Quyết định 4352/2001/QĐ-BGTVT về Quy chế quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Số hiệu: 4352/2001/QĐ-BGTVT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Trần Doãn Thọ
Ngày ban hành: 18/12/2001 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4352/2001/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 4352/QĐ-BGTVT NGÀY 18 THÁNG 12 NĂM 2001 BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ SÁT HẠCH CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29/6/2001;
Căn cứ Nghị định 22/CP ngày 22/3/1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Vận tải và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Lao động,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế quản lý sát hạch cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ".,

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2002 và thay thế cho Quyết định 2597/1998/QĐ-BGTVT ngày 19/10/1998 của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 3. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ TCCB-LĐ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - vận tải, Cục trưởng Cục đường bộ VN, Giám đốc Sở GTVT, GTCC và Thủ trưởng các Cơ quan, Đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Trần Doãn Thọ

(Đã ký)

 

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ SÁT HẠCH CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4352/QĐ-BGTVT ngày 18 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ GTVT)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

- Bản Quy chế này quy định về quản lý sát hạch cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (SHCGPLX) áp dụng thống nhất đối với các Ban quản lý SHCGPLX, các Trung tâm SHCGPLX và các Cơ sở đào tạo lái xe (ĐTLX) trong phạm vi cả nước.

- Quy định này không áp dụng đối với công tác quản lý SHCGPLX của ngành Công an và Quân đội làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.

Điều 2. Các thuật ngữ

1. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới):

Là các loại xe di chuyển trên đường bộ bằng sức kéo của động cơ do người điều khiển, bao gồm:

Mô tô 2 hoặc 3 bánh, xe máy; xích lô máy, xe lam 3 bánh.

Ô tô các loại: Ô tô con, ô tô tải, ô tô khách, ô tô chuyên dùng, sơ mi rơ moóc.

Máy kéo bánh lốp và các loại cần cẩu bánh lốp tự hành trên đường bộ.

2. Giấy phép lái xe (GPLX):

Là chứng chỉ cấp cho người điều khiển xe cơ giới (người lái xe) để được phép lái một hoặc một số loại xe cơ giới.

3. Thời gian hành nghề lái xe:

Là thời gian người có GPLX đã lái loại xe ghi trong GPLX

4. Lái xe chuyên nghiệp:

Là người lái xe sinh sống bằng nghề lái xe.

5. Lái xe không chuyên nghiệp:

Là người lái xe không sinh sống bằng nghề lái xe.

6. Khái niệm cấp GPLX:

Bao gồm: Cấp mới, đổi, khôi phục và thu hồi GPLX.

Chương 2

HỆ THỐNG GIẤY PHÉP LÁI XE

Điều 3. Phân hạng Giấy phép lái xe

1. Hạng A1: Cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3.

2. Hạng A2: Cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1.

3. Hạng A3: Cấp cho người lái xe để điều khiển các loại môtô 3 bánh, bao gồm cả xe lam, xích lô máy và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1.

4. Hạng A4: Cấp cho người lái xe để điều khiển các loại máy kéo có tải trọng kéo đến 1000 kg.

5. Hạng B1: Cấp cho người lái xe không chuyên nghiệp để điều khiển:

- Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi kể cả chỗ ngồi cho người lái;

- Ô tô tải, kể cả ôtô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;

- Máy kéo kéo 1 rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.

6. Hạng B2: Cấp cho người lái xe chuyên nghiệp để điều khiển:

- Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi kể cả chỗ ngồi cho người lái.

- Ô tô tải, kể cả ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.

- Máy kéo kéo 1 rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.

- Ô tô cần cẩu bánh lốp có sức nâng thiết kế dưới 3.500 kg.

- Các loại xe quy định cho Giấy phép lái xe hạng B1.

7. Hạng C: Cấp cho người lái xe chuyên nghiệp để điều khiển:

- Ô tô tải, kể cả ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên.

- Đầu kéo, máy kéo kéo 1 rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên.

- Ô tô cần cẩu bánh lốp có sức nâng thiết kế từ 3.500 kg trở lên.

- Các loại xe quy định cho GPLX Hạng B1, B2.

8. Hạng D: Cấp cho người lái xe chuyên nghiệp để điều khiển:

- Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi kể cả chỗ ngồi cho lái xe.

- Các loại xe quy định cho GPLX Hạng B1, B2, C.

9. Hạng E: Cấp cho người lái xe chuyên nghiệp để điều khiển

- Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi kể cả chỗ ngồi cho người lái.

- Các loại xe quy định cho GPLX Hạng B1, B2, C, D.

10. Người có GPLX Hạng B1, B2, C, D, E được phép điều khiển các loại xe tương ứng kéo thêm 1 rơ moóc có trọng tải thiết kế không quá 750 kg.

11. Hạng F: Cấp cho người đã có GPLX Hạng B2, C, D, E để điều khiển các loại xe tương ứng có kéo rơ moóc trọng tải thiết kế lớn hơn 750 kg, được quy định cụ thể như sau:

- Hạng FB2: Cấp cho người điều khiển ô tô tải được quy định tại GPLX Hạng B2 có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho GPLX Hạng B1, B2.

- Hạng FC: Cấp cho người điều khiển ô tô được quy định tại GPLX Hạng C có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, FB2.

- Hạng FD: Cấp cho người điều khiển ô tô được quy định tại GPLX Hạng D có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho GPLX Hạng B1, B2, C, D, FB2, FC.

- Hạng FE: Cấp cho người điều khiển ô tô được quy định tại GPLX Hạng E có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho GPLX Hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD.

12. Giấy phép cấp cho người điều khiển các loại xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ có văn bản quy định riêng.

13. Giấy phép lái xe do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải duyệt mẫu và giao Cục ĐBVN in, phát hành, hướng dẫn và quản lý việc cấp và sử dụng GPLX trong phạm vi cả nước.

Điều 4. Thời hạn của giấy phép lái xe.

1. Hạng A1, A2, A3: không thời hạn

Khi cấp GPLX Hạng A2 cho người điều khiển mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên phải theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng được sử dụng loại xe này.

2. Hạng B1: 5 năm.

3. Hạng A4, B2, C, D, E và Hạng F: 3 năm.

Điều 5. Quản lý và sử dụng giấy phép lái xe

1. Người có GPLX chỉ được lái loại xe quy định ghi trong GPLX.

2. Giấy phép lái xe phải mang theo người khi lái xe.

3. Giấy phép lái xe có thể bị thu hồi có thời hạn hoặc vĩnh viễn theo quy định của Chính phủ.

4. Người có GPLX không chuyên nghiệp muốn lái xe chuyên nghiệp và người có nhu cầu nâng hạng GPLX phải dự khoá bổ túc và sát hạch để được cấp GPLX mới.

5. 30 ngày trước khi GPLX hết hạn, người có GPLX phải làm đơn xin đổi kèm theo Giấy chứng nhận sức khoẻ theo quy định, gửi đến cơ quan có thẩm quyền để xin cấp lại.

6. Khi đổi hoặc nâng hạng GPLX thì cơ quan cấp GPLX mới cắt góc GPLX cũ và giao cho người lái xe lưu giữ.

7. Trường hợp người có GPLX chuyển vùng từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, cơ quan cấp GPLX nơi người lái xe chuyển đến làm thủ tục ghi nhận để theo dõi quản lý. GPLX chuyển đến được tiếp tục sử dụng.

8. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam hoặc người nước ngoài lái xe đăng ký ở nước ngoài vào Việt Nam có giấy phép lái xe (hoặc bằng) quốc tế hay quốc gia, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam phải làm thủ tục xin đổi GPLX tương ứng của Việt Nam. Trong trường hợp các Điều ước quốc tế về GPLX Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia có quy định khác quy chế này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

9. Giấy phép lái xe Hạng A1, A2 do ngành Công an cấp trước ngày 1/8/1995, bằng lái xe và GPLX do ngành Giao thông vận tải cấp trước ngày 1/1/2002 vẫn có hiệu lực sử dụng theo thời hạn ghi trên GPLX hoặc bằng lái xe.

Chương 3

SÁT HẠCH VÀ CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE

Điều 6. Tổ chức, nội dung và quy trình sát hạch cấp GPLX.

