Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP về quy định việc phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung do Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng ban hành
Số hiệu: 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP Loại văn bản: Thông tư liên tịch
Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Người ký: Trần Công Phàn, Lê Quý Vương, Lê Chiêm, Nguyễn Trí Tuệ
Ngày ban hành: 22/12/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2017

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH VIỆC PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG TRONG THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VỀ TRẢ HỒ SƠ ĐỂ ĐIỀU TRA BỔ SUNG

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thống nhất ban hành Thông tư liên tịch quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư liên tịch này quy định việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát, Tòa án, Cơ quan điều tra trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

2. Thông tư liên tịch này được áp dụng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư liên tịch này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia tố tụng, có thể gây ra cho họ thiệt hại về vật chất, tinh thần;

2. Thay đổi cơ bản kết luận điều tra trước đó là thay đổi về diễn biến hành vi phạm tội, chứng cứ chứng minh tội phạm, thay đổi điểm, khoản, điều luật mà Cơ quan điều tra đã đề xuất áp dụng;

3. Thay đổi nội dung cáo trạng là thay đổi những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự như: thời gian, địa điểm phạm tội; thủ đoạn, mục đích, động cơ phạm tội, hậu quả của tội phạm và những tình tiết quan trọng khác; chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; nhân thân của bị can; thay đổi điểm, khoản, điều luật mà Viện kiểm sát đã áp dụng để truy tố.

Điều 3. Phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 245 và điểm a khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự

1. Chứng cứ để chứng minh những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự quy định tại điểm a khoản 1 Điều 245, điểm a khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự là chứng cứ quy định tại Điều 86, Điều 87 của Bộ luật Tố tụng hình sự dùng để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 85, Điều 441 của Bộ luật Tố tụng hình sự mà nếu thiếu chứng cứ này thì không giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.

2. Khi thiếu chứng cứ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

a) Chứng cứ để chứng minh “có hành vi phạm tội xảy ra hay không” là chứng cứ để xác định hành vi đã xảy ra có đủ yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự hay thuộc các trường hợp không phải là hành vi phạm tội (quan hệ dân sự, kinh tế, vi phạm hành chính và các trường hợp khác theo quy định của luật);

b) Chứng cứ để chứng minh “thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định nếu có hành vi phạm tội xảy ra thì xảy ra vào thời gian nào, ở đâu; phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm như thế nào;

c) Chứng cứ để chứng minh “ai là người thực hiện hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định một chủ thể cụ thể đã thực hiện hành vi phạm tội đó;

d) Chứng cứ để chứng minh “có lỗi hay không có lỗi” là chứng cứ xác định chủ thể có lỗi hoặc không có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội; nếu có lỗi thì là lỗi cố ý trực tiếp hay lỗi cố ý gián tiếp hoặc lỗi vô ý do quá tự tin hay lỗi vô ý do cẩu thả theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Bộ luật Hình sự;

đ) Chứng cứ để chứng minh “có năng lực trách nhiệm hình sự không” là chứng cứ xác định khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chưa; có mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình hay không; nếu có thì mắc bệnh đó vào thời gian nào, trong giai đoạn tố tụng nào;

e) Chứng cứ để chứng minh “mục đích, động cơ phạm tội” là chứng cứ xác định chủ thể thực hiện hành vi phạm tội với mục đích, động cơ gì; mục đích, động cơ phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hay là tình tiết định tội, tình tiết định khung hình phạt;

g) Chứng cứ để chứng minh “tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo” là chứng cứ xác định bị can, bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 51, Điều 84 của Bộ luật Hình sự hoặc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 52, Điều 85 của Bộ luật Hình sự;

h) Chứng cứ để chứng minh “đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo” là chứng cứ xác định lý lịch của bị can, bị cáo; nếu bị can, bị cáo là pháp nhân thương mại thì phải chứng minh tên, địa chỉ và những vấn đề khác có liên quan đến địa vị pháp lý và hoạt động của pháp nhân thương mại;

i) Chứng cứ để chứng minh “tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra” là chứng cứ để đánh giá tính chất, mức độ thiệt hại, hậu quả về vật chất, phi vật chất do hành vi phạm tội gây ra;

k) Chứng cứ để chứng minh “nguyên nhân và điều kiện phạm tội” là chứng cứ xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, điều kiện cụ thể dẫn đến việc chủ thể thực hiện hành vi phạm tội;

l) Chứng cứ để chứng minh “những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt” là chứng cứ chứng minh những vấn đề được quy định tại các điều 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 59, 88 và các điều luật khác của Bộ luật Hình sự;

m) Chứng cứ khác để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật Tố tụng hình sự mà thiếu chứng cứ đó thì không có đủ căn cứ để giải quyết vụ án, như: chứng cứ để xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi; chứng cứ để chứng minh vị trí, vai trò của từng bị can, bị cáo trong trường hợp đồng phạm hoặc phạm tội có tổ chức; chứng cứ để xác định trách nhiệm dân sự của bị can, bị cáo và những vấn đề khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật;

n) Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội thì ngoài việc xác định chứng cứ trong các trường hợp được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản này còn phải xác định chứng cứ để chứng minh điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo quy định tại Điều 75 của Bộ luật Hình sự.

3. Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ để chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được.

4. Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử), Hội đồng xét xử (tại phiên tòa) ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ để chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này nếu xét thấy không thể bổ sung được trong giai đoạn chuẩn bị xét xử hoặc tại phiên tòa.

5. Không trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ để chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này nhưng vẫn truy tố, xét xử được hoặc không thể thu thập được chứng cứ đó.

Ví dụ 1: Có 03 người làm chứng nhưng chỉ xác định được 02 người.

Ví dụ 2: Hiện trường đã bị thay đổi không thể xem xét lại được hay vật chứng đã mất không thể tìm được.

Điều 4. Phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 245 của Bộ luật Tố tụng hình sự

1. Khi có căn cứ để khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác; có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

a) Khởi tố và điều tra về một hay nhiều tội nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi của bị can đã thực hiện cấu thành một hay nhiều tội khác;

b) Ngoài tội phạm đã khởi tố và điều tra, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có căn cứ để khởi tố bị can về một hoặc nhiều tội khác;

c) Ngoài bị can đã bị khởi tố và điều tra, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có người đồng phạm khác hoặc có người phạm tội khác có liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can.

2. Viện kiểm sát không trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp sau đây:

a) Nếu có căn cứ để tách vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 242 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

b) Nếu quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án có căn cứ mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 246 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 5. Phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự

1. Khi có căn cứ để cho rằng bị can hoặc bị cáo còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm, còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Thẩm phán (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử), Hội đồng xét xử (tại phiên tòa) trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

a) Viện kiểm sát truy tố về một hay nhiều tội, nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi của bị can hoặc bị cáo đã thực hiện cấu thành một hay nhiều tội khác;

b) Ngoài hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có căn cứ để khởi tố bị can hoặc bị cáo về một hay nhiều tội khác;

c) Ngoài bị can hoặc bị cáo đã bị truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có người đồng phạm khác hoặc có người phạm tội khác liên quan đến vụ án, nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

2. Tòa án không trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Trường hợp thuộc điểm a khoản 1 Điều này nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy có thể xét xử bị can hoặc bị cáo về một hay nhiều tội tương ứng bằng hay nhẹ hơn hoặc có thể xét xử bị can hoặc bị cáo ít tội hơn số tội mà Viện kiểm sát truy tố;

b) Đã có quyết định tách vụ án hoặc chưa có quyết định tách vụ án của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhưng có căn cứ để tách vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 170, khoản 2 Điều 242 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

c) Đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 284 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 6. Phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 245 và điểm d khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự

1. Khi có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

a) Lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, nhưng không có phê chuẩn của Viện kiểm sát hoặc việc ký lệnh, quyết định tố tụng không đúng thẩm quyền;

b) Không chỉ định, thay đổi hoặc chấm dứt việc chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội theo quy định tại Điều 76 và Điều 77 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

c) Xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ;

d) Khởi tố vụ án hình sự nhưng không có yêu cầu của bị hại hoặc của người đại diện của bị hại theo quy định tại khoản 1 Điều 155 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

đ) Nhập vụ án hoặc tách vụ án không đúng quy định tại Điều 170 hoặc Điều 242 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

e) Không cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc thông báo văn bản tố tụng gồm lệnh, quyết định, yêu cầu, kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án cho người bị buộc tội và những người tham gia tố tụng khác theo đúng quy định của pháp luật xâm hại nghiêm trọng đến quyền bào chữa, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội và những người tham gia tố tụng khác;

g) Chưa điều tra, lập lý lịch của bị can; chưa xác định được những đặc điểm quan trọng về nhân thân của bị can, bị cáo (tuổi, tiền án, tiền sự), lý lịch hoạt động của pháp nhân thương mại phạm tội (tên, địa chỉ, những vấn đề khác liên quan đến hồ sơ pháp lý của pháp nhân thương mại);

h) Không có người phiên dịch, người dịch thuật cho người tham gia tố tụng trong trường hợp họ không sử dụng được tiếng Việt hoặc tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt; họ là người câm, người điếc, người mù theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

i) Không từ chối tiến hành, tham gia tố tụng hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong trường hợp quy định tại các điều 49, 51, 52, 53, 54, 68, 69 và 70 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

k) Việc điều tra, thu thập chứng cứ để chứng minh đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nên không có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự;

l) Biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà không chuyển cho Viện kiểm sát theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 88 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

m) Chứng cứ để chứng minh đối với vụ án đã được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố nhưng không đưa vào hồ sơ vụ án hoặc bị sửa chữa, thêm bớt dẫn đến sai lệch hồ sơ vụ án;

n) Việc điều tra, truy tố không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

o) Có căn cứ để xác định có việc bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành tố tụng làm cho lời khai của bị can không đúng sự thật;

p) Khiếu nại, tố cáo của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ;

q) Những trường hợp khác phải ghi rõ lý do trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

2. Viện kiểm sát, Tòa án không trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, nhưng không xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng;

b) Người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi nhưng khi thực hiện hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì họ đã đủ 18 tuổi.

Điều 7. Phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 298 của Bộ luật Tố tụng hình sự

Trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi có căn cứ cho rằng bị can hoặc bị cáo phạm tội khác nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố thì thực hiện như sau:

1. Trường hợp phải thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can về tội danh khác nặng hơn thì Viện kiểm sát trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung để thay đổi tội danh và kết luận điều tra về tội danh khác nặng hơn;

2. Trường hợp Viện kiểm sát đã yêu cầu mà Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can về tội danh khác nặng hơn và yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện theo quy định tại Điều 156 và Điều 180 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 8. Phối hợp thực hiện việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Trong thời hạn quyết định việc truy tố hoặc chuẩn bị xét xử, Viện kiểm sát, Tòa án phải nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung và ra ngay quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Điều 9. Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung

1. Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải ra quyết định bằng văn bản và do người có thẩm quyền ký theo quy định tại các điều 41, 44 và 45 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải ghi số, ngày, tháng, năm và lần trả hồ sơ (thứ nhất hoặc thứ hai). Trong phần nội dung phải ghi cụ thể những vấn đề cần phải điều tra bổ sung, những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng cần được khắc phục và những căn cứ pháp luật được áp dụng.

3. Trường hợp phải tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì trong quyết định nêu rõ những vấn đề yêu cầu điều tra bổ sung lần trước chưa được điều tra bổ sung hoặc đã điều tra bổ sung nhưng chưa đạt yêu cầu hoặc từ kết quả điều tra bổ sung làm phát sinh vấn đề mới cần điều tra.

4. Trường hợp Tòa án quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để truy tố lại theo quy định tại khoản 3 Điều 298 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì trong quyết định trả hồ sơ phải nêu rõ tội danh nặng hơn mà Tòa án đề nghị Viện kiểm sát truy tố lại.

Điều 10. Phối hợp thực hiện quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung

1. Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các yêu cầu nêu trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Viện kiểm sát theo quy định tại Điều 167 và Điều 245 của Bộ luật Tố tụng hình sự; nếu quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Viện kiểm sát không có căn cứ theo quy định tại các điều 3, 4 và 6 của Thông tư liên tịch này thì sau khi nhận hồ sơ vụ án, Cơ quan điều tra phải có văn bản nêu rõ lý do giữ nguyên kết luận điều tra và chuyển lại hồ sơ cho Viện kiểm sát.

2. Sau khi nhận được hồ sơ vụ án và quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án, Viện kiểm sát xử lý như sau:

a) Nếu quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án có căn cứ mà Viện kiểm sát có thể tự bổ sung được thì Viện kiểm sát tiến hành điều tra theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 236, khoản 1 Điều 246 của Bộ luật Tố tụng hình sự; trường hợp không thể tự mình bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra;

b) Nếu quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án không có căn cứ theo quy định tại các điều 3, 5 và 6 của Thông tư liên tịch này thì Viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án để đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại Điều 246 và khoản 3 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

3. Sau khi kết thúc điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra phải có kết luận điều tra bổ sung, trong đó kết luận rõ đối với từng vấn đề điều tra bổ sung, quan điểm giải quyết vụ án và tùy từng trường hợp thì xử lý như sau:

a) Nếu kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản kết luận điều tra trước đó thì Cơ quan điều tra phải ra kết luận điều tra mới thay thế theo quy định tại khoản 3 Điều 245 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

b) Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ điều tra, thì Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định tại Điều 230 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

4. Sau khi có kết quả điều tra bổ sung, Viện kiểm sát xử lý như sau:

a) Nếu kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi nội dung cáo trạng trước đó thì Viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển hồ sơ đến Tòa án;

b) Nếu kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản nội dung cáo trạng trước đó thì Viện kiểm sát ban hành cáo trạng mới thay thế và chuyển hồ sơ đến Tòa án;

c) Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Cơ quan điều tra, Tòa án biết theo quy định tại Điều 248 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 11. Phối hợp giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra để hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung

1. Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra phải phối hợp chặt chẽ ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra vụ án.

Điều tra viên phải chủ động gửi đầy đủ, kịp thời chứng cứ, tài liệu đã thu thập được cho Kiểm sát viên thụ lý vụ án và thực hiện đầy đủ các yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát.

Kiểm sát viên phải thường xuyên theo dõi, nắm chắc tiến độ điều tra vụ án, nghiên cứu kỹ chứng cứ, tài liệu do Điều tra viên đã thu thập; kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, chủ động phối hợp với Điều tra viên để điều tra làm rõ những vấn đề cần chứng minh ngay trong giai đoạn điều tra vụ án; đồng thời kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, bảo đảm việc điều tra vụ án khách quan, toàn diện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Trước khi kết thúc điều tra vụ án ít nhất 10 ngày, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp để đánh giá các chứng cứ, tài liệu đã thu thập, bảo đảm đầy đủ, hợp pháp; nếu phát hiện có một trong các căn cứ quy định tại các điều 3, 4, 5 và 6 của Thông tư liên tịch này thì phải bổ sung, khắc phục ngay trong giai đoạn điều tra; đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phải tiến hành sơ kết, đánh giá toàn diện kết quả điều tra vụ án, chỉ đạo điều tra giải quyết những vấn đề còn mâu thuẫn, tồn tại và quyết định việc kết thúc điều tra, hướng xử lý vụ án theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong giai đoạn truy tố để hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung

1. Sau khi nhận hồ sơ vụ án và kết luận điều tra, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, kiểm tra việc chấp hành các thủ tục tố tụng, tính đầy đủ, hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án.

Kiểm sát viên phải trực tiếp hỏi cung bị can trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 183 của Bộ luật Tố tụng hình sự; nếu thấy còn thiếu chứng cứ, tài liệu hoặc có vi phạm thủ tục tố tụng mà tự mình có thể bổ sung được thì Kiểm sát viên phối hợp với Điều tra viên để bổ sung, khắc phục kịp thời; trường hợp không thể bổ sung được thì Kiểm sát viên phải báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát để xem xét, quyết định.

2. Trong thời hạn quyết định việc truy tố, nếu thấy vụ án có những vấn đề phức tạp về chứng cứ, tội danh hoặc trong trường hợp cần thiết khác, Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát để trao đổi với lãnh đạo Cơ quan điều tra, Tòa án về hướng giải quyết vụ án.

3. Trường hợp phát sinh những vấn đề phức tạp, Viện kiểm sát chủ động tổ chức họp liên ngành để làm rõ những vấn đề cần phải điều tra bổ sung nhằm bảo đảm việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung đúng trọng tâm, triệt để và kịp thời.

4. Trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp không thống nhất được với nhau về vấn đề cần phải điều tra bổ sung, thì cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý hồ sơ vụ án phải chủ trì xây dựng báo cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp để báo cáo với lãnh đạo liên ngành cấp trên trực tiếp xem xét cho ý kiến về việc giải quyết vụ án.

Điều 13. Phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án trong giai đoạn xét xử để hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung

1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, sau khi nghiên cứu hồ sơ nếu thấy có một trong các căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung quy định tại các điều 3, 4, 5 và 6 của Thông tư liên tịch này thì Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa trao đổi với Kiểm sát viên để có biện pháp khắc phục kịp thời hoặc có thể bổ sung được tại phiên tòa mà không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nếu Kiểm sát viên và Thẩm phán không thống nhất ý kiến, thì báo cáo lãnh đạo liên ngành xem xét cho ý kiến về việc giải quyết vụ án.

Trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên chủ động phối hợp với Hội đồng xét xử làm rõ những chứng cứ liên quan đến việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Nếu có một trong các căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung quy định tại các điều 3, 4, 5 và 6 của Thông tư liên tịch này hoặc phát sinh những vấn đề mới, phức tạp mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của Kiểm sát viên quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

3. Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm, nếu phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Tòa án thụ lý xét xử sơ thẩm trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp để làm rõ những vấn đề điều tra bổ sung. Trước khi Tòa án ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Viện kiểm sát cấp dưới báo cáo với Viện kiểm sát cấp trên xem xét, trao đổi với Tòa án. Trường hợp Tòa án vẫn quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì xử lý như sau:

a) Nếu quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án có căn cứ thì Viện kiểm sát cấp dưới làm văn bản nêu rõ lý do và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cấp trên để thực hiện việc điều tra bổ sung theo thẩm quyền;

b) Nếu quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án không có căn cứ thì Viện kiểm sát cấp dưới có văn bản nêu rõ lý do giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án để đưa vụ án ra xét xử đồng thời báo cáo Viện kiểm sát cấp trên.

4. Trường hợp vụ án có bị can đang bị tạm giam mà xét thấy cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì trước khi hết thời hạn tạm giam ít nhất 07 ngày, Tòa án thông báo cho Viện kiểm sát biết để xem xét, quyết định việc tạm giam bị can khi nhận hồ sơ vụ án.

Điều 14. Phối hợp thực hiện quản lý việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung

1. Các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm quản lý việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung ở cấp mình. Viện kiểm sát có trách nhiệm quản lý về số vụ, số lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung của các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp. Viện kiểm sát cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, đánh giá tình hình trả hồ sơ để điều tra bổ sung của cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện thuộc địa phương quản lý.

2. Định kỳ (hàng tháng, hàng quý, sáu tháng, một năm) từng cơ quan tiến hành tố tụng phải xây dựng báo cáo về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung; trong đó, phải đánh giá tình hình, xác định số vụ/ bị can, bị cáo, phân tích lý do trả hồ sơ để điều tra bổ sung, số vụ trả có căn cứ, số vụ trả không có căn cứ, nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, người tiến hành tố tụng trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

3. Cách tính tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Viện kiểm sát, Tòa án như sau:

a) Tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Viện kiểm sát bằng số vụ án do Viện kiểm sát đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung có căn cứ trên tổng số vụ Cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát đề nghị truy tố (bao gồm cả số vụ kết thúc điều tra cũ chưa giải quyết và số vụ mới);

Ví dụ: Năm 2018 Viện kiểm sát tỉnh H đã có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung 9 vụ được Cơ quan điều tra chấp nhận trong tổng số 150 vụ (cũ 10 vụ, mới 140 vụ) mà Cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra chuyển hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát truy tố, thì tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung của Viện kiểm sát đối với Cơ quan điều tra là 6% (9 vụ/150 vụ x 100%).

b) Tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án bằng số vụ án do Tòa án đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung có căn cứ trên tổng số vụ Viện kiểm sát đã truy tố và chuyển hồ sơ đến Tòa án để xét xử (bao gồm cả số vụ truy tố cũ chưa giải quyết và số vụ truy tố mới);

Ví dụ: Năm 2018 Tòa án đã có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung 5 vụ được Viện kiểm sát chấp nhận trong tổng số 100 vụ (cũ 10 vụ, mới 90 vụ) mà Viện kiểm sát đã truy tố và chuyển hồ sơ đến Tòa án để xét xử, thì tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án đối với Viện kiểm sát là 5% (5 vụ/100 vụ x 100%).

c) Trường hợp cùng một vụ án nhưng Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, thì tính là 01 vụ và phân tích là trả nhiều lần;

d) Trường hợp vụ án do Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, sau đó Viện kiểm sát lại trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa án, thì tính là 01 vụ và phân tích là trả 01 lần (vụ án được tính do Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung).

Điều 15. Phối hợp xác định trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung

1. Cơ quan điều tra, Điều tra viên chịu trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong những trường hợp sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, kịp thời yêu cầu điều tra hoặc quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Viện kiểm sát dẫn đến vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với những vấn đề mà Viện kiểm sát đã yêu cầu điều tra;

b) Không cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật trong quá trình điều tra vụ án làm cho Kiểm sát viên không nắm được nội dung vụ án để kịp thời đề ra yêu cầu điều tra dẫn đến Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

2. Viện kiểm sát, Kiểm sát viên chịu trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong những trường hợp sau đây:

a) Không đề ra yêu cầu điều tra hoặc không trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với những vấn đề có thể phát hiện được dẫn đến Tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

b) Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung không có căn cứ và Cơ quan điều tra có văn bản giữ nguyên kết luận điều tra, sau đó Viện kiểm sát quyết định truy tố như đề nghị của Cơ quan điều tra.

3. Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa hoặc Hội đồng xét xử chịu trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong trường hợp quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung không có căn cứ và Viện kiểm sát có văn bản giữ nguyên quyết định truy tố, sau đó Tòa án xét xử vụ án như quyết định truy tố của Viện kiểm sát.

4. Trong trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm cụ thể của từng người tiến hành tố tụng ở mỗi cấp có liên quan đến việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Điều khoản thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành từ ngày 06 tháng 02 năm 2018, thay thế Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSTC-BCA-TATC ngày 27/8/2010 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Hướng dẫn trước đây của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trái với quy định tại Thông tư liên tịch này được bãi bỏ.

2. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để có hướng dẫn kịp thời./.

 

KT. CHÁNH ÁN TÒA ÁN
NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN




Nguyễn Trí Tuệ

KT. VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG




Trần Công Phàn

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Lê Quý Vương

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Lê Chiêm

 

Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ (02 bản);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Bộ Công an;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT (VKSNDTC, TANDTC, BCA, BQP), V4.

 

 

 

Điều 245. Trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung

1. Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được;
...
Điều 280. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung

1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;

Xem nội dung VB
Điều 245. Trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung

1. Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được;
...
Điều 280. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung

1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;

Xem nội dung VB
Điều 86. Chứng cứ

Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Điều 87. Nguồn chứng cứ

1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

a) Vật chứng;

b) Lời khai, lời trình bày;

c) Dữ liệu điện tử;

d) Kết luận giám định, định giá tài sản;

đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;

g) Các tài liệu, đồ vật khác.

2. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.

Xem nội dung VB
Điều 85. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự

Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh:

1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;

2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;

3. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;

4. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;

5. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;

6. Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.
...
Điều 441. Những vấn đề cần phải chứng minh khi tiến hành tố tụng đối với pháp nhân bị buộc tội

1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội thuộc trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của Bộ luật hình sự.

2. Lỗi của pháp nhân, lỗi của cá nhân là thành viên của pháp nhân.

3. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội của pháp nhân gây ra.

4. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết khác liên quan đến miễn hình phạt.

5. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội.

Xem nội dung VB
Điều 10. Cố ý phạm tội

Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Điều 11. Vô ý phạm tội

Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Xem nội dung VB
Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

m) Phạm tội do lạc hậu;

n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

r) Người phạm tội tự thú;

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải;

*Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 51 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm s ... khoản 1 Điều 51 như sau:

“s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;*

t) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm;

*Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 51 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm s ... khoản 1 Điều 51 như sau:
...
t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;”;*

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

x) Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng.

*Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 51 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm x khoản 1 Điều 51 như sau:

“x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.”.*

2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
...
Điều 84. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

d) Tích cực hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án;

*Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
12. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 84 như sau:

“d) Tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;”.*

đ) Có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội.

2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

Xem nội dung VB
Điều 52. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;

d) Phạm tội có tính chất côn đồ;

đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;

e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;

g) Phạm tội 02 lần trở lên;

h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;

i) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên;

*Dấu phẩy trước cụm từ “người đủ 70 tuổi trở lên” bị thay thế bởi Điểm b Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
b) Thay thế dấu “,” bằng từ “hoặc” trước cụm từ “người đủ 70 tuổi trở lên” tại điểm i khoản 1... Điều 52*

k) Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;

l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;

m) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội;

*Dấu phẩy trước cụm từ “tàn ác để phạm tội” bị thay thế bởi Điểm b Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
b) Thay thế dấu “,” bằng từ “hoặc” ... trước cụm từ “tàn ác để phạm tội” tại điểm m khoản 1 ... Điều 52*

n) Dùng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;

*Dấu phẩy trước cụm từ “phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người” bị thay thế bởi Điểm b Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
b) Thay thế dấu “,” bằng từ “hoặc” ... trước cụm từ “phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người” tại điểm n khoản 1 Điều 52;*

o) Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;

p) Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.

2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
...
Điều 85. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại

1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

a) Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội;

b) Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;

e) Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.

2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.

Xem nội dung VB
Điều 20. Sự kiện bất ngờ

Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 22. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Điều 23. Tình thế cấp thiết

1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 24. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội

1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.

2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 25. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ

Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.

Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 26. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên

Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này.

Chương V THỜI HIỆU TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ, MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Điều 28. Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật này đối với các tội phạm sau đây:

1. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này;

2. Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này;

3. Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.

Điều 29. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi có quyết định đại xá.

2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

*Điểm này được bổ sung bởi Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13

1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:

a) Bổ sung cụm từ “Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác,” vào đầu điểm c khoản 2 ... Điều 29*

3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

*Cụm từ “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý” bị thay thế bởi Điểm a Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:

a) Thay thế cụm từ “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý” bằng cụm từ “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng” tại khoản 3 Điều 29;*

*Khoản này được bổ sung bởi Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13

1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:

a) Bổ sung ... cụm từ “, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” vào sau cụm từ “tài sản của người khác” và từ “hợp pháp” vào sau từ “đại diện” tại khoản 3 Điều 29;*
...
Điều 59. Miễn hình phạt

Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.
...
Điều 88. Miễn hình phạt

Pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Xem nội dung VB
Điều 85. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự

Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh:

1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;

2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;

3. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;

4. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;

5. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;

6. Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.

Xem nội dung VB
Điều 75. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.

2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

Xem nội dung VB
Điều 245. Trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung

1. Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:
...
b) Có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác;

c) Có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can;

Xem nội dung VB
Điều 242. Nhập hoặc tách vụ án trong giai đoạn truy tố
...
2. Viện kiểm sát quyết định tách vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây nếu xét thấy việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện và đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can:

a) Bị can bỏ trốn;

b) Bị can mắc bệnh hiểm nghèo;

c) Bị can bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Xem nội dung VB
Điều 246. Giải quyết yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án

Trường hợp Tòa án quyết định trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát phải xem xét căn cứ của việc yêu cầu điều tra bổ sung và giải quyết như sau:

1. Nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung có căn cứ mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ; trường hợp Viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

Trường hợp kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản nội dung bản cáo trạng trước đó thì Viện kiểm sát phải ra bản cáo trạng mới thay thế và chuyển hồ sơ đến Tòa án. Trường hợp kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết;

Xem nội dung VB
Điều 280. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung

1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:
...
b) Có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm;

c) Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;

Xem nội dung VB
Điều 170. Nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra
...
2. Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
...
Điều 242. Nhập hoặc tách vụ án trong giai đoạn truy tố
...
2. Viện kiểm sát quyết định tách vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây nếu xét thấy việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện và đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can:

a) Bị can bỏ trốn;

b) Bị can mắc bệnh hiểm nghèo;

c) Bị can bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Xem nội dung VB
Điều 284. Yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ

1. Khi xét thấy cần bổ sung tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án mà không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Thẩm phán chủ toạ phiên tòa yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung.

2. Yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ phải bằng văn bản, nêu rõ tài liệu, chứng cứ cần bổ sung và gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra văn bản yêu cầu.

3. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát gửi cho Tòa án tài liệu, chứng cứ được yêu cầu bổ sung. Trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được tài liệu, chứng cứ thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.

Xem nội dung VB
Điều 245. Trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung

1. Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:
...
d) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
...
Điều 280. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung

1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:
...
d) Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

Xem nội dung VB
Điều 76. Chỉ định người bào chữa

1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:

a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;

b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:

a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;

b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;

c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.

Điều 77. Thay đổi hoặc từ chối người bào chữa

1. Những người sau đây có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa:

a) Người bị buộc tội;

b) Người đại diện của người bị buộc tội;

c) Người thân thích của người bị buộc tội.

Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này.

2. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối.

3. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này, người bị buộc tội và người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.

Trường hợp thay đổi người bào chữa thì việc chỉ định người bào chữa khác được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 76 của Bộ luật này.

Trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.

Xem nội dung VB
Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Xem nội dung VB
Điều 170. Nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra

1. Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Bị can phạm nhiều tội;

b) Bị can phạm tội nhiều lần;

c) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.

2. Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.

3. Quyết định nhập hoặc tách vụ án phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định. Trường hợp không nhất trí với quyết định nhập hoặc tách vụ án của Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ và nêu rõ lý do.
...
Điều 242. Nhập hoặc tách vụ án trong giai đoạn truy tố

1. Viện kiểm sát quyết định nhập vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Bị can phạm nhiều tội;

b) Bị can phạm tội nhiều lần;

c) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.

2. Viện kiểm sát quyết định tách vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây nếu xét thấy việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện và đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can:

a) Bị can bỏ trốn;

b) Bị can mắc bệnh hiểm nghèo;

c) Bị can bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Xem nội dung VB
Điều 70. Người phiên dịch, người dịch thuật

1. Người phiên dịch, người dịch thuật là người có khả năng phiên dịch, dịch thuật và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt.

2. Người phiên dịch, người dịch thuật có quyền:

a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

b) Đề nghị cơ quan yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc phiên dịch, dịch thuật;

d) Được cơ quan yêu cầu chi trả thù lao phiên dịch, dịch thuật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

3. Người phiên dịch, người dịch thuật có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

b) Phiên dịch, dịch thuật trung thực. Nếu phiên dịch, dịch thuật gian dối thì người phiên dịch, người dịch thuật phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự;

c) Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi phiên dịch, dịch thuật;

d) Phải cam đoan trước cơ quan đã yêu cầu về việc thực hiện nghĩa vụ của mình.

4. Người phiên dịch, người dịch thuật phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

b) Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản trong vụ án đó;

c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

5. Việc thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật do cơ quan yêu cầu phiên dịch, dịch thuật quyết định.

6. Những quy định tại Điều này cũng áp dụng đối với người biết được cử chỉ, hành vi của người câm, người điếc, chữ của người mù.

Xem nội dung VB
Điều 49. Các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

1. Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

2. Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;
...
Điều 51. Thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra

1. Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên hoặc Thư ký Tòa án.

2. Việc thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra do Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định.

Điều tra viên bị thay đổi là Thủ trưởng Cơ quan điều tra thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì việc điều tra vụ án do Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp tiến hành.

Điều 52. Thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên

1. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên hoặc Thư ký Tòa án.

2. Việc thay đổi Kiểm sát viên trước khi mở phiên tòa do Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp được phân công giải quyết vụ án quyết định.

Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.

Trường hợp phải thay đổi Kiểm sát viên tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa.

Điều 53. Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm

1. Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;

b) Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau;

c) Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.

2. Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm trước khi mở phiên tòa do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án được phân công giải quyết vụ án quyết định.

Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì do Chánh án Tòa án trên một cấp quyết định.

Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định trước khi bắt đầu xét hỏi bằng cách biểu quyết tại phòng nghị án. Khi xem xét thay đổi thành viên nào thì thành viên đó được trình bày ý kiến của mình, Hội đồng quyết định theo đa số.

Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa.

Điều 54. Thay đổi Thư ký Tòa án

1. Thư ký Tòa án phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.

2. Việc thay đổi Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án được phân công giải quyết vụ án quyết định.

Việc thay đổi Thư ký Tòa án tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định.

Trường hợp phải thay đổi Thư ký Tòa án tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm ngừng phiên tòa.
...
Điều 68. Người giám định

1. Người giám định là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực cần giám định, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật.

