Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2014 xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2010-2015
Số hiệu: 15/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Thế Thảo
Ngày ban hành: 29/08/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/CT-UBND

Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI 5 NĂM 2016-2020

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ Thành phố và Nghị quyết HĐND Thành phố Hà Nội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2010-2015, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, vượt qua các khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi “Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và từng bước thực hiện “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 05/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, các tổng công ty, công ty nhà nước trực thuộc Thành phố triển Khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

I. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đúng tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2011-2015, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ Thành ủy HĐND Thành phố và dự báo tình hình thế giới, trong nước và Thủ đô Hà Nội trong các năm tới; từ đó xác định mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển của kế hoạch 5 năm 2016-2020. Những nội dung chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 như sau:

1. Đánh giá tình tình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015

a) Tình hình triển khai và thực hiện Nghị quyết của HĐND các cấp về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, trong đó đánh giá khái quát tình hình, những thuận lợi, khó khăn trong 5 năm qua; trên cơ sở đánh giá ước thực hiện kế hoạch năm 2014 và dự kiến kế hoạch năm 2015 để đánh giá tình hình, kết quả đạt được trong mỗi ngành, lĩnh vực so với mục tiêu, chỉ tiêu và định hướng phát triển đã đề ra, các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Kế hoạch, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quản, những kinh nghiệm trong xây dựng và thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011 -2015.

b) Trong quá trình đánh giá Kế hoạch 5 năm, ngoài việc đánh giá toàn diện các nội dung theo Nghị quyết HĐND các cấp đã nêu tại điểm a nêu trên, cần tập trung đánh giá tình hình thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước, thành phố Hà Nội và các cân đối lớn về kinh tế, cụ thể:

- Kết quả thực hiện chủ trương, chính sách tái cơ cấu kinh tế: quá trình và kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế trên 3 lĩnh vực: tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu thị trường tài chính. Đồng thời phải đánh giá tái cơ cấu nội bộ ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xuất khẩu, dịch vụ chất lượng cao….

- Tình hình và kết quả thực hiện 3 đột phá lớn của Trung ương về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nguồn nhân lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.

- Tình hình và kết quả thực hiện 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá tại Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ Thành phố đã thông qua, 9 chương trình công tác của Thành ủy.

- Tình hình và kết quả thực hiện các cân đối về tài chính, thu chi ngân sách nhà nước, xuất nhập khẩu, nợ công và nợ xây dựng cơ bản. Tình hình huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển và cơ cấu các nguồn vốn đầu tư.

2. Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của Thành phố được xây dựng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực phục hồi đà tăng trưởng nhưng tốc độ còn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ở trong nước, kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp, các diễn biến ở biển Đông có thể ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của cả nước nói chung và Thành phố nói riêng. Nguồn lực của Nhà nước có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng lớn, thị trường bất động sản chậm hồi phục, ngành công nghiệp tăng trưởng chậm dần trong các năm qua... cũng là những khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Bên cạnh những khó khăn, thách thức giai đoạn 2016-2020, cả nước cũng có nhiều thuận lợi khi thế và lực của đất nước sau gần 30 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước được nâng cao hơn trước. Thành phố Hà Nội có nhiều thành tựu sau khi mở rộng địa giới hành chính; sự ổn định về chính trị-xã hội là nền tảng vững chắc cho sự phát triển.

a) Mục tiêu tổng quát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020

Giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm kinh tế phát triển bền vững. Phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, văn minh và hiện đại. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập, hợp tác và phát triển, nâng cao vị thế của Thủ đô.

b) Định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu:

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016-2020 tăng 7,0-7,5%/năm (theo tiêu chí mới). Tỷ lệ hộ nghèo cuối kỳ còn khoảng 1,5%/năm.

- Thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành lĩnh vực, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sắp xếp đổi mới, tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong phát triển: (i) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (ii) Phát triển nhanh nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; (iii) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

- Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm bình đẳng công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

- Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình về phát triển hệ thống hạ tầng, văn hóa-xã hội, khoa học-công nghệ... theo Luật Thủ đô.

