Chỉ thị 15/2006/CT-UBND thực hiện biện pháp phòng chống dịch lở mồm long móng gia súc trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Số hiệu: 15/2006/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre Người ký: Cao Tấn Khổng
Ngày ban hành: 18/07/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2006/CT-UBND

Bến Tre, ngày 18 tháng 7 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH LỞ MỒM LONG MÓNG GIA SÚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Hiện nay, dịch bệnh lở mồm long móng gia súc đã xảy ra và đang lây lan nhanh trên các đàn gia súc ở nhiều địa phương trong cả nước. Nguyên nhân của tình trạng này là do các ổ dịch cũ chưa được dập tắt và xử lý triệt để, công tác tiêm phòng cho đàn gia súc không được tổ chức thực hiện đúng theo quy định, việc giám sát, phát hiện bệnh không chặt chẽ, kịp thời.

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre từ đầu năm 2006 đến nay, bệnh lở mồm long móng đã xảy ra ở 14 xã thuộc các huyện Mỏ Cày, Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm. Bệnh có diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan nhanh trên diện rộng do đặc tính lây lan rất mạnh của mầm bệnh. Dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến năng suất của đàn gia súc, gây thiệt hại không ít cho người chăn nuôi và sự phát triển chung của nền kinh tế tỉnh nhà.

Nhằm thực hiện tốt theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/5/2006 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc; thực hiện Quyết định 738/QĐ-TTg ngày 18/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch lở mồm long móng ở gia súc; Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN- PTNT ngày 16/5/2006 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc ban hành Quy định về phòng chống dịch lở mồm long móng ở gia súc; Thông tư 44/2006/TT-BTC ngày 24/5/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính để phòng chống dịch lở mồm long móng ở gia súc, đồng thời để nhanh chóng dập tắt các ổ dịch, đẩy lùi tình trạng lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng chương trình khống chế và thanh toán bệnh lở mồm long móng của tỉnh và kế hoạch hàng năm trên cơ sở Chương trình quốc gia.

- Tổ chức thực hiện và chủ trì kiểm tra công tác tổ chức phòng, chống dịch bệnh, tiêu hủy gia súc bị mắc bệnh ở các địa phương trong tỉnh.

- Hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về thú y triển khai cụ thể các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, có hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan xác định nhu cầu cụ thể về lượng vắc xin cần thiết cho công việc tiêm phòng trên địa bàn toàn tỉnh, báo cáo đầy đủ và kịp thời về Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính để làm căn cứ cung cấp vắc xin.

- Rà soát lại kinh phí phòng chống dịch, ưu tiên giải quyết kinh phí phòng chống dịch lở mồm long móng tập trung: vắc xin tiêm phòng, chi phí tiêu hủy, hỗ trợ gia súc tiêu hủy, chi phí tổ chức giám sát, kiểm tra, kiểm dịch vận chuyển.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh, Báo Đồng Khởi, đài truyền thanh trong việc phổ biến, tuyên truyền nhanh chóng và liên tục những nội dung, kiến thức cơ bản về phòng chống dịch bệnh, nhằm nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi, người tiêu dùng, chấn chỉnh tình trạng hoang mang trong dân chúng do thiếu thông tin và kiến thức.

- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm để tập trung chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng và các bệnh nguy hiểm khác.

- Đề xuất hướng giải quyết chế độ phụ cấp cho Trưởng ban thú y xã, phường, thị trấn để ổn định nhân sự tham gia công tác quản lý phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm tại địa phương trước mắt và lâu dài.

- Triển khai, hướng dẫn thực hiện Quyết định 38/2006/QĐ-BNN-PTNT ngày 16/5/2006 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc ban hành Quy định về phòng chống dịch lở mồm long móng gia súc cho các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động chăn nuôi trong tỉnh.

2. Chi cục Thú y:

- Tập huấn, huấn luyện trong ngành từ tỉnh đến xã về công tác theo dõi, giám sát dịch bệnh gia súc; phát hiện xử lý ổ dịch nhất là các ổ dịch cũ; tổ chức tiêm phòng vắc xin bắt buộc cho đàn gia súc xung quanh vùng dịch và những vùng có nguy cơ cao; giám sát chặt chẽ tình hình vệ sinh tiêu độc chuồng trại và môi trường.

- Thiết lập các chốt kiểm dịch ở các đầu mối giao thông, khu vực giáp ranh ổ dịch, khu vực có dịch lở mồm long móng; kiên quyết thu giữ, xử lý tiêu hủy đối với gia súc và sản phẩm gia súc có biểu hiện của bệnh lở mồm long móng.

- Xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí phòng chống dịch lở mồm long móng trong toàn tỉnh năm 2006 và giai đoạn 2006-2010 theo các hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Sở Tài chính :

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan xác định nhu cầu kinh phí đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh và có phương án tài chính để thực hiện. Đồng thời có kế hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để đáp ứng kịp thời kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

- Cân đối, bổ sung kinh phí dự toán phòng chống dịch lở mồm long móng 2006, thẩm định kế hoạch kinh phí chương trình khống chế bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2006-2010 trong tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

- Hướng dẫn các định mức chi phí phòng chống dịch lở mồm long móng và thủ tục thanh, quyết toán áp dụng thực hiện trong tỉnh.

4. Trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành:

- Sở Y tế, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Thương mại - du lịch, Chi cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh: theo chức năng của từng đơn vị có trách nhiệm phối hợp với ngành Nông nghiệp, Chi cục Thú y trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác phòng chống dịch lở mồm long móng (kiểm tra liên ngành, kiểm tra vận chuyển, vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn xử lý môi trường ...)

- Đề nghị các đoàn thể Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên tổ chức tuyên truyền phát động nâng cao nhận thức phòng dịch lở mồm long móng trong mọi người, mọi ngành.

5. Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã:

- Sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

- Khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm trên cơ sở nhân sự của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm; phân công cụ thể từng thành viên, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, đảm bảo thật tốt các điều kiện chống dịch tại từng địa phương.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương mình thực hiện công khai chính sách hỗ trợ của Nhà nước, công khai số lượng vắc xin đã sử dụng trên địa bàn mình, công khai các mức hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi có gia súc phải tiêu hủy trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã nhanh chóng huy động mọi lực lượng của địa phương mình để phục vụ công tác phòng, chống bệnh; tiêu hủy gia súc mắc bệnh; kiểm soát việc vận chuyển gia súc ra, vào địa bàn.

- Kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các chương trình giống vật nuôi ở từng địa phương, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các cá nhân, tổ chức đưa gia súc nhập vào tỉnh không qua kiểm dịch thú y làm lây lan bệnh lở mồm long móng.

- Tổ chức tuyên truyền bệnh lở mồm long móng bằng nhiều hình thức đến tận cộng đồng dân cư và hộ chăn nuôi.

- Để quản lý công tác phòng chống dịch lâu dài tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị cần có kế hoạch khẩn trương củng cố, xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo Chỉ thị 30/2005/CT-TTg ngày 26/9/2005 của Chính phủ; chấm dứt tình trạng giết mổ bừa bãi, lưu thông sản phẩm động vật trên thị trường không qua kiểm dịch thú y.

6. Tổ chức thực hiện:

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài chính, các Sở, Ban ngành đoàn thể, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này. Kiên quyết không để dịch lở mồm long móng gia súc bùng phát trên toàn địa bàn tỉnh Bến Tre, nhằm đảm bảo an toàn cho đàn gia súc trong tỉnh. Đảm bảo chế độ trực 24/24 tại Chi cục Thú y, việc thông tin báo cáo kịp thời của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Cao Tấn Khổng