Chỉ thị 8718/CT-BNN-TCTL năm 2015 về tăng cường thực hiện giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino
Số hiệu: | 8718/CT-BNN-TCTL | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Người ký: | Cao Đức Phát |
Ngày ban hành: | 23/10/2015 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Môi trường, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8718/CT-BNN-TCTL |
Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2015 |
Theo bản tin đặc biệt về El Nino (số 312/BC-DBTƯ ngày 27/8/2015) và báo cáo nhận định xu thế thời tiết, thủy văn mùa Đông Xuân năm 2015-2016 (số 350/BC-DBTƯ) của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, có khả năng đạt cường độ của El Nino mạnh kỷ lục 1997/1998 và xác suất kéo dài đến hết mùa đông xuân 2015/2016 là 90%. Theo thống kê, ngoài cường độ mạnh, nhiều khả năng El Nino 2014/2016 sẽ trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua (kể từ khi có những quan trắc chi tiết về hiện tượng ENSO). Về tác động chung của El Nino đến thời tiết nước ta, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam thường ít hơn hoặc xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN) nhưng thường xuất hiện những cơn bão mạnh hoặc hoạt động trái quy luật hàng năm. Mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với TBNN.
Trên thực tế, từ cuối năm 2014 đến nay, do ảnh hưởng của EL Nino, lượng mưa, dòng chảy sông, suối ở hầu hết các khu vực đều thiếu hụt so với TBNN, dẫn đến hạn hán đã xảy ra gay gắt ở các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Hiện tại, lượng mưa, dòng chảy, dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phần lớn đều thấp hơn cùng kỳ năm 2014, đặc biệt ở khu vực Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Mực nước trên sông Mê Kông ở Tân Châu đang thấp nhất kể từ năm 1926. Với nguồn nước trữ hiện tại và thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ xảy ra gay gắt ngay từ vụ Đông Xuân 2015-2016 và kéo dài đến vụ Hè Thu năm 2016, các khu vực bị ảnh hưởng nặng là Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Để tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đối phó với ảnh hưởng của El Nino, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thị:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương:
a) Chỉ đạo rà soát tình hình đánh giá khả năng tác động của hạn hán, xâm nhập mặn tới các ngành sản xuất, đời sống của nhân dân, xây dựng các kế hoạch ứng phó cụ thể để triển khai thực hiện, giảm đến mức tối thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất, thu nhập và đời sống của nhân dân trên địa bàn.
b) Tổ chức kiểm tra, tổng hợp cụ thể nguồn nước kể cả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao khi hạn hán xảy ra;
c) Chỉ đạo thực hiện các biện pháp tăng cường tích trữ nước trong các hồ chứa trên cơ sở theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phải bảo đảm an toàn công trình; Khẩn trương xây dựng các đập tạm trữ nước, ngăn mặn, tu bổ, nạo vét kênh mương, cống bọng để tăng khả năng tích nước ngọt.
