Chỉ thị 09/2004/CT-UB về tổ chức đăng ký, kiểm tra điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi tôm công nghiệp
Số hiệu: 09/2004/CT-UB Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre Người ký: Nguyễn Quốc Bảo
Ngày ban hành: 29/06/2004 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2004/CT-UB

Bến Tre, ngày 29 tháng 6 năm 2004

 

CHỈ THỊ

V/V TỔ CHỨC ĐĂNG KÝ, KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI CƠ SỞ NUÔI TÔM CÔNG NGHIỆP

Nuôi tôm thương phẩm với hình thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp (gọi tắt là nuôi tôm công nghiệp) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra công nhận cơ sở nuôi tôm đạt tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngày 04/8/2000 Bộ Thuỷ sản ban hành Quyết định số 649/2000/QĐ-BTS về việc ban hành Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất kinh doanh thuỷ sản đạt tiêu chuẩn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngày 10/12/2002 Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành Quy định về quản lý hoạt động nuôi tôm công nghiệp kèm theo Quyết định số 4024/2002/QĐ-UB .

Tuy nhiên, trong thời gian qua việc tổ chức triển khai thực hiện việc đăng ký, kiểm tra điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi tôm công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, việc phát triển nuôi tôm công nghiệp một cách ào ạt, thiếu kiểm soát, đã ít nhiều gây ô nhiễm môi trường nuôi thuỷ sản hiện tại, là điều kiện cho dịch bệnh tôm lây lan theo diện rộng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển nuôi tôm bền vững trong tương lai.

Để tăng cường quản lý hoạt động nuôi tôm công nghiệp và thực hiện việc đăng ký kiểm tra điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, các sở, ban ngành có liên quan và các tổ chức cá nhân nuôi tôm công nghiệp thực hiện tốt những công việc cụ thể sau đây:

1) Yêu cầu mọi tổ chức cá nhân có nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre phải kê khai, đăng ký để được cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra và nếu đủ điều kiện kiện thì được cấp giấy công nhận cơ sở nuôi tôm công nghiệp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

2) Tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân dân 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú về nội dung các quy định quản lý Nhà nước có liên quan đến hoạt động nuôi tôm công nghiệp như: Thông tư số 02/2002/TT-BTS ngày 06/12/2002 của Bộ Thuỷ sản, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 86/2001/NĐ-CP ngày 16/11/2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh các ngành nghề thuỷ sản; Quyết định số 649/2000/QĐ-BTS ngày 04/8/2000 ban hành Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản đạt tiêu chuẩn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; Nghị định số 70/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/6/2003 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản; Quyết định số 4024/2002/QĐ-UB ngày 10/12/2002 của UBND tỉnh Bến Tre Quy định về quản lý hoạt động nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

3) Sở Thủy sản có trách nhiệm:

a) Phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng, triển khai quy hoạch, phát triển các vùng nuôi thuỷ sản nói chung và nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre; quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi tôm công nghiệp, hạn chế tình trạng tự phát trong nghề nuôi tôm.

b) Tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục kê khai, đăng ký kiểm tra điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho tổ chức cá nhân nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn.

c) Sở Thuỷ sản thực hiện tốt việc ra quyết định công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở nuôi tôm công nghiệp đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

d) Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thực hiện việc tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền giáo dục kiến thức và hiểu biết về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân địa phương; đôn đốc, kiểm tra việc đăng ký đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho tổ chức; cá nhân nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đúng thủ tục, trình tự, căn cứ nội dung và hình thức theo quy định.

đ) Chỉ đạo Thanh tra chuyên ngành thuỷ sản, phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, UBND các cấp và các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp nuôi tôm công nghiệp không thực hiện việc đăng ký, kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản đạt tiêu chuẩn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời kiểm tra xử lý các vi phạm khác về nuôi trồng thuỷ sản.

4) UBND huyện, thị:

a) Phổ biến các quy định quản lý Nhà nước về thuỷ sản nói chung và quy định về đăng ký, kiểm tra điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi tôm công nghiệp đến Uỷ ban nhân dân cấp xã và mọi tầng lớp nhân dân được thông suốt.

b) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã tiến hành rà soát, thống kê trên địa bàn quản lý các cơ sở nuôi tôm công nghiệp, hướng dẫn các cơ sở này tiến hành đăng ký để được kiểm tra công nhận.

5) Các phương tiện thông tin đại chúng:

Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đồng Khởi, Đài Truyền thanh các huyện, thị, cấp xã phối hợp với ngành thuỷ sản, chính quyền địa phương tuyên truyền về chủ trương và các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động nuôi tôm công nghiệp, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi tôm công nghiệp cho các tầng lớp nhân dân thông suốt để thực hiện.

Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND huyện, thị và UBND cấp xã khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc, phản ánh kịp thời về Uỷ ban nhân dân tỉnh biết để có biện pháp tháo gỡ./.

 

 

 

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Bảo