Chỉ thị 10/2014/CT-UBND tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Phú Yên
Số hiệu: 10/2014/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên Người ký: Nguyễn Ngọc Ẩn
Ngày ban hành: 18/04/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2014/CT-UBND

Tuy Hòa, ngày 18 tháng 4 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN

Sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời thay thế Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011, trong thời gian qua, UBND Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trên địa bàn Tỉnh tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các cơ quan chức năng đã phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, đo lường, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, bước đầu đã nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn Tỉnh về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, về các quy định pháp luật, về kiến thức và kỹ năng tiêu dùng; nâng cao được nhận thức của cộng đồng về quyền của người tiêu dùng, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối hàng hóa và dịch vụ, vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn Tỉnh.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng, trở nên phổ biến với tính chất phức tạp, nhất là vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại ngày càng tinh vi. Trong thời gian gần đây, trên địa bàn Tỉnh nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng đến lợi ích của người tiêu dùng được phát hiện như: sữa hộp, dầu nhớt, mũ bảo hiểm giả; thuốc lá điếu, thịt gà đông lạnh nhập khẩu trái phép; thịt chà bông bị ô nhiễm vi sinh vật; mỹ phẩm, điện thoại di động các loại, quần áo may mặc sẵn, giày dép, phụ tùng xe các loại, đồ chơi trẻ em nhập lậu… bột ngọt do Trung Quốc sản xuất không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng; xăng dầu bị pha chế kém chất lượng; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm;… đã gây tổn hại đến sức khỏe và thiệt hại lợi ích kinh tế của người tiêu dùng.

Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là do: Công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa thường xuyên, sâu rộng trong nhân dân; Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm còn nhiều hạn chế; Một số doanh nghiệp làm ăn không chân chính vì mục đích lợi nhuận đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng về pháp luật để sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo, khuyến mại không trung thực, thiếu trách nhiệm đối với hàng hóa và dịch vụ của mình; đối với người tiêu dùng đa số chưa nắm vững các quyền cơ bản của mình theo quy định của pháp luật để tự bảo vệ khi bị xâm hại; Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thiếu đồng bộ giữa các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương.

 Để khắc phục những tồn tại nêu trên, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, ổn định đời sống nhân dân trong Tỉnh; thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 ngày 17/11/2010; Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản liên quan, UBND Tỉnh chỉ thị:

1. Sở Công Thương:

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng liên quan triển khai thực hiện việc chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, kiểm tra kiểm soát thị trường, công tác an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực của ngành,... ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng; hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về cạnh tranh, chống độc quyền, chống bán phá giá, bán hàng đa cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trên địa bàn Tỉnh; đồng thời đề xuất khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn Tỉnh theo quy định.

- Được quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan trong Tỉnh cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, chống độc quyền, chống bán phá giá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Tham mưu UBND Tỉnh giao nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ của Nhà nước cho tổ chức Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Tỉnh, tạo điều kiện để Hội hoạt động có hiệu quả; hướng dẫn Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Tỉnh phối hợp với các ngành chức năng liên quan, tham mưu UBND Tỉnh thành lập tổ chức Hội tại các huyện, thị xã, thành phố theo quy định của pháp luật.

- Hàng năm, căn cứ chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, lập dự toán kinh phí phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Sở Công Thương và thẩm tra dự toán kinh phí phục vụ hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Tỉnh theo hướng dẫn tại Thông tư 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hiện hành, gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và sở hữu trí tuệ, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Sở Y tế:

Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh những sản phẩm thuộc chức năng quản lý của ngành y tế; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua đường thực phẩm theo quy định.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các loại thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, thuốc y học cổ truyền, trang thiết bị, dụng cụ y tế, các loại mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra các hoạt động tuyên truyền, thông tin, quảng cáo về hàng hóa, văn hóa phẩm và dịch vụ văn hóa, du lịch theo quy định của pháp luật.

6. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra, chất lượng dịch vụ, giá cả các dịch vụ bưu chính và chuyển phát; viễn thông và Internet, truyền dẫn phát sóng; tần số, vô tuyến điện; hoạt động báo chí, xuất bản theo quy định của pháp luật.

Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên, Báo Phú Yên và các sở, ban, ngành chức năng liên quan tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thông tin tuyên truyền theo các chuyên đề về gian lận thương mại điện tử trên các phương tiện thông tin đại chúng.

7. Sở Tài chính:

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về giá đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tại địa phương, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc diện phải đăng ký giá, niêm yết giá.

Hàng năm, căn cứ chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và khả năng cân đối ngân sách, thẩm định dự toán kinh phí phục vụ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Sở Công Thương theo hướng dẫn tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

8. Sở Xây dựng: Tăng cường công tác quản lý các hoạt động trong lĩnh vực xây dựng thuộc chức năng quản lý ngành liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng, các loại vật liệu xây dựng trên địa bàn Tỉnh nhằm đảm bảo các loại vật liệu xây dựng đưa vào sử dụng phù hợp với quy định của pháp luật.

9. Sở Giao thông vận tải: Tăng cường công tác quản lý ngành; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra về an toàn giao thông, chất lượng an toàn kỹ thuật các phương tiện giao thông vận tải, đường bộ, đường thủy nội địa, bến xe, bến cảng nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong các dịch vụ kinh doanh vận chuyển hành khách và hàng hóa.

10. Công an Tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành chức năng liên quan tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát việc tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; điều tra, xử lý và đề nghị truy tố theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền.

11. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Tỉnh:

Thực hiện nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; phối hợp với Sở Công Thương, các ngành chức năng liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác vận động thành lập tổ chức Hội ở các địa phương.

Hàng năm, cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu Tỉnh dùng có trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo chế độ quy định hiện hành, báo cáo Sở Công Thương tổng hợp và thẩm tra, gửi Sở Tài chính.

12. Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên, Báo Phú Yên: Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan thường xuyên cập nhật, đăng tải các thông tin liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; dành thời lượng phát sóng thích hợp để tuyên truyền các vấn đề liên quan đến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quản lý chặt chẽ việc đăng tải các quảng cáo về hàng hóa, dịch vụ trên báo, đài theo quy định của pháp luật.

13. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trên địa bàn.

Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

Giải quyết các yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động của các Ban Quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ trên địa bàn trong việc thực hiện nội quy đã được phê duyệt và các nội dung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khác theo quy định của pháp luật.

Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập tổ chức Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện, thị xã, thành phố.

14. Ban Quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, trung tâm thương mại:

 Ban Quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, trung tâm thương mại có trách nhiệm thực hiện nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 99/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

15. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Tỉnh:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể của Tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, qua đó từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền của người tiêu dùng, trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà sản xuất, nhà phân phối hàng hóa - dịch vụ.

Yêu cầu Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; báo cáo kết quả thực hiện về UBND Tỉnh (qua Sở Công Thương).

Sở Công Thương có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, phối hợp với các ngành triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này; tổng hợp báo cáo, tham mưu đề xuất ý kiến trình UBND Tỉnh chỉ đạo, giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2014./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Ẩn