Chỉ thị 05/2010/CT-UBND tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh An Giang trong năm 2010 và những năm tiếp theo
Số hiệu: 05/2010/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Lâm Minh Chiếu
Ngày ban hành: 10/02/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2010/CT-UBND

Long Xuyên, ngày 10 tháng 02 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG TRONG NĂM 2010 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO.

Trong thời gian qua các Sở, Ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông, đặc biệt thực hiện nghiêm Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có diễn biến khá tốt, bước đầu đã kiềm chế được tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Trong năm 2009 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 127 vụ tai nạn giao thông, làm chết 138 người, bị thương 63 người, so cùng kỳ năm 2008 giảm 16 vụ (- 11,18%), giảm 10 người chết (- 6,75%), tăng 23 người bị thương (+ 57,5%). Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa vững chắc và chưa đồng đều, vẫn còn nhiều mặt hạn chế như: còn nhiều tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng nhất là tai nạn giao thông liên quan đến xe ôtô chở khách; tình trạng trẻ em ngồi trên xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm có chiều hướng gia tăng; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông ở từng lúc, từng nơi chưa thực sự mạnh; việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, công tác triển khai thi công và sửa chữa cầu đường còn chậm và kéo dài, đó cũng là nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Năm 2010 là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đồng thời cũng là năm diễn ra nhiều lễ hội lớn của đất nước như: Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 35 năm ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, 65 năm Cách mạng tháng 8 - Quốc khánh 2/9. Để phát huy những mặt đã đạt được trong năm 2009 và khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trên cơ sở tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ và triển khai thực hiện Kế hoạch số 01/UBATGTQG-KH ngày 04/01/2010 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về bảo đảm trật tự an toàn giao thông tết Nguyên đán và Lễ hội xuân Canh Dần năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố

a. Tổ chức đánh giá, kiểm điểm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở địa phương theo tinh thần Chỉ thị số 22/CT-TW ngày 24/02/2003 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông và Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 20/8/2007 của Tỉnh ủy An Giang về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đánh giá, kiểm điểm Ủy ban nhân dân cấp huyện cần đề ra kế hoạch, giải pháp, biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

b. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nâng cao vai trò, trách nhiệm trong tổ chức, thực hiện các biện pháp, giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhất là việc bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân khi tham gia giao thông; giám sát chặt chẽ, duy trì thường xuyên việc tổ chức thực hiện các giải pháp, biện pháp thực hiện đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị tại địa phương.

c. Kịp thời điều tiết nguồn kinh phí hợp lý hỗ trợ cho lực lượng tuần tra, kiểm soát của các xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

2. Công an tỉnh

a. Tập trung xử lý nghiêm các hành vi: vi phạm tốc độ; đi không đúng phần đường; vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông; chú trọng phát hiện, xử lý các trường hợp không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em theo quy định. Đặc biệt áp dụng xử phạt thông qua hình ảnh vi phạm, xử lý vi phạm phải xử lý công khai, đúng pháp luật, đúng người vi phạm, không phân biệt người điều khiển phương tiện cơ giới hay thô sơ hoặc đi bộ.

b. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm trên các tuyến đường thủy nội địa, kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến khách ngang sông, phương tiện thủy không đủ tiêu chuẩn an toàn, thiếu trang bị phao cứu sinh theo quy định.

c. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phân luồng giao thông trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Giao thông vận tải

a. Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Văn phòng thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh, Chi Cục Đăng kiểm An Giang, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh triển khai ngay việc thực hiện công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa và các bến đò, bến khách ngang sông. Phải coi đây là công tác trọng tâm trong năm 2010 trên lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

b. Tăng cường công tác duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng các đoạn đường bị sạt, lún, sửa chữa mặt sàn cầu và bổ sung, điều chỉnh kịp thời hệ thống cọc tiêu, biển báo đường bộ trên các tuyến tỉnh lộ đảm bảo giao thông luôn thông suốt, an toàn.

c. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Pháp lệnh bảo vệ công trình đường bộ như: điều khiển xe quá tải trọng của cầu đường, đào ao nuôi cá, xây dựng các công trình trong hành lang an toàn đường bộ, đường thủy; vi phạm trật tự an toàn giao thông như: họp chợ trên cầu, trên đường, đỗ xe trái phép; vi phạm trật tự vận tải như: xe chở khách quần đảo đón khách, trả khách không đúng nơi quy định, điểm đỗ xe trái phép, đình chỉ ngay hoạt động của các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn và các bến khách ngang sông không giấy phép mở bến theo quy định.

d. Tiếp tục thực hiện đồng bộ Kế hoạch 01 và 02 của Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ V/v phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh An Giang.

e. Tiếp tục chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, bằng thuyền trưởng, chứng chỉ chuyên môn và công tác kiểm định an toàn kỹ thuật của phương tiện theo hướng nâng cao về chất lượng.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

a. Chỉ đạo các trường có biện pháp hữu hiệu trong việc giáo dục, quản lý học sinh, sinh viên chấp hành pháp Luật về Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các điểm trường trong giờ cao điểm.

b. Vận động học sinh, sinh viên sử dụng phương tiện giao thông công cộng (xe buýt), không để học sinh chưa đủ tuổi sử dụng xe gắn máy đi học.

5. Sở Thông tin và truyền thông, Đài Phát thanh truyền hình An Giang, Báo An Giang

a. Tổ chức tuyên truyền các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đến từng người dân, từng cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

b. Phải tạo được dư luận xã hội lên án mạnh mẽ đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, tác động đến từng gia đình, từng người kịp thời đưa tin điển hình, tiên tiến và phê phán, phê bình những mặt chưa tốt việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông để động viên, rút kinh nghiệm chung.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh các cấp phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên gương mẫu và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia giữ gìn trật tự giao thông và xây dựng văn hóa giao thông. Thông qua hoạt động của tổ chức mình xây dựng các mô hình tổ chức tự quản trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông ở các địa bàn dân cư.

7. Ban An toàn giao thông tỉnh

a. Khẩn trương triển khai thực hiện các kế hoạch, giải pháp và chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nhất là 10 nhiệm vụ trọng tâm kéo giảm tai nạn giao thông trong năm 2010 của Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đề ra tại Hội nghị Tổng kết công tác bảo trật tự an toàn giao thông toàn quốc ngày 12/01/2010 tại Hà Nội.

b. Là đầu mối phối hợp các hoạt động liên ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật an toàn giao thông và công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên trên địa bàn tỉnh.

b. Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông huyện, thị xã, thành phố nhân rộng mô hình xã, thị trấn “Tự quản về an toàn giao thông” trên địa bàn toàn tỉnh.

c. Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh và Báo An Giang tổ chức thực hiện chuyên mục, chuyên trang về an toàn giao thông với nội dung phong phú, kịp thời thông tin tình hình trật tự an toàn giao thông, thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt cũng như đưa tin phê phán những cá nhân, tổ chức, đơn vị trong việc chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông.

d. Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh xây dựng các panô về nội dung mức xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ, đường tỉnh và tại các chốt đèn tín hiệu điều khiển giao thông trên địa bàn.

e. Chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải có kế hoạch sửa chữa và bổ sung gắn mới các biển báo hiệu đường bộ và khảo sát các vị trí điểm đen về an toàn giao thông để có kế hoạch khắc phục.

8. Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 09/2007/CT-UBND ngày 20/4/2007 và Chỉ thị 07/2009/CT-UBND ngày 07/8/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh An Giang.

Giao Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện và những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, kịp thời kiến nghị các biện pháp xử lý để Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (b/c);
- VPCP, UBATGTQG (b/c);
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh (b/c);
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Thành viên Ban ATGT tỉnh;
- CT UBND huyện, thị, thành phố;
- Công an tỉnh;
- Sở Giao thông vận tải;
- Websit Chính phủ;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lâm Minh Chiếu

 





Chỉ thị 09/2007/CT-UBND tổ chức Tết trồng cây hàng năm Ban hành: 10/05/2007 | Cập nhật: 19/07/2013