Chỉ thị 04/2012/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thành phố Cần Thơ
Số hiệu: 04/2012/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: Nguyễn Thanh Sơn
Ngày ban hành: 13/08/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2012/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 13 tháng 8 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Trong thời gian qua lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện đã quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị định số 47/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; hạn chế tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, nhất là tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để gây án, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định số 25/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Thông tư số 30/2012/TT-BCA ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Bộ Công an về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh) và các văn bản hướng dẫn thi hành; đồng thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các tầng lớp nhân dân để mọi người biết và thực hiện. Kịp thời khen thưởng và đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Pháp lệnh.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu có hoặc phát hiện vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ từ bất cứ nguồn gốc nào đều phải giao nộp hoặc trình báo cho cơ quan Công an, cơ quan Quân sự hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất để thu gom, xử lý (trừ số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang bị, sở hữu theo quy định của pháp luật).

Cá nhân chỉ được sở hữu vũ khí thô sơ (dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ) là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo hoặc được gia truyền theo phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc nhưng phải khai báo với Công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú để được cấp Giấy xác nhận việc khai báo và chỉ được phép trưng bày, triển lãm, biểu diễn, thờ cúng hoặc sử dụng trong các nghi lễ của đồng bào các dân tộc.

3. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

a) Chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; chỉ được giao vũ khí cho người thuộc cơ quan, tổ chức sử dụng khi người đó có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

b) Bố trí kho hoặc nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đảm bảo an toàn và phân công người có đủ tiêu chuẩn để bảo quản kho, nơi cất, giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

c) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc bảo quản, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang bị, sử dụng, không để xảy ra cháy nổ, hư hỏng, mất, thất lạc; kịp thời thông báo cho cơ quan Công an hoặc cơ quan Quân sự số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ bị mất, thất lạc để có kế hoạch phối hợp truy tìm.

d) Định kỳ hàng năm phối hợp với cơ quan Công an hoặc cơ quan Quân sự kiểm tra, đánh giá số lượng, chất lượng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được trang bị, quản lý, sử dụng để có biện pháp xử lý theo quy định.

4. Công an thành phố

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai, thực hiện và tổ chức tập huấn Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an thành phố và các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ngoài phạm vi quản lý của cơ quan Quân sự; tổ chức mở đợt vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên phạm vi toàn thành phố.

b) Tổ chức đăng ký, cấp, thu hồi các loại Giấy phép trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; huấn luyện, đào tạo chuyên môn về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng được phép sử dụng theo thẩm quyền.

c) Rà soát, thống kê những tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; lập danh sách thống kê từng loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã được trang bị, số hiện đang quản lý, số mất, thất lạc (nếu có); thống kê lập danh sách các cơ quan, tổ chức và cá nhân nghi vấn có tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép để có kế hoạch xác minh làm rõ, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật.

d) Tiến hành thanh tra, kiểm tra và đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an quận, huyện thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình ở các địa bàn trọng điểm, bến xe, bến thủy nội địa, trên các phương tiện giao thông, nơi công cộng để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; không để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ lọt vào tay bọn tội phạm và phần tử xấu.

đ) Tổ chức tập huấn về chuyên môn quân khí cho cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng làm công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định.

e) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định; đồng thời phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác này.

5. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố

a) Tổ chức triển khai thực hiện và tổ chức tập huấn Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng, lực lượng dân quân tự vệ và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố.

b) Tiếp nhận, xử lý, tiêu hủy vũ khí quân dụng, vật liệu nổ do cơ quan Công an hoặc các tổ chức và cá nhân giao nộp.

c) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, chính quyền địa phương trong việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

6. Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy

a) Tổ chức triển khai thực hiện và tổ chức tập huấn Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền quản lý.

b) Chủ động hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy, nổ, nhất là đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

c) Phối hợp với Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ giao cho cơ quan chức năng xử lý.

7. Sở Công Thương

a) Tổ chức phổ biến Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động có liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển, lưu trữ vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.

b) Chỉ đạo Phòng nghiệp vụ chuyên môn, Chi cục quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến vận chuyển hàng hóa, các cơ sở sản xuất, kinh doanh để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

c) Thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về quản lý tiền chất thuốc nổ, kinh doanh và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn thành phố theo các quy định của pháp luật.

8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Tổ chức phổ biến Pháp lệnh cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng vũ khí thể thao.

b) Kiểm tra việc quản lý, sử dụng vũ khí thể thao đã trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật.

c) Phối hợp với Công an thành phố và Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố thực hiện việc chuyển loại, thanh lý, tiêu hủy các loại vũ khí thể thao.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tuyên truyền vận động nhân dân giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tuyên truyền gương tốt của các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Pháp lệnh, đồng thời đấu tranh, lên án những hành vi vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại địa phương.

10. Sở Giáo dục và Đào tạo

Hướng dẫn, chỉ đạo Ban Giám hiệu các trường học, các trung tâm, cơ sở đào tạo tổ chức tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong học sinh, học viên; đồng thời có hình thức xử lý nghiêm đối với học sinh, học viên mang vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vào trường học.

11. Sở Tài chính

Phối hợp với Công an thành phố và Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố hướng dẫn việc cấp và sử dụng kinh phí phục vụ công tác quản lý, tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; thu lệ phí đăng ký, cấp giấy phép để quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định.

12. Ủy ban nhân dân quận, huyện

a) Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại địa phương.

b) Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sâu rộng trong quần chúng nhân dân.

c) Tổ chức tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do tổ chức, cá nhân khai báo, giao nộp.

d) Quản lý chặt chẽ các cơ sở thu mua phế liệu, không để các cơ sở này thu mua vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình và cá nhân ký cam kết không mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và các tổ chức thành viên phối hợp với Công an thành phố, các ngành chức năng và Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, được đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày ký và thay thế các Chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ: Chỉ thị số 12/2004/CT-UB ngày 18 tháng 6 năm 2004 về việc quản lý, thu hồi vật liệu cháy, nổ trên địa bàn thành phố Cần Thơ; Chỉ thị số 19/2005/CT-UBND ngày 10 tháng 10 năm 2005 về việc vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Chỉ thị số 05/2010/CT-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2010 về việc tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới.

Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Sơn