Quyết định 81/QĐ-TLĐ năm 1996 về tổ chức và hoạt động của tổ chức công đoàn lâm thời do Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
Số hiệu: | 81/QĐ-TLĐ | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam | Người ký: | Nguyễn Văn Tư |
Ngày ban hành: | 17/01/1996 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Lao động, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 81/QĐ-TLĐ |
Hà Nội, ngày 17 tháng 1 năm 1996 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN LÂM THỜI
ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn cứ Luật công đoàn ngày 30 tháng 6 năm 1990
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994.
Sau khi có thoả thuận của Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại công văn số 5650/TCCB ngày 6 tháng 10 năm 1995.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành Qui định về tổ chức và hoạt động của tổ chức công đoàn Lâm thời trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Các liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, các Công đoàn ngành nghề toàn quốc, các Ban và Văn phòng Tổng Liên đoàn chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này.
|
Nguyễn Văn Tư (Đã ký) |
QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN LÂM THỜI
( Ban hành kèm theo quyết định số 81/QĐ-TLĐ ngày 17/1/1996 của Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn LĐVN)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Công đoàn lâm thời được thành lập ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn theo điều 153 Bộ Luật lao động. Công đoàn lâm thời có nhiệm vụ và quyền hạn như tổ chức công đoàn cơ sở của điều lệ Công đoàn Việt Nam. Luật công đoàn và các Nghị định hướng dẫn Luật Công đoàn, Bộ Lao động và của Quy định này.
Điều 2: Đối tượng áp dụng gồm các đơn vị dưới đây có thuê mướn lao động là người Việt Nam.
- Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế;
- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp thuộc khu chế xuất, khu công nghiệp;
- Các cơ quan tổ chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
- Các tổ chức sự nghiệp, du lịch có hạch toán độc lập của các đơn vị hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang.
Sau đây gọi chung là doanh nghiệp.
CHƯƠNG 2:
NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÔNG ĐOÀN LẦM THỜI.
Điều 3: Việc thành lập công đoàn lâm thời được quy định như sau:
1- Những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thì phải thành lập Công đoàn lâm thời.
2- Việc thành lập Công đoàn Lâm thời phải được LĐLĐ tỉnh, thành phố hoặc cấp công đoàn do LĐTĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương uỷ quyền ra quyết định và chỉ định chủ tịch công đoàn lâm thời; Ban Chấp hành công đoàn lâm thời.
Chủ tịch công đoàn lâm thời là người lao động tại doanh nghiệp, trong trường hợp cần thiết thì công đoàn cấp trên cử cán bộ công đoàn chuyên trách làm Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch công đoàn lâm thời.
3- Quyết định thành lập công đoàn lâm thời được thông báo cho người sử dụng lao động biết để cộng tác làm việc.
4- Thời hạn của công đoàn lâm thời, Ban chấp hành Công đoàn lâm thời là 12 tháng. Trường hợp kéo dài phải được sự đồng ý của Công đoàn cấp trên.
Điều 4: Công đoàn lâm thời có nhiệm vụ và quyền hạn:
1- Đại diện cho tập thể lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong doanh nghiệp.
2- Tuyên truyền phổ biến về tổ chức công đoàn Việt Nam, hướng dẫn người lao động về thủ tục xin gia nhập công đoàn; phát triển đoàn viên.
3- Hướng dẫn giúp đỡ người lao động giao kết hợp đồng lao động cá nhân với người sử dụng lao động và thực hiện những điều đã cam kết. Đại diện cho tập thể lao động ký kết thoả ước lao động tập thể với người sử dụng lao động. Giám sát, kiểm tra việc thực hiện những điều đã cam kết và các chế độ chính sách có liên quan đến người lao động.
4- Phối hợp với người sử dụng lao động có biện pháp nhằm làm cho sản xuất phát triển, đảm bảo có việc làm, chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần cho người lao động.
Điều 5: Chủ tịch công đoàn lâm thời có nhiệm vụ, quyền hạn:
1- Chủ tịch công đoàn lâm thời hoặc người được chủ tịch công đoàn lâm thời uỷ quyền được tham dự và tham gia ý kiến trong các cuộc họp của doanh nghiệp bàn về những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích người lao động, có quyền bảo lưu ý kiến trong các trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Khi cần thiết Ban chấp hành công đoàn lâm thời có quyền khởi xướng đình công theo quy định của pháp luật.
2- Được sử dụng một số thời gian cần thiết trong giờ làm việc để làm công tác công đoàn và được người sử dụng lao động trả lương. Số thời gian này tuỳ theo quy mô của doanh nghiệp nhưng không ít hơn 3 ngày làm việc trong tháng đối với doanh nghiệp dưới 150 lao động, 6 ngày đối với doanh nghiệp có trên 150 lao động.
3- Được hưởng lương (nếu là chủ tịch hoặc Phó chủ tịch công đoàn lâm thời chuyên trách) và các khoản phụ cấp do quỹ công đoàn trả, được hưởng các quyền lợi và phúc lợi tập thể như mọi người lao động trong doanh nghiệp.
Điều 6: Thực hiện thu, chi và quản lý tài chính của công đoàn lâm thời theo đúng qui định của Nhà nước và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Chương 3:
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, CÔNG ĐOÀN CÁC CẤP VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG.
Điều 7: Cơ quan Nhà nước các cấp và người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để thành lập và tổ chức hoạt động công đoàn lâm thời trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn.
Điều 8: Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công đoàn ngành nghề toàn quốc có trách nhiệm tổ chức và thành lập công đoàn lâm thời trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn.
Điều 9: Người sử dụng lao động có trách nhiệm:
1- Hợp tác với tổ chức công đoàn lâm thời giải quyết các vấn đề trong quan hệ lao động. Tạo điều kiện, phương tiện làm việc, cung cấp thông tin cần thiết, trích một khoản kinh phí theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, chuyển vào quỹ công đoàn để công đoàn hoạt động.
2- Không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, thi hành kỷ luật với hình thức sa thải, chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn, đối với cán bộ công đoàn lâm thời khi chưa được sự thoả thuận bằng văn bản của công đoàn lâm thời; nếu là chủ tịch công đoàn lâm thời thì nhất thiết phải có sự đồng ý bằng văn bản của công đoàn cấp trên.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10: Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định này thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
Điều 11: Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công đoàn ngành nghề toàn quốc phối hợp với UBND tỉnh thành phố, các bộ triển khai thực hiện quy định này. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc báo cáo Tổng Liên đoàn nghiên cứu giải quyết.