Chỉ thị 17/2007/CT-UBND đẩy mạnh phát triển dịch vụ thương mại, xây dựng hệ thống thương mại nội địa trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2007 - 2010
Số hiệu: 17/2007/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Nguyễn Xuân Lý
Ngày ban hành: 27/03/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2007/CT-UBND

Huế, ngày 27 tháng 3 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ THƯƠNG MẠI, XÂY DỰNG HỆ THỐNG THƯƠNG MẠI NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TOÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2007 - 2010

Nền kinh tế Việt Nam đã và đang có những bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển hội nhập của khu vực và thế giới, đặc biệt là việc nước ta trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); cùng với sự kiện trên, ngành thương mại Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới, Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 là nhiệm vụ quan trọng cho nhiệm kỳ mới.

Tại Thừa Thiên Huế, thời gian qua ngành thương mại đã đạt được nhiều thành tựu, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng xã hội; góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng bình quân 16-18%/năm, kim ngạch xuất khẩu đã có những bước phát triển khá, các loại hình kinh doanh thương mại dịch vụ phát triển đa dạng.

Tuy nhiên, hoạt động thương mại và các loại hình dịch vụ thương mại còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục: phát triển ngành hàng còn mang tính tự phát, các mô hình tổ chức thị trường chưa được thiết lập phù hợp, kênh lưu thông thiếu tính ổn định, chưa hợp lý, chưa thực sự gắn kết giữa sản xuất và lưu thông, chưa có định hướng phát triển dài hạn; chưa tổ chức thường xuyên các hoạt động kích thích tiêu dùng xã hội; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn về sản xuất, lưu thông, thương mại, dịch vụ; các cấp, các ngành chưa thấy rõ sức ảnh hưởng, tác động của ngành mình, đơn vị mình trong việc đẩy mạnh phát triển thương mại và dịch vụ thương mại …

Để xây dựng nền thương mại của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, từng bước đảm đương vai trò của tỉnh là một trung tâm thương mại dịch vụ của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP theo cơ cấu kinh tế “Dịch vụ-Công nghiệp-Nông nghiệp” đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIII xác định; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Huế, Thủ trưởng các Sở, Ngành cấp tỉnh chủ động triển khai và phối hợp thực hiện tốt những công việc sau:

1. Phải xác định rõ và có trách nhiệm trong việc thúc đẩy xây dựng nền thương mại toàn tỉnh phát triển vững mạnh và hiện đại, dựa trên một cấu trúc hợp lý các hệ thống và các kênh phân phối với sự tham gia của các thành phần kinh tế và loại hình tổ chức; coi trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh; đồng thời, khuyến khích và thúc đẩy quá trình hình thành các doanh nghiệp lớn, các nhà phân phối lớn, thúc đẩy sản xuất phát triển, định hướng và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân, góp phần phát triển xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế.

2. Bổ sung vào kế hoạch năm 2007 cũng như trong kế hoạch năm 2008 - 2010 các chương trình, đề án nhằm củng cố và phát triển thương mại, phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hoà giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn; tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng sản phẩm thương mại và dịch vụ thương mại; đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ và dịch vụ thu ngoại tệ tại chỗ thông qua các hoạt động dịch vụ : mua bán hàng hóa, tổ chức vui chơi, giải trí, hoạt động phục vụ ...tại địa phương.

3. Củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã thương mại và dịch vụ ở địa phương làm cầu nối giữa người nuôi, trồng với các doanh nghiệp thương mại và cơ sở chế biến, thực hiện việc cung cấp đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho nông dân. Khuyến khích việc hình thành các mối liên kết (hợp tác) trực tiếp giữa các hộ nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tập trung, các hợp tác xã thương mại - dịch vụ và các cơ sở chế biến.

4. Rà soát lại việc thực hiện cải cách hành chính tại cơ quan, địa phương mình; có biện pháp khắc phục các tồn tại trong quá trình cải cách hành chính; niêm yết công khai các thủ tục hành chính liên quan đến trình tự cấp giấy phép, giấy chứng nhận, giấy đủ điều kiện kinh doanh...; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30 tháng 4 năm 2007 về kết quả thực hiện.

5. Khẩn trương triển khai Quy hoạch Phát triển chợ - siêu thị - trung tâm thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (Quyết định số 1974/2006/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh) và Quy hoạch mạng lưới xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 (Quyết định số 663/2006/QĐ-UBND ngày 02 tháng 3 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh) tại địa phương;

Trước mắt tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện trong năm 2007 (thông qua tập thể lãnh đạo địa phương) bao gồm các nội dung: khảo sát lập quỹ đất dự phòng cho việc phát triển chợ, cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu theo quy hoạch; xây dựng phương án di dời hoặc giải tán: các chợ lấn chiếm, chợ tạm gây cản trở giao thông theo quy hoạch buộc phải giải tỏa, các cửa hàng xăng dầu không đảm bảo điều kiện kinh doanh; chỉnh trang các chợ đảm bảo an toàn vệ sinh, an ninh trật tự và công tác phòng cháy chữa cháy; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch triển khai trước 15 tháng 4 năm 2007.

6. Tập trung chỉ đạo các Ban quản lý chợ triển khai theo đúng các tiêu chuẩn, qui định tại Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ (đối với chợ xây dựng mới, giao hoặc tổ chức đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ; đối với chợ đang hoạt động do Ban Quản lý chợ điều hành, từng bước chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp hoặc Hợp tác xã quản lý chợ; đối với chợ ở các cụm xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, có thể xem xét giao cho doanh nghiệp là Hợp tác xã thương mại - dịch vụ tổ chức kinh doanh khai thác và quản lý chợ).

7. Giao trách nhiệm Sở Thương mại chủ trì và phối hợp với các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Huế:

a. Công bố các thỏa thuận song phương và đa phương trong đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); nghiên cứu, phân tích những thuận lợi, khó khăn khi gia nhập WTO, trên cơ sở đó, xây dựng chương trình hành động để triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách lớn để đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trên địa bàn tỉnh;

b. Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đến các địa phương, các tổ chức kinh tế nội dung liên quan việc thực thi các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ phân phối cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc thực hiện các dịch vụ bán buôn, bán lẻ, nhượng quyền thương mại và đại lý; hướng dẫn phát triển các loại hình tổ chức kinh doanh thương mại làm cơ sở cho các quyết định đầu tư của doanh nghiệp, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và định hướng cho người tiêu dùng lựa chọn nơi mua sắm;

c. Liên hệ Bộ thương mại để tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của các doanh nghiệp thương mại; phối hợp các tổ chức, đơn vị tư vấn trung ương hướng dẫn các nội dung bồi dưỡng về lĩnh vực phân phối đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành thương mại tại các địa phương;

d. Hướng dẫn, thông báo đến các địa phương, Ban quản lý chợ, doanh nghiệp liên quan các tiêu chuẩn, quy định, quy trình của Nhà nước liên quan đến việc triển khai Quy hoạch Phát triển chợ - siêu thị - trung tâm thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và Quy hoạch mạng lưới xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;

đ. Khẩn trương hoàn thành Đề án phát triển thương mại nội địa giai đoạn 2007-2010 (trình Ủy ban nhân dân tỉnh trong quý III/2007); Đề án điều chỉnh quy hoạch ngành thương mại đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020(trình Ủy ban nhân dân tỉnh trong quý II/2007); Đề án điều chỉnh chương trình phát triển xuất khẩu giai đoạn 2007-2010... và các đề án, chương trình giao tại Chương trình công tác năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh;

g. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt đảm bảo phù hợp phát triển tổng thể thương mại, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại của các địa phương phù hợp với quy hoạch thương mại của vùng kinh tế và của cả nước.

8. Các Sở, ngành quản lý chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp để bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước;

9. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp: Sở Thương mại, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu các cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, khu vực dịch vụ thương mại theo hướng khuyến khích xã hội hóa; mở rộng cho các thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư từ các nước có thị trường vốn đầu tư lớn, những tập đoàn phân phối xuyên quốc gia.

10. Sở Thương mại chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan chịu trách nhiệm theo dõi tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị này và định kỳ 06 tháng 1 lần tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Lý