Thông tư 01/2006/TT-BCA(C11) thực hiện Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
Số hiệu: 01/2006/TT-BCA(C11) Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Công An Người ký: Lê Thế Tiệm
Ngày ban hành: 12/01/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 30/01/2006 Số công báo: Từ số 45 đến số 46
Lĩnh vực: Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ CÔNG AN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2006/TT-BCA(C11)

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2006 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA ĐIỀU 35 BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2003

Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên trong khi tiến hành tố tụng hình sự. Đây là vấn đề mới, do đó, để bảo đảm việc thực hiện thống nhất và đạt được các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, từng bước củng cố, kiện toàn đội ngũ Điều tra viên của Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân, Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 như sau:

1. Về việc triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; lấy lời khai người bị tạm giữ

1.1. Điều tra viên được phân công thụ lý chính điều tra vụ án được ký giấy triệu tập bị can tại ngoại để hỏi cung, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo kế hoạch đã được Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án duyệt. Việc triệu tập bị can, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thực hiện theo quy định tại các điều 129, 133, 135, 136, 137 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

1.2. Điều tra viên được phân công thụ lý chính điều tra vụ án có quyền ký Phiếu yêu cầu trích xuất bị can đang bị tạm giam hoặc người đang bị tạm giữ trong trại tạm giam hoặc nhà tạm giữ để thực hiện các biện pháp điều tra như hỏi cung, nhận dạng, đối chất, thực nghiệm điều tra... hoặc lấy lời khai người bị tạm giữ. Nếu Điều tra viên thấy cần phải làm việc với các bị can, bị cáo của vụ án khác thì phải có ý kiến của Thủ trưởng cơ quan thụ lý vụ án đó.

Khi Điều tra viên có Phiếu yêu cầu trích xuất và Quyết định phân công Điều tra viên thụ lý vụ án thì trại tạm giam hoặc nhà tạm giữ phải trích xuất bị can đang bị tạm giam hoặc người đang bị tạm giữ, giao cho Điều tra viên để thực hiện các biện pháp điều tra như hỏi cung, nhận dạng, đối chất, thực nghiệm điều tra, v. v... hoặc lấy lời khai người bị tạm giữ.

1.3. Khi tiến hành triệu tập để lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trong các vụ án hình sự thuộc các đối tượng dưới đây thì Điều tra viên phải cân nhắc cụ thể từng trường hợp để đề xuất Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án ký giấy triệu tập hoặc giấy mời đến trụ sở Cơ quan điều tra để lấy lời khai hoặc có thể lấy lời khai tại nơi ở, nơi làm việc:

- Những người có chức sắc trong các tôn giáo như: Giám mục, Linh mục trong đạo Thiên chúa; Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức trong Phật giáo; Mục sư, Giáo sư trong đạo Cao đài và người đứng đầu các tôn giáo khác;

- Người có danh tiếng trong xã hội hoặc trong các dân tộc ít người;

- Người là nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ có uy tín lớn trong nước và trên thế giới;

- Đối với người nước ngoài, việc triệu tập phải tuân theo các quy định của pháp luật có liên quan đến quan hệ ngoại giao và người nước ngoài;

- Đối với những người là cán bộ, đảng viên thuộc huyện ủy, tỉnh ủy quản lý, cán bộ, đảng viên cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên thuộc các bộ, ngành và cán bộ, đảng viên do Ban Bí thư quản lý thì khi tiến hành triệu tập để lấy lời khai được tiến hành như sau :

+ Đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện: Điều tra viên báo cáo Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện được phân công chỉ đạo điều tra vụ án ký giấy triệu tập hoặc giấy mời đối với người được triệu tập là cán bộ, đảng viên do huyện ủy quản lý. Nếu người được triệu tập là cán bộ, đảng viên do tỉnh ủy quản lý, cán bộ, đảng viên cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên thuộc các bộ, ngành và cán bộ, đảng viên do Ban Bí thư quản lý thì Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện được phân công chỉ đạo điều tra vụ án báo cáo Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để xin ý kiến trước khi ký giấy triệu tập hoặc giấy mời.

+ Đối với Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh: Điều tra viên báo cáo Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh được phân công chỉ đạo điều tra vụ án ký giấy triệu tập hoặc giấy mời những người là cán bộ, đảng viên thuộc tỉnh ủy quản lý, cán bộ, đảng viên cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên thuộc các bộ, ngành. Nếu người được triệu tập là cán bộ, đảng viên do Ban Bí thư quản lý thì Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh được phân công chỉ đạo điều tra vụ án báo cáo Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để xin ý kiến trước khi ký giấy triệu tập hoặc giấy mời.

+ Đối với Cơ quan điều tra Bộ Công an: Điều tra viên báo cáo Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra ở Bộ được phân công chỉ đạo điều tra vụ án để xin ý kiến trước khi ký giấy triệu tập hoặc giấy mời đối với những người là cán bộ, đảng viên do huyện ủy, tỉnh ủy quản lý, Nếu người được triệu tập là cán bộ, đảng viên do Ban Bí thư quản lý thì Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án báo cáo lãnh đạo Bộ để xin ý kiến trước khi ký giấy triệu tập hoặc giấy mời;

- Khi gặp và tiến hành lấy lời khai của những người tham gia tố tụng hình sự theo giấy triệu tập hoặc giấy mời, Điều tra viên phải có thái độ đúng mực, lịch sự, ứng xử có văn hóa trong hoạt động điều tra. Nghiêm cấm mọi hành vi hống hách, quan liêu, cửa quyền, lăng mạ, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người được triệu tập đến Cơ quan điều tra để tiến hành lấy lời khai;

- Biên bản hỏi cung bị can do Điều tra viên lập theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Biên bản ghi lời khai người làm chứng, biên bản ghi lời khai ngươi bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải thực hiện theo đúng quy định tại các điều 95, 125, 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

- Điều tra viên phải báo cáo ngay kết quả làm việc cho lãnh đạo Phòng ở Cơ quan điều tra Bộ Công an, lãnh đạo Đội ở Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện hoặc Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra biết.

1.4. Giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng. Việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định. Giấy triệu tập bị can tại ngoại; giấy triệu tập hoặc giấy mời người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đến Cơ quan điều tra để làm việc chỉ có giá trị làm việc trong một lần.

Nghiêm cấm lợi dụng việc sử dụng giấy triệu tập để giải quyết các việc không đúng mục đích, đối tượng, chức năng, thẩm quyền như lợi dụng việc ký, sử dụng giấy triệu tập gọi hỏi nhiều lần về các vấn đề không quan trọng, không liên quan đến vụ án hoặc hỏi đi hỏi lại về một vấn đề mà họ đã trình bày, v.v... làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, làm mất uy tín cửa cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghiêm cấm Điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Trước khi triệu tập hoặc mời thì Điều tra viên phải tính toán về thời gian, về việc đi lại của người được triệu tập để tránh gây phiền hà về thời gian hoặc đi lại nhiều lần của người được triệu tập hoặc được mời. Nếu người được triệu tập hoặc được mời ở quá xa trụ sở của Cơ quan điều tra thì có thể triệu tập hoặc mời họ đến trụ sở Công an nơi ở hoặc nơi làm việc của họ để lấy lời khai hoặc báo cáo đề xuất Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án thực hiện việc ủy thác điều tra.

2. Việc quyết định áp giải bị can tại ngoại, quyết định dẫn giải người làm chứng

2.1. Việc áp giải bị can tại ngoại hoặc dẫn giải người làm chứng là vấn đề phức tạp, nhạy cảm và rất dễ bị phản ứng. Vì vậy, Điều tra viên phải xem xét rất thận trọng; chỉ nên áp dụng khi thật cần thiết để làm rõ các nội dung quan trọng của vụ án và trong các trường hợp họ cố tình vắng mặt không có lý do chính đáng.

2.2. Điều tra viên quy định tại điểm 1.1 mục 1 của Thông tư này có quyền ký quyết định áp giải bị can tại ngoại, quyết định dẫn giải người làm chứng theo điểm c khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Quyết định áp giải bị can tại ngoại, quyết định dẫn giải người làm chứng được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 129, Điều 130, Điều 133, Điều 134 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Điều tra viên phải báo cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trước khi quyết định việc áp giải bị can tại ngoại hoặc dẫn giải người làm chứng.

2.3. Điều tra viên phải phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp cùng cấp để Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm cử cán bộ thực hiện việc áp giải bị can tại ngoại, dẫn giải người làm chứng đến Cơ quan điều tra để Điều tra viên tiến hành làm việc theo quy định tại Thông tư số 15/2003/TT-BCA(V19) ngày 10 tháng 9 năm 2003 của Bộ Công an.

3. Về phân công nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên trong công tác khám nghiệm hiện trạng, khám nghiệm tử thi

3.1. Trong khi chờ quy định mới của Bộ Công an về vấn đề này thì công tác khám nghiệm hiện trường vẫn được thực hiện theo Quyết định số 57/2001/QĐ-BCA ngày 06 tháng 02 năm 2001 của Bộ Công an. Điều tra viên có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo và chủ trì công tác khám nghiệm hiện trường và chịu trách nhiệm về công tác khám nghiệm hiện trường. Để công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi có hiệu quả, Cơ quan điều tra mời (hoặc trưng dụng) những người có kiến thức chuyên môn trong từng lĩnh vực cụ thể để tham gia khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi như cán bộ kỹ thuật hình sự, bác sĩ pháp y, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, kỹ sư đường sắt, kỹ sư ngành hàng không v.v...

3.2. Đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thì Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án có thể trực tiếp chỉ đạo hoặc chủ trì công tác khám nghiệm hiện trường.

4. Về việc Điều tra viên sử dụng con dấu của Cơ quan điều tra

4.1. Các loại giấy triệu tập, giấy mời, quyết định áp giải bị can tại ngoại, quyết định dẫn giải người làm chứng, các biên bản về hoạt động điều tra do Điều tra viên được phân công điều tra vụ án lập và ký thì Điều tra viên được đóng dấu Cơ quan điều tra điều tra viên phải xuất trình Quyết định phân công Điều tra viên thụ lý vụ án cho văn thư trước khi đóng dấu vào các văn bản tố tụng có chữ ký của Điều tra viên; không đóng dấu treo vào các biên bản hoạt động điều tra do Điều tra viên lập và ký, các văn bản hoạt động điều tra nếu phô-tô thì không được đóng dấu Cơ quan điều tra). Sau khi đã phân công Điều tra viên thụ lý vụ án thì không phải ghi tên Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra vào biên bản hoạt động điều tra, nếu Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không trực tiếp tiến hành các biện pháp điều tra đó; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không phải ký vào các biên bản hoạt động điều tra do Điều tra viên thực hiện.

4.2. Điều tra viên phải đăng ký chữ ký của mình với Văn phòng Cơ quan điều tra cùng cấp hoặc Đội điều tra tổng hợp thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện. Nếu Điều tra viên không đăng ký chữ ký thì không được đóng dấu Cơ quan điều tra.

Cán bộ điều tra chưa được bổ nhiệm làm Điều tra viên không được phân công trong Quyết định phân công Điều tra viên thụ lý vụ án, khi giúp việc cho Điều tra viên trong điều tra vụ án, cán bộ điều tra thực hiện theo kế hoạch điều tra và không được đóng dấu Cơ quan điều tra vào chữ ký của mình trong các biên bản hoạt động điều tra.

5. Hiệu lực của Thông tư

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Cục An ninh điều tra Bộ Công an và Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an giúp lãnh đạo Bộ kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Thông tư này ở Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề mới nảy sinh, Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân báo cáo về Bộ (qua Cục An ninh điều tra Bộ Công an và Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an) để có hướng dẫn bổ sung kịp thời.

 

KT. BỘ TRUỞNG
THỨ TRƯỞNG

 THƯỢNG TƯỚNG  



Lê Thế Tiệm

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.