1. Việc sát hạch để cấp GPLX ô tô phải thực hiện tại các Trung tâm sát hạch cấp GPLX (sau đây gọi là Trung tâm sát hạch).

2. Giao Cục đường bộ Việt Nam quy định nội dung và quy trình sát hạch lái xe.

Điều 7. Điều kiện để được sát hạch cấp GPLX

1. Đối với người dự sát hạch cấp GPLX lần đầu:

a. Người Việt Nam xuất trình Giấy chứng minh nhân dân; người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

b. Có tuổi đời và đủ sức khỏe theo quy định tại Điều 55 Luật Giao thông đường bộ.

c. Đã tốt nghiệp khoá đào tạo lái xe theo chương trình quy định tại cơ sở đào tạo lái xe.

d. Nộp đủ hồ sơ theo quy định.

2. Đối với người dự sát hạch nâng hạn GPLX

a. Người dự sát hạch nâng hạng GPLX ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 7 còn phải có thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn theo GPLX hiện có như sau:

- Đối với người dự sát hạch nâng hạng GPLX kế tiếp (từ hạng B1 lên Hạng B2, Hạng B2 lên Hạng C, Hạng C lên Hạng D, Hạng D lên Hạng E, và từ các hạng GPLX lên hạng F tương ứng) phải có thời gian đủ 1 năm và phải có 25.000 km lái xe an toàn.

- Đối với người dự sát hạch nâng hạng GPLX vượt một hạng (từ Hạng B2 lên Hạng D, Hạng C lên Hạng E) phải có thâm niên đủ 2 năm và phải có 50.000 km lái xe an toàn.

b. Thủ trưởng đơn vị, cơ quan, tổ chức xác nhận thâm niên và số km lái xe an toàn cho người lái xe và chịu trách nhiệm về sự xác nhận của mình. Trường hợp người lái xe chính là chủ xe hoặc xe của hộ gia đình thì có bản cam kết đảm bảo đủ thâm niên và số km lái xe an toàn. Riêng GPLX Hạng B1 xin bổ túc lên Hạng B2 do người lái xe tự khai và chịu trách nhiệm, không phải xin xác nhận thâm niên và số km lái xe an toàn.

3. Đối với thí sinh vắng mặt hoặc trượt kỳ sát hạch trước liền kề phải có thêm biên bản xác nhận của Hội đồng sát hạch hoặc Tổ sát hạch kỳ trước.

Điều 8. Trung tâm sát hạch cấp Giấy phép lái xe (Trung tâm sát hạch)

1. Trung tâm sát hạch được phân loại như sau:

- Trung tâm sát hạch loại 1: Sát hạch cấp GPLX tất cả các hạng.

- Trung tâm sát hạch loại 2: Sát hạch cấp GPLX đến hạng C.

- Trung tâm sát hạch loại 3: Sát hạch cấp GPLX các hạng từ A1 đến A4.

2. Trung tâm sát hạch là đơn vị sự nghiệp có thu, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại kho bạc và ngân hàng.

3. Trách nhiệm Trung tâm sát hạch:

- Bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện và thiết bị kiểm tra chấm điểm theo quy định để thực hiện các kỳ sát hạch đạt kết quả khách quan, chính xác.

- Phối hợp và tạo mọi điều kiện để các Cơ sở ĐTLX đưa học viên đến ôn luyện và các Hội đồng sát hạch tổ chức sát hạch thuận tiện, đúng kế hoạch.

- Xây dựng kế hoạch thu, chi hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

- Thực hiện các dịch vụ phục vụ cho hoạt động của Trung tâm sát hạch.

- Đảm bảo an toàn cho các kỳ sát hạch lái xe.

- Lưu giữ hồ sơ sát hạch theo quy định.

4. Trung tâm sát hạch được nối mạng thông tin quản lý với các cơ quan quản lý sát hạch và các cơ sở đào tạo lái xe.

Điều 9. Cơ quan quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe

1. Cơ quan quản lý sát hạch cấp GPLX (Ban quản lý sát hạch): Là một hệ thống quản lý thống nhất về nghiệp vụ chuyên môn, giúp việc cho Cục trưởng Cục ĐBVN (Ban quản lý sát hạch cấp Cục) và Giám đốc Sở GTVT, GTCC (Ban quản lý sát hạch cấp Sở).

2. Ban quản lý phương tiện và người lái xe của Cục ĐBVN thực hiện chức năng của Ban quản lý sát hạch cấp Cục.

3. Phòng Quản lý phương tiện và Người lái xe của Sở thực hiện chức năng của Ban quản lý sát hạch cấp Sở. Nơi nào chưa có phòng quản lý phương tiện người lái thì Giám đốc Sở giao cho một phòng nghiệp vụ thực hiện chức năng của Ban quản lý sát hạch cấp Sở.

Điều 10. Nhiệm vụ của Ban quản lý sát hạch cấp Cục

1. Nghiên cứu xây dựng hệ thống các văn bản pháp quy về SHCGPLX để Cục trưởng Cục ĐBVN ký ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Bộ trưởng Bộ GTVT ký ban hành và tham mưu cho Cục trưởng Cục ĐBVN chỉ đạo thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

2. Nghiên cứu hệ thống biểu mẫu, sổ sách quản lý nghiệp vụ và các ấn chỉ chuyên ngành phục vụ tổ chức và quản lý công tác SHCGPLX, trình cấp có thẩm quyền ký ban hành áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.

3. Tổ chức nghiên cứu chương trình ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiệp vụ tổ chức, quản lý công tác SHCGPLX; Thiết lập hệ mạng thông tin kết nối Ban quản lý sát hạch cấp Cục với các Trung tâm sát hạch và các Ban quản lý sát hạch cấp Sở.

4. Tham mưu cho Cục trưởng Cục ĐBVN:

- Chỉ đạo về nghiệp vụ, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động của các Trung tâm sát hạch theo quy định.

- Hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp vụ đối với Ban quản lý sát hạch cấp Sở.

- Xây dựng kế hoạch nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng và trực tiếp quản lý đội ngũ sát hạch viên thuộc Ban quản lý sát hạch Cục.

- Tổ chức sát hạch cấp GPLX đối với học viên tại các cơ sở đào tạo lái xe được Bộ GTVT giao Cục ĐBVN quản lý.

- Xây dựng chương trình, chỉ đạo, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ sát hạch lái xe trong cả nước.

5. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan SHCGPLX do Cục trưởng Cục ĐBVN phân công.

Điều 11. Nhiệm vụ của Ban quản lý sát hạch cấp Sở

1. Tham mưu cho Giám đốc Sở GTVT, GTCC trong việc

- Tổ chức thực hiện các quy định và hướng dẫn về nghiệp vụ SHCGPLX của Bộ GTVT và Cục ĐBVN.

- Xây dựng kế hoạch nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng và trực tiếp quản lý đội ngũ sát hạch viên thuộc Ban quản lý sát hạch cấp Sở.

- Xây dựng Trung tâm sát hạch ở địa phương.

- Trực tiếp quản lý và chỉ đạo hoạt động của Trung tâm sát hạch thuộc địa phương.

- Triển khai nối mạng thông tin với Trung tâm sát hạch và với CĐBVN.

- Tổ chức các kỳ sát hạch đối với học viên học tại các cơ sở đào tạo do Sở quản lý. Trường hợp việc sát hạch được tổ chức tại Trung tâm sát hạch không thuộc quyền quản lý trực tiếp thì Ban quản lý sát hạch cấp Sở chủ động liên hệ với Trung tâm sát hạch phù hợp để tổ chức kỳ sát hạch.

2. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan SHCGPLX do Giám đốc Sở GTVT, GTCC phân công.

Điều 12. Trình tự tổ chức kỳ sát hạch cấp GPLX

1. Công tác chuẩn bị:

a. Đối với kỳ SHCGPLX hạng A1, A2:

Ban quản lý sát hạch có nhiệm vụ:

- Tiếp nhận danh sách học viên đề nghị sát hạch

- Rà soát danh sách thí sinh dự sát hạch theo quy định tại Điều 7 nói trên.

- Làm văn bản trình Cục trưởng Cục ĐBVN hoặc Giám đốc Sở GTVT, GTCC duyệt và ra quyết định tổ chức kỳ sát hạch; thành lập Tổ sát hạch.

b. Đối với kỳ SHCGPLX các hạng A3, A4, B1, B2, C, D, E, F.

Ban quản lý sát hạch:

- Tiếp nhận báo cáo danh sách học viên, dự kiến lịch sát hạch và thông báo cho cơ sở đào tạo.

- Rà soát danh sách thí sinh dự sát hạch theo quy định tại Điều 7 nói trên.

- Làm văn bản trình Cục Trưởng Cục ĐBVN hoặc Giám đốc Sở GTVT, GTCC duyệt và ra quyết định tổ chức kỳ sát hạch, thành lập Hội đồng sát hạch và tổ sát hạch.

2. Tổ chức kỳ sát hạch:

- Ban quản lý sát hạch chỉ đạo Hội đồng sát hạch và Tổ sát hạch tổ chức kỳ sát hạch theo nội dung và quy trình sát hạch do Cục ĐBVN quy định.

- Kết thúc kỳ sát hạch, thí sinh không đạt yêu cầu được sát hạch lại một lần đối với các môn chưa đạt, do cùng một Ban quản lý sát hạch tổ chức. Nếu sát hạch lại vẫn không đạt thì kết quả của lần sát hạch trước không còn giá trị.

3. Công nhận kết quả sát hạch:

Ban quản lý sát hạch có nhiệm vụ:

- Rà soát và tổng hợp kết quả kỳ sát hạch.

- Làm văn bản trình Cục trưởng Cục ĐBVN hoặc Giám đốc Sở GTVT, GTCC ra quyết định công nhận trúng tuyển và cấp GPLX cho thí sinh trúng tuyển chậm nhất sau 15 ngày khi có quyết định trúng tuyển.

Điều 13. Hội đồng sát hạch cấp giấy phép lái xe

1. Hội đồng sát hạch:

- Hội đồng sát hạch do Cục trưởng Cục ĐBVN hoặc Giám đốc Sở GTVT, GTCC thành lập.

- Hội đồng làm việc theo nguyên tắc đa số, kết luận của Hội đồng sát hạch có giá trị khi có ít nhất 4/5 số thành viên tham gia.

- Kết thúc kỳ sát hạch Hội đồng sát hạch tự giải thể.

2. Thành phần của Hội đồng sát hạch

a. Chủ tịch Hội đồng: Đại diện Ban quản lý sát hạch hoặc người được Cục trưởng Cục ĐBVN hoặc Giám đốc Sở GTVT, GTCC uỷ quyền.

b. Phó Chủ tịch Hội đồng:

- Thủ trưởng cơ sở đào tạo lái xe

- Giám đốc Trung tâm sát hạch

c. Uỷ viên thường trực: Tổ trưởng Tổ sát hạch

d. Uỷ viên thư ký: Trưởng phòng (Ban) đào tạo của cơ sở đào tạo lái xe.

3. Nhiệm vụ của Hội đồng sát hạch:

- Chỉ đạo kiểm tra và yêu cầu hoàn thiện các điều kiện tổ chức kỳ sát hạch.

- Phân công và sắp xếp lịch sát hạch.

- Phổ biến, hướng dẫn quy chế, nội quy sát hạch và các quy định cần thiết cho các sát hạch viên.

- Tổ chức kỳ sát hạch theo quy định.

- Lập biên bản xử lý các vi phạm quy chế sát hạch theo quyền hạn được giao và báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

- Tổng hợp kết quả kỳ sát hạch và ký xác nhận biên bản. Gửi lưu trữ các văn bản, tài liệu của kỳ sát hạch tại cơ sở đào tạo, Trung tâm sát hạch lái xe và Ban quản lý sát hạch.

Điều 14. Tổ sát hạch

1.Tổ sát hạch

- Tổ sát hạch do Cục trưởng Cục ĐBVN hoặc Giám đốc Sở GTVT, GTCC thành lập.

- Tổ sát hạch chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng sát hạch. Tổ sát hạch cấp GPLX hạng A1, A2 chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban quản lý sát hạch.

- Kết thúc kỳ sát hạch tổ sát hạch tự giải thể.

2. Thành viên của Tổ sát hạch

Tổ sát hạch gồm tổ trưởng và các sát hạch viên, là người thuộc quyền quản lý của Cục ĐBVN hoặc Sở GTVT, GTCC hoặc Trung tâm sát hạch hoặc cơ sở đào tạo lái xe.

3. Tiêu chuẩn của sát hạch viên

- Có tư cách đạo đức tốt.

- Trình độ văn hoá: tốt nghiệp phổ thông trung học

- Có GPLX tương ứng với hạng xe sát hạch ít nhất 1 năm

- Được tập huấn về nghiệp vụ sát hạch và được Cục trưởng Cục ĐBVN cấp thẻ sát hạch viên

4. Nhiệm vụ của Tổ sát hạch

- Kiểm tra phương tiện, dụng cụ thiết bị chấm điểm, trường thi, phương án bảo vệ và an toàn.

- Phổ biến, kiểm tra thí sinh chấp hành quy định và nội quy sát hạch.

- Sát hạch thí sinh theo nội dung và quy trình quy định.

- Lập biên bản, xử lý các trường hợp vi phạm nội quy theo quyền hạn được giao, hoặc báo cáo để Hội đồng sát hạch giải quyết.

- Chấm thi và tổng hợp kết quả, đánh giá kỳ sát hạch để báo cáo Hội đồng sát hạch hoặc Ban quản lý sát hạch (đối với sát hạch cấp GPLX hạng A1, A2) để giải quyết.

5. Các sát hạch viên chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả chấm thi. Tổ trưởng Tổ sát hạch chịu trách nhiệm chung về kết quả kỳ sát hạch.

6. Sát hạch viên khi thi hành nhiệm vụ phải mặc đồng phục theo quy định.

Điều 15. Hồ sơ xin tham gia sát hạch cấp giấy phép lái xe

- Đơn xin dự sát hạch cấp GPLX

- Giấy chứng nhận sức khoẻ theo quy định

- Chứng chỉ tốt nghiệp khoá đào tạo, bổ túc nâng hạng GPLX (trừ GPLX các hạng A1, A2)

- Đối với nâng hạng GPLX phải có xác nhận về thời gian và km lái xe an toàn.

- Đối với người thi lại phải có biên bản xác nhận kết quả sát hạch trước đó.

Điều 16. Phân cấp về sát hạch cấp GPLX và đổi GPLX

1. Cục ĐBVN

a. Chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ về sát hạch cấp GPLX trong phạm vi toàn quốc.

b. Tổ chức sát hạch cấp GPLX cho học viên học tại các cơ sở đào tạo do Cục quản lý.

c. Đổi GPLX cho người lái xe thuộc các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước, đoàn thể và các tổ chức quốc tế, ngoại giao đóng tại Hà Nội.

2. Sở Giao thông vận tải, GTCC

Tổ chức thực hiện các công việc về sát hạch cấp GPLX trong phạm vi địa phương trừ các đối tượng quy định tại khoản 1 điều này.

Điều 17. Báo cáo về công tác sát hạch cấp GPLX

Hàng năm, vào tháng 1 và tháng 7, các cơ sở GTVT, GTCC sơ, tổng kết công tác sát hạch cấp GPLX của địa phương báo cáo về Cục ĐBVN để tổng hợp, báo cáo Bộ GTVT.

Điều 18. Thanh tra, kiểm tra công tác sát hạch cấp GPLX

1. Giao Vụ Tổ chức cán bộ và Lao động và Thanh tra Bộ, chủ trì và phối hợp các cơ quan hữu quan tổ chức đoàn thanh tra công tác sát hạch cấp GPLX toàn quốc 2 năm 1 lần.

2. Cục trưởng Cục ĐBVN, Giám đốc các Sở GTVT, GTCC chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức và thường xuyên kiểm tra các hoạt động về sát hạch cấp GPLX trong phạm vi được phân công.

3. Việc thanh tra, kiểm tra công tác sát hạch cấp GPLX phải tuân theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra. Trường hợp phát hiện có sai phạm trong công tác sát hạch cấp GPLX Cục trưởng Cục ĐBVN, Giám đốc Sở GTVT, GTCC kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương 4