- Phát triển đô thị theo quy hoạch, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung tăng cường quản lý trật tự xây dựng, quản lý đô thị theo hướng văn minh hiện đại.

- Đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu lao động nâng cao năng suất, thu nhập ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển mạnh các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ; văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, giảm nghèo bền vững. Thực hiện các chính sách lao động, việc làm gắn với phát triển thị trường lao động. Chủ động tích cực phòng chống dịch bệnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các công trình, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Thủ đô. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông phát triển mạnh phong trào thể dục, thể thao. Thực hiện tốt chính sách dân tộc và tôn giáo; bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ. Chú trọng công tác chăm sóc giáo dục và bảo vệ quyền lợi của trẻ em; phát triển thanh niên.

- Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, sử dụng hợp lý có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai.

- Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản nhà nước, Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Căn cứ mục tiêu tổng quát và định hướng phát triển và nhiệm vụ chủ yếu nêu trên, các ngành, các cấp căn cứ chức năng nhiệm vụ, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội và đặc điểm cụ thể của địa phương để xây dựng kế hoạch 5 năm 2016-2020 cho phù hợp đảm bảo tính khả thi, phát triển nhanh bền vững.

II. YÊU CẦU XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI 5 NĂM 2016-2020

1. Những yêu cầu trong tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015

a) Đánh giá thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011-2015 cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển đã được HĐND các cấp thông qua về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015; và các kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đã được UBND Thành phố ban hành.

b) Việc tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015 phải huy động, phát huy được sự phối hợp của cả bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể các cơ quan nghiên cứu khoa học, các hiệp hội và cộng đồng dân cư, bằng các hình thức phù hợp.

c) Việc đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011 -2015 phải bảo đảm khách quan, trung thực, sát thực tiễn.

2. Những yêu cầu trong xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020

a) Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của Thành phố phải bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực của thành phố Hà Nội đã được phê duyệt; phù hợp với định hướng phát triển chung của cả nước.

b) Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của các ngành, quận, huyện, thị xã phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đề án xây dựng nông thôn mới của địa phương; phù hợp với đặc điểm tình hình, trình độ phát triển của từng ngành, từng quận, huyện, thị xã.

c) Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 phải đảm bảo tính khả thi, gắn với khả năng cân đối nguồn lực, sắp xếp các thứ tự ưu tiên; chỉ tiêu Kế hoạch phải thiết thực, rõ cơ sở tính toán khi xây dựng kế hoạch cũng như đánh giá kết quả thực hiện hàng năm.

d) Trong quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, phải sự chỉ đạo sát sao của các cấp có thẩm quyền, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan nghiên cứu, đoàn thể, hiệp hội sản xuất, tiêu dùng cộng đồng dân cư, các nhà tài trợ (nếu có) và các chuyên gia với hình thức phù hợp

3. Kinh phí xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và huy động nguồn hợp pháp khác để đảm bảo việc xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020 có chất lượng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để tổ chức triển khai đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011-2015 và xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020 đảm bảo chất lượng, Chủ tịch UBND Thành phố giao nhiệm vụ:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Hướng dẫn các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 trước ngày 20/9/2014.

b) Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương tính toán, xây dựng các phương án tăng trưởng và cân đối lớn trong quý IV/2014. Tổng hợp và xây dựng báo cáo sơ bộ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của Thành phố, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/11/2014.

c) Đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của các sở, ban, ngành; Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành tổ chức làm việc với các quận, huyện, thị xã, các tổng công ty, công ty nhà nước của Thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

d) Tổng hợp dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của Thành phố trình UBND Thành phố, Thành ủy và báo cáo HĐND Thành phố theo tiến độ quy định.

đ) Chủ trì tổng hợp, hướng dẫn hoặc báo cáo UBND Thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn những khó khăn vướng mắc, những vấn đề cần làm rõ trong quá trình trình xây dựng Kế hoạch 5 năm của các ngành, các cấp.

2. Sở Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các cân đối lớn về tài chính, ngân sách địa phương, ưu tiên đảm bảo chế độ cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo lộ trình của Chính phủ; đảm bảo chi đầu tư phát triển trên tổng chi ngân sách địa phương ở mức hợp lý, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 31/10/2014.

b) Hướng dẫn và đảm bảo kinh phí xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020 cho các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã theo phân cấp ngân sách trước ngày 20/9/2014 để các đơn vị triển khai thực hiện.

3. Cục Thống kê Hà Nội

- Cung cấp kịp thời cho các đơn vị thuộc Thành phố các số liệu thống kê liên quan đến tăng trưởng kinh tế của Thành phố theo cách tính của Tổng cục Thống kê và phân bổ cho các địa phương; xin chỉ đạo, thống nhất với Tổng cục Thống kê, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, ước thực hiện năm 2014 và dự kiến năm 2015 và ước thực hiện cả giai-đoạn 2011-2015 trước ngày 31/10/2014, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp làm căn cứ xây dựng chỉ tiêu này cho Kế hoạch 5 năm 2016-2020.

- Cung cấp số liệu thống kê đánh giá các chỉ tiêu kế hoạch gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành liên quan để đánh giá Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2011 -2015 và phục vụ xây dựng Kế hoạch 2016-2020 theo tiến độ.

- Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tính các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho phù hợp và đúng quy định.

4. Các sở, ban, ngành

a) Hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc, những nội dung cần làm rõ khi có báo cáo hoặc đề xuất của các quận, huyện, thị xã trong quá trình xây dựng, tổng hợp chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 trong lĩnh vực phụ trách.

b) Việc đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu Kế hoạch 2011-2015 của các sở, ban, ngành phải căn cứ vào số liệu thống kê chính thức do Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê Hà Nội cung cấp. Kế hoạch phát triển 5 năm 2016-2020 thuộc ngành, lĩnh vực phải phù hợp với định hướng phát triển của Thành phố và quy hoạch ngành, lĩnh vực. Thời hạn gửi báo cáo Kế hoạch 5 năm về Sở kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31/10/2014.

c) Xây dựng dự toán và bố trí đủ kinh phí trong dự toán chi ngân sách nhà nước của sở, ban, ngành để xây dựng Kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực 5 năm 2016-2020, bảo đảm chất lượng Kế hoạch.

5. UBND các quận, huyện, thị xã.

a) Căn cứ Chỉ thị của UBND Thành phố, hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư để hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 cho các phòng, ban, phường, xã, thị trấn trong tháng 9/2014.

b) Đánh giá kết quả thực hiện và xây dựng chỉ tiêu Kế hoạch phải căn cứ vào số liệu thống kê chính thức do Cục Thống kê Hà Nội, Chi cục Thống kê các quận, huyện, thị xã cung cấp, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của địa phương phải phù hợp với định hướng phát triển của Thành phố, các quy hoạch được duyệt và tình hình thực tế tại địa phương. Thời hạn gửi báo cáo tổng hợp Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31/10/2014.

c) Bố trí đủ kinh phí trong dự toán chi ngân sách nhà nước của địa phương để xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, bảo đảm chất lượng Kế hoạch.

6. Các tổng công ty, công ty nhà nước thuộc Thành phố

Đánh giá khách quan, trung thực về tình hình, kết quả sản xuất kinh doanh 5 năm 2011 - 2015 và tiến độ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp. Kế hoạch 5 năm 2016-2020 cần tập trung vào: mục tiêu, chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh; nghĩa vụ đóng góp đối với nhà nước và sắp xếp đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp, trong đó, nêu rõ các mốc thời gian và kết quả đạt được, các giải pháp và phân công thực hiện hoàn thành kế hoạch.

Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, các tổng công ty, công ty nhà nước trực thuộc Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- TT TU, TT HĐND TP;
- UB MTTQVN TP;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP;
- VP TU, các Ban Đảng thuộc TƯ;
- VP ĐĐBQH&HĐND TP, các Ban HĐND TP;
- Các sở, ban, ngành TP;
- Các cơ quan đoàn thể TP;
- HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã;
- Các tổng công ty, công ty nhà nước thuộc TP;
- VPUB: CVP, các PCVP, các PCV, TH;
- Lưu: VT, KTM

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Thảo