Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2015 về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino
Số hiệu: | 15/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bình Định | Người ký: | Trần Thị Thu Hà |
Ngày ban hành: | 02/11/2015 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Môi trường, Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/CT-UBND |
Bình Định, ngày 02 tháng 11 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN NĂM 2016, ĐỐI PHÓ VỚI ẢNH HƯỞNG CỦA HIỆN TƯỢNG EL NINO.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, có khả năng đạt cường độ của El Nino mạnh kỷ lục 1997 - 1998 và sẽ kéo dài đến đầu năm 2016. Mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN), đặc biệt là khu vực Trung Bộ thiếu hụt 30-50%. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 32/CĐ-TW ngày 12/10/2015 và Bộ Nông nghiệp và PTNT có Chỉ thị số 8718/CT-BNN-TCTL ngày 23/10/2015 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2015 - 2016 và vụ Hè Thu năm 2016; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, nguồn nước, chỉ đạo các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi tích nước hồ chứa hợp lý, bảo đảm an toàn công trình và tích nước tối đa.
- Tổ chức xây dựng phương án cấp nước phục vụ sản xuất Đông Xuân 2015 - 2016, cần xác định cụ thể vùng bảo đảm tưới, vùng nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước để bố trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý; xem xét điều chỉnh theo hướng chuyển đổi vùng trồng lúa thường xuyên bị hạn, thiếu nước sang cây trồng cạn.
- Quản lý chặt chẽ diện tích gieo trồng, bảo đảm phù hợp với điều kiện nguồn nước, tuyệt đối không gieo trồng ở những khu vực nguồn nước không đủ cung cấp, khi xảy ra thiếu nước, ưu tiên cung cấp cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc.
- Những vùng thiếu nước, sử dụng các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày (theo cơ cấu giống ngành nông nghiệp đã công bố), bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
- Thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến cho lúa và cây trồng cạn (theo quy trình “ướt khô xen kẽ” nhỏ giọt, phun mưa…) để dành nước cho các vụ sau; điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất; tập trung sử dụng nước trên các sông suối, đắp bờ giữ nước trên đồng ruộng, chỉ điều tiết nước từ hồ chứa khi thật sự cần thiết.
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi tổ chức nạo vét kênh mương, cửa cống lấy nước, bể hút trạm bơm…để dẫn nước thông thoáng; phân phối nước hợp lý, thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước từ đầu mối công trình, hệ thống kênh mương đến mặt ruộng.
- Rà soát các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, có phương án phòng, chữa cháy rừng cụ thể cho từng địa phương (huyện, xã và chủ rừng). Tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát và đôn đốc công tác chuẩn bị tại cơ sở.
- Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các điểm cháy rừng và triển khai các biện pháp chữa cháy rừng quyết liệt, có hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.
- Đối với các vùng nuôi trồng thủy, hải sản, cần căn cứ vào dự báo thời tiết và tình trạng xâm nhập mặn để điều chỉnh lịch thời vụ, thả nuôi trong điều kiện nhiệt độ và độ mặn cho phép.
- Tiếp tục củng cố các tổ, đội thủy nông để quản lý tưới nội đồng, điều tiết tưới theo phiên lịch, giảm tranh chấp nước.
- Theo dõi, kiểm đếm chặt chẽ tình hình nguồn nước, xây dựng phương án chống hạn (kể cả cấp nước cho dân sinh); chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, chủ động sử dụng nguồn cấp bù thủy lợi phí, ngân sách dự phòng của địa phương để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Cập nhật, thường xuyên báo cáo UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí nếu vượt quá khả năng của địa phương.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT:
- Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, nhận định sát tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, phổ biến đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời; Cập nhật nguồn nước đề xuất kế hoạch sản xuất cho phù hợp với nguồn nước.
- Phối hợp với Sở Công Thương chỉ đạo điều tiết hợp lý các hồ chứa nước thủy điện theo hướng kết hợp hài hòa các nhiệm vụ, ưu tiên cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
- Hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và phương án điều tiết, sử dụng nước hợp lý để chủ động triển khai trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước.
- Chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định điều tiết tích nước bảo đảm an toàn hồ chứa và tích tối đa nguồn nước; thực hiện tưới tiết kiệm, tận dụng dòng chảy các sông suối, nguồn nước của thủy điện An Khê - KaNak; khi cần thiết mới sử dụng nước hồ.
- Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng; chăm sóc vật nuôi trong điều kiện nắng hạn; tổ chức thực hiện và hướng dẫn thực hiện chống xâm nhập mặn.
- Tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho các địa phương trong trường hợp xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.
- Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước sạch, công trình thủy lợi, kịp thời phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
- Đề xuất UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống hạn cấp tỉnh năm 2016, thành lập các Hội đồng phân phối nước các lưu vực sông.
3. Sở Công Thương:
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo thực hiện kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa nước thủy điện để cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân vùng hạ du.
- Chỉ đạo bảo đảm việc cấp điện cho các trạm bơm, đặc biệt trong các thời kỳ khô hạn cần tăng cường hoạt động cấp nước.
4. Đài Khí tượng Thủy văn Bình Định:
Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn, nhận định tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thường xuyên cung cấp cho các cơ quan liên quan, các địa phương để phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng chống hạn, xâm nhập mặn.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định:
Tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông về hiện tượng El Nino, tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, các biện pháp chỉ đạo ứng phó đến các cấp chính quyền, thôn, xóm, người dân trên địa bàn để chủ động thực hiện, tiết kiệm nước; biểu dương, khuyến khích những cá nhân, tổ chức tích cực thực hiện và sáng tạo trong ứng phó với hạn.
6. Các Hội đoàn thể:
Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh tích cực bám sát địa bàn vận động, hướng dẫn Hội viên thực hiện tốt các giải pháp sản xuất trong điều kiện hạn hán thiếu nước theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để giành thắng lợi trong sản xuất, ổn định đời sống.
Yêu cầu các Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực triển khai thực hiện và thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo./.
|
KT.CHỦ TỊCH |
Chỉ thị 8718/CT-BNN-TCTL năm 2015 về tăng cường thực hiện giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino Ban hành: 23/10/2015 | Cập nhật: 18/11/2015
Công điện 32/CĐ-TW năm 2015 bảo đảm việc cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân và 2015-2016, Hè Thu 2016 do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai điện Ban hành: 12/10/2015 | Cập nhật: 16/09/2016