Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Số hiệu: 10/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh Người ký: Nguyễn Đức Long
Ngày ban hành: 22/06/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Đất đai, Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Quảng Ninh, ngày 22 tháng 6 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIAO, CHO THUÊ RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Thực hiện Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong những năm qua UBND tỉnh đã triển khai phê duyệt Kết quả rà soát điều chỉnh cục bộ 3 loại rừng tỉnh Quảng Ninh, Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và chỉ đạo các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc trong tỉnh quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất lâm nghiệp theo quy hoạch để phát triển rừng và kinh tế lâm nghiệp bước đầu đạt kết quả tốt. Giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Đây là bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý bảo vệ rừng, làm cho rừng có chủ quản lý thực sự, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và người dân bảo vệ được rừng, yên tâm quản lý, đầu tư phát triển rừng trên diện tích được giao, được thuê.

Tính đến hết năm 2015 trên địa bàn tỉnh đã giao và cho thuê được 326.774,7 ha đất lâm nghiệp (Vườn Quốc gia, Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH 1TV) Lâm nghiệp, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cộng đồng và tổ chức khác) bằng 75% tổng diện tích đất lâm nghiệp của toàn tỉnh; diện tích chưa giao hoặc cho thuê hiện do UBND cấp xã đang quản lý là 109.154,8 ha. (Nguồn số liệu theo Quyết định số 680/QĐ-UBND ngày 14/3/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả kiểm kê rừng tỉnh Quảng Ninh năm 2015).

Theo đánh giá chung, diện tích đất rừng có chủ quản lý cụ thể đã được quản lý bảo vệ tốt hơn diện tích chưa có chủ. Tuy nhiên công tác giao đất, giao rừng còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: Diện tích được giao chưa được bảo vệ và đầu tư phát triển có hiệu quả; sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích còn xảy ra ở nhiều nơi, chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời; nhiều diện tích đã được giao nhưng vẫn bị chặt phá, lấn chiếm, khai thác gỗ trái phép; việc xử lý các vụ vi phạm về đất lâm nghiệp chưa nghiêm.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên đó là: Công tác lập Quy hoạch, Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng Phương án giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp của cấp huyện, xã chưa được thực hiện triệt để; trình tự, việc giao rừng, cho thuê rừng đối với các tổ chức mới chỉ thực hiện ở bước giao đất lâm nghiệp, còn việc giao rừng, cho thuê rừng chưa được thực hiện; việc theo dõi, đánh giá sau khi giao đất, giao rừng chưa được chú trọng; thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan trong việc tham mưu cho UBND các cấp thực hiện công tác quản lý Nhà nước về giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp.

Để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp nhằm sớm đưa toàn bộ diện tích rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vào quản lý bảo vệ và sử dụng có hiệu quả, có chủ quản lý cụ thể, phát huy thế mạnh của rừng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, nhằm mục đích sử dụng có hiệu quả đất đai theo đúng quy định của pháp luật và đúng quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường,

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. UBND cấp huyện, xã đánh giá việc triển khai thực hiện và hiệu quả của công tác giao đất lâm nghiệp, giao rừng trong 5 năm qua. Đề xuất các giải pháp để khắc phục những yếu kém, phát huy những mặt tích cực, thực hiện có hiệu quả công tác về giao (bao gồm cả giao khoán bảo vệ rừng), cho thuê rừng và đất lâm nghiệp. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15/7/2016.

2. Các Vườn quốc gia, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và Công ty TNHH 1TV Lâm nghiệp (Sở Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì trong việc cắm mốc ranh giới của các Công ty TNHH 1TV Lâm nghiệp theo Nghị định số 118/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ) và các tổ chức được giao đất, thuê đất lâm nghiệp tổ chức cắm mốc ranh giới 3 loại rừng tại thực địa làm cơ sở xác định diện tích rừng được giao, được thuê đồng thời là cơ sở pháp lý để ngăn ngừa, xử lý các trường hợp lấn chiếm, tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng và làm cơ sở để cổ phần hóa theo đề án đã được phê duyệt.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn, tổ chức lại bộ máy, chế độ công tác, điều kiện làm việc của các cơ quan để tham mưu có hiệu quả cho UBND cấp huyện trong việc quản lý và thực hiện công tác giao đất lâm nghiệp, giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn theo quy định của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Nghị định số 23/2006/ NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn. Trong đó phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm cấp huyện tham mưu cho UBND cấp huyện, cán bộ địa chính xã phối hợp với cán bộ Kiểm lâm địa bàn tham mưu cho UBND cấp huyện, thị xã và thành phố trong việc giao đất lâm nghiệp, giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng theo thẩm quyền và thực hiện theo dõi diễn biến tài nguyên rừng trên địa bàn.

4. Đối với diện tích đất lâm nghiệp có rừng đã cho thuê hoặc giao cho các tổ chức nhưng chưa giao rừng, cho thuê rừng; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất về hồ sơ, thủ tục, trình UBND tỉnh quyết định việc giao rừng, cho thuê rừng, xác định rõ trách nhiệm, quyền lợi của chủ rừng để việc quản lý bảo vệ, phát triển rừng đi vào ổn định, đúng pháp luật. Kể từ nay việc giao, cho thuê đất lâm nghiệp có rừng phải gắn với việc giao rừng, cho thuê rừng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 29/01/2011 của Bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp.

5. Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát những diện tích rừng và đất rừng chưa giao hoặc cho thuê (UBND cấp xã đang quản lý) trên cơ sở đó xây dựng Quy hoạch, Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, Phương án giao đất, giao rừng trên địa bàn theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Nghị định số 23/2006/NĐ- CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Thông tư số 38/2007/TT-BNN và Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc lập Quy hoạch, Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Nội dung Phương án giao đất, giao rừng trên địa bàn phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân trong việc hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm tra, giám sát hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư được giao đất, giao rừng. Trong quá trình rà soát, cân đối trong Phương án giao đất, giao rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thiếu đất sản xuất theo đúng thẩm quyền và quy định hiện hành của Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tổ chức thực hiện tốt việc hỗ trợ nhân dân trồng rừng sản xuất theo đúng cơ chế, chính sách của Nhà nước và quy định của UBND tỉnh. Đối với diện tích rừng, đất lâm nghiệp đã giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân; yêu cầu UBND cấp huyện khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục giao đất, giao rừng theo Thông tư số 38/2007/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tập trung triển khai việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất lâm nghiệp để được hưởng các chính sách hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng. Kinh phí cho công tác này do ngân sách cấp huyện cân đối trong dự toán ngân sách hàng năm của cấp huyện. Đối với những cấp huyện khó khăn lập dự toán báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tài chính thẩm định) để xem xét hỗ trợ.

6. Yêu cầu tất cả các tổ chức được giao đất, giao rừng, thuê rừng xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng hàng năm gửi đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện, xã để theo dõi và giám sát việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

7. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, hợp đồng thuê đất lâm nghiệp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, doanh nghiệp; Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định về trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong công tác giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm minh các vi phạm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; Định kỳ hàng quý báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Chỉ thị này.

8. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nghiêm túc đúng chức năng quản lý Nhà nước về rừng, có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc giao, cho thuê rừng trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các cấp, các ngành được giao nhiệm vụ tại Chỉ thị này.

9. Các ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh.

10. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ninh, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh có trách nhiệm tuyên truyền sâu rộng chính sách, pháp luật về giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp của Nhà nước và nội dung Chỉ thị này để nhân dân biết, thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Đức Long