d) Xây dựng kế hoạch cụ thể điều tiết, sử dụng tiết kiệm các nguồn nước kể cả các hồ chứa thủy điện để phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, lưu ý cân đối nguồn nước để bảo đảm cung cấp cho cả vụ Đông Xuân 2015-2016 và năm 2016;
e) Tổ chức đo đạc giám sát, cảnh báo xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để hướng dẫn người dân thực hiện kế hoạch lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt;
f) Trên cơ sở cân đối nguồn nước cho cả năm 2016, cần xác định cụ thể vùng bảo đảm tưới, vùng nguy bị hạn hán, thiếu nước để bố trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý. Xem xét điều chỉnh theo hướng chuyển đổi vùng trồng lúa thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước sang cây trồng cạn hoặc dừng canh tác;
g) Thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến cho lúa và cây trồng cạn (SRI, nông-lộ-phơi, nhỏ giọt, phun mưa,...); điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất;
h) Sử dụng các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; đối với khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, cần tập trung gieo cấy lúa trà Xuân muộn trong vụ Đông Xuân 2015-2016 để giảm thời gian cấp nước, tiết kiệm nguồn nước điều tiết từ các hồ thủy điện, đồng thời tránh hiện tượng lúa trỗ sớm, gặp rét làm giảm năng suất trong điều kiện dự báo thời tiết sẽ ấm hơn trung bình;
i) Đối với cây ăn quả ở khu vực bị nhiễm mặn, không tiến hành rải vụ, kéo dài thời gian giữa hai lần tưới, không tưới nước có nồng độ >2‰; tạo lớp màng phủ (rơm, rạ, cỏ, lục bình,...) để giữ ẩm cho cây trồng; các diện tích trồng mới cần thực hiện trong mùa mưa, tránh thời kỳ mặn xâm nhập; tăng cường bón phân hữu cơ và lân, kali, hạn chế bón phân hóa học khác;
j) Rà soát ngay các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, có phương án phòng, chữa cháy rừng cụ thể cho từng địa phương (tỉnh, huyện, xã và chủ rừng). Tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát và đôn đốc công tác chuẩn bị tại cơ sở; |
k) Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các điểm cháy rừng và triển khai các biện pháp chữa cháy rừng quyết liệt, có hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”, kiên quyết không để xẩy ra cháy lớn; trường hợp cháy lớn vượt quá tầm kiểm soát và khả năng giải quyết của địa phương, thực hiện đúng theo phương án chữa cháy rừng khi xảy ra cháy lớn năm 2015-2016 của Ban chỉ đạo nhà nước về Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; |
l) Rà soát kế hoạch chuẩn bị cây giống, xử lý thực bì và trồng rừng kịp thời vụ, phù hợp với diễn biến hạn hán, đảm bảo hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2016, đồng thời không để cháy rừng do xử lý thực bì; |
m) Đối với các vùng nuôi trồng thủy, hải sản, cần căn cứ vào dự báo thời tiết và tình trạng xâm nhập mặn để điều chỉnh lịch mùa vụ, thả nuôi trong điều kiện nhiệt độ và độ mặn cho phép;
n) Trồng bổ sung cây thức ăn xanh, dự trữ nguồn thức ăn thô, nước uống, bảo đảm cung cấp cho các đàn gia súc, gia cầm trong trường hợp xảy ra hạn hán dài ngày;
o) Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí nếu vượt quá khả năng của địa phương;
p) Báo cáo đề án/kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino trước ngày 30/10/2015; thường xuyên báo cáo tình hình, ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Tổng cục Thủy lợi:
- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, kịp thời cảnh báo cho các địa phương và cơ quan liên quan; hướng dẫn thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh;
- Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất kế hoạch điều tiết các hồ chứa thủy điện bổ sung nước cho hạ du, bảo đảm cung cấp cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh;
- Tổ chức dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước, ô nhiễm môi trường nước, xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý cho một số lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi, khu vực có nguồn nước liên tỉnh hoặc khan hiếm nguồn nước, có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cao; thường xuyên cung cấp thông tin cho các địa phương tham khảo để bố trí, điều chỉnh kế hoạch gieo trồng;
- Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước sạch, công trình thủy lợi, kịp thời phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp cấp nước hộ gia đình;
- Phối hợp với các cơ quan truyền thông định kỳ phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng các thông tin liên quan đến hạn hán, xâm nhập mặn và các chương trình chuyên đề hướng dẫn phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
b) Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản: Tổ chức dự báo chuyên ngành, tăng cường phổ biến thông tin, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, thường xuyên tổng hợp tình hình báo cáo Lãnh đạo Bộ.
c) Cục Quản lý xây dựng công trình: Chỉ đạo đẩy nhanh hoặc giãn phù hợp tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống kênh mương ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, tăng cường khả năng cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
d) Các Viện, Trường, Trung tâm: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án điều tra cơ bản, nhiệm vụ thường xuyên liên quan đến hạn hán, xâm nhập mặn, tham mưu cho Bộ chỉ đạo các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
đ) Các Cục, Vụ và các cơ quan liên quan trực thuộc Bộ: phối hợp với Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt tham mưu cho Bộ chỉ đạo giải quyết các khó khăn, giúp các địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và phục vụ dân sinh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |