Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2011 thực hiện giải pháp ổn định tiền tệ và hoạt động ngân hàng góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP
Số hiệu: 06/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên Người ký: Phạm Xuân Đương
Ngày ban hành: 16/03/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Ngân hàng, tiền tệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Thái Nguyên, ngày 16 tháng 3 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ỔN ĐỊNH TIỀN TỆ VÀ HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG GÓP PHẦN KIỂM SOÁT LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 11/NQ-CP NGÀY 24/02/2011 CỦA CHÍNH PHỦ

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, các Chi nhánh Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Phát triển, các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, các Sở, Ban, Ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp như sau:

Năm 2011, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20% và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15% - 16%; lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý.

1. Đối với các Chi nhánh Ngân hàng thương mại, các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn.

1.1. Điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng và cơ cấu tín dụng ở mức hợp lý:

- Đối với các Chi nhánh Ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần (trừ các Chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần mới thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2010 đến nay) điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng ở mức dưới 20%. Điều chỉnh mạnh cơ cấu đầu tư, tập trung vốn tín dụng ưu tiên cho sản xuất - kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa theo định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh. Hạn chế cho vay lĩnh vực phi sản xuất nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và cho vay vốn phục vụ đời sống; giảm tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất đến 31/12/2011 tối đa 16% so với tổng dư nợ theo lộ trình quy định tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 01/03/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cho vay bằng ngoại tệ theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm khả năng thu hồi nợ vay bằng ngoại tệ; hạn chế cho vay nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu do Bộ Công Thương ban hành.

- Đối với các Chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần mới thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2010 đến nay, yêu cầu xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, tập trung vốn tín dụng ưu tiên cho sản xuất - kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm hoạt động kinh doanh của đơn vị ổn định, trang trải chi phí và có lãi, không vì mục tiêu tăng trưởng để gây xáo trộn thị trường tín dụng và thị trường lãi suất trên địa bàn.

1.2. Thực hiện huy động và cho vay bằng vàng theo đúng quy định tại Thông tư số 22/2010/TT-NHNN ngày 29/10/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Quy định về huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng.

1.3. Tiết kiệm chi phí kinh doanh, áp dụng lãi suất cho vay ở mức hợp lý; ấn định và công khai lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam (lãi suất tiền gửi; lãi suất chứng chỉ tiền gửi; kỳ phiếu; tín phiếu và trái phiếu) của các tổ chức (trừ tổ chức tín dụng) và cá nhân gồm cả các khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm (trừ các Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở được ấn định mức lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam tối đa không vượt quá 14,5%/năm). Niêm yết công khai lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam tại các địa điểm huy động vốn (Chi nhánh, Phòng giao dịch, Quỹ tiết kiệm) theo đúng quy định tại Thông tư 02/2011/TT-NHNN ngày 03/03/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ấn định và công khai lãi suất huy động vốn bằng đô la Mỹ theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nghiêm cấm các hoạt động huy động vốn không đúng với các quy định của Pháp luật.

1.4. Ấn định tỷ giá mua, bán của đồng Việt Nam đối với đô la Mỹ theo đúng quy định tại Quyết định số 230/QĐ- NHNN ngày 11/02/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

1.5. Nâng cao chất lượng tín dụng; tăng cường kiểm toán nội bộ, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời nợ xấu phát sinh không để vượt quá 2%/tổng dư nợ. Không được thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm che giấu nợ xấu. Phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời các nguy cơ rủi ro tín dụng.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Nguyên theo chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện các biện pháp:

2.1. Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh về thực hiện các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Xây dựng phương án triển khai, chỉ đạo kịp thời các Chi nhánh Ngân hàng thương mại các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ. Theo dõi, kiểm soát quy mô, cơ cấu và tốc độ tăng trưởng tín dụng của từng Chi nhánh Ngân hàng thương mại. Theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP , Chỉ thị số 01/CT-NHNN và Chỉ thị này; đề xuất với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh các giải pháp về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

2.2. Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành địa phương thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt nam thực hiện các giải pháp về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

2.3. Tham mưu, đề xuất với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vàng và các hoạt động niêm yết giá mua, bán bằng ngoại tệ, vàng trái quy định của pháp luật. Phối hợp với Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường và Công an tỉnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về kinh doanh ngoại tệ, vàng đối với các Chi nhánh Ngân hàng thương mại, tổ chức kinh tế và dân cư trên địa bàn.

2.4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại chỗ về cho vay lĩnh vực phi sản xuất, chất lượng tín dụng của các Chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn.

2.5. Buổi chiều thứ 6 hàng tuần, báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP , Chỉ thị số 01/CT-NHNN và Chỉ thị này với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên.

Thực hiện giảm kế hoạch tín dụng đầu tư từ nguồn vốn tín dụng nhà nước theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

4. Các Sở, Ban, Ngành liên quan phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Nguyên thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tham mưu, đề xuất với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh các giải pháp về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

5. Giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Công an tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Nguyên tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý các vi phạm về kinh doanh ngoại tệ, vàng đối với các Chi nhánh Ngân hàng thương mại, tổ chức kinh tế và dân cư trên địa bàn. Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm theo định kỳ vào ngày cuối tháng với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

6. Tổ chức thực hiện:

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan, Giám đốc các Chi nhánh Ngân hàng thương mại, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, các địa phương và đơn vị liên quan chủ động phối hợp triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh uỷ;
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành ở tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Chánh VP và các PVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, KTTH, SXKD, TH;
(VN/T3/19/45b).

CHỦ TỊCH




Phạm Xuân Đương