2. Người giám định có quyền:

a) Tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng phải giám định;

b) Yêu cầu cơ quan trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định cung cấp tài liệu cần thiết cho việc kết luận;

c) Tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai và đặt câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định;

d) Từ chối thực hiện giám định trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành giám định, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận, nội dung yêu cầu giám định vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình;

đ) Ghi riêng ý kiến của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận chung trong trường hợp giám định do tập thể giám định tiến hành;

e) Các quyền khác theo quy định của Luật giám định tư pháp.

3. Người giám định có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

b) Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện giám định;

c) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật giám định tư pháp.

4. Người giám định kết luận gian dối hoặc từ chối kết luận giám định mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

5. Người giám định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

b) Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản trong vụ án đó;

c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

6. Việc thay đổi người giám định do cơ quan trưng cầu giám định quyết định.

Điều 69. Người định giá tài sản

1. Người định giá tài sản là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực giá, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá tài sản theo quy định của pháp luật.

2. Người định giá tài sản có quyền:

a) Tìm hiểu tài liệu của vụ án liên quan đến đối tượng phải định giá;

b) Yêu cầu cơ quan yêu cầu định giá, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá cung cấp tài liệu cần thiết cho việc định giá;

c) Từ chối thực hiện định giá trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành định giá, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để định giá, nội dung yêu cầu định giá vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình;

d) Ghi ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận của Hội đồng định giá tài sản;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

3. Người định giá tài sản có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

b) Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện định giá tài sản;

c) Các nghĩa vụ khác theo quy định của luật.

4. Người định giá tài sản kết luận gian dối hoặc từ chối tham gia định giá mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

5. Người định giá tài sản phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

b) Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;

c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

6. Việc thay đổi người định giá tài sản do cơ quan yêu cầu định giá tài sản quyết định.

Điều 70. Người phiên dịch, người dịch thuật

1. Người phiên dịch, người dịch thuật là người có khả năng phiên dịch, dịch thuật và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt.

2. Người phiên dịch, người dịch thuật có quyền:

a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

b) Đề nghị cơ quan yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc phiên dịch, dịch thuật;

d) Được cơ quan yêu cầu chi trả thù lao phiên dịch, dịch thuật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

3. Người phiên dịch, người dịch thuật có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

b) Phiên dịch, dịch thuật trung thực. Nếu phiên dịch, dịch thuật gian dối thì người phiên dịch, người dịch thuật phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự;

c) Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi phiên dịch, dịch thuật;

d) Phải cam đoan trước cơ quan đã yêu cầu về việc thực hiện nghĩa vụ của mình.

4. Người phiên dịch, người dịch thuật phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

b) Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản trong vụ án đó;

c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

5. Việc thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật do cơ quan yêu cầu phiên dịch, dịch thuật quyết định.

6. Những quy định tại Điều này cũng áp dụng đối với người biết được cử chỉ, hành vi của người câm, người điếc, chữ của người mù.

Xem nội dung VB
Điều 88. Thu thập chứng cứ
...
5. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.

Xem nội dung VB
Điều 298. Giới hạn của việc xét xử
...
3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.

Xem nội dung VB
Điều 156. Thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự

1. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra; ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố.

2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định kèm theo các tài liệu liên quan đến việc thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát việc khởi tố.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát phải gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.
...
Điều 180. Thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can

1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thay đổi quyết định khởi tố bị can khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Khi tiến hành điều tra nếu có căn cứ xác định hành vi của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố;

b) Quyết định khởi tố ghi không đúng họ, tên, tuổi, nhân thân của bị can.

2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải bổ sung quyết định khởi tố bị can nếu có căn cứ xác định bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm.

3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định này và tài liệu có liên quan đến việc thay đổi hoặc bổ sung đó cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can hoặc yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ để quyết định việc phê chuẩn và gửi ngay cho Cơ quan điều tra.

Trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu bổ sung, Viện kiểm sát ra quyết định phê chuẩn hoặc hủy bỏ quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

4. Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định này cho người đã bị khởi tố.

Việc giao, nhận các quyết định nêu trên được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.

Xem nội dung VB
Điều 41. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát

1. Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự;

b) Quyết định phân công hoặc thay đổi Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; kiểm tra hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát;

c) Quyết định phân công hoặc thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; kiểm tra hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Kiểm sát viên;

d) Quyết định rút, đình chỉ hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Viện kiểm sát cấp dưới;

đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.

Khi vắng mặt, Viện trưởng Viện kiểm sát ủy quyền cho một Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát về nhiệm vụ được ủy quyền.

2. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự, Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; quyết định khởi tố, không khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật này;

b) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; quyết định khởi tố, không khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can; quyết định nhập, tách vụ án;

c) Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; quyết định việc gia hạn kiểm tra và xác minh nguồn tin về tội phạm, gia hạn tạm giữ, gia hạn điều tra, gia hạn tạm giam, gia hạn truy tố;

d) Quyết định khám xét, thu giữ, tạm giữ, xử lý vật chứng;

đ) Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định. Yêu cầu định giá, định giá lại tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản;

e) Yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra, cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra;

g) Phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định, lệnh của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

h) Quyết định hủy bỏ các quyết định, lệnh không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

i) Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra; quyết định chuyển vụ án;

k) Quyết định áp dụng, đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh;

l) Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hoặc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn;

m) Quyết định truy tố bị can, trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc điều tra lại;

n) Yêu cầu phục hồi điều tra; quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra đối với bị can, phục hồi vụ án, phục hồi vụ án đối với bị can;

o) Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật này;

p) Thực hiện quyền kiến nghị theo quy định của pháp luật;

q) Ban hành quyết định, lệnh và tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.

3. Khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình.

4. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không được ủy quyền cho Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
...
Điều 44. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án

1. Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Trực tiếp tổ chức việc xét xử vụ án hình sự; quyết định giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử;

b) Quyết định phân công Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết, xét xử vụ án hình sự; quyết định phân công Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự; quyết định phân công Thẩm tra viên thẩm tra hồ sơ vụ án hình sự;

c) Quyết định thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa;

d) Ra quyết định thi hành án hình sự;

đ) Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù;

e) Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù;

g) Quyết định xoá án tích;

h) Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Khi vắng mặt, Chánh án Tòa án ủy quyền cho một Phó Chánh án Tòa án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án. Phó Chánh án Tòa án phải chịu trách nhiệm trước Chánh án Tòa án về nhiệm vụ được ủy quyền.

2. Khi tiến hành việc giải quyết vụ án hình sự, Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam, xử lý vật chứng;

b) Quyết định áp dụng, đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh;

c) Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hoặc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn;

d) Kiến nghị, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;

đ) Quyết định và tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án;

e) Tiến hành hoạt động tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.

3. Khi được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự, Phó Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. Phó Chánh án Tòa án không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình.

4. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án không được ủy quyền cho Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Điều 45. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán

1. Thẩm phán được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa;

b) Tiến hành xét xử vụ án;

c) Tiến hành hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử;

d) Tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.

2. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này và những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ biện pháp tạm giam;

b) Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c) Quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án;

d) Điều hành việc xét xử vụ án, tranh tụng tại phiên tòa;

đ) Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản;

e) Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật;

g) Quyết định triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa;

h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án theo quy định của Bộ luật này.

3. Thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

Xem nội dung VB
Điều 298. Giới hạn của việc xét xử
...
3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.

Xem nội dung VB
Điều 167. Trách nhiệm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra

1. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra.

2. Đối với quyết định quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 165 của Bộ luật này nếu không nhất trí, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra vẫn phải thực hiện nhưng có quyền kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của Cơ quan điều tra hoặc trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị.
...
Điều 245. Trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung

1. Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được;

b) Có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác;

c) Có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can;

d) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

2. Quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung phải ghi rõ vấn đề cần điều tra bổ sung quy định tại khoản 1 Điều này và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.

3. Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện đầy đủ yêu cầu nêu trong quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Viện kiểm sát; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Kết thúc điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra phải có bản kết luận điều tra bổ sung. Bản kết luận điều tra bổ sung phải ghi rõ kết quả điều tra bổ sung, quan điểm giải quyết vụ án. Nếu kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản kết luận điều tra trước đó thì Cơ quan điều tra phải ra bản kết luận điều tra mới thay thế.

Việc chuyển hồ sơ vụ án kèm theo kết luận điều tra bổ sung cho Viện kiểm sát; việc giao, nhận, gửi thông báo kết quả điều tra bổ sung được thực hiện theo quy định tại Điều 232 và Điều 238 của Bộ luật này.

Xem nội dung VB
Điều 236. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố
...
2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu liên quan đến vụ án trong trường hợp cần thiết.

3. Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra.
...
Điều 246. Giải quyết yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án

Trường hợp Tòa án quyết định trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát phải xem xét căn cứ của việc yêu cầu điều tra bổ sung và giải quyết như sau:

1. Nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung có căn cứ mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ; trường hợp Viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

Trường hợp kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản nội dung bản cáo trạng trước đó thì Viện kiểm sát phải ra bản cáo trạng mới thay thế và chuyển hồ sơ đến Tòa án. Trường hợp kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết;

Xem nội dung VB
Điều 246. Giải quyết yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án

Trường hợp Tòa án quyết định trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát phải xem xét căn cứ của việc yêu cầu điều tra bổ sung và giải quyết như sau:

1. Nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung có căn cứ mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ; trường hợp Viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

Trường hợp kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản nội dung bản cáo trạng trước đó thì Viện kiểm sát phải ra bản cáo trạng mới thay thế và chuyển hồ sơ đến Tòa án. Trường hợp kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết;

2. Nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không có căn cứ thì Viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do, giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án.
...
Điều 280. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung
...
3. Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải ghi rõ những vấn đề cần điều tra bổ sung và gửi cho Viện kiểm sát kèm theo hồ sơ vụ án trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định.

Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới việc đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định.

Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới phải thay đổi quyết định truy tố thì Viện kiểm sát ban hành bản cáo trạng mới thay thế bản cáo trạng trước đó.

Trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.

Xem nội dung VB
Điều 245. Trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung
...
3. Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện đầy đủ yêu cầu nêu trong quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Viện kiểm sát; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Kết thúc điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra phải có bản kết luận điều tra bổ sung. Bản kết luận điều tra bổ sung phải ghi rõ kết quả điều tra bổ sung, quan điểm giải quyết vụ án. Nếu kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản kết luận điều tra trước đó thì Cơ quan điều tra phải ra bản kết luận điều tra mới thay thế.

Việc chuyển hồ sơ vụ án kèm theo kết luận điều tra bổ sung cho Viện kiểm sát; việc giao, nhận, gửi thông báo kết quả điều tra bổ sung được thực hiện theo quy định tại Điều 232 và Điều 238 của Bộ luật này.

Xem nội dung VB
Điều 230. Đình chỉ điều tra

1. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự;

b) Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

2. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố theo thời hạn, trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật này.

Xem nội dung VB
Điều 248. Đình chỉ vụ án

1. Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự.

2. Quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do và căn cứ đình chỉ vụ án, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), các vấn đề khác có liên quan và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can thì quyết định đình chỉ vụ án đối với từng bị can.

Xem nội dung VB
Điều 183. Hỏi cung bị can
...
4. Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết. Việc Kiểm sát viên hỏi cung bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 280. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung
...
2. Trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ.

Xem nội dung VB




Hiện tại không có văn bản nào liên quan.