Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2014 tăng cường ngăn chặn tình trạng săn bắt, nuôi nhốt, mua, bán, quảng cáo, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã và sản phẩm của chúng có nguồn gốc từ tự nhiên trên địa bàn tỉnh An Giang
Số hiệu: 07/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Lê Văn Nưng
Ngày ban hành: 10/07/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 07/CT-UBND

An Giang, ngày 10 tháng 07 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG SĂN BẮT, NUÔI NHỐT, MUA, BÁN, QUẢNG CÁO, VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ VÀ SẢN PHẨM CỦA CHÚNG CÓ NGUỒN GỐC TỪ TỰ NHIÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Trong những năm qua, công tác bảo vệ và gây nuôi các loài động vật hoang dã (viết tắt ĐVHD) trên địa bàn tỉnh An Giang đã mang lại nhiều hiệu quả như: Các loài ĐVHD được bảo vệ tốt hơn và đã quy tụ về các khu rừng trong tỉnh với số lượng tăng hơn trước, việc gây nuôi các loài ĐVHD đã góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và tạo thu nhập chính đáng cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân;

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc săn bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt và chế biến trái phép ĐVHD; vận chuyển các bộ phận cơ thể, sản phẩm động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm vẫn diễn ra ở nhiều nơi, trên một số tuyến đường giao thông, các chợ và các trung tâm thị trấn, thị xã và thành phố; việc tàng trữ, mua, bán, nuôi nhốt trái phép ĐVHD để làm cảnh ở một số hộ dân; việc giết mổ ĐVHD làm món ăn ở các nhà hàng, quán ăn; nhiều cơ sở gây nuôi ĐVHD một cách tự phát, không đăng ký với cơ quan chức năng, để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát.

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về săn, bắt, giết mổ, mua, bán, vận chuyển trái phép ĐVHD; quản lý tốt hoạt động gây nuôi, phát triển ĐVHD và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam, Công ước Quốc tế (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora - CITES) về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Đồng thời, để triển khai thực hiện nghiêm tinh thần Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố (viết tắt UBND cấp huyện) khẩn trương thực hiện những nhiệm vụ sau đây:

1. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo tồn loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm; đặc biệt không mua, bán, sử dụng, cất giữ, tặng cho hay nhận quà là các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD nguy cấp, quý hiếm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng địa phương các văn bản quy phạm pháp luật và hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến bảo tồn loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm;

b) Khuyến cáo các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được tiêu thụ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và khuyến khích việc thông báo các hành vi vi phạm tới cơ quan Kiểm lâm. Động viên, khuyến khích việc thông báo, tố giác các hành vi vi phạm săn bắt, nuôi nhốt, mua, bán, vận chuyển trái phép các loài ĐVHD tới cơ quan Kiểm lâm hoặc UBND các cấp.

c) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân gây nuôi, phát triển các ĐVHD, kể cả động vật quý hiếm của một số loài có thể thuần dưỡng phát triển kinh doanh xuất khẩu theo quy định. Nghiêm cấm việc thu mua ĐVHD quý hiếm có nguồn gốc săn bắt từ rừng tự nhiên để nhận nuôi, kinh doanh.

2. Giao Công an tỉnh; Sở Công Thương (Quản lý thị trường); Sở Giao thông vận tải; Cục Hải quan tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm trong công tác kiểm tra, kiểm soát tại các quán ăn, nhà hàng, các chợ, các địa điểm kinh doanh, bến xe, bến phà, các trục đường giao thông, khu dân cư, hộ gia đình, có nuôi nhốt ĐVHD để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và các trường hợp vi phạm về săn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, giết mổ, trưng bày, quảng cáo, trái phép ĐVHD. Mọi tổ chức, các nhân, vi phạm tùy theo tính chất, mức độ đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, kinh doanh, gây nuôi ĐVHD trên địa bàn; ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ, kinh doanh, cất giữ các loài ĐVHD và sản phẩm, dẫn xuất trái pháp luật và các quy định của Công ước quốc tế các loại loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Tổ chức thực hiện tốt công tác cứu hộ cá thể ĐVHD, thả về môi trường tự nhiên của chúng theo quy định của pháp luật.

b) Phối hợp với Hội Nông dân và các ngành có liên quan, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, cung cấp tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật, khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gây nuôi phát triển các loài ĐVHD trong môi trường có kiểm soát theo quy định của Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

c) Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý và bảo tồn ĐVHD trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thực hiện tốt công tác cứu hộ cá thể ĐVHD, thả về môi trường tự nhiên của chúng theo quy định của pháp luật;

d) Có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp kết quả triển khai tổ chức thực hiện và báo cáo; đề xuất cấp thẩm quyền biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân tham gia tích cực trong công tác bảo vệ, bảo tồn các loài ĐVHD.

4. Sở Thông tin và Truyền thông:

Tăng cường công tác ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ trái phép đối với các mẫu vật loài ĐVHD trên địa bàn.

5. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng.

a) Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hoạt động xuất, nhập khẩu ĐVHD trái phép hoặc sản phẩm từ ĐVHD không hợp pháp ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

b) Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện khi đến khu vực biên giới kiểm tra, kiểm soát các hoạt động săn bắt, mua bán, quảng cáo, vận chuyển trái phép các ĐVHD và sản phẩm của chúng.

6. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Chủ động tổ chức kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về săn bắt, nuôi nhốt, mua bán, quảng cáo, vận chuyển trái phép các loài ĐVHD và sản phẩm của chúng có nguồn gốc từ tự nhiên trên địa bàn quản lý.

b) Chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc tích cực phối hợp, hỗ trợ cơ quan Kiểm lâm địa phương (nếu có) tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ, bảo tồn và phát triển ĐVHD trên các đồi núi và khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư.

c) Trưởng Ban quản lý chợ chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện nếu để xảy ra tình trạng mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, kinh doanh trái phép ĐVHD và sản phẩm động vật hoang dã trên địa bàn quản lý mà không có biện pháp xử lý kiên quyết.

7. Các phương tiện thông tin đại chúng, Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các quy định của nhà nước về bảo vệ, gây nuôi các loài ĐVHD trên địa bàn tỉnh An Giang.

Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị này và định kỳ báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thực hiện để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để giải quyết.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

 

 

Nơi nhận:
- Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy,HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Công an tỉnh, Cục Hải quan An Giang;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo, tin học tỉnh;
- Báo AG, Đài PTTH AG, Phân xã AG (phổ biến);
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- UBND huyện, thị, TP (để thực hiện);
- Chi cục kiểm lâm (để thực hiện);
- UBND các xã, phường, thị trấn (qua email);
- Các phòng: KT, TH, XDCB, VHXH, NC, HCTC.

TM. ỦY BAN NHÂN NHÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng