Chỉ thị 14/2002/CT-UB Triển khai Chỉ thị 10/2002/CT-TTg thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 14/2002/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh | Người ký: | Mai Quốc Bình |
Ngày ban hành: | 04/06/2002 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2002/CT-UB |
TP.Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 06 năm 2002 |
CHỈ THỊ
TRIỂN KHAI CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 08-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ “VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI”.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình của Thành Ủy về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan tư pháp, các sở-ban-ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận-huyện nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của Đảng, của nhân dân đặt ra cho công tác này, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội ; đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của công dân và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các sở-ban-ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận-huyện thực hiện tốt một số công việc sau đây :
1. Công an thành phố :
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự trong lực lượng Công an nhân dân thành phố ; rà soát lại các vụ oan sai, các vụ trốn khỏi nơi giam giữ, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can trong một số loại tội phạm ít nghiêm trọng.
- Rà soát đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp trong lực lượng Công an nhân dân, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng cán bộ, đặc biệt là đội ngũ điều tra viên, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ sa sút về phẩm chất đạo đức, hạn chế về năng lực chuyên môn, xử lý nghiêm minh và kịp thời đối với các trường hợp vi phạm.
- Nâng cao chất lượng công tác điều tra, tiếp nhận xử lý tin báo, tố giác tội phạm.
- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập lực lượng cảnh sát tư pháp khi Trung ương ban hành các quy định pháp luật về vấn đề này.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố tổng kết công tác thực hiện chương trình mục tiêu 3 giảm: giảm ma túy, mãi dâm và tội phạm trên địa bàn thành phố, kiểm điểm những việc làm được và chưa làm được, đề ra biện pháp tích cực nhằm giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn nhằm góp phần thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
- Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm tại địa bàn dân cư.
2. Sở Tư pháp thành phố :
- Rà soát đội ngũ cán bộ tư pháp thuộc quyền quản lý của Sở, tập trung vào các chức danh tư pháp như Chấp hành viên, Công chứng viên, trên cơ sở đó đánh giá đúng chất lượng đội ngũ cán bộ, đề ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực cán bộ, công chức của ngành đáp ứng yêu cầu công tác tư pháp ngày càng phát triển. Xử lý nghiêm minh và kịp thời đối với các trường hợp sai phạm.
- Xây dựng chương trình soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân thành phố nhằm triển khai nhanh Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh kịp thời thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật do các ngành trình Ủy ban nhân dân thành phố trước khi ban hành, nhằm đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung hợp hiến và hợp pháp.
- Từng bước nghiên cứu, đề xuất xây dựng đề án xã hội hóa hoạt động công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, thi hành án dân sự. Thực hiện tin học hóa công chứng, triển khai thí điểm xã hội hóa hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố, nhằm tạo sự chuyển biến trong hoạt động bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu của xã hội ngày càng phát triển, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, huy động sức dân tham gia vào hoạt động của Nhà nước, thiết thực góp phần cải cách hành chính và chống tham nhũng.
- Phối hợp với Ban Tổ chức Chính quyền thành phố xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo cán bộ công chức cơ quan tư pháp cấp thành phố và quận-huyện về chính trị, tin học, ngoại ngữ, quản lý Nhà nước. Nghiên cứu có đề án chăm lo, củng cố cán bộ tư pháp xã-phường theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa VIII của Đảng.
- Tiếp tục thực hiện chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai tổ chức thi hành Pháp lệnh Luật sư số 37/2001/PL-UBTVQH10 ngày 25 tháng 7 năm 2001 trên địa bàn thành phố, kịp thời xử lý, chấn chỉnh các hoạt động tư vấn trái pháp luật.
- Trên cơ sở tổng kết công tác hòa giải, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận-huyện , Ban Tổ chức Chính quyền thành phố xây dựng đề án tăng cường và củng cố hệ thống tổ chức hòa giải ở cơ sở.
3. Sở Địa chính-Nhà đất và Kiến trúc sư Trưởng thành phố :
Trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình chủ động đề xuất về quy hoạch bố trí trụ sở làm việc cho các cơ quan tư pháp phù hợp với tính chất, qui mô công việc và điều kiện của thành phố.
4. Ban Tổ chức Chính quyền thành phố :
- Tổng kết 15 năm về công tác cải cách thể chế hành chính tại thành phố Hồ Chí Minh để rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn, nguyên nhân những việc làm được, chưa làm được và kiến nghị với Chính phủ các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trong thời gian tới.
- Phối hợp với Trường Cán bộ thành phố, Sở Tư pháp thành phố chủ động nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương thức bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao năng lực cán bộ tư pháp, đặc biệt là cán bộ tư pháp phường-xã, thị trấn.
- Phối hợp với Sở Tư pháp thành phố, Ủy ban nhân dân quận-huyện xây dựng, củng cố, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách tư pháp phường-xã, thị trấn để nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu công tác tư pháp ngày càng phát triển.
- Phối hợp với các cơ quan tư pháp nghiên cứu đề xuất các phương án từng bước xã hội hóa một số nội dung hoạt động tư pháp.
5. Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố :
- Tiếp tục nghiên cứu cải tiến nội dung, chương trình đưa pháp luật vào trường học phù hợp với từng đối tượng học sinh, cấp lớp để kiến thức pháp luật thực sự đi vào cuộc sống ở lứa tuổi thanh, thiếu niên.
- Nghiên cứu chương trình mục tiêu 3 giảm của thành phố xây dựng nội dung phù hợp phổ biến trong các trường học. Nội dung phải đạt được yêu cầu làm cho học sinh nhận thức được sự nguy hiểm của ma túy, mãi dâm, tội phạm cho mỗi người, gia đình và xã hội, việc bài trừ tệ nạn này không chỉ là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước mà của cả cộng đồng.
6. Sở Văn hóa và Thông tin thành phố :
Chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng tích cực đưa tin và hình ảnh về các hành vi vi phạm pháp luật cần lên án ; kịp thời biểu dương người tốt việc tốt, dũng cảm đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ công lý, phê phán hành vi tiêu cực, tham nhũng, đồng thời phối hợp với các cơ quan tư pháp thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
7. Ủy ban nhân dân quận-huyện :
- Đảm bảo đầy đủ các điều kiện để Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường sự giám sát đối với công tác tư pháp tập trung vào việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bắt, tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử và thi hành án tại địa phương.
- Đảm bảo điều kiện cho Ban chỉ đạo công tác thi hành án dân sự cùng cấp hoạt động có hiệu quả, phát huy vai trò trách nhiệm của cơ quan tư pháp cấp thành phố và quận-huyện để kiện toàn tổ chức cơ quan thi hành án địa phương, thực hiện tốt công tác thi hành án trên địa bàn thành phố, giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án tồn đọng, đảm bảo các điều kiện cần thiết để các quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh. Tổ chức thi hành một số vụ việc điển hình, phức tạp để rút kinh nghiệm chung.
- Nâng cao vai trò của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp chỉ đạo các cơ quan tổ chức, các phương tiện thông tin đại chúng tích cực tham gia vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ; đấu tranh phòng chống tội phạm.
- Khi có nhu cầu mở phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương Ủy ban nhân dân các cấp. Các cơ quan tổ chức, sở-ngành có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ để cơ quan Tòa án hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Trong phạm vi thẩm quyền và khả năng của mình chủ động tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho các cơ quan tư pháp quận-huyện.
8. Các sở-ban-ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận-huyện tổ chức triển khai các nội dung nêu tại Chỉ thị này đồng thời chủ động có biện pháp tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp và có báo cáo định kỳ theo quy định.
Sở Tư pháp thành phố có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện, định kỳ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố./.
Nơi nhận : |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 10/2002/CT-TTg thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới Ban hành: 19/03/2002 | Cập nhật: 09/12/2009
Nghị định 93/2001/NĐ-CP quy định phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh Ban hành: 12/12/2001 | Cập nhật: 07/12/2012
Pháp lệnh luật sư năm 2001 Ban hành: 25/07/2001 | Cập nhật: 09/10/2012