Chỉ thị 15/2009/CT-UBND về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố 5 năm 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 15/2009/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh | Người ký: | Lê Hoàng Quân |
Ngày ban hành: | 10/08/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 15/09/2009 | Số công báo: | Số 142 |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2009/CT-UBND |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 8 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ 5 NĂM 2011 - 2015
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010; các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân thành phố đã nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 đến nay tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp và khó lường. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế nước ta nói chung và thành phố nói riêng trong các năm 2009, 2010. Do đó, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2011 - 2015 là rất nặng nề. Để khắc phục và giảm thiểu các tác động của cuộc khủng hoảng, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các Sở - ban - ngành, quận - huyện, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc thành phố quản lý triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 với những nội dung sau đây:
A. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 được xây dựng trên cơ sở tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Nghị quyết, Chương trình của Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố và trên cơ sở dự báo tình hình thế giới, tình hình trong nước giai đoạn 2011 - 2015; từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch 5 năm phù hợp với Định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Những nội dung chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 gồm:
I. VỀ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2006 - 2010
Trên cơ sở báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng bộ thành phố về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng của các ngành, các cấp về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 (trước mắt đánh giá từ năm 2006 đến 6 tháng đầu năm 2009 và dự ước 6 tháng cuối năm 2009 đến năm 2010) theo ngành, lĩnh vực, các Sở - ban - ngành, quận - huyện, Tổng công ty nhà nước; phân tích toàn diện việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các mặt; trong đó đặc biệt chú trọng các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng bộ thành phố, các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010. Các nội dung cần tập trung đánh giá bao gồm:
1. Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, trong đó đặc biệt chú trọng đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, chủ động phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững đi đôi với việc thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
2. Các vấn đề đặt ra trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách lớn; những kết quả thành tựu về tăng trưởng đi đôi với phát triển bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế (cơ cấu các ngành và lĩnh vực; cơ cấu nội bộ từng ngành, cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu vùng kinh tế). Cần có các đánh giá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đầu tư phát triển do tác động trực tiếp từ việc hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó đánh giá tác động từ việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương khác.
3. Phân tích sâu về chất lượng tăng trưởng của từng ngành, khả năng cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và các sản phẩm chủ yếu; việc khai thác và sử dụng các nguồn lực, nhất là đất đai, tài nguyên khoáng sản; chất lượng nguồn nhân lực; khai thác và sử dụng các cơ sở vật chất - kỹ thuật, ứng dụng thành tựu khoa học và đổi mới công nghệ.
4. Việc huy động và sử dụng các nguồn vốn, bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước và tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, nguồn vốn từ khu vực tư nhân, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các khoản viện trợ phi Chính phủ, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn tài chính doanh nghiệp. Tình hình, tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình, dự án lớn khác.
5. Lĩnh vực văn hóa - xã hội, trong đó chú trọng tới việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, lĩnh vực khoa học, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, khám chữa bệnh và phòng ngừa dịch bệnh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo; văn hóa - nghệ thuật và thể dục thể thao.
6. Bảo vệ môi trường sinh thái, xử lý chất thải, khí thải; bảo vệ và khai thác tài nguyên (trong đó tập trung tài nguyên đất và nước ngọt), bảo vệ rừng dự trữ sinh quyển; về phòng chống biến đổi khí hậu trái đất, hiệu ứng nhà kính, thủy triều dâng cao; quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn thành phố.
7. Trình độ công nghệ, năng lực sản xuất mới tăng thêm trong giai đoạn 2006 - 2010.
8. Cơ chế quản lý và công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch; công tác cải cách hành chính, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, chất lượng đội ngũ cán bộ; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,…
Khi đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, phải làm rõ được kết quả thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kết quả thực hiện các Nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố, quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố về kế hoạch kinh tế - xã hội để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.
II. VỀ NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015
Nền kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới. Những biến động của kinh tế thế giới sẽ tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và thành phố nói riêng. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 của thành phố được xây dựng trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh những yếu tố không thuận, trong giai đoạn 2011 - 2015 thành phố cũng có nhiều thuận lợi từ việc phục hồi và phát triển kinh tế cả nước và thế giới sau cuộc khủng hoảng sẽ tạo cơ hội cho thành phố thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Quy mô và tiềm lực kinh tế của cả nước và thành phố được nâng cao hơn trước và sự ổn định về chính trị - xã hội của cả nước là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thành phố.
1. Mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 là phát triển nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; tăng cường tiềm lực phát triển của thành phố vì sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ; nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.
2. Định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu
a) Về tăng trưởng kinh tế:
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân 5 năm 2011-2015 tăng ít nhất 10%/năm (từ 1,4 lần trở lên so với cả nước).
Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng…, tháo gỡ các khó khăn thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh phát triển.
Khai thác và phát huy lợi thế, thế mạnh của các ngành, lĩnh vực, các vùng, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Phát triển công nghiệp trên cơ sở đổi mới công nghệ; tạo bước tiến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của một số ngành và sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố đã được duyệt. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ giá trị cao, các ngành vận tải, thương mại, du lịch; mở rộng và nâng cao sức mua của thị trường nội địa.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh hàm lượng công nghệ nhất là công nghệ cao, giảm sức tiêu hao năng lượng và vật tư nguyên liệu trong sản phẩm.
Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế đi đôi với tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước để làm tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người lao động.
Tăng nhanh tiềm lực và khả năng tài chính thành phố; dự toán thu chi ngân sách 5 năm và hàng năm trên cơ sở kiến nghị Trung ương ổn định tỷ lệ điều tiết 2 - 3 thời kỳ; duy trì khả năng cân đối thu chi ngân sách, bố trí vốn chi cho đầu tư tăng dần hàng năm; phát triển bền vững thị trường tài chính và thị trường bất động sản.
b) Khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước (vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý) để xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn thành phố; tập trung các công trình giao thông trọng điểm, công trình phòng chống ngập nước, phòng chống lụt bão, cấp nước sạch, trường học, cơ sở y tế và các phường - xã nghèo, xã nông thôn các huyện ngoại thành.
c) Bảo vệ môi trường sinh thái, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, khắc phục ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiệu ứng nhà kính, thủy triều dâng; gắn liền với trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường. Sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Khắc phục và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường. Xử lý tốt chất thải rắn, nước thải và khí thải.
d) Phát triển khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội, lao động - việc làm:
Phát triển mạnh khoa học và công nghệ. Tăng cường nghiên cứu, phổ biến và ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ để phục vụ trực tiếp cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chú trọng phát triển các ngành sử dụng công nghệ cao.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và thể dục thể thao. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động sự nghiệp và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công.
Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển kinh tế tri thức. Đặc biệt, chú trọng đào tạo nhân lực có trình độ cao, cán bộ quản lý giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề; đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn để thực hiện việc phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng ngừa dịch bệnh, khám chữa bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, dược phẩm để bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Đẩy mạnh giải quyết việc làm, khuyến khích tạo động lực vươn lên làm giàu, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển hệ thống an sinh xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội; ưu tiên hỗ trợ phát triển các vùng khó khăn; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Cân đối dung hòa giữa phát triển dân số và nguồn lực phát triển kinh tế đảm bảo dân sinh.
Xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, chú trọng xây dựng con người mới, nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa. Bảo tồn và phát huy mọi sắc thái và giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc, giữ gìn sự thống nhất trong đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam, đi đôi với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc và sáng tạo nên những giá trị mới.
Phát triển thể dục thể thao, thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân để tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần. Phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp nhằm góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên đấu trường thể thao quốc tế và khu vực.
Thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng; chính sách phát triển thanh niên Việt Nam.
đ) Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn và đầy đủ hơn với khu vực và thế giới để tận dụng tối đa các cơ hội để phát triển đất nước. Đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương với các nước và các tổ chức quốc tế và khu vực. Mở rộng và nâng cao rõ rệt hiệu quả kinh tế đối ngoại; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư để phát triển kinh tế. Phát huy nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào xây dựng đất nước.
e) Tăng cường an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững hòa bình, ổn định và trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác 3 giảm, trong đó chú trọng công tác phòng chống nạn sử dụng và buôn bán ma túy. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo bước chuyển mới về cải cách hành chính, trong đó tăng cường chất lượng và hoạt động của các cơ quan tư pháp; đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
g) Tổng kết, đánh giá, nhận xét và giải pháp tiếp tục thực hiện 12 chương trình, công trình trọng điểm mà Đại hội Đảng bộ thành phố khóa VII xác định; 5 chương trình, công trình đòn bẩy mà Đại hội Đảng bộ thành phố khóa VIII xác định và dự kiến các chương trình, công trình trọng điểm, đòn bẩy giai đoạn 2001 - 2015.
B. YÊU CẦU TRONG XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015
I. VỀ TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2006 - 2010
Việc tổ chức đánh giá Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 phải huy động, phát huy được sự phối hợp của cả bộ máy tổ chức của các Sở - ban - ngành để bảo đảm nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá tổng kết. tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần VIII và Nghị quyết Hội đồng nhân dân về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.
Về phương pháp đánh giá thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010: để bảo đảm chất lượng công tác tổng kết đánh giá, cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu định hướng phát triển và các quy định về nội dung, phương pháp đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ban hành tại văn bản số 8026/UBND-THKH ngày 20 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố để triển khai Quyết định số 555/2007/QĐ-BKH ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành khung theo dõi và đánh giá dựa trên kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.
II. VỀ XÂY DỰNG MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011-2015
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 phải xây dựng bám sát các nghị quyết của Đảng bộ thành phố, Hội đồng nhân dân thành phố về phát triển kinh tế - xã hội. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 của các ngành, lĩnh vực và các cấp địa phương phải phù hợp với quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Kế hoạch xây dựng phải gắn kết với khả năng cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Đồng thời, kế hoạch được xây dựng phải phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp và sự phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
C. PHÂN CÔNG VÀ TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015
I. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
Căn cứ Chỉ thị số 751/CT-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị này, căn cứ hướng dẫn của các Bộ - ngành Trung ương, các Sở - ban - ngành và quận - huyện có trách nhiệm:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thống kê, Viện Nghiên cứu phát triển
a) Xây dựng tính toán, xác định các phương án, các cân đối lớn là khung hướng dẫn cho các Sở - ban - ngành và quận - huyện xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.
b) Đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 của các Sở - ban - ngành và quận - huyện.
c) Tổ chức làm việc với các Sở - ban - ngành và quận - huyện về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo đúng quy định.
d) Tổng hợp và xây dựng báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 trình Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố theo đúng tiến độ.
đ) Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các dự án lớn thực hiện trong giai đoạn 2006 - 2010. Dự kiến các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án lớn thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015 trình Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Sở Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Sở - ban - ngành và quận - huyện xây dựng dự toán ngân sách thành phố giai đoạn 2011 - 2015, bao gồm đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách thành phố giai đoạn 2006 - 2010; dự báo khả năng cân đối tài chính thành phố và ngân sách thành phố, xây dựng kế hoạch động viên nguồn lực vào ngân sách thành phố.
b) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các cân đối lớn về tài chính, ngân sách thành phố.
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí dự toán ngân sách hàng năm cho các Sở - ban - ngành và quận - huyện trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể cho các Sở - ban - ngành và quận - huyện bố trí dự toán ngân sách hàng năm để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 có chất lượng, trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác đánh giá kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 và xây dựng các mục tiêu phù hợp trong giai đoạn 2011- 2015.
3. Các Sở - ban - ngành và quận - huyện và các Tổng công ty, Doanh nghiệp nhà nước thành phố
a) Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 thuộc ngành, lĩnh vực và địa phương phù hợp với định hướng phát triển của thành phố và của ngành mình, cấp mình báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, đồng thời gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư.
b) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở - ngành liên quan xây dựng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực phụ trách và của cơ quan, đơn vị mình.
c) Xây dựng danh mục các công trình, dự án lớn triển khai trong giai đoạn 2011 - 2015, phân chia cụ thể theo nguồn vốn: ngân sách nhà nước, vốn dân cư, ODA, FDI,…
d) Đồng thời với quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, nghiên cứu xây dựng khung theo dõi và đánh giá dựa trên kết quả tình hình thực hiện kế hoạch này.
4. Cục Thống kê
a) Xây dựng hệ thống chỉ tiêu và hướng dẫn cách thu thập các chỉ tiêu bảo đảm tính đồng bộ, phục vụ tốt công tác theo dõi và đánh giá kế hoạch.
b) Chủ trì phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch và tiến hành khảo sát toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội để đánh giá: quy mô, thực lực kinh tế - xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh; trình độ đổi mới công nghệ thiết bị, tốc độ đổi mới công nghệ bình quân hàng năm; đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của mọi thành phần kinh tế; đánh giá năng lực của các trường học, bệnh viện trên địa bàn.
5. Viện Nghiên cứu phát triển
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê xây dựng các phương án tăng trưởng kinh tế của Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.
b) Hướng dẫn các Sở - ban - ngành và quận - huyện xây dựng kế hoạch trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của các Sở - ban - ngành và quận - huyện.
II. TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015
1. Sau 5 (năm) ngày làm việc kể từ khi nhận được Đề cương Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của cả nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng “Đề cương Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố 5 năm 2011 - 2015”, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét thông qua.
2. Căn cứ Đề cương Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố 5 năm 2011 - 2015 được Ủy ban nhân dân thành phố thông qua, sau 7 ngày làm việc kể từ khi Thành phố ban hành Đề cương, các Sở - ban - ngành, quận - huyện tổ chức nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của ngành, địa phương mình; gửi dự thảo báo cáo sơ bộ Kế hoạch 5 năm đến Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sau 14 ngày làm việc, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, dự thảo báo cáo sơ bộ trình Ủy ban nhân dân thành phố, gửi dự thảo báo cáo Kế hoạch 5 năm đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong năm 2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để thông qua Thường trực Thành ủy và trình Hội đồng nhân dân thành phố.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Thủ trưởng Sở - ban - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Tổng Giám đốc các Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Chỉ thị 751/CT-TTg năm 2009 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 Ban hành: 03/06/2009 | Cập nhật: 06/06/2009
Chỉ thị 751/CT-TTg năm 2008 về sơ kết công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, chức việc các tôn giáo Ban hành: 16/06/2008 | Cập nhật: 19/06/2008
Quyết định 555/2007/QĐ-BKH ban hành khung theo dõi và đánh giá dựa trên kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010 do Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư ban hành Ban hành: 30/05/2007 | Cập nhật: 18/06/2007