH-TU và Chương trình 04/CTr-TU để kiểm tra và tiếp tục kiểm tra việc lãnh đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngày 22/8/2005, Tỉnh ủy tiếp tục có công văn số 759-CV/TU về đẩy mạnh thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 14/2002/CT-UB ngày 04/6/2002 về công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản với nội dung cụ thể hóa việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong thời gian qua, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được đề cao và được tổ chức thực hiện nghiêm túc trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Ngành tài chính là đơn vị chủ lực trong việc tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh ngay từ khâu tổ chức lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách, thẩm định các dự án đầu tư, dự toán chi tiêu của các đơn vị và kiểm soát trong và sau khi thực hiện. Đã kịp thời điều chỉnh chế độ sử dụng điện thoại công vụ, chế độ hội nghị, công tác phí, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước để mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, tài sản, xây dựng trụ sở cơ quan và quản lý hành chính theo đúng các quy định của nhà nước.

Tuy nhiên, trong việc sử dụng các khoản chi thường xuyên của ngân sách nhiều lúc, nhiều nơi vẫn chưa đúng quy định như: mua sắm tài sản, xe ôtô vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ, không đúng thẩm quyền. Hiện tượng xe ô tô con còn chỗ thừa, chỗ thiếu, việc điều chuyển chưa được thực hiện kịp thời, còn có trường hợp sử dụng xe ô tô con vào việc riêng. Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ, hội nghị còn phô trương, hình thức, lãng phí, hiệu quả thấp.

Tình hình chi tiếp khách, hội họp, quà biếu còn xảy ra khá phổ biến. Trong quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý tài sản công vẫn còn nhiều bất cập như: sử dụng đất và trụ sở làm việc của một số doanh nghiệp chưa hiệu quả, chi cho sửa chữa trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp còn lớn, trang bị mua sắm phương tiện làm việc đắt tiền chưa thực sự cần thiết… Việc bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn dàn trải, chưa tập trung, chưa thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước về việc thanh toán vốn cho công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, nhất là các công trình thuộc nhóm C.

Trước tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ cấp bách sau:

1. Đẩy mạnh việc thực hiện và cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, địa phương đã ban hành về thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Làm tốt các nhiệm vụ về việc tăng cường công tác tổ chức thực hiện chính sách thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

2.1. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải là nhiệm vụ của mọi cấp, mọi ngành và của mọi người nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước. Vì vậy:

- Nghiêm túc thực hiện những quy định của Trung ương đã ban hành, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra tài chính từ đó phát hiện những vấn đề không còn phù hợp để kiến nghị Trung ương bổ sung, sửa đổi.

- Người nào ra quyết định chi tiêu sai, lãng phí thì người đó phải chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình, không được đẩy trách nhiệm cho cơ quan quản lý.

- Thực hiện công khai tài chính trong lĩnh vực ngân sách ở các cấp chính quyền, đơn vị sử dụng ngân sách và các doanh nghiệp Nhà nước theo đúng quy định của Chính phủ.

- Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao.

- Thực hiện đầy đủ cơ chế mới về quản lý tài chính, quản lý biên chế, đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của chính phủ và tiếp tục mở rộng khoán biên chế đối với cơ quan hành chính nhà nước theo quyết định số 192/2001/QĐ-TTg ngày 17/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

2.2. Đối với cơ quan Tài chính, Thanh tra:

- Tăng cường kiểm tra việc chấp hành chế độ chi tiêu, hội họp, quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng điện thoại, ô tô, trụ sở, nhà đất …; nhất là việc thực hiện chỉ thị số 29/2001/CT-TTg ngày 30/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chỉ thị 21/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về mua sắm tài sản, vật tư, trang thiết bị, xây dựng trụ sở … trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước. Công bố công khai danh sách các cơ quan, đơn vị vi phạm chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Chấm dứt việc ghi thu, ghi chi hợp thức hóa việc giữ lại các khoản nộp ngân sách Nhà nước để sử dụng trái chế độ quy định, kể cả đầu tư mua sắm tài sản, chi phúc lợi hoặc chi thưởng cho cán bộ, công chức.

- Các cơ quan chức năng như: Tài chính, Kho bạc Nhà nước tăng cường công tác kiểm soát việc chi tiêu, mua sắm tài sản, xây dựng cơ bản, chi đoàn ra, đoàn vào; xử lý các trường hợp vi phạm đồng thời có cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị có hành vi vi phạm.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, chống tham nhũng. Chi tiêu trong dự toán được duyệt, đúng mục đích và tổ chức triển khai công tác kiểm tra, thanh tra ở tất cả các cấp, các cơ quan, đơn vị.

2.3. Tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cả trong đầu tư xây dựng cơ bản, chi tiêu ngân sách Nhà nước và chi tiêu dùng xã hội.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước phải tăng cường hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực; coi việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải là việc làm thường xuyên và đồng bộ của cơ quan, đơn vị mình.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu UBND các cấp, Thủ trưởng các ngành, các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy (để b/c);
- TT. HĐND tỉnh (nt),
- CT, PCT. UBND tỉnh,
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh,
- UBND các huyện, TP BMT,
- Các DN Nhà nước thuộc tỉnh,
- Lãnh đạo VP. UBND tỉnh,
- Các bộ phận nghiên cứu,
- Lưu VT, TT tin học.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Lạng

 





Chỉ thị 14/2002/CT-UB về tổ chức thực hiện Pháp lệnh Giá Ban hành: 06/08/2002 | Cập nhật: 26/06/2014