Chỉ thị 10/2009/CT-UBND về triển khai thực hiện Nghị định 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Số hiệu: 10/2009/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi Người ký: Nguyễn Xuân Huế
Ngày ban hành: 24/06/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Bổ trợ tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2009/CT-UBND

Quảng Ngãi, ngày 24 tháng 6 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 66/2008/NĐ-CP NGÀY 28 THÁNG 5 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Quyết định 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ 2009 đến 2012;

Đồng thời, nhằm tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp tiếp cận có hiệu quả các quy định của pháp luật liên quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp:

a) Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Trung tâm Công báo và Trang tin điện tử tỉnh quản lý, điều hành hệ thống trang tin, đảm bảo hoạt động có hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và công dân; cập nhật thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật mới của tỉnh, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ban hành đều phải được đăng tải trên trang tin điện tử tỉnh; đồng thời đăng công báo của tỉnh theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh có hiệu lực pháp luật mà chưa được đăng tải trên trang tin điện tử của tỉnh, khi doanh nghiệp đề nghị thì Trung tâm Công báo và Trang tin điện tử của tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận và cập nhật văn bản đó, trừ văn bản thuộc danh mục bí mật Nhà nước.

b) Sở Tư pháp có trách nhiệm tập hợp, phân loại và thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, đặc biệt là các văn bản liên quan đến lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại, đất đai nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu, với đầy đủ nội dung các văn bản đang còn hiệu lực đăng tải trên Trang tin điện tử của tỉnh và Trang tin điện tử của Sở Tư pháp để doanh nghiệp truy cập, sử dụng miễn phí thông tin văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh.

2. Xây dựng tài liệu, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp:

a) Sở Tư pháp (là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi, Liên đoàn Lao động tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp biên soạn tài liệu, tổ chức phổ biến, giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Trung ương và tỉnh ban hành có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

b) Các Sở, Ban, ngành: Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, Liên minh các Hợp tác xã tỉnh và các Sở, Ban, ngành có liên quan phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu, tổ chức thực hiện các Tiểu đề án về tuyên truyền pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp: Các Sở, Ban, ngành tỉnh có trách nhiệm giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, bằng các hình thức theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó ưu tiên thực hiện bằng hình thức giải đáp thông qua mạng điện tử. Trong trường hợp nội dung được yêu cầu giải đáp phức tạp, liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của nhiều ngành, lĩnh vực thì cơ quan tiếp nhận yêu cầu giải đáp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có liên quan để giải đáp cho doanh nghiệp, cơ quan có liên quan đến nội dung được yêu cầu giải đáp phải giải đáp cho doanh nghiệp kịp thời, đúng thời hạn pháp luật quy định. Việc giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp không áp dụng đối với yêu cầu giải đáp pháp luật về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

4. Tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật:

a) Sở Tư pháp làm đầu mối tiếp nhận, tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các quy định của pháp luật, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đối với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh; trình Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đối với văn bản thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc kiến nghị các cơ quan Trung ương đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền ban hành của cơ quan Trung ương. Hàng năm, Sở Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp kết quả tiếp nhận, xử lý những kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện các quy định pháp luật, dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp trước ngày 31 tháng 12.

b) Các Sở, Ban, ngành tỉnh khi nhận được kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến việc hoàn thiện các quy định pháp luật, có trách nhiệm xem xét, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của ngành mình, đồng thời chuyển cho Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

5. Xây dựng và tổ chức thực hiện các Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp:

a) Đối với Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt:

Các Sở, Ban, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh và các cơ quan có liên quan, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện điều tra, khảo sát, chủ động nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp trong từng thời kỳ, tại các địa bàn, ngành, lĩnh vực và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; cung cấp thông tin và phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp do các Sở, Ban, ngành cung cấp, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan, xây dựng và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

b) Đối với Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành: Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Ngãi và các cơ quan có liên quan, các tổ chức đại diện doanh nghiệp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

c) Khuyến khích các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và các tổ chức, cá nhân có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý tham gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP .

6. Tổ chức thực hiện:

a) Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và làm đầu mối triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này. Chủ trì, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn và hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp chế, cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các Sở, Ban, ngành và các cơ quan có liên quan của tỉnh.

b) Sở Tư pháp có trách nhiệm làm việc với Sở Tài chính về kinh phí bảo đảm cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ; trên cơ sở đó, Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

c) Sở Nội vụ có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở, Ban, ngành có liên quan; Công ty Nhà nước của tỉnh củng cố nhân sự làm công tác pháp chế tại các Sở, Ban, ngành, Công ty Nhà nước theo Chỉ thị số 22/2007/CT-UBND ngày 05/9/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về xây dựng, kiện toàn tổ chức pháp chế tại các Sở, Ban, ngành và Công ty Nhà nước của tỉnh để làm đầu mối triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP .

- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về chế độ, chính sách đối với người làm công tác pháp chế tại các Sở, Ban, ngành khi có hướng dẫn của các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP .

d) Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh; Giám đốc các Doanh nghiệp nhà nước của tỉnh có trách nhiệm củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế của đơn vị mình và thực hiện giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

đ) Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh và các tổ chức đại diện doanh nghiệp quan tâm phối hợp thực hiện.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Giám đốc các Công ty Nhà nước của tỉnh; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Xuân Huế

 

 

 





Chỉ thị 22/2007/CT-UBND về triển khai, thi hành Luật Cư trú Ban hành: 04/05/2007 | Cập nhật: 11/09/2015