Chỉ thị 08/2008/CT-TTg về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2008
Số hiệu: 08/2008/CT-TTg Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Hoàng Trung Hải
Ngày ban hành: 26/02/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 03/03/2008 Số công báo: Từ số 161 đến số 162
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 08/2008/CT-TTG

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI, LỤT, BÃO VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2008

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, những năm gần đây, ở nước ta thiên tai xảy ra nhiều hơn, bão, lũ, lũ quét với cường độ mạnh và diễn biến bất thường đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Những ngày đầu năm 2008, đã xuất hiện những biểu hiện bất thường của thời tiết: áp thấp nhiệt đới xuất hiện ngay từ đầu tháng 01; thiếu nước, khô hạn xảy ra trên diện rộng; rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hướng lớn đến sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Dự báo tình hình thiên tai, bão, lũ năm 2008 còn nhiều diễn biến phức tạp.

Để chủ động phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, góp phần ổn định xã hội và thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt một số việc sau đây:

1. Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai, lụt, bão năm 2007, phát huy những việc đã làm tốt, mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời làm rõ nguyên nhân những mặt còn hạn chế, yếu kém để có biện pháp, giải pháp khắc phục ngay trước mùa mưa bão năm 2008.

Xác định phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, là nội dung quan trọng được lồng ghép trong nội dung các đề án, dự án và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương.

2. Củng cố, kiện toàn các Ban Chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến địa phương. Tổ chức bổ túc kiến thức, kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai cho các cán bộ mới được bổ nhiệm phụ trách lĩnh vực này. Thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các loại hình thiên tai và phương pháp phòng, tránh, nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về thiên tai để tự mình chủ động phòng, tránh có hiệu quả.

3. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, triển khai thực hiện nội dung, nhiệm vụ, các đề án, dự án được Thủ tướng Chính phủ giao trong Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 tại Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Xây dựng đề án phòng, chống thiên tai, lụt, bão của địa phương, chủ động bố trí sắp xếp lại dân cư. Trong mùa buổi lũ, có kế hoạch bố trí lực lượng sẵn sàng thực hiện việc sơ tán dân ra khỏi những vùng nguy hiểm: vùng cửa sông, ven biển, vùng thường xuyên bị ngập lũ, vùng có nguy cơ cao sạt lở đất khi có bão, lũ. Bố trí lãnh đạo, lực lượng chuyên môn theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc triển khai công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão ở những vùng trọng Điểm. Chủ động bố trí thiết bị, phương tiện và dự phòng lương thực, thuốc men đến cấp thôn, xã và kinh phí dự phòng đến cấp huyện theo phương châm 4 tại chỗ, đặc biệt là những vùng thường bị chia cắt khi có bão, lũ xảy ra. Xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước trên địa bàn, lập kế hoạch chi tiết cứu hộ đập khi có sự cố.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm huy động các nguồn lực của địa phương theo quy định để làm tốt công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn xảy ra trên địa bàn. Chủ động sử dụng ngân sách địa phương, nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và huy động mọi nguồn vốn hợp pháp khác để khắc phục hậu quả bão, lũ, nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân, phục hồi sản xuất, tu bổ, khôi phục các công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng do bão, lũ gây ra trong năm 2007, hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2008.

c) Các tỉnh, thành phố có đê chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc thực hiện tiến độ tu bổ nâng cấp hệ thống đê sông, xây dựng kè và các công trình bảo vệ đê đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Lập phương án chi tiết huy động lực lượng, vật tư, phương tiện cứu hộ đê khi xảy ra sự cố. Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam hoàn thành kế hoạch tu bổ nâng cấp những vị trí đê biển xung yếu trước mùa mưa bão năm 2008.

d) Các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền đánh bắt hải sản theo phân cấp; phối hợp với Bộ đội Biên phòng kiểm tra chặt chẽ việc trang bị thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh và thiết bị đảm bảo an toàn trên các tàu thuyền được quy định theo vùng biển hoạt động; xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh, thành phố, kết nối với cơ sở dữ liệu của quốc gia về quản lý tàu thuyền đánh bắt hải sản. Khi có thiên tai, bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, phối hợp với Bộ đội Biên phòng ven biển, Đài thông tin Duyên hải nắm chắc số lượng tàu thuyền và ngư dân của địa phương mình đang hoạt động trên biển để hướng dẫn di chuyển phòng, tránh.

đ) Các tỉnh miền núi tổ chức lắp đặt các thiết bị cảnh báo ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, trang bị phương tiện thông tin liên lạc tới các thôn, bản để phục vụ cảnh báo sớm và triển khai tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Chủ động lập kế hoạch di chuyển những hộ dân đang sinh sống ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quyét, sạt lở đất đến nơi định cư mới an toàn.

5. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương:

a) Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, làm tốt công tác tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, lụt, bão; phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương triển khai công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2008.

b) Trước mùa mưa bão năm 2008, tổ chức tập huấn về kỹ thuật chuyên môn phòng, chống thiên tai lụt, bão cho cán bộ từ cấp huyện, chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ quyết định những việc cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão.

6. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn:

a) Chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương rà soát lại các chủng loại phương tiện, vật tư phục vụ tìm kiếm, cứu nạn hiện có ở các trung tâm vùng, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có kế hoạch bổ sung kịp thời về số lượng, chủng loại phương tiện cần thiết để thực hiện tìm kiếm cứu nạn (tàu cứu hộ, ca nô, nhà bạt, phao cứu sinh...), đặc biệt ưu tiên cho các địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai, lụt, bão.

b) Chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các Bộ, ngành và các địa phương lập kế hoạch, phương án tìm kiếm, cứu nạn cho từng vùng, từng loại hình thiên tai cụ thể. Tiến hành tập huấn, tập dượt triển khai tìm kiếm, cứu nạn cho các đơn vị liên quan để chủ động thực hiện có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn.

c) Phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và các Bộ, ngành liên quan trong công tác chỉ đạo, Điều hành và triển khai thực hiện tìm kiếm, cứu nạn năm 2008. Chủ động trình Thủ tướng Chính phủ xuất, cấp kịp thời các phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn cho các Bộ, ngành và địa phương trước mùa mưa bão năm 2008.

d) Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1656/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục quy định chi tiết các chủng loại trang thiết bị tìm kiếm, cứu nạn và danh mục các dự án đầu tư sản xuất, mua sắm trang thiết bị tìm kiếm, cứu nạn đến năm 2015.

7. Bộ Quốc phòng:

a) Xây dựng các phương án huy động, bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết cho từng vùng, từng địa bàn sẵn sàng ứng cứu các tình huống khẩn cấp về lụt, bão, thực hiện tìm kiếm, cứu nạn và tham gia cứu hộ đê, đập khi có sự cố xảy ra.

b) Bố trí lực lượng, phương tiện, tổ chức diễn tập, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng để đảm bảo an toàn cho Thủ đô Hà Nội.

c) Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển kiểm tra chặt chẽ việc trang bị các thiết bị thông tin liên lạc, phương tiện đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển theo quy định; chỉ đạo các đơn vị huy động lực lượng quân đội giúp đỡ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, lụt, bão bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực trong phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai.

8. Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lập kế hoạch và phương án đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khi có thiên tai, lụt, bão; chỉ đạo các lực lượng của ngành phối hợp với quân đội và chính quyền địa phương thực hiện việc sơ tán dân khẩn cấp khỏi những vùng nguy hiểm, tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.

9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các tỉnh, thành phố có đê hoàn thành công tác tu bổ đê Điều năm 2008 đúng thời hạn quy định; chỉ đạo lập quy trình vận hành cho các hồ chứa, tham gia cắt giảm lũ cho hạ du, xây dựng các phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đê Điều, hồ, đập và các công trình phòng, chống thiên tai; đảm bảo các công trình đang thi công thực hiện đúng tiến độ vượt lũ.

b) Tổ chức nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương thường xuyên chịu tác động của thiên tai chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, vật nuôi cho phù hợp với đặc thù từng loại thiên tai thường xảy ra trên địa bàn; kiểm tra, lên kế hoạch cung cấp giống cây trồng cho các địa phương phục hồi sản xuất sau khi thiên tai xảy ra; bổ sung đủ cơ số dự trữ quốc gia về giống cây trồng thiết yếu do Bộ quản lý.

c) Chỉ đạo các địa phương tổ chức quản lý chặt chẽ số lượng tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển, đặc biệt là khi có thiên tai xảy ra; thực hiện đăng ký, đăng kiểm và chỉ đạo các địa phương tổ chức đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền đánh bắt hải sản theo phân cấp; ban hành quy định và lộ trình bắt buộc tàu thuyền đánh bắt hải sản phải trang bị máy thu phát trực canh.

d) Đẩy nhanh tiến độ thi công các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền theo quy hoạch đã được phê duyệt; phổ biến cho các địa phương kỹ thuật neo đậu tàu thuyền trong các khu tránh trú bão, không để tàu thuyền bị chìm trong khi neo đậu.

