Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2015 về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở do Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ ban hành
Số hiệu: 06/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: Lê Văn Tâm
Ngày ban hành: 23/04/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 23 tháng 04 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ

Thực hiện quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên của Mặt trận, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Cần Thơ đạt nhiều kết quả và có những chuyển biến tích cực; hòa giải ở cơ sở không ngừng được củng cố về tổ chức, đội ngũ, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, mạng lưới Tổ hòa giải được thành lập rộng khắp từ ấp, khu vực đến tổ dân phố và cụm dân cư. Qua đó, đã giải quyết kịp thời nhiều mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án, góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại những hạn chế nhất định: Năng lực của đội ngũ hòa giải viên ở một số địa phương nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến kết quả hòa giải thành; kinh phí dành cho công tác hòa giải, chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng đối với hòa giải viên chưa được quan tâm đúng mức; công tác củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải chưa thường xuyên; việc lưu trữ, thống kê vụ việc chưa đi vào nề nếp, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Những tồn tại, hạn chế trong công tác hòa giải ở cơ sở xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu như: Ở một số địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm sâu sắc, chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội; cơ quan tư pháp các cấp nhiều nơi chưa thực sự chủ động, chưa làm tốt vai trò tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong quản lý công tác hòa giải ở địa phương; sự phối hợp giữa cơ quan Tư pháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong quản lý công tác hòa giải ở cơ sở chưa hiệu quả; nguồn lực cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa được tiến hành một cách đồng bộ và thống nhất.

Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở; Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở; nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên; đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1. Các sở, ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, chủ động tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Hòa giải ở cơ sở, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ; Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm xác định công tác hòa giải là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần tích cực vào việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư; nâng cao hơn nữa nhận thức của mỗi cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn thành phố, đặc biệt là người dân ở cơ sở về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó áp dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư.

2. Sở Tư pháp

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố hướng dẫn, tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; xây dựng chương trình phối hợp thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên địa bàn thành phố.

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố; tổ chức sơ kết, tổng kết và khen thưởng công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.

c) Biên soạn, phát hành tài liệu về nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho quận, huyện, xã, phường, thị trấn.

d) Tổ chức kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của thành phố về công tác hòa giải ở cơ sở để tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới cho phù hợp, thống nhất với các quy định của Trung ương về công tác hòa giải ở cơ sở.

3. Sở Tài chính

Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải cơ sở và Nghị quyết số 19/2014/NQ-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân thành phố quy định một số mức chi đặc thù cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở và công tác hòa giải ở cơ sở.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp tham gia quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; phối hợp trong việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về hòa giải; củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho thành viên, hội viên tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải ở cơ sở; vận động tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật; giám sát việc thực hiện và tổ chức thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; phát huy vai trò của Mặt trận trong việc tổ chức bầu hòa giải viên, tổ trưởng Tổ hòa giải, việc cho thôi làm hòa giải viên.

5. Ủy ban nhân dân quận, huyện

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở và Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên địa bàn quận, huyện; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 5 Chỉ thị này.

b) Tổng hợp, xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải tại địa phương quản lý và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định nhằm bảo đảm cho các hoạt động của công tác này tại địa phương.

c) Chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; hướng dẫn lồng ghép thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của ấp, khu vực, tổ dân phố, cụm dân cư.

d) Phát động phong trào thi đua, tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với hoạt động hòa giải cơ sở theo quy định pháp luật, đảm bảo hàng năm 100% quận, huyện, xã, phường, thị trấn tổ chức tổng kết công tác hòa giải ở cơ sở.

e) Định kỳ 06 tháng, hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu thực hiện thống kê, báo cáo Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

6. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

a) Tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, xác định công tác hòa giải là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; đảm bảo cơ bản các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh đều được hòa giải tại cơ sở.

Phấn đấu hàng năm có trên 90% Tổ hòa giải ở cơ sở hoạt động có hiệu quả với tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 85% trở lên.

b) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung sau:

- Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở; lồng ghép thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của ấp, khu vực, tổ dân phố, cụm dân cư; hỗ trợ tài liệu, phổ biến pháp luật phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở cho cá nhân theo quy định của pháp luật.

- Hướng dẫn các Tổ hòa giải thực hiện thống kê đầy đủ, chính xác các vụ việc hòa giải theo mẫu Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở; mẫu, biểu thống kê về tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở.

- Hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận phối hợp với Trưởng ấp, khu vực, tổ dân phố, cụm dân cư, hàng năm tiến hành rà soát, đánh giá về tổ chức và hoạt động các Tổ hòa giải, từ đó kịp thời kiến nghị biện pháp kiện toàn tổ hòa giải theo quy định tại Điều 12 Luật Hòa giải ở cơ sở.

- Định kỳ 06 tháng, hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, thực hiện thống kê báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên, Phòng Tư pháp về kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.

- Tổ chức kiểm tra sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở định kỳ hàng năm theo quy định của pháp luật, qua đó, phát huy nhân tố tích cực, nhân rộng cách làm hiệu quả, khắc phục những bất cập, khó khăn, nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở.

c) Hàng năm, xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định; thực hiện việc chi hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải kịp thời, đúng quy định.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Giao Sở Tư pháp chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị; định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Tư pháp về kết quả thực hiện./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Tâm

 





Nghị định 15/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật hòa giải ở cơ sở Ban hành: 27/02/2014 | Cập nhật: 28/02/2014