Chỉ thị 15/2006/CT-UBND tăng cường công tác quản lý tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện
Số hiệu: 15/2006/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk Người ký: Lữ Ngọc Cư
Ngày ban hành: 01/08/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 15/2006/CT-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 01 tháng 08 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TẦN SỐ VÀ THIẾT BỊ PHÁT SÓNG VÔ TUYẾN ĐIỆN

Thực hiện Nghị định số 24/2004/NĐ-CP ngày 14/01/2004 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về tần số vô tuyến điện, Nghị định số 142/2004/NĐ-CP ngày 08/7/2004 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện. Thời gian qua, các ngành chức năng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm đưa công tác quản lý tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện vào nề nếp, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh, đảm bảo an toàn thông tin và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên đến nay, việc kinh doanh, sử dụng các thiết bị phát sóng vô tuyến điện, đặc biệt là chủng loại điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao) nhập lậu tùy tiện, không chấp hành đúng quy định của nhà nước về sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện; việc phối hợp của các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người sử dụng chấp hành đúng quy định, cũng như việc kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý vi phạm trong lĩnh vực sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện còn thiếu đồng bộ, dẫn đến sử dụng kém hiệu quả, lãng phí phổ tần số và chi phí đầu tư mua sắm thiết bị. Nguy cơ can nhiễu gây thiệt hại về kinh tế, dân sinh, ảnh hưởng tới an toàn thông tin, an ninh quốc phòng là không lường trước được.

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về thiết bị phát sóng và tần số vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh chỉ thị:

1. Mọi tổ chức, cá nhân khi sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện, kể cả điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao) không thuộc thiết bị vô tuyến điện sử dụng có điều kiện đều phải đăng ký cấp phép sử dụng theo quy định tại Nghị định số 24/2004/NĐ-CP ngày 14/01/2004 của Chính phủ. Khi được cấp phép sử dụng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định ghi trong giấy phép để tránh gây can nhiễu có hại.

Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh mua bán, sản xuất thiết bị, thử nghiệm hoặc sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông. Mọi trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo quy định hiện hành.

Trường hợp khẩn cấp gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng con người thì tổ chức, cá nhân có thể sử dụng tạm thời tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện chưa được cấp phép và phải thông báo với cơ quan chức năng khi điều kiện cho phép.

2. Nghiêm cấm dự trữ, kinh doanh và sử dụng các thiết bị điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao) không thuộc danh mục thiết bị đã được chứng nhận hợp chuẩn của ngành Bưu điện hoặc không áp dụng đầy đủ các quy định về ghi nhãn hàng hóa.

Chỉ được sử dụng và phải đăng ký cấp phép các thiết bị điện thoại kéo dài có tần số hoạt động thuộc các băng tần: (43 - 44) MHz, (46 - 50) MHz, (72 - 73,5) MHz, (261,5 - 262,5) MHz, (263,5 - 264,5) MHz, (387,5 - 388,5) MHz, (389,5 - 390,5) MHz.

3. Đối với việc quản lý, sử dụng thiết bị phát sóng phát thanh, truyền hình:

- Khi trang bị sử dụng phải tuân thủ Quy hoạch phân bổ kênh tần số cho truyền hình tương tự mặt đất băng tần VHF/UHF đến 2010 theo Quyết định số 192/2003/QĐ-BBCVT ngày 22/12/2003 và Phát thanh FM băng tần (87 - 108) MHz đến năm 2010 theo Quyết định số 35/2005/QĐ-BBCVT ngày 21/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông.

- Chỉ được sử dụng thiết bị phát sóng phát thanh, truyền hình khi đã được cấp giấy phép và các thiết bị phải đảm bảo chỉ tiêu chất lượng.

4. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh tổ chức quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các băng tần số được phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; phối hợp với Trung tâm Kiểm soát tần số vô tuyến điện khu vực VII kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến an ninh thông tin.

5. Sở Bưu chính, Viễn thông phối hợp với các cơ quan liên quan và Trung tâm Kiểm soát tần số vô tuyến điện khu vực VII tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo quy định.

6. Sở Thương mại và Du lịch chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông, Trung tâm Kiểm soát tần số vô tuyến điện khu vực VII và Công an tỉnh kiểm tra các vi phạm trong việc dự trữ, kinh doanh các thiết bị điện thoại không dây nhập lậu. Kiên quyết tịch thu các thiết bị điện thoại không dây vi phạm về băng tần sử dụng.

7. Báo Đắk Lắk, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với địa phương và cơ quan chức năng, tổ chức tuyên truyền phổ biến Chỉ thị này để nhân dân biết, thực hiện.

8. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể có trách nhiệm thực hiện nghiêm Chỉ thị này và phổ biến đến cán bộ, công chức, nhân dân thuộc đơn vị, địa phương mình quản lý.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Bưu chính Viễn thông;
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Cục Tần số VTĐ;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ TP;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- HĐND, UBND các huyện, TP;
- Trung tâm KSTS-VTĐ khu vực VII;
- Báo Đắk Lắk, Đài PTTH;
- Công báo tỉnh, Trung tâm Tin học;
- Lưu VT-CN, TN, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư