Chỉ thị 01/2008/CT-UBND về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy mùa khô năm 2007 - 2008 do Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ ban hành
Số hiệu: 01/2008/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Hữu Hiệp
Ngày ban hành: 04/03/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/03/2008 Số công báo: Số 29
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN CẦN GIỜ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 01/2008/CT-UBND

Cần Giờ, ngày 04 tháng 3 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY MÙA KHÔ NĂM 2007 - 2008

Năm 2007, trên địa bàn thành phố xảy ra 237 vụ cháy, giảm 82 vụ so với năm 2006, thiệt hại do cháy gây ra là 74,54 tỷ đồng, giảm 15,9 tỷ đồng. Tuy nhiên vào đầu mùa khô, tình hình cháy trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, tính trong tháng 01 năm 2008 thành phố xảy ra 21 vụ cháy, làm chết 02 người, bị thương 05 người, thiệt hại về tài sản ước khoảng 168 triệu đồng. Trên địa bàn huyện xảy ra 03 vụ cháy, bị chết 01 người (do tự thiêu ngoài đồng ruộng), một số tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và an ninh trật tự xã hội.

Thực hiện Công văn số 984/UBND-PCNC ngày 13 tháng 02 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố “Về công tác phòng cháy, chữa cháy mùa khô năm 2007 - 2008”.

Để chủ động phòng cháy, chữa cháy, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc huyện, các doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy sau đây:

1. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thật cụ thể để tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý, cần chú trọng kiểm tra bổ sung phương án chữa cháy - cứu hộ - cứu nạn và tổ chức thực tập theo các tình huống đã được phê duyệt. Đầu tư trang bị các dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm từng cơ sở; đối với các hộ gia đình có điều kiện cần khuyến khích chủ hộ tự trang bị ít nhất một bình chữa cháy xách tay. Tăng cường chế độ tuần tra, canh gác ban đêm, ngoài giờ làm việc và các ngày lễ, Tết, để xử lý kịp thời mọi tình huống cháy, nổ xảy ra ngay từ giai đoạn đầu. Tiếp tục phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng cháy và chữa cháy “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ”.

2. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về phòng cháy chữa cháy: Luật Phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003, Nghị định số 123/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2005, Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ; Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an nhằm phổ biến nâng cao kiến thức về phòng cháy, chữa cháy cho các tầng lớp nhân dân; đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy thường xuyên, liên tục, kết hợp chặt chẽ các phong trào khác với phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy và chữa cháy ngay tại cơ sở.

3. Kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy cấp xã, đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ; thành lập đội dân phòng ấp (mỗi đội có từ 12 - 15 người). Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, lực lượng dân phòng các xã, thị trấn theo Thông tư số 04/2004/TT- BCA của Bộ Công an.

4. Thành lập các đoàn kiểm tra hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, tổ dân phố, hộ gia đình... tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy. Qua kiểm tra, đề ra các giải pháp thực tế, lộ trình chuyển hóa cụ thể để đến cuối quý II năm 2008 xóa hết các khu dân cư có nguy cơ cháy cao, đó là khu dân cư ấp Hòa Hiệp xã Long Hòa, ấp An Bình xã An Thới Đông, ấp Thạnh Hòa xã Thạnh An, ấp Bình Thuận xã Bình Khánh. Có biện pháp xử lý dứt điểm các cửa hàng xăng dầu không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy đã được các cơ quan chức năng đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động.

5. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chỉ đạo Ban Quản lý các chợ tổ chức nhiều loại hình tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên kiểm tra các nơi chứa, dự trữ, kinh doanh hàng hóa; kiểm tra việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, hệ thống điện... không để chập điện gây cháy. Nghiêm cấm cơi nới thêm quầy, sạp; sắp xếp hàng hóa, để xe của khách hàng lấn chiếm đường đi, lối thoát nạn... để thuận lợi cho việc cứu tài sản và hướng dẫn thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.

6. Phòng Quản lý Đô thị, Ban Quản lý dự án, các tổ chức, doanh nghiệp... khi đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa các công trình xây dựng phải tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo Luật định. Các công trình cần lắp đặt bồn nước và máy bơm chữa cháy trong quý II năm 2008.

7. Đề nghị Điện lực Cần Giờ có kế hoạch duy tu, cải tạo nâng cấp mạng lưới điện công cộng và có các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể đến từng hộ dân về an toàn trong sử dụng điện. Tổ chức kiểm tra các trạm biến áp, cáp dẫn, dây dẫn điện trên địa bàn huyện, có biện pháp phòng ngừa, tránh chạm chập điện gây cháy, nổ. Có phương án giải quyết hiệu quả các sự cố cháy, nổ về điện; tổ chức tốt công tác thường trực tại các trung tâm điều độ để nhanh chóng cúp điện các khu vực có sự cố cháy, nổ, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chữa cháy thi hành tốt nhiệm vụ tại hiện trường.

8. Công ty Dịch vụ Công ích huyện đảm bảo áp lực nước phục vụ công tác chữa cháy, cứu hộ - cứu nạn khi có cháy, nổ xảy ra.

9. Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ chủ trì phối hợp với Hạt Kiểm lâm chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 02/2007/CT-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng, thực hiện đầy đủ và kịp thời các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng ứng với các cấp dự báo cháy rừng. Kiểm tra, sửa chữa, mua sắm bổ sung các phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp với tình hình, đặc điểm từng loại rừng. Kiểm tra đề xuất xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý.

10. Trung tâm Văn hóa huyện phối hợp với Trung tâm Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy khu vực 3 xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình, hình thức tuyên truyền; tổ chức tuyên truyền kiến thức phòng cháy, chữa cháy, Luật Phòng cháy và chữa cháy và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; kết hợp biểu dương những điển hình tiên tiến và phê phán những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định an toàn về công tác phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn huyện.

11. Công an huyện Cần Giờ tổ chức ký Quy chế phối hợp về công tác phòng cháy, chữa cháy với Trung tâm Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy khu vực 3 và có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân huyện nắm chắc tình hình và thống nhất quản lý các lực lượng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy hiện có trên địa bàn huyện; đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy.

12. Kết thúc mùa khô 2007 - 2008, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy cho Ủy ban nhân dân huyện thông qua Trung tâm Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy khu vực 3 để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.

Đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hiệp