Thông tư 27/2018/TT-NHNN quy định về trường hợp phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Số hiệu: 27/2018/TT-NHNN Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Người ký: Nguyễn Đồng Tiến
Ngày ban hành: 22/11/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 03/12/2018 Số công báo: Từ số 1073 đến số 1074
Lĩnh vực: Ngân hàng, tiền tệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2018/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2018

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CÁC TRƯỜNG HỢP PHONG TỎA, CHẤM DỨT PHONG TỎA VỐN VÀ TÀI SẢN CỦA CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định các trường hợp phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định các trường hợp phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Phong tỏa vốn và tài sản là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) thực hiện một hoặc một số cách thức sau:

a) Yêu cầu chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được chuyển vốn, tài sản ra nước ngoài;

b) Phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước;

c) Yêu cầu chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi vốn, tài sản vào Ngân hàng Nhà nước và phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi vào;

d) Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang gửi vốn, tài sản phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi tại tổ chức tín dụng đó;

đ) Yêu cầu chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi vốn, tài sản vào một tổ chức tín dụng và yêu cầu tổ chức tín dụng đó phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi vào.

2. Ngân hàng mẹ là ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam.

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện việc phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản

1. Việc phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.

2. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, ra Quyết định phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp quy định tại Điều 5 Thông tư này. Quyết định phong tỏa vốn và tài sản nêu rõ lý do phong tỏa, thời điểm bắt đầu phong tỏa, cách thức phong tỏa, trách nhiệm của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, ra Quyết định chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc các trường hợp quy định tại Điều 6 Thông tư này. Quyết định chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản nêu rõ thời điểm chấm dứt phong tỏa, trách nhiệm của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 5. Các trường hợp phong tỏa vốn và tài sản

Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong các trường hợp sau:

1. Giá trị thực của vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm thấp hơn mức vốn pháp định liên tục quá thời gian 06 tháng.

2. Vi phạm tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng quy định tại Điều 130 Luật các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu khắc phục nhưng không có biện pháp khắc phục hoặc không khắc phục được trong thời hạn theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

3. Số lỗ lũy kế của chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 50% giá trị của vốn được cấp và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất.

4. Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu nhưng ngân hàng mẹ không thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết đối với chi nhánh hoạt động tại Việt Nam.

5. Khi có thông tin về việc ngân hàng mẹ có dấu hiệu mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán hoặc bị cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt hoặc có yêu cầu phải giải thể, thanh lý, phá sản, hoặc bị rút giấy phép thành lập và hoạt động.

Điều 6. Các trường hợp chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản

Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong các trường hợp sau:

1. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã khắc phục được các vi phạm, tồn tại quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

2. Ngân hàng mẹ đã thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư này.

3. Ngân hàng Nhà nước nhận được thông tin từ cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ về việc ngân hàng mẹ đã khắc phục được các tồn tại quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư này.

Điều 7. Trách nhiệm của chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Cung cấp đầy đủ, trung thực, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu về thực trạng tổ chức và hoạt động khi Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu trong trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài có dấu hiệu thuộc một hoặc một số trường hợp phong tỏa vốn và tài sản quy định tại Điều 5 Thông tư này.

2. Thực hiện theo đúng Quyết định của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp bị phong tỏa vốn và tài sản.

Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thực hiện việc phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thực hiện phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo Quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 9. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước

1. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

a) Làm đầu mối tiếp nhận các thông tin có liên quan và trình Thống đốc xem xét, quyết định việc phong tỏa vốn và tài sản hoặc chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Sở Giao dịch

Thực hiện phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo Quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

3. Vụ Tài chính - Kế toán

Làm đầu mối hướng dẫn hạch toán kế toán phát sinh trong quá trình phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

4. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước

a) Cung cấp thông tin cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng khi phát hiện chi nhánh ngân hàng nước ngoài có dấu hiệu thuộc một hoặc một số trường hợp phong tỏa vốn và tài sản quy định tại Điều 5 Thông tư này;

b) Phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2019.

2. Bãi bỏ Mục VI Phần II Thông tư số 03/2007/TT-NHNN ngày 05 tháng 6 năm 2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 22/2006/NĐ-CP ngày 28/02/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 11;
- Ban lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Công báo;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Lưu VP, Vụ PC, TTGSNH6 (3).

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Nguyễn Đồng Tiến

 

Điều 130. Tỷ lệ bảo đảm an toàn

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn sau đây:

a) Tỷ lệ khả năng chi trả;

b) Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;

c) Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn;

d) Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có;

đ) Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi;

e) Các tỷ lệ tiền gửi trung, dài hạn so với tổng dư nợ cho vay trung, dài hạn.

*Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng
...
23. Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 1 Điều 130 như sau:

“e) Tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.”*

2. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia phải nắm giữ số lượng tối thiểu giấy tờ có giá được phép cầm cố theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

3. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại khoản 1 Điều này đối với từng loại hình tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

4. Tổng số vốn của một tổ chức tín dụng đầu tư vào tổ chức tín dụng khác, công ty con của tổ chức tín dụng dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần và các khoản đầu tư dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần nhằm nắm quyền kiểm soát các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán phải trừ khỏi vốn tự có khi tính các tỷ lệ an toàn.

5. Trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đạt hoặc có khả năng không đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước giải pháp, kế hoạch khắc phục để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định. Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định tại Điều 149 của Luật này, bao gồm cả việc hạn chế phạm vi hoạt động, xử lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm bảo đảm để tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.

*Khoản này bị bãi bỏ bởi Khoản 24 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng
...
24. Bãi bỏ khoản 5 Điều 130.*

Xem nội dung VB
Phần II CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI
...
VI. PHONG TOẢ VỐN, TÀI SẢN

38. Ngân hàng Nhà nước thực hiện phong toản vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong các trường hợp sau đây:

a) Giá trị thực có của vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị giảm thấp hơn vốn pháp định quá thời gian 6 tháng.

b) Vi phạm tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu khắc phục nhưng không có biện pháp khắc phục theo đúng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

c) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.

d) Ngân hàng mẹ có dấu hiệu mất khả năng chi trả, khả năng thanh toán; hoặc bị cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, hoặc có yêu cầu phải giải thể, thanh lý, phá sản, hoặc bị rút giấy phép thành lập và hoạt động.

e) Ngân hàng mẹ không thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết đối với chi nhánh hoạt động tại Việt Nam và đối với Ngân hàng Nhà nước.

g) Khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện giải thể, kết thúc hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài và thu hồi Giấy phép mở chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

39. Ngân hàng Nhà nước huỷ bỏ biện pháp phong toả vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi:

a) Ngân hàng mẹ và/hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã khắc phục được các vi phạm, tồn tại.

b) Kết thúc quy trình giải thể, kết thúc hoạt động và thu hồi Giấy phép mở chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Xem nội dung VB