đ) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng khai thác có hiệu quả hệ thống Đài thông tin duyên hải, hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng ven biển phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển.

10. Bộ Giao thông vận tải:

a) Chỉ đạo các đơn vị trong ngành, địa phương có phương án bảo đảm giao thông trong mùa mưa bão; chuẩn bị vật tư dự phòng, bố trí sẵn ở những vùng trọng Điểm trên các tuyến giao thông chính, quan trọng để kịp thời ứng cứu và thay thế khi cầu, đường, bến cảng... bị thiên tai làm hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống; các đơn vị chuyên trách thuộc Cục Hàng hải, Cục Đường sông thường trực duy trì lực lượng, sẵn sàng thực hiện tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh.

b) Chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án phân luồng giao thông, chuẩn bị phương tiện, lực lượng, vật tư sẵn sàng thực hiện sơ tán dân ra khỏi vùng phân lũ, chậm lũ theo Quy chế về phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng để bảo vệ an toàn cho Thủ đô Hà Nội, ban hành kèm theo Nghị định số 62/1999/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ và tham gia khắc phục các sự cố lớn về đê Điều, hồ đập khi có lệnh.

11. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia tổ chức theo dõi thường xuyên tình hình khí tượng thuỷ văn, tham khảo các thông tin thời tiết từ các cơ quan khí tượng thuỷ văn trong nước và quốc tế có liên quan, phát các tin chính thức về áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cung cấp kịp thời bản tin cảnh báo bão trước 48 giờ và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, lũ, dự báo lưu lượng lũ về các sông và hồ chứa để bảo đảm phòng, chống lũ có hiệu quả.

b) Phối hệ với Viện Vật lý địa cầu tiếp nhận thông tin sóng thần từ mạng lưới quan trắc sóng thần quốc tế và mạng lưới quan trắc sóng biển, thực hiện báo tin động đất, cảnh báo sóng thần kịp thời cho các Bộ, ngành và địa phương để triển khai các biện pháp phòng tránh.

c) Tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, dự án: đầu tư cấp bách tăng cường năng lực dự báo khí tượng thuỷ văn phục vụ phòng, chống thiên tai, trọng tâm là dự báo bão tại công văn số 62/TTg-NN ngày 11 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ; hợp phần tăng cường hệ thống cảnh báo thiên tai trong Dự án Quản lý rủi ro thiên tai vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB4); lập bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và lắp đặt thiết bị cảnh báo lũ quét cho các địa phương.

12. Bộ Thông tin và Truyền thông:

a) Có phương án đảm bảo cho mạng thông tin phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn thông suốt trong mọi tình huống, đặc biệt là khi có thiên tai, lụt, bão đang xảy ra; đôn đốc các Bộ, ngành triển khai thực hiện Đề án Tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển tại Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông nâng cao tốc độ, chất lượng các đường truyền kết nối giữa các Bộ, ngành liên quan với nhau và với hệ thống các Đài thông tin duyên hải, hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng phục vụ công tác dự báo thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng mạng thông tin chuyên dùng phục vụ chỉ đạo, Điều hành công tác phòng, chống thiên tai; quy hoạch, phân bổ tần số phục vụ công tác dự báo thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

13. Bộ Công thương:

a) Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các nhà máy thuỷ điện độc lập có phương án đảm bảo an toàn cho các hồ thuỷ điện, chuẩn bị lực lượng, dự trữ vật tư, thiết bị, phương tiện sẵn sàng cứu hộ công trình khi có sự cố; khi thiên tai xảy ra, nhanh chóng khắc phục thiệt hại để đảm bảo cấp điện; phối hợp với các cơ quan và chính quyền địa phương liên quan rà soát quy trình vận hành các hồ chứa, đảm bảo tham gia Điều tiết phòng, chống lũ cho hạ lưu và an toàn cho công trình.

b) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành liên quan có kế hoạch dự trữ hàng hoá, nhu yếu phẩm cần thiết, đặc biệt là mì ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai, lụt, bão khi có yêu cầu.

14. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và các cơ quan liên quan thực hiện đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình diễn biến của thiên tai, lụt, bão và những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão trung ương đến các Bộ, ngành và địa phương để triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, lụt, bão kịp thời và hiệu quả

15. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án tu bổ nâng cấp đê Điều, đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; bố trí dự phòng ngân sách để hỗ trợ các Bộ, ngành và địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai, lụt, bão gây ra.

16. Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do thiên tai, lụt, bão trong phạm vi Bộ, ngành mình; đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia việc phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

17. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải